Chiến lược “bật – tắt” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Chiến lược “bật – tắt” – tức là nới lỏng khi dịch lắng xuống, cách ly nghiêm ngặt khi dịch có dấu hiệu quay trở lại – sẽ giúp tạo ra sự linh hoạt để duy trì hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, đồng thời đảm bảo ngăn chặn dịch kịp thời.
Đề xuất này được nêu ra trong bài viết của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright về chiến lược này. Báo Lao Động trân trọng giới thiệu:
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19. Ảnh: SYT HN
Những biện pháp phòng chống dịch hiện nay – bao gồm cả “ cách ly xã hội” – đã thành công trong việc hạ thấp đường cong nhiễm dịch, nhờ đó hệ thống y tế không bị quá tải và giữ được niềm tin của xã hội.
Rõ ràng cách ly xã hội là cần thiết để hạn chế sự lây lan của COVID-19 và bảo vệ tính mạng cho người dân. Không những thế, trong giai đoạn cao điểm, cách ly xã hội là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn khủng hoảng y tế không trở thành thành khủng hoảng kinh tế.
Thế nhưng, cách ly xã hội tất yếu dẫn đến sự suy giảm hoạt động kinh tế. Số liệu quý I-2020 cho thấy GDP giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Ước tính nếu cách ly xã hội tiếp tục cho đến tháng 5 thì khoảng một phần ba doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa và hai triệu lao động sẽ mất việc làm. Đồng thời, vì các biện pháp phòng chống dịch đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, cho nên một chiến lược phòng chống dịch bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định.
Cũng lần lưu ý là “chi phí chống dịch” không chỉ là kinh tế hay tài chính, mà còn là tâm lý và xã hội. Trong giai đoạn vừa qua, việc phòng chống COVID-19 không tránh khỏi gây nên tình trạng lấn át các hoạt động y tế khác. Bên cạnh đó, việc cả xã hội lo sợ bị nhiễm virus, bị phong tỏa, hay cách ly xã hội lâu ngày có nguy cơ dẫn đến trầm cảm và ức chế tâm lý, thậm chí xung đột và bạo lực gia đình.
Như vậy, việc kéo dài quá lâu cách ly xã hội vừa không khả thi vừa không thực tế. Câu hỏi lớn nhất về chính sách hiện nay là làm thế nào để cân bằng giữa một bên là nỗ lực phòng chống dịch để tránh khủng hoảng y tế, với bên kia là nới lỏng cách ly xã hội để ngăn chặn sự đổ vỡ của nền kinh tế và suy sụp tâm lý của xã hội.
Vì lý do này, một số quốc gia như Đức, Áo, hay Anh, mặc dù chưa vượt qua khủng hoảng y tế nhưng đã bắt đầu cân nhắc việc mở cửa kinh tế trở lại. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, chiến lược phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo cần phải linh hoạt để thích nghi với diễn biến dịch bệnh, sức khỏe của nền kinh tế, và tâm lý của xã hội. Chỉ có thế thì chiến lược phòng chống dịch mới vừa hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế.
Điều này cụ thể có nghĩa là gì cho giai đoạn sau đợt cách ly xã hội vào ngày 22.4?
Video đang HOT
Mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn tiếp theo vẫn sẽ là kiềm chế tốc độ lây nhiễm ở mức thấp, đảm bảo xét nghiệm kịp thời đối với tất cả những người có triệu chứng và những người tiếp xúc gần với F0, đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế để có thể điều trị một cách an toàn cho cả bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân khác cần được chăm sóc.
Đồng thời, từng bước giảm dần các biện pháp cách ly xã hội một cách thận trọng và đồng bộ, phù hợp với hoàn cảnh và mức độ rủi ro cụ thể của từng ngành, từng địa phương. Cụ thể là các địa phương nên được phân thành các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau căn cứ vào các chỉ tiêu quan trọng như số ca nhiễm mới, số ca nhiễm mất dấu F0, năng lực xét nghiệm, năng lực điều trị, và mức độ kết nối với các trung tâm dịch bệnh.
Chẳng hạn như nếu một địa phương trong giai đoạn cách ly xã hội vừa qua không có ca nhiễm mới, hoặc giảm trên 50% số ca nhiễm mới, không có ca nào bị mất dấu F0, hệ thống y tế đủ năng lực xét nghiệm đối với tất cả những người có triệu chứng COVID-19 và những người tiếp xúc gần với họ, có thể điều trị cho tất cả các ca nhiễm virus, và có mức độ kết nối thấp với Hà Nội thì hiển nhiên thuộc nhóm rủi ro thấp, và vì vậy có thể nới lỏng nhiều hơn và nhanh hơn so với các địa phương có mức độ rủi ro trung bình hoặc cao.
Tóm lại, trong giai đoạn tiếp theo, chiến lược “bật – tắt” – tức là nới lỏng khi dịch lắng xuống, cách ly nghiêm ngặt khi dịch có dấu hiệu quay trở lại – sẽ giúp tạo ra sự linh hoạt để duy trì hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, đồng thời đảm bảo ngăn chặn dịch kịp thời.
Điều kiện thành công của chiến lược này phụ thuộc vào khả năng giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch COVID-19, đặc biệt là các ổ dịch, để đảm bảo không gây các đợt bùng phát dịch bệnh mới. Điều này, đến lượt mình, phụ thuộc vào năng lực xét nghiệm (Test), theo dõi (Tracking) và điều trị (Treatment) mà giới chuyên gia gọi tắt là “3T”.
Điều này có nghĩa là hệ thống y tế phải tiếp tục thực hiện sát sao việc phát hiện, truy vết, khu trú, cách ly người nghi nhiễm và người bệnh như trong giai đoạn trước, vì trong bối cảnh hiện nay thì mở rộng xét nghiệm, cách ly người nghi nhiễm và người bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Đồng thời khuyến cáo những người có rủi ro gây nhiễm bệnh cao như những người trên 60 tuổi (đặc biệt là những người có bệnh lý nền và bệnh mãn tính) các biện pháp tự bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Kinh nghiệm trong giai đoạn qua của Việt Nam cho thấy cần giám sát chặt chẽ để ngăn chặn sự bùng phát của các ổ dịch, vì nếu không làm được việc này, chỉ cần vài ca siêu lây nhiễm là đủ để tạo ra một ổ dịch lớn. Điều này đòi hỏi phải thực hiện giám sát trọng điểm định kỳ không chỉ ở những ổ dịch (có từ 2 nguồn lây nhiễm độc lập trở lên) mà còn ở các địa bàn có rủi ro cao – cụ thể là những nơi đông người, mật độ cao, mức độ tiếp xúc và lưu chuyển lớn như các bệnh viện, tòa nhà văn phòng, nhà ăn và ký túc xá công nhân v.v.
Đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài và vì vậy cả nước cần phải tìm cách thích nghi, sống chung với nó. Điều này cũng có nghĩa là phòng chống dịch phải được xem là chiến lược lâu dài. Sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân không phải là vô hạn, vì vậy cần cân nhắc thấu đáo, không để vượt qua ngưỡng chịu đựng này, nhờ đó bảo vệ được sức khỏe doanh nghiệp, củng cố niềm tin xã hội, và nuôi dưỡng được nền tảng phục hồi. Các biện pháp phòng chống dịch cũng đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, vì vậy chỉ trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định thì mới có thể phòng chống dịch một cách bền vững.
TS. VŨ THÀNH TỰ ANH, TRƯỜNG CHÍNH SÁCH CÔNG VÀ QUẢN LÝ FULBRIGHT
Các em học sinh tự làm mũ chống giọt bắn gửi các y bác sỹ chống dịch
"Con hãy lớn lên cùng với sự sẻ chia, con sẽ thấy cuộc đời này hạnh phúc biết bao" - đó là thông điệp của cô giáo Đinh Thị Hải chủ nhiệm lớp 5A0 trường TH - THCS Ngôi Sao Hà Nội truyền cảm hứng đến các bạn nhỏ trong lớp với dự án 1500 mũ chống giọt bắn gửi đến các y, bác sỹ chống dịch.
Bạn Phương Anh chia sẻ: "Con rất hào hứng với dự án này, bố mẹ cùng giúp con tỉ mẩn làm từng chi tiết nhỏ của chiếc mũ chống giọt bắn, cả nhà cùng quây quần bên nhau mỗi tối để gửi tặng tới các y, các bác sỹ con thấy vui lắm ạ."
Bạn Duy Anh: "Chúng con sau giờ học online mỗi ngày, lại hỏi han nhau về tiến độ dự án mũ chống giọt bắn do cô chủ nhiệm phát động, chúng con thấy vui và tự hào lắm ạ."
Lần đầu tiên các bạn nhỏ được trực tiếp tham gia vào các khâu sản xuất chiếc mũ chống giọt bắn để gửi tặng đến các y, bác sỹ - một trải nghiệm thực sự bổ ích và nhiều ý nghĩa.
Các em học sinh tranh thủ sau giờ học online làm mũ
Các em tỉ mẩn cắt logo "Tôi yêu Việt Nam" để dán vào mũ
Công việc làm mũ có nhiều công đoạn, dập lỗ, dán kính và logo được các em làm rất chăm chú
Thành quả sau bao ngày miệt mài của các bạn nhỏ là hơn 1500 mũ chống giọt bắn đã sẵn sàng gửi tặng đến tận tay các y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Cô Đinh Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A0 TH - THCS Ngôi Sao Hà Nội chia sẻ về thông điệp của dự án: 'Các con hãy lớn lên cùng với sự sẻ chia, các con sẽ thấy cuộc đời này hạnh phúc biết bao"
Mỗi em làm xong sản phẩm của mình đều đóng vào thùng gửi đến trường để cô giáo gửi đến các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid
Công sức miệt mài, tình cảm yêu thương gửi gắm của các bạn nhỏ được ban phụ huynh lớp 5A0 ghi lời nhắn gửi đến tận tay các bệnh viện để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Ban phụ huynh đến bệnh viện trao tận tay y, bác sĩ sẩn phẩm từ tấm lòng của các em nhỏ học sinh
NGUYỄN TRỌNG TÀI
Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Những bước chân không quản ngày đêm Từ ngày có dịch Covid-19 bùng phát, những bước chân đi đến từng nhà dân để điều tra, xác minh dịch bệnh của các cán bộ y tế dự phòng vội vã hơn, và họ đã không quản ngày đêm để lần theo vết F1, F2... Lấy mẫu xét nghiệm cho những người cách ly - NVCC Từ ngày có dịch chưa được...