Chiến tranh biên giới 1979 qua lời kể Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm
Những ngày giữa tháng 2, mặc dù rất bận rộn nhưng Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, người lính dày dạn kinh nghiệm, người có 10 năm chiến đấu tại biên giới phía Bắc (1979-1989) vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngắn để kể về những ký ức năm xưa ở chiến trận biên giới phía Bắc.
Cách đây 41 năm, sau một thời gian dài tiến hành nhiều hoạt động gây hấn, rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ xua hơn nửa triệu quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam.
Theo các tài liệu phía ta tổng kết sau này, Trung Quốc huy động tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với tổng số binh sĩ lên tới 600.000 người. Đây được xem là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên…
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316.
Thời điểm đó, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang là Phó chính ủy Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đóng ở huyện Than Uyên, Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lai Châu). “Ngày đó, thông tin liên lạc còn khó khăn nên chiều ngày 18/2 chúng tôi mới nhận được thông báo Trung Quốc đã đánh vào thị xã Lào Cai. Vậy là ngay chiều hôm ấy, Trung đoàn tôi và Trung đoàn 174 được lệnh khẩn cấp hành quân về Lào Cai để đánh phản kích” – tướng Khảm mở đầu câu chuyện.
Giữ từng tấc đất của Tổ quốc khi bị xâm phạm
Sau hơn 40 năm, nhìn nhận về cuộc chiến này, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho rằng, đây là một cuộc chiến hết sức bất ngờ đối với nhân dân Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị lâu đời, gắn bó với nhau trong các cuộc kháng chiến trước đây; Thứ hai, đây là cuộc chiến tranh có quy mô lớn của quân địch, với hơn 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới; Thứ ba, cuộc chiến thể hiện hành động hết sức dã man của quân địch, đi đến đâu là tàn phá đến đấy; Thứ tư, có thể kết luận đó một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với đất nước chúng ta của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Phó chính ủy Trung đoàn 148 năm xưa cho rằng, mặc dù quân địch hành động rất bất ngờ nhưng đối với quân ta không quá bất ngờ, vì quân đội Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi bị xâm phạm.
“Ngày ấy chúng tôi cũng đã chuẩn bị lực lượng, thế trận trên tuyến biên giới. Mặc dù quy mô tấn công của địch quá lớn song quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, chuyển từ bị động sang chủ động. Chúng ta thực hiện đúng tinh thần khi bất cứ ai xâm phạm Tổ quốc thì chúng ta phải chiến đấu giữ từng tấc đất của Tổ quốc mình” – ông nhấn mạnh.
“Có thể nói, khí thế về tinh thần chiến đấu của quân đội ta lúc đó là rất tốt, tôi khẳng định như thế… Chúng ta đã chiến đấu rất dũng cảm, đồng thời cũng rất hiệu quả” – ông nói thêm.
Vẫn theo lời tướng Khảm, điều quan trọng nhất thời điểm đó là quân và dân ta đã ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào lãnh thổ đất nước. “Anh em từng bước tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, các trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, cuối cùng địch không thể thực hiện âm mưu nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam”.
Video đang HOT
Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
Ông cho hay, so với tương quan lực lượng lúc đó, địch huy động quân số lớn gấp nhiều lần ta. Có những điểm cao như 608 (Lào Cai), địch dùng cả một sư đoàn, trung đoàn tấn công, phía ta chỉ có một đại đội, tuy nhiên 7 ngày địch không thể vượt qua. “Có ngày địch tấn công 2-3 đợt, cả ngày cả đêm, địch dùng pháo bắn vào đội hình của ta một cách dữ dội nhưng không giải quyết được và ta vẫn giữ vững trận địa” – Tướng Khảm kể.
Quân với dân đồng lòng đánh đuổi địch
Nhắc lại những năm tháng ở chiến trận năm xưa, tướng Khảm vẫn ám ảnh bởi tổn thất của cuộc chiến gây ra, không chỉ về của cải, vật chất mà đó là biết bao sinh mạng của nhân dân, của đồng đội đã ngã xuống.
“Ví như hướng của chúng tôi ở Lào Cai, địch bắn pháo trùm lên cả thị xã khi mọi người đang ngủ, lúc đó là 5 giờ sáng ngày 17/2 khiến nhiều ngôi nhà bị phá hủy, người dân phải bỏ chạy… Khi bộ đội ta tiến lên, địch rút khỏi và đã để lại một hình ảnh tan hoang, một thị xã không còn mái nhà nào nguyên vẹn” – ông kể và thẳng thắn nhìn nhận: “Điều này thể hiện tội ác dã man của cuộc chiến tranh”.
Thế nhưng, vị tướng năm xưa nhấn mạnh, “tất cả những gì quân địch gây ra khiến anh em càng quyết tâm phải bảo vệ bằng được Tổ quốc, bảo vệ bằng được nhân dân”.
Bộ đội Việt Nam nơi tuyến đầu biên giới (Ảnh tư liệu Trần Mạnh Thường)
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng, giọng của vị tướng 70 tuổi trùng xuống khi gợi nhớ đến hình ảnh nhân dân năm xưa. Ông nhớ, khi quân đội của ta tiến lên, người dân nháo nhác sơ tán, chạy về phía sau với những câu nói nhói lòng như “các chú ơi phải ngăn chặn chúng nó lại, không tàn ác lắm, nó phá hết, nó cướp bóc hết rồi! các chú phải bảo vệ Tổ quốc, phải bảo vệ được làng bản của dân mình” – “câu nói ấy của nhân dân với chúng tôi càng thôi thúc anh em tiến lên phía trước” – ông nói và nhấn mạnh: “Nếu đánh giá về tình thần chiến đấu của quân ta thì lúc đó rất tốt, quân với dân rất đồng lòng”.
Ông cũng cho biết, khi bộ đội của ta tiến lên, không phải nhân dân ta bỏ chạy hết, một số trụ lại như lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, công nhân các nông trường, nhà máy xí nghiệp… bám bản, kết hợp với bộ đội, dẫn đường rồi vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Vừa phục vụ chiến đấu vừa giải quyết hậu quả chiến tranh. “Nhìn cảnh đó bộ đội càng căm thù hơn, có dũng khí hơn để đánh đuổi quân địch”.
Không lơi lỏng và mất cảnh giác
Đánh giá về cuộc chiến 41 năm trước, ở tuổi “xưa nay hiếm”, tướng Khảm nói: Có nhiều người nhìn nhận, đây là một giai đoạn lịch sử buồn trong quan hệ hai nước, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, trong mọi hoàn cảnh các thế hệ phải luôn luôn ghi nhớ, khắc ghi, không quên một điều rằng đã có hàng nghìn đồng bào, đồng chí của chúng ta đã hy sinh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa này của địch.
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)
“Phải nên nhớ, đây là một cuộc chiến tranh quy mô lớn, có mục đích của quân địch. Cho nên, bài học rút ra là, trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, không được lơi lỏng để gìn giữ trọn vẹn non sông Tổ quốc.
Tôi luôn cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay phải được tuyên truyền sâu rộng hơn về các cuộc kháng sau chống Pháp, chống Mỹ. Trong đó, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chúng ta cũng phải bảo vệ Tổ quốc rất ác liệt, cũng hy sinh tổn thất lớn; thứ hai là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979; thứ ba là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, chống xâm chiếm biên giới từ năm 1980 đến năm 1989.
Như vậy là ba cuộc chiến tranh, hy sinh xương máu rất lớn nên phải luôn luôn ghi nhận và ghi nhớ. Chúng ta không bao giờ tạo ra những hận thù, cũng không bao giờ gây ra thù hận lâu dài, nhưng chúng ta không được quên lãng” – ông nhấn mạnh.
Trước khi kết thúc câu chuyện của mình về những ký ức ở cuộc chiến năm xưa, tướng Khảm vẫn không quên hoài niệm và bày tỏ nỗi lòng tiếc thương, nhung nhớ những đồng đội của mình, đặc biệt là những đồng đội đã ngã xuống, hy sinh để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ độc lập, tự do cho nhân dân.
Ông bảo, cứ mỗi lần ông lên nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ( Hà Giang) – nơi yên nghỉ của trên 1.700 liệt sỹ – “ngôi nhà chung” của các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra ông lại thấy cảm động, nước mắt cứ trào ra.
“Nó là một bài học lịch sử để mọi người cùng biết và là một bài học mà chúng ta phải thấy, không được lãng quên. Chúng ta không được quên những người dân vô tội đã ngã xuống, những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là những bài học xương máu, phải luôn luôn cảnh giác” – ông kết lại câu chuyện của mình.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, sinh năm 1950, quê ở Khánh Phú, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Trưởng thành từ chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã lần lượt giữ các chức vụ trên cương vị chỉ huy chiến đấu. Sau đó, ông trở thành sư đoàn trưởng của Sư đoàn 316 (còn gọi là Sư đoàn Bông Lau, thuộc Quân khu 2).
Thời gian giữ chức sư đoàn trưởng, ông chỉ huy đánh quân Trung Quốc xâm lược tại Vị Xuyên, Hà Giang. Từ Phó tư lệnh Quân khu 2, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục quân huấn rồi Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Hiện ông là Trưởng ban liên lạc của Hội cựu chiến binh Sư đoàn 316 khu vực Hà Nội. Sư đoàn 316 là một trong những sư đoàn đầu tiên của QĐND Việt Nam, tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo danviet.vn
Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và những bài học trong thời đại ngày nay
Nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình, hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu và thấy được trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay.
Bộ đội biên phòng Cao Bằng tuần tra thác Bản Giốc
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa vài thập kỷ kể từ ngày 17-2-1979, khi 600.000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới tấn công xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Bốn thập kỷ cũng là quãng thời gian đủ để một thế hệ sinh ra, lớn lên, thậm chí là quá nửa đời người.
Lịch sử minh định tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu
Với lịch sử, bốn thập kỷ trôi qua như chớp mắt. Nhưng dù nhìn nhận ở góc độ nào thì cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của chúng ta sau bốn thập kỷ đã có đủ khoảng lùi để nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn tầm vóc ý nghĩa lịch sử của nó. Đặc biệt, có một điều không thể bào chữa hoặc bóp méo, đó là tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến. Lịch sử còn giúp tưởng nhớ, tôn vinh và nhắc nhở chúng ta trách nhiệm ghi tạc, tri ân công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó là một trang ký ức bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc hơn 4.000 năm giữ nước và dựng nước.
Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ngày nay đã được bình thường hóa, khôi phục và phát triển nhanh chóng. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Nhưng sự thật lịch sử là không thể bóp méo hoặc đảo ngược. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Cuộc chiến đấu này cần được lịch sử ghi lại để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về sự quả cảm của thế hệ đi trước trong bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá.
Dù hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng trong mỗi lần gặp mặt, nhắc lại cuộc chiến đấu tháng 2-1979, những cựu chiến binh, những người con từng quên mình vì Tổ quốc ngày ấy giờ vẫn nhớ như in từng mỏm núi, con đèo, khe sâu... nơi họ đã bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của quê hương, đất nước. Nhắc lại cuộc chiến đấu này và những gì xảy ra ở biên giới phía Bắc năm 1979, để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình. Bởi cả nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong tình hình mới đang đứng trước những cơ hội thuận lợi và không ít khó khăn, phức tạp, thách thức đan xen. Tư duy về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng đòi hỏi một tầm mức cao hơn, sâu sắc và toàn diện hơn. Mà theo đó, "kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc" vừa là mục tiêu, vừa là quan điểm xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bộ Chính trị (khóa XII) ngày 28-9-2018, đã ban hành Nghị quyết 33-CT/TW về việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đây là một chiến lược chuyên ngành nằm trong hệ thống chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến lược ra đời đã đề cập nhiều nội dung quan trọng, trong đó nội hàm tư tưởng đã thể hiện rõ sự thấu suốt quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng ta trong tình hình mới.
Chiến lược đã xác định được một hệ thống các quan điểm chỉ đạo, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với biên giới trên đất liền, biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, tiếp tục khẳng định quan điểm: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới...". Quan điểm này, có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhưng không phải bây giờ mới có mà đã được đúc kết từ thực tiễn lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và được đề cập trong các nghị quyết đại hội của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh.
Trao truyền, giáo dục các thế hệ đời sau
Nhắc nhở cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là dịp để mỗi chúng ta cùng nâng cao nhận thức, hành động đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây cũng là dịp trao truyền, giáo dục các thế hệ đời sau hiểu rõ lịch sử, hiểu rõ trách nhiệm tiếp nối cơ đồ, giang san của cha ông để lại, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc. Nhắc nhở lịch sử cuộc chiến đấu để người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia - dân tộc.
Bởi vậy, việc cung cấp thông tin quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ trên bộ, chủ quyền trên biển với các nước láng giềng, trong khu vực, cần làm một cách kịp thời, chính xác trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Ở vị thế Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có thêm cơ hội để xây dựng, củng cố niềm tin chiến lược với quốc tế, khẳng định tính chính nghĩa trong quá trình đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo khi tình hình thế giới, khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, phức tạp, khó lường.
Theo ANTD
Nhà sàn hơn 200 triệu đồng của một hộ dân bị thiêu rụi do thắp nến trên bàn thờ Trước thời điểm đón giao thừa, ngôi nhà sàn của một hộ dân ở xã Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) bị hỏa hoạn thiêu rụi do bùng phát lửa từ nến thắp trên bàn thờ. Tối 25/1, trả lời VTC News, lãnh đạo UBND xã Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, vào tối qua (24/1, 30 Tết) xảy ra vụ...