Chiêu trò né thuế hàng tỷ USD của Apple, Facebook, Google và Amazon
Từ năm 2007 đến 2015, số tiền thuế Apple đóng tại Mỹ chỉ bằng 17% lợi nhuận. Riêng năm 2016, ở các nước khác, “Táo khuyết” chỉ đóng thuế tương đương chưa đến 5% lợi nhuận.
Ngày 9/6, các lãnh đạo tài chính của khối G20 đồng ý soạn thảo bộ quy tắc chung để ngăn ngừa những “lỗ hổng” mà các đại gia công nghệ toàn cầu đang lợi dụng để né thuế.
Năm 2012, khi những vụ lùm xùm né thuế của Apple, Amazon và Google bùng lên, G20 đã bắt đầu hành động. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng được kêu gọi cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp quốc tế.
Ba năm sau, OECD đưa ra gói cải cách có tên “Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận” (BEPS). Đến nay, có 125 quốc gia tham gia cải cách, tạo thành diễn đàn hợp tác chung với tên gọi “Inclusive Framework”. Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 100 của diễn đàn này từ tháng 7/2017.
Apple của CEO Tim Cook đạt lợi nhuận “khủng” nhưng đóng thuế ít. Ảnh: WSJ.
Tuy nhiên, đề án chỉ bao gồm việc rà soát lại quy định thuế của các quốc gia thành viên, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại, cũng như lập hồ sơ giá thị trường và minh bạch hóa các báo cáo liên quốc gia.
Theo National Interest, những hành động này chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Hầu hết doanh nghiệp vẫn tiếp tục chuyển lợi nhuận đến bất cứ đâu họ muốn và lợi dụng các “thiên đường thuế”.
Thuế suất thực tế quá thấp hoặc bằng 0
Theo phân tích của Công ty tư vấn tài chính Standard & Poor’s, trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, thuế suất thực tế (tỷ lệ thuế đóng trên lợi nhuận) chi trả tại Mỹ của 500 công ty có giá trị cao nhất là 27%.
Tuy nhiên, Apple chỉ đóng thuế bằng 17% lợi nhuận, Alphabet (công ty mẹ của Google) trả 16%, Amazon trả 13%. Con số này ở Facebook thậm chí còn thấp hơn, chỉ vỏn vẹn 3,8%.
Năm 2017, lợi nhuận tại Mỹ của Amazon là hơn 5,6 tỷ USD, nhưng công ty này hầu như không trả một đồng thuế liên bang nào, một phần nhờ khoản khấu trừ lớn khi phát hành cổ phiếu cho nhân viên.
Video đang HOT
Thậm chí ở các nước khác, sự chênh lệch giữa lợi nhuận và thuế còn lớn hơn. Năm 2016, Apple trả 2 tỷ USD tiền thuế trong khi kiếm được 41 tỷ USD lợi nhuận, thuế suất thực tế chỉ khoảng 4,8%.
Năm 2018, báo cáo của Viện nghiên cứu Taxwatch phơi bày rõ thực tế đóng thuế của các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Anh. Theo báo cáo này, tổng lợi nhuận tại Anh của Facebook, Google, Apple, Microsoft và Cisco trong năm tài chính 2017-2018 là hơn 6,6 tỷ bảng Anh, nhưng các doanh nghiệp này chỉ đóng tổng cộng 191 triệu bảng tiền thuế.
Năm 2017, Amazon của tỷ phú Jeff Bezos hầu như không trả một đồng thuế liên bang nào tại Mỹ. Ảnh: Fortune.
Cũng trong năm này, Airbnb trả 600.000 bảng Anh thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi nhánh của Amazon tại Anh cũng chỉ trả 1,7 triệu bảng tiền thuế, dù lợi nhuận được công bố là 72 triệu bảng.
Các công ty này đều khẳng định luôn tuân thủ pháp luật và nộp thuế đúng hạn. Nhưng một báo cáo năm 2017 của Ủy ban châu Âu (EC) chỉ ra rằng số tiền thuế mà các công ty công nghệ nộp cho chính phủ các nước châu Âu chưa bằng một nửa các công ty truyền thống. Điều này càng khiến các chính phủ và doanh nghiệp khác bức xúc.
The Guardian nhận định: “Các đại gia công nghệ lớn đang định hình lại xã hội và nền kinh tế toàn cầu, nhưng những đóng góp ít ỏi của họ chưa đủ để giúp các chính phủ thích nghi”.
Tránh thuế hợp pháp tại các “thiên đường thuế”
Thực tế, những ông lớn công nghệ này đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia nhằm tránh nhiều khoản thuế khổng lồ một cách hợp pháp.
Chiến lược tránh thuế của họ là thực hiện những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con nhằm chuyển thu nhập đến các quốc gia có mức thuế thấp và chuyển chi phí đến các quốc gia có mức thuế cao. Chuyển giá (transfer pricing) cũng giúp ích không nhỏ đến quá trình này.
Theo nguồn tin của Medium, Uber có 10 chi nhánh tại Hà Lan, tất cả đều đặt tại một tòa nhà văn phòng nhỏ ở trung tâm Amsterdam. Chỉ một công ty trong đó, Uber B.V. thực sự có nhân viên, các chi nhánh còn lại chỉ là công ty vỏ bọc, thậm chí còn không có trang thiết bị hay nội thất văn phòng.
Tất cả các giao dịch đặt xe tại Uber đều được chuyển trực tiếp đến tài khoản công ty Uber B.V. bất kể giao dịch diễn ra tại quốc gia nào. Sau đó, Uber B.V. lại chuyển tiền về công ty Uber International C.V. (cũng đặt tại Hà Lan) dưới hình thức phí nhượng quyền theo thỏa thuận nhượng quyền tài sản sở hữu trí tuệ giữa 2 công ty này, sau khi giữ lại một số tiền nhỏ để duy trì hoạt động.
Nhờ đó, Uber tiết kiệm được khoản thuế lớn, bởi Uber B.V. không thu về nhiều “lợi nhuận”, còn phí nhượng quyền mà Uber International C.V. nhận được lại không được tính thuế theo quy định của chính phủ Hà Lan.
Uber tiết kiệm được các khoản thuế lớn nhờ nhiều công ty vỏ bọc trong những năm qua. Ảnh: Medium.
Chiến lược sử dụng 2 công ty với một thỏa thuận nhượng quyền như thế được gọi là “ Double Dutch”, “Double Irish”, hoặc “Dutch Sandwich”, hoàn toàn hợp pháp và rất phổ biến trong các công ty như Starbucks, Google, Facebook, Apple, Microsoft, Ikea và Amazon suốt nhiều năm qua.
Hồ sơ tại Hà Lan của Alphabet cho thấy Google đã tiết kiệm được 3,6 tỷ USD thuế trên toàn cầu năm 2015 bằng cách chuyển 14,9 tỷ euro (tương đương 15,5 tỷ USD) đến một công ty vỏ bọc ở Bermuda. Năm 2017, theo các tài liệu tài chính mà tờ FD (Hà Lan) có được, Google cũng làm tương tự với số tiền gần 20 tỷ euro (tương đương gần 23 tỷ USD).
Trong khi đó, Facebook chuyển hơn 700 triệu USD tới Cayman Islands, một “thiên đường thuế” khác ở khu vực Caribbean. Theo Bloomberg, nếu chính phủ Ireland buộc phải thu lại tiền thuế từ Apple, công ty này sẽ đối mặt với khoản nợ 19 tỷ USD trong trường hợp xấu nhất.
Hiện tại, những “thiên đường thuế” thường được các hãng công nghệ lớn lợi dụng là Bermuda và đảo Cayman (thuế thu nhập doanh nghiệp 0%). Đặc biệt, Ireland cũng là quốc gia thu hút những công ty này bởi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 12,5%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, Ireland còn không tính thuế trên phí nhượng quyền các tài sản sở hữu trí tuệ trong vòng 15 năm đầu tiên hoặc vòng đời hữu ích của tài sản, tín dụng thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng lên tới 25%, hoàn toàn phù hợp với mô hình hoạt động của các công ty công nghệ.
Bởi những cơ chế này, G20 đang xem xét 2 hướng giải quyết để “vá lỗ hổng” trong các quy định thuế. Một giao dịch sẽ được đánh thuế dựa trên nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngay cả khi các công ty không có văn phòng ở đó.
G20 đang xem xét 2 hướng giải quyết để “vá lỗ hổng” trong các quy định thuế. Ảnh: Quartz.
Tuy nhiên, nếu những công ty này vẫn có thể chuyển lợi nhuận tới các nước có mức thuế thấp, các quốc gia sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu. Những động thái này nằm trong một loạt hành động của các chính phủ, tiêu biểu là Mỹ, trước sự bành trướng của các hãng công nghệ.
Trước đó, đầu tháng 6, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố điều tra Apple và Google vì hành vi độc quyền, kìm hãm sự cạnh tranh và hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng.
Trong khi đó, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cũng chịu trách nhiệm điều tra Facebook và Amazon. Điều này đã khiến cổ phiếu Facebook sụt 7%, Google hạ 6%, Amazon 4,6% và Apple 1% hôm 3/6.
Ngày 4/6, trong hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), Uber cho biết hãng đang bị Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) điều tra các hóa đơn tính thuế năm 2013, 2014 và các vấn đề khác liên quan đến thuế tại nhiều bang của Mỹ và các nước khác.
Tài sản của các nhà sáng lập Google, Facebook và Amazon giảm tổng cộng hơn 16 tỷ USD sau khi có tin các hãng công nghệ này bị chính phủ Mỹ điều tra về hành vi độc quyền.
Theo news.zing.vn
Có nên tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khỏi Bộ Tài chính?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên tách ra độc lập để trực tiếp thuộc Chính phủ hay giữ nguyên như mô hình hiện nay là thuộc Bộ Tài chính.
Đây là một trong những nội dung được đề cập nhiều nhất trong phiên họp chiều 13/6 của Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Ảnh minh họa.
Phía đồng thuận tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh, mạnh về quy mô và chất lượng nên cần độc lập, tự chủ để giảm các khâu trung gian kịp thời xử lý các vấn đề, tách khỏi quản lý hành chính để đảm bảo tính thị trường. Trong khi đó, các đại biểu có quan điểm duy trì mô hình như hiện nay cho rằng cần đảm bảo sự ổn định, quản lý nhất quán, tránh tạo ra thêm các đầu mối, ảnh hưởng ngân sách nhà nước.
Các đại biểu cũng bàn đến câu chuyện làm thế nào để chứng khoán thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho thị trường, bởi vốn tín dụng ngân hàng hiện vẫn lên đến 130% GDP, tuy nhiên, dòng vốn tín dụng lại có tỷ trọng lớn là vốn ngắn hạn. Đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường được đánh giá là một giải pháp.
Theo vtv.vn
Giới nhà giàu Trung Quốc chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài để 'né' thuế Giới nhà giàu Trung Quốc đang "đau đầu" với chuyện đóng thuế cho khối tài sản khổng lồ của mình. Một số người tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài để "né" thuế. Tháng 10/2018, Tổng cục Thuế Trung Quốc đã điều tra về thuế với ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng và kết luận cô phải nộp bổ sung. Cộng thêm...