Chiếc “áo” quản lý quá chật
“ Ninh Hiệp có hàng lậu không? Công dân ở đây có buôn hàng lậu không?”. Câu hỏi ấy chúng tôi đặt ra từ cấp cơ sở đến lực lượng chức năng thành phố, và nhận được những cái gật đầu! Cấp nào cũng biết thực trạng ở Ninh Hiệp, nhưng một giải pháp thực sự quyết liệt, bài bản để “đánh” hàng lậu, đến giờ vẫn chưa định hình.
Phương tiện cơ giới chủ yếu ở Ninh Hiệp và hàng lậu bị phát hiện tập kết trong kho
Nhiều mô hình quản lý, vẫn “hổng”
Trên dưới 1.600 hộ kinh doanh vải, quần áo ở Ninh Hiệp, tùy theo mô hình mà có sự quản lý khác nhau. Hai trung tâm thương mại Phú Điền và Sơn Long hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp. Chợ Nành đông số hộ kinh doanh nhất (1.093 hộ – theo thống kê của cơ quan QLTT), có Ban quản lý chợ thuộc HTX của Ninh Hiệp quản lý. Mấy trăm hộ kinh doanh tại nhà chịu sự giám sát (về mặt thuế) thông qua chính quyền cơ sở. Tổng thể chung, hoạt động kinh doanh vải, quần áo ở Ninh Hiệp do UBND huyện Gia Lâm quản lý.
Video đang HOT
Việc có nhiều đầu mối như trên, không giúp công tác quản lý đạt hiệu quả. Bằng chứng là hàng chục năm qua, làng nghề Ninh Hiệp tính đến tháng 7-2012 vẫn có chưa tới 30% số hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh. Vai trò của các Ban quản lý chợ mới chỉ “mạnh” ở việc bố trí chỗ ngồi cho các hộ kinh doanh, trợ giúp cơ quan thuế hoặc trực tiếp thu thuế, còn bỏ trống hoàn toàn việc xác minh hay nhắc nhở, xử lý các “đối tượng nộp thuế” chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ. Tìm về Ninh Hiệp, thông qua một cán bộ Đồn Công an Bắc Đuống để đặt lịch làm việc với đại diện Ban quản lý chợ Nành, vị này vừa nghe nói đến “nhà báo” đã lập tức thoái thác: “Tớ phải đi ăn cỗ”.
Với trên 95% hàng hóa (vải, quần áo) về chợ, tại chợ có “nguồn” từ Trung Quốc, vấn đề cần phải có mô hình quản lý tập trung thống nhất, cán bộ có năng lực chuyên môn, có biện pháp giám sát, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại và có thẩm quyền để “áp” chế tài đối với vi phạm, là hết sức cần thiết. Chúng tôi đọc được trong tham luận của một cán bộ có trách nhiệm thuộc một cơ quan được phân công giám sát hoạt động chợ vải Ninh Hiệp, đại ý từng có thời điểm, cơ quan này đã tham mưu cho xã tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh ngày 2 lượt, mỗi lượt 15 phút, phổ biến quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng nhập khẩu, quy định sử dụng hóa đơn, chứng từ… Rồi hàng chục lượt kiểm tra đã được tiến hành. Song kết quả là cứ trường hợp nào lực lượng chức năng huyện, thành phố lập chuyên án kiểm tra, đều phát hiện lỗi “sơ đẳng” là hàng không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hay nói cách khác, là hàng lậu!
“Vị” pháp luật hay “vị”… nguồn thu?
Có thông tin cho thấy, nguồn thu thuế mỗi năm ở chợ Ninh Hiệp chiếm trên 20% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể ở huyện Gia Lâm. Dường như đây là nguyên nhân chính khiến lâu nay, công tác phát hiện, xử lý hàng lậu ở Ninh Hiệp chưa thực sự quyết liệt. Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội, khi đề cập đến chợ Ninh Hiệp đã nêu khó khăn khách quan, là công tác chống buôn lậu không được làm mạnh từ các tỉnh biên giới cũng như trên các tuyến hành trình về Hà Nội, nên khi hàng đã về Ninh Hiệp, sẽ không dễ xử lý. Một vấn đề khác là, nếu chỉ riêng Hà Nội, riêng Ninh Hiệp chống hàng lậu, sẽ khó đạt hiệu quả triệt để. Ninh Hiệp chỉ là điểm trung chuyển, tập kết; nếu bị “đánh rát”, hàng sẽ chạy sang Đình Bảng, Bắc Ninh, hoặc ngược lên Bắc Giang.
Không thể phủ nhận những phân tích về khó khăn khách quan nêu trên, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận sự thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ từ phía lực lượng chức năng. Hàng lậu đã và đang về Ninh Hiệp. Liệu có thể lập các chốt để kiểm soát nguồn gốc hàng hóa trên xe ô tô trước khi vào chợ? Liệu có thể thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ, trong trung tâm thương mại, để “rà” hàng hóa có vấn đề? “Làm được”, cơ quan chức năng huyện và thành phố đều khẳng định điều này, nhưng buông kèm câu hỏi: “Làm thế liệu có thành ngăn sông cấm chợ? Liệu dân Ninh Hiệp có “chịu” nổi không?”.
Cái “nếp” “hàng hóa hợp lệ phải kèm hàng lậu mới có lãi” đã định hình trong suy nghĩ và cách làm của bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh ở Ninh Hiệp. Và không quá để nói rằng, cái “nếp” ấy hình thành chính từ sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở, ban quản lý chợ và các lực lượng chức năng. Theo quy định, hàng hóa vận chuyển trên đường phải xuất trình đủ giấy tờ. Hàng hóa tập kết trong kho, khi bị kiểm tra có thể chưa xuất trình được giấy tờ ngay, nhưng phải xuất trình sau đó không quá 3 ngày. Thế nhưng nguyên tắc kiểm tra, xử lý này đôi lúc vẫn được nhân nhượng, xuê xoa. Nhiều vụ việc cho thấy điều lạ là chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bị giữ phương tiện hay kiểm tra kho hàng, chủ hàng và những người vận chuyển đã xuất trình được phần lớn giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Cùng nhìn lại một vụ việc từng diễn ra ở Ninh Hiệp, hồi trung tuần tháng 11-2012. Hôm đó, liên ngành chức năng thành phố đột kích kho hàng tại xóm 9 Ninh Hiệp và kiểm tra 1 xe tải đang cập kho, định xuống hàng. Toàn bộ số hàng trên xe tải gồm gần 200 cuộn vải và hơn 60 bao tải đựng vải may các loại, tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vậy mà xe và hàng từ Cao Bằng vẫn vận chuyển trót lọt về đến Ninh Hiệp. Biểu hiện bất thường khác bị phát hiện là trong kho hàng đang chứa gần 160 cây vải và hàng chục bao vải các loại. Chủ kho xuất trình một số tờ hóa đơn liên 2, song qua đối chiếu hóa đơn với số hàng trong kho lại không phù hợp về số lượng và chủng loại. Từng ấy hành vi nhưng sau đó chiếc xe ô tô chở hàng lậu vẫn được “hoàn cố chủ”; số hàng không tương thích giữa hóa đơn với thực tế trong kho bị tịch thu, rồi được đem bán đấu giá. Và nghe nói, chính chủ kho và một số chủ hàng đã tham gia phiên đấu giá ấy, rồi trúng thầu. Cách thức đấu tranh xử lý thiếu kiên quyết, thiếu triệt để rõ ràng không thể tác động làm thay đổi nhận thức của các hộ kinh doanh ở Ninh Hiệp. Đã đến lúc phải có sự đột phá, thay đổi về tư duy và cách làm, ngay từ phía cơ quan quản lý…
Theo ANTD
Thu giữ 1.000 chiếc điện thoại không rõ nguồn gốc
Chiều 9-4, Đội Quản lý thị trường số 8 - Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng 5, Cục Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV (Bộ Công an) tổ chức kiểm tra hành chính, phát hiện tại tầng 3 của ngôi nhà số 98 phố Lạc Trung có chứa khoảng 1.000 chiếc điện thoại di động do nước ngoài sản xuất.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không có mặt. Ở kho hàng chỉ có 7 nhân viên đang tổ chức bốc dỡ, đóng điện thoại vào hộp để chuẩn bị giao hàng cho các đại lý. Tất cả số điện thoại trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng liên ngành đã lập hồ sơ, tổ chức niêm phong, tịch thu toàn bộ số điện thoại trên để xử lý theo đúng quy định và truy tìm chủ nhân của số hàng trên.
Theo ANTD
Thu giữ số lượng lớn hàng kim khí không rõ nguồn gốc Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT &CV, CAQ Hoàn Kiếm vừa thu giữ số lượng lớn hàng kim khí gồm các loại khóa, kéo, kìm tại số nhà 25 phố Hàng Giầy, Hoàn Kiếm, HN... Khoảng 9h sáng 5-4, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, CAQ Hoàn Kiếm bất ngờ kiểm tra hành chính ngôi nhà nhỏ nằm sâu bên trong...