Chiến dịch nâng cao nhận thức bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước bạo lực gia đình
Chiến dịch gửi tới cộng đồng thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Sáng 5/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (Australian Aid) đã phối hợp khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức “Trái tim Xanh 2022″ hướng tới chấm dứt bạo lực trong bối cảnh các nguy cơ đang trở nên trầm trọng hơn và các hình thức bạo lực đang ngày càng đa dạng.
Khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức Trái tim Xanh 2022. Ảnh: unicef.org
Chiến dịch gửi tới cộng đồng thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên chiến dịch năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi của cá nhân và xã hội, giúp ngăn chặn bạo lực trước khi nó bắt đầu.
Theo các nhà tổ chức, chiến dịch kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng để tạo ra môi trường không có bạo lực trong gia đình, trường học, trong cộng đồng và trên mạng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi có thật nhiều tiếng nói cùng lên tiếng và phản đối bạo lực dưới mọi hình thức, cũng như các tác động của nó. Những tiếng nói thống nhất này phải đến từ các cá nhân, bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình, trẻ em và thanh, thiếu niên, giáo viên, hàng xóm, lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách, những người có tầm ảnh hưởng đủ mạnh để tạo động lực làm thay đổi những tồn đọng vốn là rào cản khiến Việt Nam đối mặt với vấn nạn bạo lực gia đình.
Phát biểu tại Lễ khởi động chiến dịch, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, chỉ khi mọi người xích lại gần nhau và lên tiếng rằng bạo lực là không thể chấp nhận được, chúng ta mới có thể khiến thứ vô hình trở nên hữu hình. “Sáng kiến này kêu gọi người dân, các nhà làm luật và chính phủ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại bạo lực. Chúng tôi mong muốn có thể biến sự phẫn nộ của công chúng đối với các hành vi bạo lực thành những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm làm thay đổi cuộc sống của trẻ em và phụ nữ”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nêu rõ: “Mỗi người chúng ta đều có vai trò lên tiếng. Hãy biến những cảm hứng lan truyền của Lễ phát động ngày hôm nay thành hành động cụ thể nhằm chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ. Hãy tôn trọng tất cả phụ nữ và trẻ em, lắng nghe ý kiến của họ, hãy lên tiếng và tìm kiếm hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi bạn chứng kiến bạo lực trẻ em và phụ nữ, cùng lan tỏa thông điệp của chiến dịch đến nhiều người hơn”.
Video đang HOT
Theo Liên hợp quốc, trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ trẻ em phải hứng chịu bạo lực với nhiều hình thức khác nhau. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó, có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Trong một nghiên cứu khác, 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử. Một nghiên cứu khác nữa cho hay, 5,8% trẻ vị thành niên cho biết đã có ý định tự tử.
Theo Khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2019, có 62,9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế, cũng như hành vi kiểm soát của người chồng. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, bạo lực phụ nữ góp phần làm thâm hụt 1,81% GDP của quốc gia.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột càng trở nên trầm trọng hơn do các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19. Bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong gia đình, trường học, và trên mạng đang xảy ra đối với hàng triệu trẻ em, kể cả ở Việt Nam. Trong khi đó, có sự cạnh tranh về ưu tiên trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và không gian tài khóa đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, việc chấm dứt bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ phải được ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với con người. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra và chúng ta chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm. Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các cơ quan Liên hợp quốc và Chính phủ Australia trong lĩnh vực này. “Chỉ khi cùng hợp lực, chúng ta mới trở nên mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy các giải pháp và hành động cụ thể hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, bà Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam thông tin, tại Việt Nam, Trung tâm dịch vụ một cửa, thường được gọi là “Ngôi nhà Ánh Dương” cung cấp các dịch vụ thiết yếu tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nhà tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, cảnh sát bảo vệ, dịch vụ pháp lý và tư pháp và chuyển gửi đều được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương. Mô hình này là một trong những kết quả hữu hình của UNFPA trong nỗ lực tiến tới “không có bạo lực trên cơ sở giới và hành vi có hại”.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và được đối xử tôn trọng”, bà Naomi Kitahara nói.
Trong khuôn khổ Lễ khởi động chiến dịch, một loạt các hoạt động bên lề đã diễn ra như triển lãm tương tác mở cửa cho người dân giúp khám phá các khía cạnh tâm lý xã hội của bạo lực và cách giải quyết bạo lực. Những người tiên phong vận động như Hoa hậu Hoàn vũ 2017 H’Hen Niê, ca sĩ Hoàng Bách, Duy Khoa, cũng như MC Trang Moon đã trở lại với chiến dịch năm nay để phát huy sức mạnh lan tỏa của họ cho chiến dịch. Đồng thời, chiến dịch có sự tham gia của những tiếng nói mới, có sức ảnh hưởng từ ban nhạc Da LAB và nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh để vận động nam giới và trẻ em trai tham gia đứng trên chiến tuyến chống lại bạo lực, cũng như những người trẻ Việt Nam nói chung góp sức tạo nên những thay đổi mang tính thế hệ.
Chồng đánh vợ sẽ phải 'lên phường', cấm tiếp xúc phạm vi 50 m
Chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình có thể bị yêu cầu lên trụ sở công an xã làm việc, bị cấm tiếp xúc trong 3 ngày mà nạn nhân không cần phải viết đơn.
Chiều 27.5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV, trình bày tờ trình về dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo bổ sung quy định mới về "buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình" và quy định "yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình" (các điều 31, 32 dự thảo).
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi. Ảnh GIA HÂN
Theo Bộ trưởng Hùng, việc bổ sung quy định mới này nhằm khắc phục bất cập thời gian qua là người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành chấm dứt hành vi bạo lực khi có yêu cầu, mặt khác, việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã còn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn, vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có người có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Cụ thể, dự thảo luật quy định khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
Trường hợp không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu về trụ sở. Thời gian yêu cầu đến trụ sở công an xã không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu.
Sẽ bị cấm tiếp xúc khi có yêu cầu
Một điểm mới khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo luật bỏ quy định người bị bạo lực gia đình phải viết đơn đề nghị áp dụng cấm tiếp xúc để thay bằng quy định "yêu cầu" để vừa bảo đảm tôn trọng quyền của người bị bạo lực gia đình vừa giảm thủ tục hành chính "viết đơn" gây khó khăn cho người bị bạo lực gia đình.
Theo dự thảo luật mà Chính phủ trình, người có hành vi bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian thực hiện cấm tiếp xúc.
Cụ thể, dự thảo luật quy định, chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi người bị bạo lực gia đình có yêu cầu và hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực.
Dự thảo cũng quy định, người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50 m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.
Trong trường hợp tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình thì có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, kể từ sau khi luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ 2008, công tác này có nhiều kết quả, song bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường.
Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT-DL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục.
Vụ thai phụ 6 tháng ở Hà Nội tử vong, chồng đau đớn chia sẻ trên Facebook: Bệnh viện Thanh Nhàn nói gì? Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên tiếng sau vụ việc người phụ nữ mang thai 6 tháng tử vong sau 2 ngày cấp cứu. Liên quan vụ việc người phụ nữ mang thai 6 tháng tử vong sau 2 ngày cấp cứu, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho...