Chiếc ghế cựu chánh án
Hai năm trước, cấp dưới phải sắp xếp ghế cho vị chánh án ngồi. Bây giờ, với tư cách bị cáo, ông phải mở lời xin một chiếc ghế để được ngồi nghe thuộc cấp cũ xét hỏi
TAND tỉnh Phú Yên vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra ngay tại tòa này. Theo đó, tòa đã tuyên bị cáo Lê Văn Phước (cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên) 15 năm 6 tháng tù, bị cáo Trương Công Lộc (nguyên phụ trách kế toán TAND tỉnh Phú Yên) 17 năm tù, bị cáo Huỳnh Thị Nhã Nhàn (nguyên thủ quỹ TAND tỉnh Phú Yên) 15 năm tù và bị cáo Ngô Thị Phương Thảo (nguyên kế toán viên) 3 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản”.
“Tôi rất nhục nhã”
Đó là lời nói sau cùng của cựu chánh án Lê Văn Phước tại phiên tòa. “Thật xấu hổ, nhục nhã khi giờ tôi ngồi đây” – giọng ông mệt mỏi, run run với đôi mắt đỏ hoe. Những người tham dự phiên tòa hiểu đó là suy nghĩ thật, lời nói thật tận đáy lòng.
Trong suốt 1 tuần xử án, hiếm khi thấy ông ngẩng mặt lên. Nghe các bị cáo khác tố ngược lại mình cho đến khi nghe tòa tuyên án, ông vẫn chỉ cúi đầu.
Ông Lê Văn Phước luôn cúi đầu tại phiên tòa dù đang bị các bị cáo khác tố hay nghe tuyên án
Không xấu hổ sao được khi ông từng ngồi ở vị trí cao nhất ở chính tòa án này nay phải ngồi ở cái ghế thấp nhất chờ cấp dưới phán xét, định đoạt cuộc đời mình. Mà chiếc ghế ấy, ông cũng phải xin phép để được ngồi trong lúc tòa làm việc do sức khỏe yếu. Không nhục nhã sao được khi trước đây bao nhiêu người đến tòa cúi đầu chào, ngưỡng mộ vì ông chính là đại diện cho công lý. Bây giờ, trong mắt nhiều người, ông là kẻ tham ô, đục khoét tiền nhà nước, ra tòa bị chính những người ông từng cất nhắc tố ngược, cho rằng ông mới là người chỉ đạo, bàn bạc để họ tham ô. Có lẽ vì vậy mà cuối ngày xét xử thứ 3, khi tra tay vào còng để ra xe về trại tạm giam, nghe có tiếng gọi nhỏ: “Anh Phước”, ông quay phắt lại, ánh mắt sáng lên trên khuôn mặt đầy mệt mỏi, cố tìm kiếm người quen ở nơi vừa phát ra tiếng gọi. Không ai ra mặt. Ông chắp 2 bàn tay đưa lên cao như cám ơn người dù giấu mặt nhưng vẫn còn nhớ đến ông trong hoàn cảnh này.
Video đang HOT
Tham lam hay bị gài bẫy?
Nhớ khi vụ án còn manh nha, cơ quan điều tra mời ông lên làm việc, tôi gọi điện thoại để nắm sự việc, ông một mực bảo mình vô tội. “Chính tôi là người phanh phui vụ việc, sao tôi nhúng tay vào vụ đó được?” – ông nói.
Tại phiên tòa, ông vẫn một mực không nhận tội mà chỉ thừa nhận có ký nhận hơn 9 triệu đồng tiền quà vặt khi công tác nước ngoài, còn lại tất cả các khoản tiền mà các bị cáo khác tham ô và khai nhận đã chia phần với ông khi ông còn làm chánh án TAND tỉnh Phú Yên, ông đều phủ nhận. Cả khoản tiền hơn 9 triệu đồng mà ông ký nhận, ông cũng bảo không biết. “Nếu biết đó là tiền ăn cắp của nhà nước, tôi đã không nhận. Nhưng giờ lỡ bút sa gà chết rồi” – ông bào chữa cho mình.
Tuy nhiên, từ những lời khai thừa nhận tội tại tòa của 3 bị cáo còn lại, HĐXX nhìn nhận phù hợp với chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được, cho thấy ông Phước khi làm chánh án TAND tỉnh Phú Yên là một mắt xích quan trọng trong nhóm tham ô tài sản ở tòa này. Ông Phước là người đứng đầu cơ quan, chủ tài khoản nhưng từ năm 2010 đến tháng 8-2017, ông đã ký các chứng từ khống do ông Lộc chủ mưu lập nên nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước hơn 2,8 tỉ đồng để chia nhau. Trong quá trình tham ô tài sản đó, 4 bị cáo đã có sự bàn bạc, thông đồng với nhau.
Trong đó, chính ông Phước đã ký đề xuất UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí địa phương để phục vụ chi công tác tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động và một số hoạt động khác của TAND tỉnh, trong khi biết rõ các hoạt động này đã được cấp từ ngân sách trung ương. Khi được UBND tỉnh Phú Yên cấp hỗ trợ kinh phí, ông Phước đã chỉ đạo ông Lộc hạch toán các hoạt động này bằng nguồn ngân sách trung ương giao để lấy nguồn kinh phí địa phương hơn 700 triệu đồng chia nhau. Từ năm 2011 đến 2016, các bị cáo còn thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách kế toán chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng tiền tạm ứng nguồn vốn ngân sách trung ương. Ngoài ra, khi một số cán bộ của TAND tỉnh Phú Yên đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông Lộc vẫn lập khống chứng từ chi trả lương hằng tháng để chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng rồi chia cho ông Phước, bà Thảo.
Những người làm ở TAND tỉnh Phú Yên đều biết ông Lộc phù phép công quỹ, nhiều ý kiến đề xuất thay người phụ trách kế toán nhưng vẫn không thể thay được. Có phải vì không tìm ra người để thay như ông Phước nói hay vì lòng tham, lỡ “nhúng chàm” từ bẫy ông Lộc giăng nên ông Phước ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi để rồi phải trả giá.
Tiền chi tiêu là nhờ… bạn cho
Trong phần xét hỏi, khi đại diện VKSND chất vấn nếu không tham ô, lấy tiền đâu để trang trải chi phí cho gia đình và trả nợ ngân hàng đã vay trước đó khi không rút lương từ tài khoản, ông Lê Văn Phước không chần chừ mà trả lời ngay: “Tiền chi tiêu gia đình và trả nợ ngân hàng là nhờ vào 4 sào ruộng vợ bị cáo làm và bạn bè cho”. Ở bên dưới, nhiều tiếng “ồ” lên đầy ngạc nhiên.
Bài và ảnh: Hồng Ánh
Theo nld.com.vn
Cựu chánh án bị buộc tội tham ô: Tôi rất xấu hổ khi ngồi đây
Chiều nay (25-12), TAND tỉnh Phú Yên tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Văn Phước, cựu Chánh án TAND Phú Yên về hành vi tham ô tài sản.
HĐXX cho ông bị cáo Phước ngồi trong khi tiến hành xét hỏi vì sức khỏe yếu.
Khác với các bị cáo được xét hỏi trước đó đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo Phước 1 mực không thừa nhận đã nhận tiền ăn chia do tham ô ngân sách mà có. Bị cáo Phước thừa nhận chỉ 1 lần nhận tiền từ ông Trương Công Lộc - phụ trách kế toán của TAND tỉnh Phú Yên. "Thời điểm đó tôi không biết. Nếu biết đó là tiền ông Lộc ăn cắp của nhà nước thì tôi đã không ký nhận" - bị cáo Phước nói tại tòa.
Khi đại diện Viện Kiểm sát hỏi về việc trong thời gian dài, ông Phước không rút tiền từ tài khoản thì tiền đâu để chi tiêu, có phải nhờ vào tiền ăn chia do các bị cáo khác đưa, bị cáo Phước tiếp tục phủ nhận. Bị cáo này cho rằng tiền chi tiêu nhờ vào 4 sào ruộng do vợ làm và tiền do bạn bè cho(?!).
Bị cáo Phước cũng cho rằng việc ông nộp lại tiền không phải là bồi thường mà vì ông là người đứng đầu cơ quan, để xảy ra sai phạm nên ông phải khắc phục.
Bị cáo Phước tỏ ra lo lắng trước khi bước vào phiên xét hỏi mình
Nói về việc phải ra hầu tòa ở chính nơi mình đã điều hành, bị cáo Phước bảo: "Để cơ quan xảy ra sai phạm mà tôi là người đứng đầu, để giờ phải ngồi đây tôi thấy rất xấu hổ, rất nhục nhã".
Như Báo Người Lao Động đưa tin, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại TAND tỉnh Phú Yên bắt đầu diễn ra từ sáng 24-12. Các bị cáo bị được ra xét xử là những người từng công tác nhiều năm tại TAND tỉnh Phú Yên, gồm: Lê Văn Phước - cựu Chánh án, Trương Công Lộc - phụ trách kế toán, Ngô Thị Phương Thảo - kế toán viên, Huỳnh Thị Nhã Nhàn - thủ quỹ.
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 8-2017, 4 người nói trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng. Trong đó, khi được UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí phục vụ chi công tác tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động và một số hoạt động khác của TAND tỉnh, ông Phước lại chỉ đạo ông Lộc hạch toán các hoạt động này bằng nguồn ngân sách trung ương giao để lấy nguồn kinh phí địa phương hơn 700 triệu đồng chia nhau. Từ năm 2011 đến 2016, những người này còn thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách kế toán chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng tiền tạm ứng nguồn vốn ngân sách trung ương. Ngoài ra, 1 cán bộ của TAND tỉnh Phú Yên đã nghỉ hưu từ năm 2013, nhưng ông Lộc vẫn lập khống chứng từ chi trả lương hàng tháng cho người này để chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng rồi chia cho ông Phước, bà Thảo.
Các bị cáo tại phiên tòa
Khi được xét hỏi trước đó, bị cáo Lộc thừa nhận mọi việc làm của mình là sai trái và cho rằng có sự chỉ đạo của ông Phước.
Phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo người lao động
Tòa quận 4 đã ủy thác thi hành án ông Nguyễn Hữu Linh Trong hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của chánh án TAND quận 4, TP.HCM thì chánh án TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng phải ra quyết định thi hành án đối với ông Nguyễn Hữu Linh. Chiều 31-12-2019, nguồn tin từ TAND quận 4, TP.HCM cho biết căn cứ Điều 364 BLTTHS 2015, tòa này...