Chỉ kiểm điểm và rút kinh nghiệm đối với 2 Hiệu trưởng ở Mèo Vạc
Theo chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra sai phạm.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngành giáo dục huyện Mèo Vạc thời gian qua đã gặp nhiều vấn đề trong công tác sáp nhập trường học, quản lý học sinh bán trú… những vấn đề này đã gây bức xúc trong dư luận.
Sau khi tiến hành thanh tra chuyên ngành giáo dục tại huyện Mèo Vạc , Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã phát hiện ra hàng loạt các vấn đề sai phạm trong ngành giáo dục huyện này, đặc biệt là tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn và trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Lũng Pù.
Trong đó, tại Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường đã để xảy ra tình trạng có sai phạm liên quan đến chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là trong việc cấp phát gạo ăn cho học sinh dân tộc được hưởng chính sách của nhà nước.
Đối với trường trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Lũng Pù, ông Nguyễn Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường thậm chí còn quán triệt và chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh một số nội dung trả lời với mục đích đối phó với hoạt động của Đoàn Thanh tra nhằm bao che sai phạm.
Các chế độ chính sách cho học sinh bán trú tại trường có rất nhiều khuất tất lên đến hàng ngàn kilogam gạo.
Tuy vậy, trong kết luận thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã không nêu đích danh hai vị hiệu trưởng này.
Lý giải về việc này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Xuân Chung, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết:
“Những cá nhân để xảy ra sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Ngành Giáo dục cũng đã có đề xuất Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ quản lý, những người đứng đầu để xảy ra sai phạm. Quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là không bao che cho sai phạm, ai sai đến đâu, ở cấp nào xử lý sẽ phải xử lý”.
Lý giải về việc không nêu đích danh cán bộ để xảy ra sai phạm, ông Chung cho biết: “đã có quy định về trách nhiệm người đứng đầu rồi nên không nhất thiết phải nêu trong kết luận mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo Mèo Vạc, các trường được thanh tra và các cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; có kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và báo cáo kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo qua thanh tra Sở rất cụ thể.
Trước ngày 25/12/2019 các đơn vị phải hoàn thành việc này”.
Mập mờ gạo ăn của học sinh, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn bị tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm. (Trường Giảng Chu Phìn chưa có biển hiệu) Ảnh: LC
Theo văn bản số 1220 /KL-SGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã đề xuất Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc:
Chỉ đạo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với cán bộ quản lý tại 02 đơn vị (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Lũng Pù) còn để Nhà trường có nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các hoạt động bán trú và chế độ chính sách đối với học sinh.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề án sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn của huyện nói chung và tại xã Lũng Phù nói riêng sao cho đảm bảo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi tổ chức sáp nhập các cơ sở giáo dục để bảo đảm tuân thủ quy định, hạn chế các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục sau sáp nhập; bảo dảm nguyên tắc hài hòa, cơ sở giáo dục sau sáp nhập phải tốt hơn trước khi sáp nhập.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc phải chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo , các trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở thực hiện nghiêm túc việc xét duyệt đối với học sinh bán trú. Yêu cầu các trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở phải đảm bảo các điều kiện ăn, ở và học 2 buổi/ngày mới tổ chức bán trú cho học sinh.
Không thực hiện việc sáp nhập các trường liên cấp có quy mô mỗi cấp lớn hơn 10 lớp trên cùng một địa bàn.
Bảo đảm nguyên tắc kế thừa trong điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các trường học. Ưu tiên bố trí vị trí việc làm đối với giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học cho các trường tiểu học khi được giao biên chế chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc được yêu cầu tăng cường công tác quản lý giáo dục trên địa bàn. Ảnh: LC
Đối với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã yêu cầu và kiến nghị đơn vị này tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; có biện pháp khắc phục nhanh chóng những hạn chế ở trên, đồng thời có văn bản chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại đã nêu.
Đồng thời chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc ban hành quyết định thành lập các tổ chuyên môn, bổ nhiệm tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, thời gian hưởng phụ cấp trách nhiệm theo đúng quy định, đảm bảo các chế độ chính sách cho cán bộ và giáo viên, tránh đơn thư tố cáo xảy ra.
Tiếp tục bám sát vào các văn bản chỉ đạo của ngành, của Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo các trường thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 theo đúng kế hoạch.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hệ thống các trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn.
Kiểm tra thường xuyên công tác bán trú và xử lý kịp thời đối với các trường chưa thực hiện đúng công tác quản lý tài chính, bữa ăn của học sinh.
Thực hiện việc đánh giá xếp loại Chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trên cơ sở chất lượng dạy và học, công tác quản lý chỉ đạo tại trường, xây dựng cảnh quan sư phạm.
Kiểm tra việc thực hiện việc giảng dạy của Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng. Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng chức năng thu hồi phụ cấp đứng lớp đối với Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nếu không dạy học theo quy định.
Tiếp tục phối hợp với các phòng chức năng của huyện để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện về việc luân chuyển cán bộ quản lý hợp lý; sắp xếp các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên Tin học, Ngoại ngữ để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện để xây dựng hoàn thiện các hạng mục cho trường đặc biệt là các trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Trần Phương
Theo giaoduc.net
Trường Lũng Pù, Hiệu trưởng hướng dẫn học sinh nói dối đối phó đoàn thanh tra
Khi đoàn thanh tra thực hiện phỏng vấn học sinh, hiệu trưởng đã đã quán triệt và chỉ đạo hướng dẫn học sinh một số nội dung trả lời với mục đích đối phó
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngành giáo dục Hà Giang đã tiến hành thanh, kiểm tra một số trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc, qua đó phát hiện rất nhiều tồn tại, hạn chế trong giáo dục ở địa phương này.
Cũng trong quá trình thanh tra tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Pù (Mèo Vạc, Hà Giang) đoàn Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã phát hiện ta rất nhiều sai phạm.
Trong đó sau sáp nhập giữa trường Tiểu học và trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lũng Pù, số phòng ở cho học sinh bán trú là 17 phòng. Việc này khiến các phòng ở cho các em học sinh vô cùng trật trội.
Số học sinh ở các phòng ít nhất là 25 học sinh với 6 giường tần và cao nhất lên đến 57 học sinh cho phòng có 15 gường tầng. Phòng ở vô cùng chật chội đối với học sinh.
Ở trường Lũng Pù, nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu cho 510 học sinh bán trú.
Đặc biệt, tình trạng học sinh bán trú nhưng không ăn bữa sáng, trưa tối là tương đối phổ biến.
Hoạt động ngoài giờ của học sinh Trường Tiểu học xã Lũng Pù (Mèo Vạc).(Ảnh: Báo Hà Giang)
Theo số liệu của đoàn thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, số học sinh ăn buổi sáng cao nhất ở trường là 317/510 học sinh; học sinh ăn trưa thấp nhất là 379/510, cao nhất là 437/510 học sinh; Học sinh ăn tối thấp nhất là 343/510, cao nhất là 420/510 học sinh.
Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra tiến hành phỏng vấn giáo viên và học sinh bữa ăn buổi tối cho thấy, mỗi khối học sinh bán trú bỏ về nhà không ăn, ngủ tại trường từ 30 - 40 học sinh. Cả trường khoảng 60 - 70 học sinh.
Để đối phó với đoàn thanh tra, Hiệu trưởng nhà trường là ông Nguyễn Thanh Xuân đã đã quán triệt và chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh một số nội dung trả lời với mục đích đối phó với hoạt động của Đoàn Thanh tra.
Cụ thể, trong kết luận số Số: 1220 /KL-SGDĐT , Đoàn thanh tra đã chỉ rõ, "Khi đoàn thanh tra có hỏi là có ở bán trú không thì bảo là có và yêu cầu bảo ở phòng này, phòng kia; Có ăn, ở bán trú không thì nói là có; Có ăn sáng không nói là có; Được phát mấy gói mì tôm ăn sáng thì nói là được phát 2 gói mì tôm...".
Thực tế chỉ phát 1 gói nhưng quyết toán là 5.000 đồng.
Cũng như trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn, sổ theo dõi xuất, nhập gạo ăn hàng ngày ở Lũng Pù có nhiều khuất tất khi số liệu xuất, nhập gạo không đúng với thực tế tại kho.
Tính đến ngày 22/10/2019, báo cáo của nhà trường là còn 2.720 kg, tuy nhiên thực tế tại kho còn đến 5.319kg.
Vì sao lại có con số chênh lệch này chưa được các cơ quan của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang chỉ rõ.
Không chỉ có khuất tất về việc chi tiền ăn, tiền gạo, công tác bán trú tại trường Lũng Pù cũng chưa được bàn bạc, công khai thống nhất trong Ban giám hiệu.
Hàng tháng chưa có cuộc họp Ban quản lý bán trú, xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng bán trú cho cả tháng.
Thậm chí, trường Lũng Pù còn không thực hiện theo hướng dẫn trong Công văn số 1015/SGDĐT-GDTHDT, ngày 20/8/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang về việc thực hiện công tác bán trú trong trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú năm học 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Trường Lũng Pù cũng chưa thực hiện khen thưởng đối với học sinh có thành tích học tập cuối năm học.
Mặc dù có rất nhiều sai phạm như vậy, thế nhưng, thật lạ trong kết luận thanh tra, phần yêu cầu và kiến nghị, đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang không hề nhắc tới kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của trường Lũng Pù khi để xảy ra hàng loạt các vấn đề tồn tại, hạn chế.
Trong kết luận, phần yêu cầu thanh tra đối với các trường, đơn vị được thanh tra, phần yêu cầu và kiến nghị chỉ nêu rất chung chung.
Trong mục số 3 phần kết luận và kiến nghị của đoàn thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang chỉ yêu cầu các trường tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá trong nhà trường theo kế hoạch một cách nghiêm túc và chặt chẽ; Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn thường xuyên kiểm tra về chất lượng dạy - học của giáo viên và học sinh, đánh giá khách quan, công tâm tạo điều kiện để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và có biện pháp động viên những giáo viên tích cực, đồng thời xử lý nghiêm giáo viên vi phạm...
Lưu giữ hồ sơ kiểm tra đánh giá đầy đủ, theo đúng quy định. Chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện nghiêm túc việc dạy học theo quy định. Quản lý, chỉ đạo kế toán các đơn vị tham mưu đúng, đủ, kịp thời về chế độ, chính sách của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, nhất là các trường có học sinh nội trú và bán trú.
Những cá nhân để xảy ra sai phạm đều hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm hay hình thức kỷ luật nào.
Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, diện tích tự nhiên 584,73 km2, dân số 83.598 người (số liệu thống kê năm 2018) với 17 dân tộc sinh sống (trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%), có 16 đơn vị hành chính cấp xã và 01 thị trấn, trong đó 03 xã: Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ là những xã đặc biệt khó khăn, có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Toàn huyện có 54 trường trực thuộc (19 trường mầm non, 02 trường tiểu học, 14 trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học; 02 trường Trung học cơ sở, 14 trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở , 02 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở , 01 dân tộc Nội trú huyện).
Trần Phương
Theo giaoduc.net
Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Quảng Nam bất ngờ xin nghỉ việc Ông Lương Văn Vui (người giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam thông qua thi tuyển) bất ngờ có đơn xin nghỉ việc khi mới 55 tuổi. Ngày 5/11, ông Văn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận thông tin ông Lương Văn Vui, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế -...