Chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ ở một số khu vực, Hà Nội lo ngại dịch sốt xuất huyết
Tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 4 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại huyện Đan Phượng và quận Đống Đa.4 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại huyện Đan Phượng gồm xã Tân Hội; xã Phương Đình và phường Trung Liệt, quận Đống Đa.
Theo kết quả giám sát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tại một số khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch đang hoạt động có chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc gia tăng trong thời gian tới.
Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: Duy Tuân
Điển hình như giám sát ổ dịch đang hoạt động ở huyện Đan Phượng tại 21 hộ gia đình khu vực thôn Đồng Vân ghi nhận chỉ số BI = 42,8%, ổ bọ gậy tập trung tại các chậu cây cảnh, bể, xô, thùng.
Ngoài ra, theo Sở Y tế Hà Nội đối với bệnh ho gà, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà, không có ca tử vong, giảm 7 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc ho gà của toàn thành phố là 143 ca tại 26 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. Bệnh ho gà phân bố theo nhóm tuổi có 67 trường hợp dưới 2 tháng (46,9%), 34 trường hợp 2-3 tháng (23,8%), 15 trường hợp 4-11 tháng (10,5%), 27 trường hợp từ 1 tuổi trở lên (18,9%). Phân bố theo tiền sử tiêm chủng có 85 trường hợp chưa tiêm (59,4%), 24 trường hợp tiêm 1-2 mũi (16,8%), 18 trường hợp tiêm mũi 3 (12,6%), 10 trường hợp tiêm mũi 4 trở lên (7%), 6 trường hợp không rõ (4,2%).
Video đang HOT
Bệnh tay chân miệng ghi nhận 47 ca mắc, không có tử vong, giảm 4 ca so với tuần trước, hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch. Một số dịch bệnh khác như uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, đặc biệt tại ổ dịch huyện Đan Phượng.
Sử dụng thuốc diệt muỗi an toàn, phòng dị ứng cho trẻ
Khi dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có diễn biến phức tạp, việc phun thuốc diệt muỗi là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Tuy nhiên, mới đây thông tin một số học sinh tại một trường tiểu học ở huyện Đông Anh (Hà Nội) có biểu hiện dị ứng, sưng mắt sau khi trường tiến hành phun thuốc diệt muỗi... khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Thuốc diệt muỗi an toàn cho trẻ thường chứa các thành phần từ thiên nhiên, chiết xuất từ cây cỏ, hoặc các hợp chất an toàn cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ có thể dị ứng với hóa chất diệt muỗi
Lý giải về việc các em học sinh gặp tình trạng trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) cho biết, nếu phun thuốc diệt muỗi không đúng liều lượng, không đúng quy trình thì không những không diệt được muỗi mà còn có thể gây dị ứng thuốc muỗi với các biểu hiện như ngứa, rát da, đỏ mắt...
Nguyên nhân do thuốc phun diệt muỗi là một hóa chất diệt côn trùng, mà đã là hóa chất thì thường dễ có khả năng gây ảnh hưởng đến con người khi tiếp xúc. Tuy rằng nhà sản xuất khẳng định sản phẩm an toàn với con người nhưng phải sử dụng theo đúng nồng độ khuyến cáo. Do đó, để đảm bảo an toàn khi phun thuốc diệt muỗi thì cần lưu ý phun theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và của nhà sản xuất.
Trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu, làn da nhạy cảm, khi chạm vào các đồ vật trước đó đã được phun thuốc diệt muỗi như bàn, ghế, nếu tồn dư của thuốc diệt muỗi vẫn còn sau đó tiếp xúc với cơ thể thường gây dị ứng cho trẻ. Bởi vậy, khi phun thuốc muỗi ở các địa điểm nhiều trẻ nhỏ như các trường mẫu giáo, trường tiểu học, gia đình, khu dân cư thì không nên phun hóa chất trực tiếp lên đồ chơi, bàn ghế của trẻ mà chỉ phun lên tường, hốc tủ, góc nhà... Trẻ hay có thói quen cầm nắm đồ chơi do đó nếu tiếp xúc với loại thuốc này sẽ rất dễ gây ra dị ứng.
Thời gian phun thuốc tốt nhất nên vào sáng sớm. Với cơ quan hay trường học thì cần chọn thời điểm vào cuối tuần khi học sinh được nghỉ học.
Lựa chọn các loại hóa chất diệt muỗi từ các nhà sản xuất uy tín
Đáng lo ngại, nhiều người dân hiện tự ý mua thuốc về pha và phun cho gia đình. Điều này rất nguy hiểm bởi phun thuốc muỗi cần đúng liều lượng, nếu không có thể dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc, hay phun không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Do đó, khi phun hóa chất diệt muỗi tại nhà, các gia đình cần lựa chọn loại thuốc và các loại bình xịt được Bộ Y tế cấp phép và đăng ký lưu hành. Để tránh những hóa chất trong bình xịt ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình, người dân nên sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và lựa chọn thời điểm phun thuốc khi không có trẻ nhỏ ở trong nhà.
Những năm trước đã xuất hiện tình trạng một số cá nhân mượn danh nghĩa các công ty phun hóa chất diệt côn trùng để thu tiền của người dân nhưng sử dụng sản phẩm hóa chất không rõ nguồn gốc.
Trong thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát gây tâm lý lo lắng cho người dân, một số cá nhân hoặc tổ chức lừa đảo có thể lợi dụng tình hình, giả danh cán bộ y tế phường, quận hoặc tự xưng là nhân viên y tế đến các cơ quan hoặc gia đình để gọi mời phun thuốc phòng dịch với giá tiền từ 300.000 - 600.000 đồng/lần. Các loại hóa chất này được bán cao gấp nhiều lần so với các loại thuốc diệt muỗi bán trên thị trường nhưng lại được các nhóm đối tượng lừa đảo quảng cáo rằng muỗi và côn trùng sẽ "sạch bóng" trong vòng 6 tháng, nên nhiều gia đình đã "mất tiền oan".
Trên thực tế, nhiều vụ việc đã được điều tra, các hóa chất được phun không những không có tác dụng diệt côn trùng mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến không khí thở, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các trung tâm y tế cũng đã phát đi thông tin cảnh báo đến người dân về thủ đoạn mạo danh nhân viên của trung tâm y tế đến từng hộ dân bán thuốc phun diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết.
Người dân cần lưu ý các trung tâm y tế không thực hiện việc mua bán thuốc phun diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. Các trạm y tế phường trên địa bàn thành phố chỉ tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết và các nơi nguy cơ cao phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Khi có nhu cầu phun hóa chất diệt muỗi, người dân nên lựa chọn nhà cung cấp có giấy phép chứng nhận kinh doanh về lĩnh vực phun diệt côn trùng theo quy định.
Ho gà gia tăng do khoảng trống miễn dịch Ghi nhận ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy, bệnh ho gà đang có xu hướng gia tăng. Điều trị cho bệnh nhi mắc ho gà. Ảnh: Thanh Bình. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 trường hợp mắc ho gà, tăng 2 ca...