Chiến sự tại đông Ukraine: Thời khắc quyết định đã tới
Những diễn biến mới nhất về chiến sự ác liệt ở miền Đông Ukraine, vòng hòa đàm mong manh khó có kết quả tại Minsk và sự chuyển hướng của Mỹ trong chính sách viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine cho thấy cuộc đối đầu Nga – phương Tây đang bước vào thời khắc quyết định.
Ukraine đang đứng trước thời điểm quan trọng quyết định sự xoay chuyển cục diện khủng hoảng, từ can dự gián tiếp sang trực tiếp của các cường quốc bên ngoài (Ảnh: Getty Images)
Trong những ngày qua, chiến sự tại miền Đông Ukraine có những bước leo thang mới. Quân ly khai không ngừng đẩy mạnh tấn công và siết chặt vòng vây tại thành phố Debaltsevo, nơi tiểu đoàn KievanRu số 25 của quân đội chính phủ Ukraine đang bị cầm chân từ nhiều ngày nay.
Không chỉ tăng cường tấn công trên bộ, các tay súng ly khai còn bắn hạ hai máy bay cường kích Su-25 của lực lượng vũ trang Ukraine, khi hai máy bay này ném bom các khu vực ở phía Bắc và Đông Bắc thành phố Debaltsevo.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine còn thông báo lệnh tổng động viên khoảng 100.000 quân.
Mặc dù Mỹ tuyên bố việc cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine chỉ mang tính hỗ trợ phòng thủ, song điều này (nếu xảy ra) chắc chắn sẽ dẫn tới nguy cơ leo thang xung đột, khiến chiến sự càng thêm nghiêm trọng và gây đổ máu nhiều hơn.
Việc chiến sự ở miền Đông Ukaine tăng nhiệt theo hướng có lợi cho phe ly khai sau khi vòng hòa đàm mới nhất ở Minsk đổ vỡ khiến Mỹ đứng, ngồi không yên. Trong tuyên bố mới nhất sau cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama khẳng định sẽ không để cho Nga vẽ lại biên giới châu Âu bằng nòng súng và chỉ xem xét duy nhất giải pháp cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu hội hội đàm 4 bên về tình hình Ukraien tại Minsk vào ngày 11/2 thất bại.
Theo các nguồn tin từ Mỹ, số vũ khí này có tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD, gồm tên lửa chống tăng Javelins, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, hệ thống radar và một số thiết bị khác… Tất nhiên, quyết định cuối cùng chỉ được Washington đưa ra sau khi đã tính tới thái độ và phản ứng của Mátxcơva.
Câu hỏi đặt ra là sự leo thang này sẽ dẫn tới đâu và có để xảy ra một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn với sự can dự trực tiếp của cả Nga và phương Tây hay không.
Hiện có hai quan điểm phổ biến khi nhìn nhận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Video đang HOT
Thứ nhất là quan điểm xuất phát từ góc nhìn của phương Tây. Lực lượng này cho rằng nguồn gốc xung đột ở Đông Ukraine là do Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn lực lượng ly khai để đáp trả cuộc đảo chính lật đổ chính quyền thân Nga hồi tháng 2/2014.
Phương Tây coi hành động của Nga là vi phạm chủ quyền lãnh thổ và tin rằng sự đáp trả phù hợp là các biện pháp cấm vận chống Nga, đồng thời hậu thuẫn cho chính phủ thân phương Tây ở Kiev.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của Nga, Điện Kremlin cho rằng sự kiện nổi dậy tháng 2/2014 ở Kiev là cuộc đảo chính bất hợp pháp được phương Tây đạo diễn. Cuộc nổi dậy này chỉ là “chương mới nhất trong câu chuyện” của phương Tây muốn bao vây, ngăn chặn Mátxcơ va từ đường biên giới của các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Vì thế, Nga cần phải hành động quyết liệt ở Ukraine để ngăn Kiev liên minh với phương Tây, cho dù cuộc đối đầu hiện nay đang khiến kinh tế Nga bị cô lập và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng do giá dầu thế giới giảm mạnh.
Trước hai cách nhìn đối lập như trên, triển vọng đạt được bước tiến thực sự tại vòng đàm phán 4 bên mang tính quyết định vào ngày mai vẫn rất mịt mờ, cho dù các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã nỗ lực đưa ra sáng kiến chung về hòa bình Ukraine. Giới phân tích lo ngại, thất bại của vòng đàm phán sẽ là điểm khởi đầu cho vòng xoáy chiến sự mới ở Ukraine, không chỉ giữa quân đội chính phủ và phe ly khai ở miền Đông, mà còn là cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cỗ máy chiến tranh Nga và phương Tây nếu như chính quyền Obama quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Mà đây chắc chắn là điều không bên nào mong muốn.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hollande đã liên tục có các nỗ lực ngoại giao con thoi để bắc cầu quan điểm đối lập giữa các bên. Hai nhà lãnh đạo đã mang sáng kiến chung về hòa bình Ukraine lần lượt tới gặp Tổng thống Petro Poroshenco (hôm 5/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin (6/2) và Tổng thống Obama (hôm 9/2).
Tất nhiên, các cuộc gặp này chưa thể đảm bảo chắc chắn về một thỏa thuận hòa bình sẽ được ký kết ngay, nhưng chí ít cũng là “cú đạp phanh” cần thiết trong bối cảnh các bên đang tiến rất gần nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn ở Ukraine.
Trong mỗi cuộc chiến, thời khắc mang tính quyết định để xoay chuyển tình thế không nhiều và đây là một trong số đó, đòi hỏi các bên cần phải biết nắm bắt.
Đức Vũ
Theo Dantri
Tổng thống Obama: Mỹ "có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine"
Tổng thống Mỹ hôm qua 9/2 đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với Nga khi tuyên bố không để cho Nga vẽ lại biên giới châu Âu bằng nòng súng và sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu các nỗ lực ngoại giao hiện nay không chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Obama đang chịu sức ép rất lớn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. (Armh: NY Times)
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel trước thềm cuộc gặp 4 bên về Ukraine hôm qua, Tổng thống Obama khẳng định Nga đã vi phạm "mọi cam kết" trong thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 9 năm ngoái.
"Nếu thực tế cho thấy nỗ lực ngoại giao thất bại, điều tôi sẽ làm là yêu cầu đội ngũ của mình xem xét mọi giải pháp", Tổng thống Obama khẳng định.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ là giải pháp duy nhất được xem xét khi đó, đồng thời cảnh báo phương Tây sẽ không để cho Nga vẽ lại đường biên giới châu Âu "bằng nòng súng".
"Khi các nỗ lực ngoại giao tiếp tục trong tuần này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí thế kỷ 21 không thể đứng yên hay cho phép các đường biên giới của châu Âu dễ dàng bị vẽ lại bằng nòng súng", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.
Tổng thống Obama đang chịu áp lực rất lớn từ giới chức cấp cao trong chính quyền Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho dù Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc cử binh sĩ cũng như cung cấp viện trợ cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối việc tiếp vũ khí sát thương cho chiến trường Ukraine, nơi vốn dĩ đã quá căng thẳng hiện nay.
Theo các nguồn tin tại chỗ, trong cuộc gặp, bà Merkel đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với sáng kiến chung Pháp - Đức về việc khôi phục thỏa thuận Minsk vốn bị đổ vỡ ngay khi chưa ráo mực.
Các chi tiết của sáng kiến chung chưa được công bố, song nội dung chính là việc thiết lập vùng phi quân sự rộng 50 - 70 km quanh đường giới tuyến giữa Nga và Ukraine hiện nay.
Bà Merkel đang liên tục có những nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm nhằm đi tới giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột đã kéo dài gần một năm qua ở miền Đông Ukraine, kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Trước khi gặp Tổng thống Obama, bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến Mátxcơva để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về sáng kiến chung Đức - Pháp, văn kiện sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp 4 bên (gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp) tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 10/2.
Dư luận cho rằng cuộc gặp 4 bên lần này là nỗ lực ngoại giao cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Thành bại của cuộc gặp này sẽ quyết định bước chuyển tiếp theo trên thực địa ở miền Đông Ukraine theo một trong hai hướng: chấm dứt xung đột hoặc sẽ thực sự dẫn tới đối đầu quân sự Đông - Tây.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh quân đội chính phủ Ukraine đang thất thế trong các cuộc đụng độ với phe ly khai thân Nga, đặc biệt ở quanh thị trấn chiến lược Debaltseve.
Một tay súng ly khai tiếp cận xe tăng của quân đội Ukraine ở Uglegorsk, cách Debaltseve 6 km về phía Tây Nam, hôm 9/2 vừa qua.
Trong tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần, phe ly khai cho biết đã chặn đứng một tuyến đường tiếp tế trọng yếu của quân chính phủ ở thị trấn Debaltseve, gần Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk.
Theo thống kê, các cuộc đụng độ giữa hai bên trong 24 giờ qua đã khiến 9 binh sĩ và 7 dân thường thiệt mạng, kéo dài thêm danh sách hơn 5.300 người đã chết kể từ khi xung đột bùng nổ từ tháng 4 năm ngoái. Xung đột cũng đã khiến 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Vũ Anh
Theo Dantri/BBC
Thủ tướng Merkel đề nghị Nga đóng biên giới với Ukraine Theo báo Toàn cảnh Frankfurt Chủ Nhật (FAS) ngày 8/2, trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 6/2 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị ông Putin đóng biên giới với Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkeltrong một cuộc gặp (Nguồn: AP) Tại cuộc gặp ở Moskva, việc dỡ bỏ trừng phạt...