‘Chỉ tiến không lùi’
Hai ngày qua, người dân và doanh nghiệp thấp thỏm chờ đợi tin tăng giá xăng. Bởi những ngày qua, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã lũ lượt nộp văn bản đề xuất lên Bộ Tài chính, xin tăng giá xăng từ 1.100 – 1.400 đồng/lít.
Lý do doanh nghiệp đưa ra là, Trong 10 ngày gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục biến động và đã vọt lên hơn 97 USD, cao hơn 4 USD so với ngày 13/8 (thời điểm giá xăng dầu trong nước điều chỉnh).
Tuy nhiên, đến cuối ngày hôm qua 24/8, rốt cuộc thì xăng chưa tăng giá. Và người ta lại “cá” tiếp xăng có tăng vào hai ngày cuối tuần hay không? Người bảo có, kẻ bảo không. Tuy vậy, người ta thấp thỏm chỉ để thấp thỏm cho câu chuyện “cá” nhau hơn là với sự ẩn ức. Có vẻ câu chuyện “giá như quân tốt, chỉ tiến không lùi” đang cho thấy phẩm chất khiến người dân Việt Nam trở thành những người lạc quan nhất thế giới: sự kiên nhẫn!
Lẽ đương nhiên, lỗ thì phải tăng giá. Bởi như đại diện Saigon Petro cho biết, hiện chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ đang cao, nhưng cao là bao nhiêu thì không rõ. Bởi nhóm các nhà nhập khẩu xăng dầu mua mãi bên Singapore, họ nói lỗ bao nhiêu thì người tiêu dùng biết chừng ấy. Trên thực tế, dù có hơn 10 đầu mối nhập khẩu nhưng 80% thị phần xăng dầu nằm trong tay 3 “đại gia” nhập khẩu. Quy định về bán lẻ đã tạo ra quy trình khép kín khiến cho thị trường thiếu tính cạnh tranh và cũng chưa đủ minh bạch.
Nhìn giá xăng chỉ thấy “tiến như tốt sang sông” tăng vùn vụt vài lần mới có một lần giảm chút chút gọi là có giảm, lại ước ao về một nguồn xăng dầu giá rẻ và ổn định. Và lại phải quay về câu chuyện “giá như” đã cách nay 7 năm: Năm 2006, một tập đoàn của Australia thông qua doanh nghiệp Việt Nam đã chào bán bán xăng với giá rẻ giật mình. Thay vì áp dụng phương thức Platt’s FOB Singapore (giá chào của sàn giao dịch dầu mỏ khu vực) mà các nhà nhập nhập khẩu phải chịu chi phí vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển thì đối tác này sẽ bán dầu cho Việt Nam theo phương thức giá Platt’s CIF Vietnam Port (chuyển tận cảng của Việt Nam). Theo phương thức này, nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ không phải chịu chi phí vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển, bên bán cũng sẽ có lợi là đường vận chuyển ngắn hơn, không phải tốn chi phí kho bãi bốc dỡ. Bên bán cũng cam kết sẽ cho bên mua trả chậm không lãi suất một khoảng thời gian tới 13,5 tháng, cam kết cung cấp hàng hóa trong thời gian đủ mức đảm bảo an ninh năng lượng (10 năm)… Thế nhưng, lời chào hàng hấp dẫn này đã bị hai công ty nhận được lời chào hàng lúc đó là Petrolimex và Vinapco từ chối với nhiều lý do khác nhau (bên bán chào sỉ trong khi các DN Việt Nam mua lẻ, những bất tiện do việc mở thư bảo lãnh tại ngân hàng… ).
Dĩ nhiên, những lý do từ chối của các nhà nhập khẩu Việt Nam phải “chính đáng” thì mới thuyết phục được cơ quan quản lý nhà nước lắc đầu với đối tác ngoại. Chỉ có điều, người tiêu dùng thấy khó hiểu rằng các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cứ lắc đầu quầy quậy, viện hết lý do này đến lý do khác để từ chối thay vì ngồi lại thử đàm phán xem sao. Chưa có câu trả lời rõ ràng cho lời chào hàng hấp dẫn này, nhưng rõ ràng, trên thực tế tồn tại cả các phương thức giao dịch linh hoạt hơn việc chỉ giao dịch tại các sàn giao dịch.
Video đang HOT
Và sau bao nhiêu năm kêu ca thì người tiêu dùng đã quen với việc giá xăng dầu tăng “cái rụp”, tăng liên tục, chán chả buồn kêu nữa. Hay chính xác hơn là kêu cũng chẳng ích gì. Và cuối cùng thì người ta cũng quen luôn cả việc khi giá xăng thế giới giảm, Bộ Tài chính còn phải tính toán chán. Nào là khôi phục thuế, đặt lại phí, thu quỹ bình ổn, tính lợi nhuận cho DN… rồi mới đến giảm giá. Quyền lợi người tiêu dùng chính xác là đang đứng ở vị trí ngón út trong thứ tự ưu tiên.
Theo VNE
Vẫn có cách để không tăng giá xăng?
Chiều 23/8, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết đã nhận được phương án đăng ký tăng giá bán lẻ xăng dầu của hai doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu. Mức giá đăng ký tăng đến 1.200 đồng/lít.
Hai doanh nghiệp đã đăng ký tăng giá là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec, với lý do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định Bộ Tài chính sẽ phải kiểm tra tính đúng đắn mức giá mà doanh nghiệp đăng ký chứ không phải muốn tăng bao nhiêu cũng được.
Gây khó cho người tiêu dùng và doanh nghiệp
Với mức đề xuất của các doanh nghiệp, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận thì chỉ trong vòng hơn 20 ngày (từ ngày 1/8), giá xăng tăng tới ba lần với mức khoảng 3.000 đồng/lít. Còn tính từ đầu năm tới nay, sau năm lần điều chỉnh giảm và năm lần điều chỉnh tăng thì mức giảm tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít xăng.
Ông Thỏa nhấn mạnh quan điểm điều hành giá xăng dầu phải theo nghị định 84 năm 2009. Nghĩa là nếu giá cơ sở tăng 7% so với giá hiện hành thì doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá. Còn nếu tăng vượt tỉ lệ trên thì tùy từng mức độ, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn thích hợp.
Người dân đổ xăng tại trạm xăng trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 23/8 - Ảnh: T.T.D.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến giá trong nước thì việc doanh nghiệp đề xuất tăng giá là phù hợp. Nhưng trước hết, Bộ Tài chính cần tính toán xem mức tăng của doanh nghiệp đăng ký có hợp lý không. Tiếp đến, điều quan trọng là trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn do hàng tồn kho lớn, người tiêu dùng bị giảm thu nhập nên thắt chặt chi tiêu.
"Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hơn mức 23.000 đồng/ lít, tới 24.000 đồng vào lúc này là bất lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Quan điểm là Nhà nước phải khoan thư sức dân, phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người tiêu dùng và doanh nghiệp. Như lần tăng giá ngày 13/8, có ý kiến doanh nghiệp đầu mối cho biết nếu giảm 2% thuế nhập khẩu thôi thì sẽ giảm mức tăng giá khoảng 400 đồng/lít xăng. Tại sao trong lúc này Nhà nước không sử dụng biện pháp này?" - ông Long bức xúc.
Còn ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng nếu mức giá doanh nghiệp đề xuất tăng là phù hợp thì Bộ Tài chính cần phản hồi sớm để họ áp dụng. Tránh để tình trạng các cây xăng găm hàng như đợt tăng giá trước ngày 13/8, gây thiệt hại cho xã hội và làm xáo trộn thị trường.
Ông Long thì chỉ trích hiện tượng các cây xăng găm hàng chờ tăng giá thời gian qua cho thấy sự điều hành không nhịp nhàng của cơ quan chức năng. Thực tế, không doanh nghiệp nào dại gì mà lại bán hàng thấp hơn giá nhập vào để chịu lỗ.
Nên giảm thuế, phí
Theo các chuyên gia, hiện nay xăng dầu đang phải gánh quá nhiều thuế phí. Trong cơ cấu giá xăng, người dân đang phải trả khoảng 6.000-8.000 đồng/lít cho các loại thuế phí, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức...
Theo mức giá nhập khẩu trung bình 30 ngày gần đây, số tiền người dân phải đóng vào giá mỗi lít xăng cho các loại thuế phí trên khoảng 7.750 đồng. Còn trong trường hợp tính theo giá nhập khẩu trung bình 20 ngày trở lại đây thì số thuế phí là 7.900 đồng/lít.
Do đó, các chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu bởi giá xăng dầu đã tăng ba lần liên tiếp. Nếu tiếp tục tăng giá trong lần này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo tính toán, nếu đưa thuế nhập khẩu về mức 0% như thời điểm hồi đầu năm (khi mức giá nhập khẩu xăng tại Singapore cũng tương đương hiện nay), giá cơ sở trung bình 30 ngày sẽ giảm được khoảng 1.950 đồng/lít. Do đó chỉ cần giảm mức thuế nhập khẩu xăng A92 từ 12% hiện nay xuống còn 5%, mức giá xăng nhập khẩu có thể giảm được khoảng 1.150 đồng/lít, hoàn toàn không phải tăng giá xăng.
Liệu Bộ Tài chính có tính đến phương án giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp? Ông Thỏa cho rằng Bộ Tài chính sẽ xem xét đến giải pháp này. Tuy nhiên, mức thuế đang áp dụng thấp hơn so với barem quy định, chẳng hạn thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng theo quy định là 20% nhưng hiện nay chỉ áp ở mức 12%. Tương tự, dầu diesel 10% (quy định 15%), dầu hỏa 12% (20%) và dầu mazut 12% (15%).
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, không thể lấy barem thuế ra để cho rằng mức thuế áp dụng hiện hành còn đang rất thấp, vì phải điều hành mặt hàng xăng dầu đặt trong bối cảnh thực tế của điều kiện kinh tế - xã hội. "Đây là thời điểm mà cơ quan quản lý phải cân nhắc thật kỹ mức thuế nhập khẩu cùng với mức sử dụng quỹ bình ổn, thuế và giá hiện hành. Bởi việc tăng giá xăng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn trong khi vẫn còn rộng cửa để kềm giá xăng dầu sẽ không phải là một giải pháp hợp lý..." - ông Long nói.
Tại Singapore - thị trường cung cấp nguồn xăng dầu nhập khẩu lớn nhất cho các doanh nghiệp xăng dầu VN, giá các loại xăng dầu đã tăng khá mạnh. Cụ thể, ngày 22/8, giá xăng A92 tại thị trường này đóng cửa ở mức 125,35 USD/thùng. Trước đó, từ ngày 10 đến 17/8, giá mặt hàng này ở mức 127-128,4 USD/thùng. Theo tính toán, giá cơ sở trung bình 30 ngày - mức giá dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước - đã lên gần 24.000 đồng/lít, cao hơn giá bán lẻ gần 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, do doanh nghiệp đang được sử dụng 300 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá nên thực tế doanh nghiệp lỗ khoảng 700 đồng/lít. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng trên thực tế lỗ lãi của doanh nghiệp thường theo chu kỳ kinh doanh 10 ngày, 20 ngày chứ không phải 30 ngày. Do đó, mức lỗ của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, nếu không có các biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá. Theo VNE
Giá xăng tăng tiếp 900 đồng mỗi lít Quyết định tăng giá xăng được ban ra ngay sau khi Bộ Tài chính có văn bản cho phép doanh nghiệp đầu mối được chủ động điều chỉnh giá xăng dầu. Giá xăng tăng lần thứ hai liên tiếp. Ảnh: Hoàng Hà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, bắt đầu từ 14h hôm nay, xăng tăng 900 đồng mỗi lít...