Chim ’siêu mẫu’ di cư về Con Cuông
Những ngày gần đây, đàn chim cà kheo cánh đen di cư về vùng Bãi Gạo (xã Châu Khê, Con Cuông) trú ngụ.
Chim cà kheo cánh đen (hay còn gọi là chim “siêu mẫu”) có vẻ ngoài khá bắt mắt. Ảnh: Minh họa
Đàn chim có khoảng 100 con. Chim này còn được ví là chim “siêu mẫu” vì có đôi chân rất dài 17-24cm (chiếm tới 60% chiều cao của toàn bộ cơ thể). Loài chim này có vẻ ngoài khá ấn tượng với mỏ đen dài, đầu và bụng trắng, cánh đen, đôi chân siêu dài đỏ hồng nổi bật.
Chim cà kheo sống ở đầm lầy, bãi bồi tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Anh, Australia, Mỹ… Năm nay, chúng di cư về xã Châu Khê (Con Cuông). Hiện chúng trú ngụ và tìm thức ăn ở các bờ đập trên địa bàn xã. Thức ăn của chúng là động vật không xương sống dưới nước, thường là động vật giáp xác, động vật chân đốt, các nhuyễn thể những con cá nhỏ hay nòng nọc…
Khoảng 100 con chim đậu ở đập khe Hiềng (bản Bãi Gạo). Ảnh: CSCC
Video đang HOT
Anh Thái Đăng Tiến, bản khe Choăng (xã Châu Khê) cho biết: “Loài chim này rất đẹp và rất lạ. Khoảng 3 ngày nay, chúng di cư về đây. Người dân khá hiếu kỳ nên thường ra bờ đập xem. Rất tiếc có nhiều người lại đặt bẫy, săn bắt chim nên khiến chúng hoảng loạn, di chuyển khắp các đập trong xã”.
Trước tình trạng này, chính quyền xã Châu Khê cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đặt bẫy, săn bắn loại chim này.
Một con chim cà kheo cánh đen dính bẫy, bị thương nặng. Ảnh: CSCC
Ông Kha Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: “Đây không phải lần đầu loại chim này di cư về đây song lần này có số lượng lớn nhất. “Đất lành chim đậu”, và đây là loại chim không nằm trong danh sách cần bảo vệ nhưng chúng tôi giao công an tuyên truyền, khuyến cáo người dân không săn bắt, bẫy chim”.
Các loài chim cũng bỏ nhau vì kẻ thứ ba
Giống như con người, các loài chim cũng bỏ bạn tình vì kẻ thứ ba và thời gian xa cách kéo dài.
Người ta cho rằng hơn 90% các loài chim có duy nhất một bạn tình trong mỗi mùa sinh sản, nếu không phải là lâu hơn thế.
Tuy nhiên, một số loài chim có kiểu quan hệ một bạn tình tại một thời điểm sẽ tìm bạn tình mới trong các mùa sinh sản sau, ngay cả khi bạn tình cũ vẫn còn sống.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm hiểu những yếu tố có thể liên quan đến việc rời bỏ bạn tình, nhưng mới chỉ tập trung vào từng loài hoặc nhóm các loài.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Đức đã phân tích số liệu có sẵn về tỉ lệ bỏ bạn tình ở 232 loài chim, trong đó có xét tới tỉ lệ tử vong và khoảng cách di cư. Họ cũng đánh giá mức độ "đa tình" ở chim trống và chim mái thuộc mỗi loài dựa vào những thông tin đã công bố về hành vi của chúng. Ngoài ra, họ còn phân tích số liệu liên quan đến mối quan hệ tiến hóa giữa các loài chim để kiểm soát ảnh hưởng của việc có chung tổ tiên.
Kết quả, những loài có tỉ lệ bỏ nhau cao thường có quan hệ gần gũi với nhau, xu hướng này cũng xuất hiện ở những loài có tỉ lệ bỏ nhau thấp. Tỷ lệ bỏ nhau cũng tương ứng với mức độ trăng hoa ở chim trống (nhưng không đúng với chim mái).
Ví dụ, choi choi, chim én, chim nhạn, vàng anh và chim két thể hiện tỉ lệ bỏ nhau lẫn mức độ đa tình cao ở chim trống. Trong khi đó, hải âu, hải âu lớn, ngỗng và thiên nga thể hiện tỉ lệ bỏ nhau và mức độ đa tình thấp ở chim trống.
Các đôi chim cũng bỏ nhau như người. Ảnh: scitechdaily
Theo các nhà nghiên cứu, khi chim trống có thói trăng hoa, mức độ cam kết của nó bị coi là giảm đi, vì mối quan tâm và nguồn lực của nó bị chia cho nhiều chim mái. Điều này có thể khiến nó không còn là một bạn tình lí tưởng nữa, làm tăng khả năng bỏ nhau ở mùa sinh sản tiếp theo. Do vậy, tỉ lệ bỏ nhau có thể tăng trong trường hợp chim trống có nhiều cơ hội trăng hoa hơn. Và khi một chim trống kết đôi với nhiều chim mái thì khả năng sinh sản của nó cũng có thể tăng.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng những loài di cư xa hơn có tỉ lệ bỏ nhau cao hơn. Một đôi chim có thể sẽ đến địa điểm di cư vào các thời điểm khác nhau, dẫn đến tình trạng con đến trước có thể kết đôi với bạn tình khác. Việc di cư cũng có thể làm đôi chim đến các địa điểm khác nhau, dẫn đến chúng tình cờ bị chia cách.
Quãng đường di cư càng xa, tác động này càng rõ. Những cuộc di cư dài thường thu ngắn khoảng thời gian các con chim có thể phối giống. Do đó, bỏ nhau giúp chúng có thể phối giống ngay sau khi đến nơi mà không phải đợi bạn tình cũ.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện mối quan hệ giữa tỉ lệ tử vong, khoảng cách di cư và mức độ trăng hoa ở chim trống, cho thấy những ảnh hưởng gián tiếp đến việc bỏ bạn tình.
Kết quả cho thấy việc các loài chim bỏ bạn tình không chỉ là một chiến lược để tăng khả năng sinh sản của mỗi cá thể hay là cách phản ứng với các yếu tố sinh thái như di cư, mà đây có thể là hệ quả của sự tương tác giữa cả hai yếu tố trên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Hạn hán khiến hồ nước ngọt khô cạn, công trình gần 500 năm tuổi lộ ra hoàn toàn Công trình từ thế kỷ 16 chìm dưới đáy hồ nước ngọt đã lộ ra hoàn toàn sau đợt hạn hán nghiêm trọng ở Mexico. Công trình này là nhà thờ Apostle Santiago nằm ở Quechula, thuộc bang Chiapas của phía nam Mexico. Nhà thờ này gần như bị chìm hoàn toàn kể từ năm 1966 khi một đập thủy điện được xây...