Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đi về đâu sau hội nghị thượng đỉnh?
Giới phân tích nhận định Mỹ và Trung Quốc có thể cùng giảm thuế trừng phạt đánh vào hàng hóa nhập khẩu của nhau, nhưng chưa thể đưa quan hệ thương mại trở về hiện trạng trước thời ông Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến ngày 16/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Giới phân tích nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 15/11 (giờ Mỹ) đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương, nhưng chưa tạo ra cú hích đủ lớn để xử lý tranh chấp dai dẳng về thương mại giữa hai nước.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cuộc chiến được Tổng thống Donald Trump khởi xướng năm 2018, đã khiến người tiêu dùng ở cả hai nước phải chịu thiệt khi mua hàng hóa từ bên còn lại. Leo thang trừng phạt thuế nhập khẩu cũng đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Nhưng tại cuộc hội đàm thượng đỉnh vừa qua, nhóm vấn đề kinh tế bị xếp sau những chủ đề địa chính trị trong nghị trình thảo luận. Ông Biden chỉ đề thập thoảng qua “chính sách kinh tế, thương mại bất bình đẳng” của Trung Quốc gây hại đến người lao động Mỹ. Ông dành phần lớn thời gian còn lại để đề cập đến vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan và quản trị hiệu quả cạnh tranh, không để quan hệ Mỹ-Trung rơi vào xung đột với hệ quả không mong đợi cho cả hai bên.
Theo chuyên gia phân tích chuyên về Trung Quốc Joe Mazur tại hãng tư vấn Trivium China, Nhà Trắng hiểu rằng Bắc Kinh sẽ không xê dịch chính sách trong những vấn đề mang tính cốt lõi vốn là nguyên nhân tạo căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Vì thế, Mỹ đang tìm kiếm những điểm có thể hỗ trợ hợp tác hạn chế với Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác trên thế giới.
“Đây là một bước điều chỉnh lớn so với chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Donald Trump vốn cho rằng Mỹ có thể tự mình tạo sức ép hiệu quả trước Trung Quốc, không cần nỗ lực mở rộng tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều điểm có sự hội tụ lợi ích”, ông Mazur nói.
Với cách tiếp cận mới này, ông Mazur cho rằng Washington sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thông qua việc tự thúc đẩy các sáng kiến về thương mại và hạ tầng. Đường hướng này tự nhiên sẽ làm gia tăng cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của những nước khác liên quan đến ưu tiên lựa chọn quan hệ đối tác kinh tế với Washington, Bắc Kinh hay cân băng cả hai.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg
Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó có điều khoản Bắc Kinh cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thêm 200 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2021, với mốc so sánh là giá trị nhập khẩu của năm 2017. Nhưng trong một năm qua, Trung Quốc mới chỉ thực hiện được khoảng 60% cam kết này. Chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận giai đoạn một và kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết về thương mại đã ký kết.
Video đang HOT
“Về chính sách thương mại, Nhà Trắng đã tuyên bố rõ rằng sẽ theo dõi sát cách thức Trung Quốc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Thêm nữa, chúng ta cũng biết rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang có ý thúc đẩy một cuộc điều tra mới dựa trên Điều khoản 301 Đạo luật thương mại năm 1974 – một động thái có thể dẫn đến việc áp thuế mạnh hơn nữa. Nội bộ chính quyền Mỹ hiện còn bất đồng về chính sách này, nên chưa thể biết các bước đi tiếp theo sẽ là gì”, chuyên gia Qazi nhìn nhận.
Tại cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình đã nêu vấn đề thương mại, trực tiếp kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, chính giới Mỹ ngừng việc lạm dụng khái niệm “an ninh quốc gia” để kìm kẹp công ty, doanh nghiệp Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cập đến khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại, giúp nền kinh tế hai nước phục hồi nhanh hơn.
“Có thể có một số hàm ý về điểm này. Nổi bật nhất là khả năng giảm hoặc loại bỏ thuế trừng phạt để giúp trung hòa lạm phát trong ngắn hạn – một điểm gai góc thường trực mà chính quyền ông Biden đang phải đối diện”, chuyên gia Taylor Loeb tại Trivium China nhận định. Theo ông, việc giảm thuế có thể sẽ xuất hiện ở một thời điểm nào đó, nhưng sẽ không đồng loạt với mọi mặt hàng. Mỹ sẽ nới lỏng thuế ở những nhóm sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho mình, ít vướng mắc tới vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Không có tuyên bố chung được đưa ra sau điện đàm thượng đỉnh kéo dài ba tiếng rưỡi và vòng tiếp xúc này chưa đủ lực để tạo ra thay đổi đủ lớn để đưa quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung trở lại trạng thái trước thời điểm năm 2018 – chuyên gia Loeb nói.
Mong đợi gì từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung?
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến vào ngày 15/11 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ thập niên 1980, mọi tổng thống Mỹ đều tiến hành cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Thông lệ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục dưới thời ông Biden, với việc hai bên đã đạt được kế hoạch về tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến trong ngày 15/11 tới.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng trên một loạt vấn đề, điều được dư luận quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại chính là việc hai nhà lãnh đạo sẽ đẩy chủ đề thảo luận chính nào và mức độ xử lý thành công các điểm nghẽn, bất đồng ra sao.
Cuộc gặp tốn nhiều thời gian lên lịch và ý nghĩa
Cả ông Biden và Tập Cận Bình đều có lý do chiến lược để không vội vã giao thiệp ngay với đối phương. Mỹ trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Biden ưu tiên tập trung xử lý những vấn đề trong nước như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, kết hợp với hàn gắn, sửa sang quan hệ đối tác, liên minh từng bị rạn nứt dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Thông qua những nỗ lực ban đầu nhằm chứng tỏ sức mạnh Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tìm cách tạo dựng ưu thế để can dự với giới lãnh đạo Trung Quốc dựa trên thế của kẻ mạnh. Cùng lúc, Washington còn giành ưu tiên cho hoàn thiện rà soát chính sách, phê chuẩn các chức vụ cấp cao chủ chốt và đó cũng là các nhân tố gây chậm trễ việc hiện thực hóa cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Từ Trung Quốc, quan điểm chủ đạo tại Bắc Kinh là sức mạnh và đà tiến của Trung Quốc đã khác xưa. Điều này khiến giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thấy can dự đối thoại lớn với đồng cấp Mỹ không còn quá cấp thiết. Một năm vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc liên tục nhắc lại khẩu hiệu "phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang thụt lùi". Cách tiếp cận đó được củng cố thêm một bước khi Trung Quốc kiểm soát hiệu quả đại dịch, đối phó thành công cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Thể hiện mong muốn thiết lập trạng thái ổn định quan hệ Mỹ-Trung ngay sau khi ông Biden lên nhậm chức, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc muốn hoàn tất mục tiêu này dựa trên những điều kiện do mình đặt ra. Bắc Kinh cũng không đề xuất bất kỳ sáng kiến, ý tưởng nào riêng để đưa quan hệ song phương phát triển tích cực hơn. Thay vào đó, Trung Quốc cho rằng chính Mỹ là tác nhân đẩy quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp và vì thế Mỹ phải là bên có trách nhiệm sửa sai.
Quan hệ Mỹ-Trung đang ở điểm thấp nhất trong nhiều năm. Ảnh minh họa. Nguồn: Industryweek
Quan hệ Mỹ-Trung gia tăng tính chất căng thẳng, đối đầu không làm thay đổi một thực tế hai bên vẫn cần giao thiệp hiệu quả với nhau. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây từng tuyên bố "cạnh tranh căng thẳng đòi hỏi ngoại giao tăng cường".
Trong ngoại giao, điều quan trọng nhất là kết nối thượng đỉnh, bởi đối thoại cấp trung và cấp thấp thường không tạo ra bước tiến. Không thể xử lý mọi điểm nghẽn trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng trao đổi giữa nguyên thủ hai nước đóng vai trò then chốt trong tạo lập ổn định hợp tác, ngăn chặn kết quả, hệ lụy không mong muốn. Ngay cả thời đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, lãnh đạo Mỹ và Liên Xô vẫn gặp nhau thường lệ, ngăn đối đầu, thù địch phát triển leo thang thành chiến tranh nóng.
Giới chức tại Bắc Kinh và Washington đều hiểu rằng không gì có thể thay thế được ngoại giao trực tiếp cấp cao. Trung Quốc cho rằng quan điểm chính sách của ông Biden và chính quyền mới chưa rõ ràng, nên một sự dịch chuyển chính sách nếu có sẽ chỉ khởi nguồn ở tầng quyền lực cao nhất.
Về mục đích, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lý do chiến lược để làm nóng triển vọng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh. Chính quyền Joe Biden nhận thấy rằng nguyên thủ hai nước có phần "thiếu trách trách nhiệm" nếu để một năm qua đi mà không có bất kỳ tiếp xúc lãnh đạo nào. Mỹ chọn cách tiếp cận "vượt lên cạnh tranh", nhưng không từ bỏ đối thoại, giao thiệp với Trung Quốc.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đang hướng tới một năm bận rộn, quan trọng về chính trị trước thềm Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối năm 2022.
Những chủ đề thảo luận chính và dự báo kết quả
Quan hệ Mỹ-Trung vài năm trở lại đây diễn biến phức tạp trên một loạt các vấn đề, từ an ninh, kinh tế cho tới chính trị. Khác với các kỳ thượng đỉnh Mỹ-Trung trước đây, cuộc gặp trực tuyến lần này giữa ông Joe Biden và Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ không đưa đến một kết quả cụ thể, rõ nét nào.
Thay vào đó, trong trao đổi ông Biden muốn thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng khung giao thiệp cấp cao - dù đặt trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu xen lẫn hợp tác, là nền tảng ổn định cho quan hệ song phương và không nhất thiết phải dẫn tới xung đột. Ở chiều còn lại, ông Tập sẽ tập trung thuyết phục tổng thống Mỹ đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại trạng thái bình thường, giảm sức ép ngoại giao, kinh tế chống Trung Quốc.
Giá trị trao đổi thương mại Mỹ-Trung năm 2021 tiếp tục gia tăng bất chấp xu thế leo thang đối đầu trong quan hệ song phương cũng như tác động của COVID-19. Ảnh: Reuters
Nội dung cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vừa qua giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và đồng cấp người Trung Quốc Vương Nghị có thể sẽ gợi mở nhiều chủ đề sẽ được hai bên đưa ra tại kỳ thượng đỉnh trực tuyến này. Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đứng đầu danh sách, bởi đây là điểm tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Washington ngày một quan ngại trước khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để hoàn tất mục tiêu thống nhất lãnh thổ. Bắc Kinh phản ứng gắt động thái Mỹ can dự, hỗ trợ Đài Loan, coi đây là âm mưu thúc đẩy Đài Loan độc lập.
Một chủ đề an ninh khác chi phối quan hệ Mỹ-Trung là gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đi cùng đó là tranh chấp lãnh thổ ngày một gay gắt giữa Trung Quốc với một số đồng minh, đối tác của Mỹ. Hai bên cũng nghi kỵ lẫn nhau về các hoạt động quân sự hóa ở khu vực.
Lãnh đạo hai nước cũng có thể sẽ nêu những quan ngại của mình về hành xử của đối phương theo hướng làm phương hại đến bên còn lại. Tại cuộc trao đổi vừa qua với ông Blinken, ông Vương Nghị chỉ trích các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào các công ty, quan chức Trung Quốc, cũng như ý định sử dụng một "nhóm nhỏ đồng minh" để "đe dọa Trung Quốc". Về phần mình, Washington nhiều lần bày tỏ quan ngại về hồ sơ nhân quyền liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong cũng như hành vi kinh tế không công bằng, hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ nêu vấn đề về triển vọng hợp tác song phương. Tại Rome, hai ông Blinken và Vương Nghị đã thảo luận về khả năng hợp tác giữa hai nước trong phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Iran, ổn định ở Afghanistan, Myanmar và chống biến đổi khí hậu. Đây có thể sẽ là những điểm trung tâm khi cả ông Biden và Tập Cận Bình muốn cải thiện tông quan hệ song phương tổng thể.
Nhiều học giả cho rằng để cải thiện một bước hợp tác Mỹ-Trung, hai bên cần có nỗ lực thực sự trong hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu gắn với đại dịch COVID-19, phi hạt nhân hóa và một số chủ đề xuyên quốc gia. Hai bên có thể còn khác biệt, nhưng không có nghĩa là không thể hợp tác cùng nhau. Việc Mỹ và Trung Quốc hôm 10/11 ra tuyên bố chung về hợp tác chống biến đổi khí hậu là minh chứng cho điều này.
Việc hai nhà lãnh đạo cam kết về thiết lập mô thức xử lý điểm nghẽn trong quan hệ song phương là cách thức hiệu quả nhất trong ngắn hạn. Thay vì dồn nỗ lực cho phát triển một bảng danh sách hợp tác lớn, hai nước có thể khởi đầu bằng việc tìm kiếm một cách tiếp cận cơ bản hơn, hướng đến việc xử lý, trung hòa một vài điểm trong rất nhiều điểm bất đồng còn tồn tại.
Với cách tiếp cận đó, Mỹ và Trung Quốc có thể khởi động từ một số chủ điểm nhỏ, như xóa bỏ tình trạng trả đũa lẫn nhau trong giới hạn hoạt động báo chí, lãnh sự ở nước đối phương. Từ đó, hai bên có thể bắt tay xử lý những vấn đề có tính cấu trúc, phức tạp hơn như mất cân bằng kinh tế, thương mại, an ninh.
Mỹ mở đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhưng không dỡ thuế trừng phạt Mỹ có kế hoạch mở vòng đàm phán mới về thương mại với Trung Quốc, nhưng vẫn giữ nguyên trừng phạt thuế để ép Bắc Kinh thực thi cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu tại CSIS ngày 4/10. Ảnh: Bloomberg Sáng kiến mới này được đề cập trong...











Tiêu điểm
Tin đang nóng
Tin mới nhất

Tổng thống Trump thông báo về lịch điện đàm với Tổng thống Putin

Truyền thông Mỹ tiết lộ cảm giác lẫn lộn ở Washington khi Ukraine đánh chìm soái hạm của Nga

Lễ Idul Fitri ở Indonesia: Tinh thần bao dung và sự đoàn kết tôn giáo

Thái Lan vẫn sẽ tổ chức lễ hội Songkran theo đúng kế hoạch

Những khó khăn của Myanmar khi đối phó với hậu quả của động đất

Isar Aerospace khẳng định đã thu được nhiều thông tin từ vụ phóng tên lửa Spectrum

Căng thẳng tại Trung Đông: Israel nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột Gaza

Mỹ đề nghị được tiếp cận các đảo của Nhật gần Đài Loan

Houthi tuyên bố tấn công tàu sân bay Mỹ 3 lần trong 24 giờ

Có người trúng giải độc đắc Powerball hơn 500 triệu USD

WHO có thể phải giảm hơn 1 tỉ USD ngân sách

Phe đối lập Myanmar ngừng bắn sau động đất, Thái Lan điều tra vụ cao ốc sập
Có thể bạn quan tâm

Rực rỡ những cánh cổng hoa trên phố núi Pleiku
Sáng tạo
3 phút trước
Bavi Resort: 'Điểm hẹn' lý tưởng
Du lịch
8 phút trước
Hình ảnh kinh hoàng trên bãi biển Indonesia
Lạ vui
10 phút trước
Ca sĩ Hà Nhi bật khóc trên sóng VTV vì ân hận và day dứt với bố
Tv show
14 phút trước
Mỹ nhân đang viral khắp Trung Quốc vì U60 mà cứ như mới 20 tuổi
Hậu trường phim
19 phút trước
Chào hè với phong cách thời trang chuẩn xu hướng
Thời trang
19 phút trước
Bài tập tiếng Việt vỏn vẹn 4 từ khiến hàng ngàn người thổn thức
Netizen
20 phút trước
Louis Phạm ngầm xác nhận chia tay bạn trai Việt kiều: "Tình yêu không quan trọng bằng công việc, mọi thứ của mình bây giờ"
Sao thể thao
25 phút trước
Cháy bãi rác, khói đen bao trùm khắp nơi
Tin nổi bật
46 phút trước
Người dân cần chủ động phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng
Pháp luật
1 giờ trước