Chiến tranh Trung-Ấn – kịch bản nguy hiểm nhưng xa vời
Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra chiến tranh vì căng thẳng ở biên giới song đây là một kịch bản xa vời.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu căng thẳng một tháng qua tại biên giới. Ảnh: AP.
Trung Quốc và Ấn Độ đang trải qua hơn một tháng căng thẳng. Giới chức đôi bên thậm chí đề cập đến khả năng dẫn tới xung đột có thể đẫm máu hơn cả cuộc chiến tranh năm 1962 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tranh chấp bùng lên hồi tháng 6, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đường trên cao nguyên Doklam thuộc Bhutan. Sau khi phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ vượt qua ranh giới mà hai nước đã nhất trí, phân chia vùng Tây Tạng, phía tây Trung Quốc, với bang Sikkim, phía đông Ấn Độ. Trung Quốc chỉ công nhận Sikkim thuộc về Ấn Độ năm 2003. Ngược lại, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm an ninh Ấn Độ và nước láng giềng Bhutan khi mở rộng hạ tầng cơ sở gần biên giới. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều từ chối nhượng bộ.
Tờ Global Times, phụ san của People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 17/7 tuyên bố Trung Quốc không sợ “chiến tranh” với Ấn Độ và sẵn sàng đối đầu lâu dài. Quân đội Trung Quốc tuần trước tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 11 giờ tại một khu vực gần biên giới Ấn Độ. Các động thái quân sự từ Bắc Kinh làm gia tăng lo ngại tình hình có thể tiếp tục leo thang.
Cây bút Benedict Brook từ News.com.au cho rằng không thể loại trừ “khả năng chiến tranh” và nó đặc biệt nguy hiểm bởi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Ấn Độ được cho là nắm giữ 100 đầu đạn hạt nhân trong khi con số này của Trung Quốc là 250.
Hậu quả nghiêm trọng
Vị trí cao nguyên Doklam. Đồ họa: BBC.
Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vẫn thường xuyên nổ ra tranh chấp tại những nơi tiếp giáp đường biên giới dài gần 4.000 km giữa hai nước và chưa được phân định rõ ràng. Khó tiệp cận và nguy hiểm, rất ít người sinh sống ở các khu vực kể trên. Nhưng bất kể động thái nào gây ảnh hưởng đến chúng, ví dụ như xây đường hay công trình, đều tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Căng thẳng hiện nay bùng phát gần nơi mà Ấn Độ gọi là “cổ gà”, dải đất nhỏ đóng vai trò đường kết nối trực tiếp duy nhất đến vùng đất bị chia cắt phía đông bắc nước này, đồng thời phía bắc tiếp giáp Trung Quốc.
Video đang HOT
Trung Quốc đầu tháng 6 khởi công xây dựng một con đường mới dẫn tới cao nguyên Doklam đang tranh chấp với Bhutan. Nó tiếp xúc vùng “cổ gà” tại cái gọi là “ngã ba” nơi Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan giao nhau.
“Việc không thể phân định ranh giới biên giới Trung Quốc – Ấn Độ đã dẫn tới những nhận thức chồng chéo về nơi đặt cái gọi là Đường Kiểm soát Thực tế, ẩn chứa nguy cơ các lực lượng tuần tra biên giới của mỗi bên đụng độ nhau và xảy ra giao tranh”, Tsering Topgyal, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Birmingham, nhận xét.
Báo Times of India ngày 11/7 đưa tin khoảng 300 – 400 binh sĩ Ấn Độ đã “mặt đối mặt với” lính Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp. New Delhi vừa điều động thêm 2.500 binh sĩ tới đóng quân tại Sikkim, tỉnh nằm sát “ngã ba”.
Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Luo Zhaohui gọi tình hình căng thẳng đang “vô cùng nghiêm trọng”. Ông đồng thời yêu cầu binh sĩ Ấn Độ “rút lui vô điều kiện”.
“Ấn Độ, bên tự nhận mình là ‘đồng minh’ với Bhutan, nói họ can thiệp thay mặt cho người láng giềng. Nhưng thực tế là gã khổng lồ Nam Á muốn duy trì và mở rộng quyền bá chủ khu vực”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua viết.
Song New Delhi không vì thế mà nhượng bộ. Bắc Kinh những năm gần đây liên tục mở rộng ảnh hưởng trên tiểu lục địa Ấn Độ, đổ tiền vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.
Theo nhà phân tích hàng hải Abhijit Singh đến từ Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát, Ấn Độ đang ngày càng lo lắng. “Điều này có nghĩa Ấn Độ bằng cách nào đó sẽ bị bao vây bởi các dự án xây dựng Trung Quốc. Họ quan ngại các cảng Trung Quốc về sau có thể được sử dụng để triển khai hải quân”, ông Singh nhận định.
Năm 1962, những tranh chấp tại khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ đã biến thành chiến tranh. Hơn 700 binh sĩ Trung Quốc và 4.000 lính Ấn Độ thiệt mạng trước khi Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng. Xung đột bùng phát từ việc Trung Quốc xây đường tại một khu vực tranh chấp phía tây Kashmir.
Hồi đầu tháng, Global Times dẫn lời các chuyên gia an ninh tại Bắc Kinh nhấn mạnh “chiến tranh có thể nổ ra nếu những xung đột hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ không được giải quyết hợp lý. Trung Quốc sẽ bảo vệ lãnh thổ và biên giới đến cùng”.
Nhưng khi nhắc tới tranh chấp tại vùng “cổ gà”, New Delhi cũng vô cùng cứng rắn. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley từng cảnh báo Trung Quốc: “Tình thế năm 1962 khác và Ấn Độ năm 2017 còn khác hơn”.
Điểm khác biệt chính là Ấn Độ cách đây hơn 5 thập kỷ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Bây giờ, họ có nó trong tay.
Kịch bản xa vời
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản về một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn khá xa vời.
Viết trên tạp chí Diplomat, cây bút Rajeesh Kumar đánh giá Ấn Độ “chưa sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến với Trung Quốc”.
“Trong bất kỳ tình huống nào, chiến tranh với Trung Quốc, dù ngắn hay dài, cũng sẽ mang đến những tác động hủy diệt đối với nền kinh tế vốn đã xáo trộn” ở Ấn Độ, Kumar bình luận.
Theo ông, ngay cả nếu New Delhi giành ưu thế, với sức ảnh hưởng lớn của mình, Bắc Kinh hoàn toàn có thể khiến đối phương không thu được lợi ích gì từ chiến thắng. Vì thế, lựa chọn tốt nhất với Ấn Độ lúc này là chuẩn bị cho chiến tranh nhưng không kích động nó.
Về phía Trung Quốc, những tuyên bố Bắc Kinh đưa ra cho thấy họ dường như đã sẵn sàng chiến tranh với Ấn Độ. Tuy nhiên, Kumar nhận định một cuộc chiến với Ấn Độ sẽ hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc với tư cách cường quốc toàn cầu, mục tiêu mà Bắc Kinh nóng lòng theo đuổi nhưng chưa thành công.
“Vậy nên, cả Trung Quốc và Ấn Độ bây giờ chỉ có một lựa chọn: Ra sức chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu tương đối xa vời”, ông Kumar nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ 'lập tức rút quân vượt biên'
Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ lập tức rút quân khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới nhằm tránh leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu một tháng qua tại biên giới. Ảnh: AP.
"Chúng tôi từng tuyên bố nhiều lần rằng Trung Quốc hy vọng Ấn Độ hiểu tình hình và ngay lập tức rút những binh sĩ vượt biên trái phép về phía biên giới của Ấn Độ", AP hôm nay dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng.
Tuyên bố của ông Lục được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và New Delhi đang trải qua hơn một tháng căng thẳng, khi cả hai bên đều cáo buộc binh sĩ của đối phương xâm nhập lãnh thổ của nhau.
Mặc dù hai nước đã tổ chức họp bàn giữa các quan chức cấp cao, tình hình vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chức hai nước thậm chí còn đang bàn về khả năng xung đột thậm chí đẫm máu hơn chiến tranh năm 1962 làm hàng nghìn người chết.
Quân đội Ấn Độ ngày 10/7 triển khai thêm 2.500 binh sĩ đến khu vực bang Sikkim giáp biên giới Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng ứng phó trong trường hợp xung đột giữa hai bên nổ ra tại cao nguyên Doklam.
Đây được cho là động thái phản ứng với việc Trung Quốc triển khai thêm quân đến Khamba Dzong và các khu vực gần thung lũng Chumbi, nằm giữa Sikkim của Ấn Độ và Bhutan.
Trong khi đó, một lữ đoàn Trung Quốc được trang bị giàn phóng tên lửa, súng máy hạng nặng và pháo cối mới đây tiến hành tập trận tấn công bằng đạn thật vào một địa điểm của kẻ thù ở Tây Tạng, gần biên giới Ấn Độ. Cuộc tập trận còn bao gồm theo dõi và ngắm bắn máy bay kẻ thù.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới dài 3.550 km, được phân cách bởi dãy núi Himalaya và vùng cao nguyên Tây Tạng. Hai khu vực ngày nay vẫn là điểm nóng trong quan hệ hai nước là Aksai Chin ở tụ điểm của biên giới ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc và Arunachal Pradesh, ở sát biên giới đông bắc của Ấn Độ.
Aksai Chin hiện thuộc quyền quản lý của Trung Quốc nhưng Ấn Độ coi như thuộc về mình. Ngược lại, Arunachal Pradesh là một tiểu bang của Ấn Độ nhưng Trung Quốc lại coi là thuộc về Tây Tạng và đòi Ấn Độ trả lại.
Vị trí cao nguyên Doklam. Đồ họa: BBC.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Mỹ quan ngại về đối đầu biên giới Trung - Ấn Mỹ kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ phối hợp để dàn xếp hoà bình khi đối đầu ở biên giới kéo dài hơn một tháng qua. Một phòng họp dành cho các chỉ huy quân sự Trung Quốc và Ấn Độ, tại biên giới giữa hai nước, phía lãnh thổ Ấn Độ ở Arunachal Pradesh năm 2009. Ảnh: Reuters. "Tôi biết Mỹ...