Chiến tranh thương mại phủ bóng, chứng khoán Mỹ không tăng nổi
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, dù đi lên vào đầu phiên. Khả năng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư ngại mua cổ phiếu phiên này.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters
Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “chưa sẵn sàng” đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, dù ông vẫn lạc quan rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt thỏa thuận trong tương lai. Cuộc chiến thuế quan dai dẳng giữa hai nước đã làm gia tăng mối lo rằng xung đột sẽ dẫn tới sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
“Thị trường đã trụ khá vững vào đầu phiên, nhưng rồi lại yếu đi vào cuối phiên”, hãng tin Reuters dẫn lời chiến lược gia cao cấp Ryan Detrick thuộc LPL Financial nhận xét. “Rõ ràng, mối lo lớn nhất của thị trường lúc này là vấn đề thương mại”.
Dữ liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng trong tháng 5, nhờ các hộ gia đình trở nên lạc quan hơn về thị trường việc làm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng số liệu này chưa phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Tình hình bấp bênh đã khuyến khích nhà đầu tư mua vào những tài sản có độ an toàn cao, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017.
Video đang HOT
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, duy chỉ có nhóm dịch vụ truyền thông chốt phiên trong trạng thái tăng.
Chỉ số S&P 500, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, hiện đã giảm gần 5% kể từ mức điểm đóng cửa cao kỷ lục thiết lập hôm 30/4. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tính đến tuần trước đã giảm 5 tuần liên tiếp, chuỗi tuần giảm dài nhất trong 8 năm.
Cổ phiếu công nghệ, một nhóm chịu tác động mạnh của chiến tranh thương mại, đã giảm 7,3% trong tháng này.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,93%, còn 25.348,37 điểm. S&P 500 giảm 0,85%, còn 2.802,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,39%, còn 7.607, 7.607,5 điểm.
Cổ phiếu AMD tăng 9,8% sau khi nhà sản xuất con chip này công bố những sản phẩm chip mới để cạnh tranh thị phần với đối thủ Intel. Cổ phiếu Intel giảm 2,24%.
Cổ phiếu hãng vận chuyển Mỹ FedEx giảm 0,93% sau khi công ty công nghệ Trung Quốc Huawei cho biết sẽ xem xét lại mối quan hệ với FedEx. Huawei nói rằng FedEx đã chuyển hướng về Mỹ hai gói hàng mà Huawei gửi về châu Á.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,94 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,71 lần.
Có tổng cộng khoảng 6,67 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên các sàn giao dịch ở Mỹ phiên này, so với mức trung bình 6,99 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Xuất hiện mối lo thương mại mới, chứng khoán Mỹ sụt điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Theo hãng tin Reuters, chỉ một ngày sau khi Chính phủ Mỹ tạm nới trừng phạt đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, lại có tin Washington có thể áp hạn chế lên một công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Thông tin này đã trở thành mối lo phủ bóng lên Phố Wall trong suốt phiên giao dịch.
Nhiều bài báo trong ngày thứ Tư nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc trừng phạt công ty thiết bị giám sát video có tên Hikvision.
Nỗi sợ rằng những đòn "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan và trừng phạt doanh nghiệp của nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu là vấn đề gây ám ảnh lớn nhất trong tâm trí các nhà đầu tư ở thời điểm hiện nay. Chính vì vậy, chỉ số S&P 500 đang trên đà hoàn tất tháng giảm đầu tiên kể từ đợt bán tháo vào tháng 12 năm ngoái.
"Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không được như cách đây 2 tháng", ông Jim Awad, Giám đốc cấp cao thuộc Clearstead Advisors, nhận xét. "Thị trường đang cố gắng điều chỉnh lại kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cho phù hợp với tình hình".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,39%, còn 25.776,61 điểm. S&P 500 trượt 0,28%, còn 2.856,27 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,45%, còn 7.750,84 điểm.
Cổ phiếu Qualcomm sụt 10,9% sau khi công ty này bị một thẩm phán liên bang ra phán quyết cáo buộc có hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường con chip dành cho điện thoại thông minh (smartphone).
Cổ phiếu hãng bán lẻ Nordstrom sụt 9,2% sau khi công ty cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận. Trong khi đó, cổ phiếu hãng bán lẻ Target tăng 7,8% nhờ doanh thu và lợi nhuận quý 1 vượt dự báo.
Ngày thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất, cho thấy các quan chức FED nhất trí với quan điểm giữ lập trường kiên nhẫn về lãi suất "thêm một thời gian". Thông tin này không nằm ngoài dự báo nên không có ảnh hưởng đáng kể nào đến các chỉ số chứng khoán Mỹ.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,7 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là gần 2 lần.
Có tổng cộng 6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,94 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Nỗi lo về Huawei giảm bớt, chứng khoán Mỹ tăng điểm Cổ phiếu công nghệ giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm nới trừng phạt công ty Trung Quốc Huawei. Động thái của Washington giúp giải tỏa bớt nỗi lo của giới đầu tư về sức ép đối với lợi nhuận tương lai của các công ty...