Chiến lược tiền hậu bất nhất của Mỹ ở Syria
Chiến lược mới của Mỹ ở Syria bị đánh giá là ảo tưởng và tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa khi để vũ khí lọt vào tay phiến quân.
Chiến đấu cơ Mỹ tham gia chiến dịch không kích IS. Ảnh: CNN
Ngày 9/10, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo quân đội nước này sẽ ngừng chương trình huấn luyện quân nổi dậy Syria, thay vào đó là một kế hoạch nằm yểm trợ đường không trực tiếp cho các chiến binh nổi dậy chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Syria, Washington Post đưa tin.
Theo kế hoạch này, thay vì huấn luyện hàng loạt chiến binh nổi dậy, giờ đây quân đội Mỹ sẽ cung cấp vũ khí, trang bị cho một “nhóm tuyển chọn” gồm các chỉ huy quân nổi dậy, những người được đánh giá là các “chiến binh lão luyện”.
Thừa nhận sai lầm
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh phiến quân IS vừa mở một chiến dịch tấn công lớn, đánh bật quân nổi dậy ra khỏi các mục tiêu quan trọng bên ngoài thành phố Aleppo, áp sát khu công nghiệp nơi quân đội chính phủ Syria đang bảo vệ.
Biên tập viên quân sự và an ninh quốc gia Missy Ryan của Washington Post đánh giá quyết định này của Lầu Năm Góc là sự thừa nhận những sai lầm và thất bại liên tiếp trong chương trình huấn luyện quân nổi dậy được Mỹ khởi động từ đầu năm nay. Mục đích của chương trình trị giá 500 triệu USD này là huấn luyện một lực lượng nổi dậy tinh nhuệ với quân số vài nghìn người nhằm chiến đấu chống lại phiến quân IS.
Sau đó, các cố vấn quân sự Mỹ đã chật vật tuyển mộ những chiến binh nổi dậy người Syria mà họ cho là “ôn hòa”, những người chỉ chiến đấu chống lại IS chứ không phải chính phủ của Tổng thống Syria Basha al-Assad, rồi đưa họ tới những trại huấn luyện được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Tại đây, các chiến binh tiếp tục được sàng lọc và xác minh lý lịch nhằm loại bỏ bất cứ gián điệp cài cắm nào của IS và các tổ chức khủng bố khác. Quá trình này diễn ra rất chậm chạp, khiến nhiều chiến binh phải chờ đợi trong một thời gian dài trước khi bước vào khóa huấn luyện. Sau hơn nửa năm, Mỹ mới chỉ huấn luyện được chưa đầy 200 chiến binh nổi dậy.
Video đang HOT
Các chiến binh nổi dậy Syria được Mỹ tuyển mộ và huấn luyện. Ảnh: Telegraph
Thế nhưng sau quá trình tuyển mộ, xác minh và huấn luyện đầy khó khăn, chậm chạp đó, những đơn vị quân nổi dậy đầu tiên do Mỹ huấn luyện được tung vào chiến trường Syria đã phải hứng chịu những thất bại liên tiếp khi đối đầu với các tổ chức phiến quân đối địch. Một tiểu đoàn quân nổi dậy thậm chí còn trao toàn bộ vũ khí, trang bị do Mỹ cung cấp cho phiến quân al-Qaeda.
Những thất bại trong chương trình huấn luyện, xây dựng lực lượng nổi dậy tinh nhuệ của Mỹ được cho là một nguyên nhân chính khiến chiến dịch chống IS của nước này rơi vào thế bế tắc trong thời gian qua, khi hàng nghìn cuộc không kích của Mỹ và liên quân không ngăn chặn được sự mở rộng của IS ở cả Iraq lẫn Syria.
Tình thế buộc Lầu Năm Góc phải tính đến phương án khác, đặc biệt là trong bối cảnh Nga đang tăng cường can thiệp quân sự vào Syria, sử dụng các loại máy bay hiện đại để yểm trợ cho lực lượng quân đội chính phủ mở các cuộc phản công chiếm lại lãnh thổ bị mất vào tay phiến quân.
“Mô hình cũ dựa trên việc huấn luyện các đơn vị bộ binh. Bây giờ chúng tôi chuyển sang hình thức mới có thể tạo ra khả năng chiến đấu lớn hơn”, một quan chức quân sự Mỹ nói.
Theo kế hoạch mới này, chỉ huy của các nhóm nổi dậy đang chiến đấu chống lại IS sẽ trải qua quá trình xác minh, và sau đó sẽ được huấn luyện cấp tốc về nhân quyền và liên lạc chiến trường. Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cung cấp vũ khí cơ bản và đạn dược cho chiến binh dưới quyền các chỉ huy này, và sẽ không huấn luyện hay xác minh lý lịch của họ. Quân đội Mỹ cũng sẽ tiến hành các cuộc không kích yểm trợ vào các mục tiêu do những đơn vị này xác định.
Kế hoạch này được cho là lấy cảm hứng từ chiến thắng của dân quân người Kurd với sự yểm trợ của không quân Mỹ đẩy lùi phiến quân IS ở thị trấn Kobani hồi đầu năm. Các quan chức quân sự Mỹ đã rất ấn tượng với sức kháng cự kiên cường của các đơn vị dân quân người Kurd cũng như khả năng chỉ thị mục tiêu để Mỹ không kích của họ.
Mỹ hy vọng các đơn vị quân nổi dậy người Arab thuộc Liên minh Arab Syria sẽ phối hợp với dân quân người Kurd để mở các chiến dịch tấn công mới vây hãm, cô lập sào huyệt Raqqa của IS ở Syria.
Chiến lược ảo tưởng
Ông Brett H. McGurk, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng sự thay đổi trong chiến lược ở Syria phản ánh sự thích ứng của chính quyền Mỹ đối với những diễn biến gần đây ở đất nước này. “Chúng ta cố ấn một chiếc kẹp hình vuông vào một lỗ tròn càng mạnh bao nhiêu thì càng ít hiệu quả bấy nhiêu”, quan chức này nhấn mạnh.
Trong một bài viết trên NYTimes ngày 9/10, bình luận viên Andrew Rosenthal lại cho rằng kế hoạch mới trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria của Mỹ là “sự ảo tưởng”, đặc biệt là khi nó được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tăng cường chiến dịch không kích ở Syria.
Theo đó, rất khó để tin rằng Mỹ sẽ đạt được thành công bất ngờ trong việc tìm ra những nhóm nổi dậy có chung mục đích với họ là làm suy yếu phiến quân IS mà không tham gia vào nỗ lực lật đổ ông Assad. Những kinh nghiệm lịch sử của Mỹ ở Syria và các cuộc chiến gần đây cho thấy những chiến binh bản địa do Mỹ tuyển mộ và huấn luyện thường rất dễ dao động, và những vũ khí được tuồn vào chiến trường mà không được giám sát chặt chẽ thường sẽ gây ra thảm họa.
Quân đội Syria nã pháo vào mục tiêu IS ở gần thành phố Aleppo. Ảnh: NYTimes
“Chương trình huấn luyện quân nổi dậy bị chấm dứt này là biểu tượng cho những biện pháp nửa vời mà Mỹ đã áp dụng ở Syria, và chính sự ‘tiền hậu bất nhất’ này đã tạo khoảng trống để Nga tiến vào Syria”, ông David Rothkopf, cựu quan chức chính quyền Clinton và hiện là biên tập viên củaForeing Policy, nhận định.
Chuyên gia về an ninh quốc gia Craig Whitlock ở London, Anh thì cho rằng việc viện trợ quân sự cho các chiến binh nổi dậy trong khu vực đan xen với phiến quân IS sẽ là bước “thoát ly” đáng kể trong chính sách trước đây của Mỹ. Tuy nhiên nó cũng đặt Mỹ vào tình thế mạo hiểm hơn trong trường hợp số vũ khí, đạn dược mà họ viện trợ cho quân nổi dậy bị lọt vào tay IS, hoặc khi các đơn vị nổi dậy được họ hậu thuẫn bị lực lượng trung thành với ông Assad và đồng minh tấn công.
Giới phân tích cũng tỏ ra lo ngại rằng việc Mỹ và liên quân thực hiện các cuộc không kích yểm trợ cho lực lượng nổi dậy bao vây thành phố Raqqa sẽ khiến các chiến đấu cơ Mỹ phải hoạt động gần hơn với các máy bay ném bom Nga đang không kích các mục tiêu IS, làm gia tăng nguy cơ đụng độ nguy hiểm giữa hai bên.
Theo ông Rosenthal, việc Mỹ nên làm lúc này là kiên nhẫn chờ đợi những chuyển biến lớn trên chiến trường hơn là mạo hiểm tuồn vũ khí cho phe nổi dậy và có thể khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Giải pháp khả thi nhất cho họ là thúc đẩy bước đột phá về ngoại giao dẫn tới quá trình chuyển giao quyền lực ở Damascus, dọn đường cho một chiến dịch thống nhất chống lại IS ở Syria.
Để làm được điều đó, bà Nina Khrushcheva, hiệu trưởng trường Đại học Quan hệ Quốc tế Milano, cho rằng Mỹ cần phải phối hợp nhiều biện pháp, chẳng hạn như lập vùng cấm bay ở phía bắc Syria để hạn chế nguy cơ đụng độ với máy bay Nga, và chấp nhận Nga như một đối tác bình đẳng để giải quyết cuộc khủng hoảng.
“Cách thức thực hiện là đề cao mục tiêu chung của hai nước, đó là đánh bại IS và tránh lặp lại sai lầm ở Libya, nơi sự sụp đổ của chính phủ đã đẩy cả đất nước vào tình thế hỗn loạn. Muốn vậy, Mỹ cần phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga và tìm kiếm những lợi ích chung”, bà Khrushcheva nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
TPP giúp Tổng thống Obama củng cố chiến lược xoay trục về châu Á
Việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)- một thỏa thuận thương mại tự do đã bị trì hoãn nhiều lần- với các nước châu Á- Thái Bình Dương đã diễn ra vào thời điểm thích hợp cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, bởi nó là hiện thân cho cam kết trước đó của ông là xoay trục về lục địa đông dân nhất thế giới này.
Sau những chần chừ do dự ở Trung Đông và đặc biệt ở Syria làm dấy lên một loạt chỉ trích, giờ đây ông Obama có thể khẳng định một thắng lợi ngoại giao thực sự trong bối cảnh còn chưa đầy 16 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Điều đó chứng tỏ ông Obama có thể vượt qua cản trở từ Quốc hội Mỹ. Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Obama- chiến lược tái cân bằng hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á- được bà Hillary Clinton phổ biến rộng rãi khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Chiến lược này nhằm đóng góp nhiều hơn các nguồn lực ngoại giao, an ninh, kinh tế và hướng sự chú ý tới châu Á sau một thập kỷ Mỹ bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và các cuộc chiến tốn kém ở Afghanistan và Iraq. Ông Obama nói rằng thỏa thuận đạt được hôm 5/10 giúp "tăng cường quan hệ chiến lược của chúng ta với các đối tác và đồng minh trong khu vực quan trọng của thế kỷ 21".
Đáng chú ý, Trung Quốc không phải là một đối tác trong TPP- hiệp định quy tụ 12 quốc gia đại diện cho khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. 12 quốc gia đạt được thỏa thuận sau 7 năm đàm phán gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Gần 7 năm trước, khi mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Obama đã bày tỏ ý định vạch ra tiến trình mới. Phát biểu tại Tokyo hồi tháng 11/2009 khi khởi động chuyến công du đầu tiên tới châu Á, ông Obama nói: "Với tư cách là tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ, tôi cam kết rằng quốc gia Thái Bình Dương này sẽ tăng cường và duy trì sự lãnh đạo của chúng tôi ở khu vực vô cùng quan trọng này của thế giới... Tương lai của Mỹ và châu Á có mối liên kết chặt chẽ". Vào thời điểm đó, ông cũng tuyên bố ý định của Washington muốn "tăng cường khối liên minh cũ và xây dựng quan hệ đối tác mới trong khu vực".
Douglas Paal của Viện Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế cho rằng hiệp định thương mại vừa được ký kết ở Atlanta, Georgia (Mỹ) đã tiếp thêm "nguồn sinh lực mới" cho chiến lược tái cân bằng và thúc đẩy sự can dự của Mỹ tại châu Á. Theo ông Paal, trong những thập kỷ trước, người ta có thể nói rằng Washington chỉ đơn thuần "tiếp tục những can dự quân sự của họ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai" trong khu vực, nhưng giờ đây Mỹ đang tăng cường những nỗ lực ngoại giao để đạt được đỉnh cao như những năm 1990.
Bởi vậy, ông Obama có ý định sử dụng những ý kiến hoài nghi chống Bắc Kinh để xoay chuyển những người đối lập. Ngay trong đảng Dân chủ, ông Obama cũng đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ, những người lo ngại rằng hiệp định này sẽ khiến người Mỹ mất đi việc làm. Thông thường, các nghị sĩ Cộng hòa vẫn thường ủng hộ các hiệp định thương mại tự do, song năm nay trong đảng Cộng hòa đã xuất hiện một số mâu thuẫn về vấn đề này. Theo dự luật được thông qua hồi tháng 6/2015, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua hoặc bãi bỏ hiệp định này, nhưng không có quyền sửa đổi nó. Quy trình này sẽ kéo dài vài tháng và Nhà Trắng đã từ chối đưa ra lộ trình kế hoạch.
Đối với ông Paal, nếu TPP thực sự là "thông điệp gửi tới Bắc Kinh" rằng Mỹ có ý định củng cố vai trò ảnh hưởng của họ ở châu Á, không nên suy diễn rằng TPP sẽ là một trong những phương cách để loại trừ Trung Quốc. Ông nói: "Nếu Trung Quốc thành công trong việc hoàn tất các cải cách kinh tế- tất nhiên chỉ mang tính giả thuyết- trong 2, 3 hay 5 năm tới, thì họ sẽ muốn trở thành một phần của TPP". Trung Quốc có thể nhìn nhận TPP là động cơ tăng trưởng mạnh mẽ vào thời điểm khi nền kinh tế khổng lồ của châu Á này đang "kiệt sức".
Theo The Straits Times
Văn Cường (gt)
Theo Nghiên cứu Biển Đông
TPP 'đòn búa tạ' của Mỹ nhằm vào Trung Quốc? Sự kiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sau những cuộc đàm phán cam go và nhiều lần trì hoãn nghẹt thở được xem là một thành công lớn đối với chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Mỹ vào Châu Á-Thái Bình Dương. Đây rõ ràng là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc. Ảnh minh...