Chiến thuật nhận vơ các vụ tấn công kiểu sói đơn độc của IS
Cách IS tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công có thể hé lộ vụ khủng bố có thực sự do IS chỉ đạo thực hiện, hay chỉ do những “con sói đơn độc” bị xúi giục tiến hành.
Chiếc xe tải gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Nice, Pháp trong ngày quốc khánh. Ảnh: Reuters
Các vụ xả súng, đánh bom tự sát, đâm chém, tấn công khủng bố bằng xe tải thời gian qua diễn ra dồn dập khắp nơi trên thế giới. Trong hầu hết những vụ tấn công này, thủ phạm bị nghi ngờ nhiều nhất là phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo Washington Post.
Tuy nhiên, trong một số vụ khủng bố gần đây, có vẻ như chính bộ máy tuyên truyền của IS cũng bất ngờ và không lập tức đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm như những vụ tấn công trước đây. Kể từ sau loạt vụ tấn công nhằm vào Paris tháng 11/2015, hầu hết các vụ việc khác mà nhóm này nhận trách nhiệm đều do các cá nhân thực hiện, những người có thể chưa từng liên hệ trực tiếp với các phần tử IS ở Iraq hoặc Syria.
Trong những vụ khủng bố kiểu “sói đơn độc” đó, những kẻ tấn công không báo trước cho IS việc họ sẽ thực hiện hành động xả súng, đâm xe, đánh bom… nhân danh tổ chức này. Thay vào đó, một số phần tử bị kích động, tự cực đoan hóa chỉ để lại những đoạn ghi âm, ghi hình tuyên bố trung thành với IS.
Trong vụ thảm sát ở Paris cuối năm ngoái, tuyên bố nhận trách nhiệm của IS được đưa ra ngay sau đó với rất nhiều thông tin chi tiết, kèm theo video và các bức ảnh. Còn với các cuộc tấn công do những kẻ “được truyền cảm hứng” bởi IS đơn độc thực hiện, bộ máy truyền thông của tổ chức này (Amaq) chỉ nhận trách nhiệm khi có được thông tin đáng tin cậy về mối liên hệ giữa kẻ tấn công với phiến quân, từ các nguồn của chính mình, hoặc từ báo giới.
“Họ đang làm công việc tương tự như các nhà phân tích, tức là theo dõi tin tức về các vụ tấn công và cố gắng tìm hiểu xem liệu chúng có xuất phát từ tư tưởng của IS hay không”, J.M. Berger, một nhà nghiên cứu tại Chương trình chủ nghĩa Cực đoan, Đại học George Washington, nhận xét.
Sau khi một người đàn ông đánh bom tự sát tại thành phố Ansbach, Đức hôm 24/7, Amaq phải mất tới 19 giờ trước khi tuyên bố vụ tấn công do một kẻ bị kích động bởi IS thực hiện. Trước đó, trong vụ thanh niên Afghanistan 17 tuổi dùng rìu tấn công trên tàu hỏa Đức, Amaq cũng phải 9 tiếng sau mới tuyên bố nhận trách nhiệm.
Trong vụ tên Mohamed Lahouaiej Bouhlel dùng xe tải sát hại hàng loạt người tại thành phố Nice, Pháp, một ngày rưỡi sau kênh truyền thông của IS mới lên tiếng.
“Với các vụ tấn công dạng bị xúi giục này, những kẻ làm truyền thông cho IS tại Syria thậm chí còn không biết tới nghi phạm. Chúng không có liên hệ gì với nhau”, Amarnath Amarasingam, một nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan tại Đại học Halhousie, Canada, cho biết.
Sự chậm trễ của các tuyên bố nhận trách nhiệm cho thấy IS cần thời gian để xác định mối liên hệ chắc chắn giữa kẻ tấn công và tổ chức này, chứng tỏ tổ chức này cũng rất quan tâm tới việc đưa ra thông tin chính xác, theo các nhà phân tích.
“Họ khá cẩn trọng trong việc đó. Họ thường diễn đạt văn hoa một chút”, chuyên gia Berger nói. “Nếu họ có thông tin đáng tin cậy để gắn tên họ vào một vụ tấn công, thì về cơ bản họ đã thắng”.
Video đang HOT
Nhận vơ
Chiến binh nhà nước Hồi giáo (IS). Ảnh: WSJ
Gần đây, khi IS liên tục đánh mất khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria và hứng chịu nhiều thất bại nặng nề trên chiến trường, ảnh hưởng của phiến quân đã suy giảm trầm trọng. Một số nhà phân tích cho rằng IS đang áp dụng chiến thuật “nhận vơ” các vụ khủng bố khắp thế giới để khuếch trương thanh thế của mình.
Trong một số vụ việc, IS vẫn nhận trách nhiệm ngay cả khi mối liên hệ của thủ phạm với tổ chức này mong manh. Trong vụ tấn công tại thành phố San Bernardino, California tháng 12/2015, báo chí Mỹ đưa tin cặp vợ chồng nghi phạm đã đăng tải một tuyên bố trung thành với IS trên Facebook.
Amaq ngay lập tức khẳng định những kẻ này là “chiến binh của nhà nước Hồi giáo”. Tuy nhiên, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau đó không hề xác nhận sự tồn tại của thông điệp trên Facebook.
Việc “nhận vơ” các vụ tấn công đã có lúc khiến IS bẽ mặt. Bouhlel, nghi phạm khủng bố tại Nice, và Omar Mateen, kẻ sát hại 49 người tại hộp đêm ở Orlando hồi tháng 6, dường như là người đồng tính luyến ái. Mateen và Bouhlel đều được IS nhận là “chiến binh” của tổ chức này trước khi tin tức về xu hướng tình dục của họ xuất hiện. Tình dục đồng giới là tội danh bị xử phạt nặng, thậm chí bị tử hình theo quy định của IS.
Dù vậy, bất chấp nguy cơ bị bẽ mặt như trường hợp trên, IS vẫn được lợi khi nhận đó là những vụ tấn công do nhóm xúi giục, để khuếch trương mối đe dọa do nhóm đặt ra.
Sau vụ sát hại mục sư tại Pháp hôm 26/7, IS nhanh chóng nhận trách nhiệm. Nếu đối chiếu giữa các vụ tấn công “được chỉ đạo” hoặc “truyền cảm ứng” bởi IS, có vẻ như vụ việc này nằm ở giữa. Nghi phạm từng tìm cách tới Syria hồi năm ngoái.
Tuyên bố được Amaq đưa ra gọi kẻ tấn công là “đao phủ” và “chiến binh của Nhà nước Hồi giáo”, nhưng cũng không thừa nhận IS không trực tiếp ra lệnh thực hiện vụ tấn công. Thay vào đó, tương tự như các vụ khủng bố “bị xúi giục” khác, Amaq khẳng định nghi phạm đã đáp lại lời kêu gọi tiến hành tấn công các nước tham gia liên minh chống IS tại Iraq và Syria.
Dù vậy, Amaq tuyên bố có thông tin từ một “nguồn nội bộ”, mà theo nhà phân tích Amarasingam có thể là một trong những kẻ từng liên lạc với nghi phạm khi tên này muốn tìm đường sang Syria năm ngoái nhưng thất bại. Tình tiết này khiến các nhà hành pháp phương Tây không khỏi bối rối. Phải chăng việc ngăn chặn công dân tới Syria làm gia tăng khả năng những kẻ bị cực đoan hóa thực hiện khủng bố tại chính nơi họ sống?
“Đó là một phần trong chính sách tuyên truyền của IS”, Amarasingam nhận định. Dường như IS muốn gửi tới các phần tử cực đoan ở châu Âu thông điệp “hoặc gói ghém hành lý lên đường, hoặc mài dao cho sắc”, ông nói.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Chiến thuật thời trung cổ Iraq dùng để chặn IS đánh bom tự sát
Tuyến hào rộng hơn chục mét được kỳ vọng là phòng tuyến ngăn cản những chiếc xe bom của IS tấn công vào lực lượng an ninh bảo vệ thành phố Fallujah, Iraq.
Tuyến hào được đào ở phía bắc thành phố Fallujah. Ảnh: WP
Sau chiến dịch quân sự tái chiếm thành phố Fallujah từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng trước, quân đội Iraq đang phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn cản vị trí chiến lược này tiếp tục rơi vào vòng kiểm soát của phiến quân, theo AP.
Một trong những chiến thuật phòng thủ có từ thời trung cổ mà quân đội Iraq đang áp dụng để chống lại các cuộc tấn công bằng xe bom của IS là đào một tuyến hào khổng lồ bao quanh thành phố. Mục đích của chiến thuật này là biến Fallujah thành một nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", chỉ có một đường ra vào duy nhất.
Sau khi Fallujah được giải phóng, người dân Iraq chạy loạn từ khắp nơi bắt đầu lục tục trở về nhà để tái thiết thành phố. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro rất lớn cho lực lượng an ninh bảo vệ thành phố, bởi IS có thể trà trộn vào dòng người và xe cộ trở về đó, thực hiện các vụ đánh bom tự sát kinh hoàng, gây ra thương vong cực lớn cho dân thường và quân đội Iraq.
Hình thức đánh bom xe tự sát đang được IS áp dụng ngày càng nhiều, trong bối cảnh phiến quân vừa phải hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp và đang mất dần vùng kiểm soát. Những chiếc xe bọc thép Humvee chất đầy thuốc nổ của IS gần như không thể ngăn chặn bằng các loại vũ khí thông thường, và từ lâu đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với các binh sĩ Iraq.
Việc đào tuyến hào lớn bao quanh thành phố sẽ khiến những người trở về chỉ còn một lối duy nhất để vào Fallujah, giúp cho lực lượng an ninh có thể kiểm soát dễ dàng các mối đe dọa, trung tướng Abdul Wahab al-Saadi, phó tư lệnh lực lượng chống khủng bố Iraq, cho biết.
Tuyến hào này rộng khoảng 12,5 mét, sâu 1,5 mét, kéo dài 11 km xung quanh thành phố, nhằm "bảo vệ người dân vốn đã trải qua quá nhiều thảm kịch, cùng lực lượng an ninh bên trong", tướng al-Saadi nói.
Các máy xúc đã được huy động để đào nhánh hào đầu tiên dài 6 km chạy dọc hướng bắc và tây bắc của thành phố. Nhánh hào thứ hai dài 5 km ở phía nam và đông nam Fallujah sẽ sớm được đào.
Phía tây Fallujah là dòng sông Euphrates, tạo thành một hàng rào tự nhiên bảo vệ thành phố. Phía đông là tuyến cao tốc dẫn tới thủ đô Baghdad, và đây là tuyến đường duy nhất ra vào thành phố được bảo vệ và tuần tra chặt chẽ.
Hai nhánh hào trên được đào trên địa hình bằng phẳng, hoang vu, vốn được phiến quân IS sử dụng trong các chiến dịch quân sự trước đây. Nếu không có tuyến hào này, IS có thể dễ dàng phát động các cuộc tấn công vào thành phố từ nhiều hướng khác nhau.
Chiến thuật đào hầm hào, công sự, đắp tường thành có từ thời trung cổ, khi các đạo quân tìm cách tấn công thành trì của nhau. Chiến thuật này cũng đã được người Iraq áp dụng từ khi Mỹ bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Trong cuộc chiến đó, ông Saddam đã cho binh lính đào hào xung quanh thủ đô Baghdad, đổ đầy dầu vào bên trong và châm lửa đốt, tạo thành màn khói đen dày đặc để che mắt chiến đấu cơ Mỹ.
Thành phốFallujah ở phía tây thủ đô Baghdad của Iraq. Đồ họa: RFERL
Ngoài chiến thuật đào hào, quân đội Iraq tiếp quản thành phố Fallujah còn áp dụng nhiều phương pháp an ninh hiện đại khác để loại trừ mối đe dọa đến từ IS. Toàn bộ dữ liệu nhân thân của khoảng 85.000 cư dân chạy trốn khỏi thành phố trong các cuộc giao tranh hai tháng trước sẽ được lưu trữ trong máy tính, và chứng minh thư chống làm giả mới sẽ được cấp cho họ. Người dân thành phố sở hữu ôtô cũng được cấp phù hiệu có gắn chip điện tử để theo dõi.
Mối họa từ bên trong
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc đào những tuyến hào lớn, tăng cường kiểm soát chặt chẽ an ninh tại cửa ngõ thành phố có thể giúp Fallujah chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, nhưng không thể giúp ích gì trong việc ngăn ngừa mối họa từ bên trong, thậm chí còn khiến chúng trầm trọng hơn.
Fallujah là thành phố có rất đông người theo dòng Sunni sinh sống, và nơi đây từng là tâm điểm của phong trào chống đối chính quyền trung ương do người Shiite kiểm soát ở Baghdad. Đây được coi là một trong những lý do khiến IS có thể đánh chiếm dễ dàng Fallujah từ tay lực lượng an ninh Iraq, và cai trị thành phố suốt hơn hai năm qua.
Theo bình luận viên David Choi, tuyến hào dài bao quanh thành phố sẽ trở nên vô nghĩa trong dài hạn nếu như chính quyền Iraq không thực hiện các biện pháp hòa giải giữa người Sunni và người Shiite. Căng thẳng giữa người Sunni bản địa và lực lượng an ninh người Shiite có thể gia tăng, nếu như họ cho rằng các biện pháp an ninh đang được áp dụng là quá nghiêm ngặt, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại bình thường của họ.
Một binh sĩ Iraq đứng gác ở cửa ngõ thành phố Fallujah. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Hội đồng tỉnh Anbar Sabah al-Karhout lại than phiền rằng nỗ lực hòa giải đến nay vẫn chưa được thực hiện đúng mức, khiến nhiều người Sunni cảm thấy bất an khi trở về nhà. "Tình trạng cách ly phải chấm dứt, khi đó những lời kêu gọi ly khai khỏi chính quyền trung ương mới biến mất", ông al-Karhout nói, ám chỉ việc người Sunni ngày càng muốn đòi quyền tự trị cho khu vực của mình.
Trí Dũng
Theo VNE
Đánh bom rung chuyển Afghanistan, ít nhất 61 người chết Một vụ nổ lớn hôm nay xảy ra giữa một cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul, Afghanistan, khiến ít nhất 61 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Vụ nổ làm rung chuyển quảng trường Deh Mazang trong lúc hàng nghìn người thuộc cộng đồng Hazara của Afghanistan đang tụ tập biểu tình tại đây để yêu cầu chính quyền...