Còn bất cập trong quản lý trường tư thục
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ mười một, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV diễn ra ngày 5/12, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập .
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phần chất vấn.
Hệ thống trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng
Báo cáo với Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố, ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường ngoài công lập thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập như cơ sở vật chất, việc công nhận Hội đồng quản trị và hiệu trưởng , công tác tài chính, công tác chuyên môn.
Cùng với đó, thực hiện kết luận của chủ tọa tại kỳ họp trước, Sở đã tập trung, chú trọng vào công tác thanh kiểm tra. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, Sở đã thanh tra 9 trường, kiểm tra 89 trường, 1.090 cơ sở giáo dục mầm mon ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; kiểm định chất lượng giáo dục đối với 105 trường.
Qua kiểm tra cho thấy, các trường đã chú trọng đến quy chế chuyên môn, giáo viên thực hiện đúng, đủ tiết dạy theo kế hoạch, không có hiện tượng cắt xén chương trình. Không còn tình trạng giáo viên không có trình độ đứng lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non.
Đánh giá về đóng góp của hệ thống trường ngoài công lập , ông Chử Xuân Dũng cho rằng hệ thống này góp phần giảm tải rất lớn cho trường công lập, nhiều trường áp dụng mô hình tiên tiến, xây dựng được thương hiệu, nhiều trường được các địa phương khác học tập mô hình. Đến nay, quy mô, mạng lưới trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng, tăng về chất lượng, số lượng.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề cao công tác giám sát cấp phép và sau cấp phép, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Theo ông Chử Xuân Dũng , Sở GD-ĐT đã kiểm tra 1.090 nhóm trẻ, lớp tư thục trên tổng số 2.678 nhóm trẻ, trong đó có 2.669 nhóm trẻ đã được cấp phép hoạt động.
Ngoài các biện pháp trên, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề cao giải pháp tuyên truyền, những công việc liên quan đến cấp phép, quản lý ngành cần được đăng công khai trên các phương tiện truyền thông, kịp thời nêu gương những điển hình tốt và phê bình, xử lý những hoạt động sai phạm.
Sự việc xảy ra tại Trường Gateway: Do lỗ hổng quản lý, làm việc thiếu trách nhiệm
Liên quan đến nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự việc tại Trường Gateway hồi tháng 8-2019 mà một số đại biểu nêu, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, đây là sự việc hy hữu, đau xót với ngành. Ngành GD&ĐT có một phần trách nhiệm.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nguyên nhân là do có lỗ hổng trong quản lý, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của cá nhân trực tiếp liên quan đến sự việc; còn nguyên nhân cụ thể cần chờ xác minh, công bố của cơ quan điều tra.
Để không xảy ra những sự việc tương tự, ông Chử Xuân Dũng cho hay, ngay sau sự việc đau lòng, ngành đã tổ chức rà soát, yêu cầu các trường báo cáo thống kê số lượng xe , biển số xe , số lượng ghế và học sinh đi xe … gửi Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Hiện thành phố có 246 trường với 2.293 xe , khoảng 40.900 học sinh tham gia phương tiện đưa đón.
Sở yêu cầu các trường tham gia dịch vụ xây dựng quy trình đưa đón trẻ em đến trường, quản lý trong giờ học, bàn giao về gia đình hằng ngày đảm bảo nghiêm túc…
Người đứng đầu ngành GD&ĐT Thủ đô cũng lưu ý, vừa qua phương tiện đại chúng thông tin ở một số tỉnh, xe ô tô kém chất lượng đã được nhóm gia đình thuê vận chuyển con em đi học. Tình trạng này trước đây cũng đã diễn ra tại huyện Đan Phượng, Ba Vì nên cần được kiểm soát chặt chẽ, không để sai sót xảy ra.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, ngành GD&ĐT đã ban hành những văn bản về quản lý nhà nước đúng trách nhiệm, khắc phục những tồn tại đã được chất vấn kỳ trước, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc Kết luận 16, trong đó liên quan đến việc rà soát, kiểm định ra sao . UBND TP chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát lại những khoảng trống, cần thiết trình HĐND để có cơ chế quản lý, vì sao có trường chất lượng cao hơn, vì sao có trường phụ huynh phải đóng nhiều tiền hơn.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, vai trò trong quản lý nhà nước của các quận, huyện về giáo dục cần phát huy hơn nữa. Những quy định, quy chế về giáo dục học sinh , xâm hại học đường cần phải được các địa phương quy định rõ…
QUÝ ĐỨC
Theo baodansinh
Có nên nuôi dưỡng trẻ em trong các trung tâm xã hội?
Liên tiếp các vụ trẻ em gái tố cáo nhân viên ở trung tâm hỗ trợ xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội (gọi tắt là trung tâm) có hành vi dâm ô, xâm hại tình dục đối với các em - những người đang được chăm sóc tại các trung tâm.
Vậy thực tế việc chăm sóc trẻ em tại những trung tâm đang ra sao? Sau các vụ đầy tai tiếng, có nên duy trì mô hình cơ sở, trung tâm xã hội để nuôi dưỡng trẻ em một cách tập trung?
Còn nhiều thiếu thốn
Một trong 2 chức năng chính của Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM (Sở LĐTB-XH TPHCM) là tiếp nhận, quản lý giáo dục nuôi dưỡng và dạy nghề cho thiếu niên chưa ngoan, sống lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định, từ 8-16 tuổi.
Tại những phòng sinh hoạt của trẻ vừa được tiếp nhận, từng nhóm trẻ tha thẩn ngồi chơi. Nét "đường phố" vẫn còn in đậm trên những bộ trang phục cũ nhàu nhiều vết bẩn, trong phòng đồ đạc rất đơn sơ. Lãnh đạo trung tâm cho biết, hiện nay trung tâm đang quản lý và nuôi dưỡng 103 trẻ, trong đó có 26 nữ.
Cuộc sống khó khăn, phải tự bươn chải để tồn tại, sớm va chạm với nhiều thành phần trong xã hội và trình độ học vấn thấp đã hình thành nơi các em sự ngang bướng, thiếu lễ phép, thiếu thành thật và luôn cảnh giác, đề phòng với mọi người xung quanh.
Cơ sở vật chất thiếu thốn là một trong những khó khăn lớn ở Trung tâm Nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Ảnh: M.HOA
Khu lưu xá chia thành khu nam và khu nữ. Trung bình mỗi nhà bố trí 15-20 em, được trang bị ti vi, quạt máy, đèn, giường chiếu, hộc tủ. Trung tâm phân công trực gác 24/24 giờ, bố trí một cán bộ trực lãnh đạo và một đại diện ban giám đốc để kịp thời giải quyết mọi tình huống xảy ra trong ca trực.
Tại bộ phận bảo vệ, khách đến liên hệ công tác đều phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn có trẻ tự ý rời trung tâm.
Trung tâm Nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm trẻ em, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp, trẻ em khuyết tật là đối tượng xin ăn không có nơi cư trú ổn định, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TPHCM.
Đến cuối tháng 8-2019, trung tâm nuôi dưỡng 203 trẻ, trong đó có 85 trẻ nữ, 147 em khuyết tật nặng, phần lớn là bị cha mẹ bỏ rơi từ bệnh viện (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ).
Trẻ ở đây cho đến khi tìm được cha mẹ, hoặc tới độ tuổi trên 16, nếu trẻ có công việc, cư trú thì cũng được cho ra hòa nhập cộng đồng; còn nếu không thì nuôi tới năm 22 tuổi. Hiện trung tâm còn nuôi nhiều em hơn 22 tuổi, là những em chậm phát triển.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết hiện nay một số hạng mục công trình, cơ sở vật chất của trung tâm sử dụng lâu ngày đã xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác thực hiện nhiệm vụ của trung tâm. Về kinh phí hoạt động của trung tâm, hiện ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 80% kinh phí, còn lại từ các nguồn từ thiện, ủng hộ.
Đảm bảo sự an toàn cho trẻ được nuôi dưỡng
Sau vụ án dâm ô trẻ em xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM đã triệu tập các trung tâm có nuôi dưỡng trẻ em để đánh giá thực trạng trẻ em bị xâm hại đang được nuôi dưỡng tại trung tâm; rà soát lại quy trình hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết sở yêu cầu các trung tâm thực hiện khẩn trương nhiều việc nhằm đảm bảo hơn sự an toàn cho trẻ. Cụ thể, các trung tâm xem xét lại việc bố trí nhân viên, khẩn trương bố trí, sắp xếp nhân viên nữ phụ trách các khu, các nhà, các phòng đang nuôi dưỡng trẻ em gái.
Đồng thời quan tâm, hỗ trợ và kết nối dịch vụ giúp trẻ em vượt qua khủng hoảng tâm lý. 18 trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội cũng lắp đặt thêm, hoàn chỉnh camera để giám sát kịp thời an toàn cho trẻ em và các đối tượng xã hội ở cơ sở.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết tại 18 trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố đang chăm sóc nuôi dưỡng hơn 6.000 người. Ngoài ra còn 60 tổ chức ngoài công lập nuôi dưỡng khoảng 3.000 người. Trẻ em ở các trung tâm, cơ sở bảo trợ thường thiếu sự chăm sóc của gia đình.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), đề nghị TPHCM cần đảm bảo thực hiện bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Trong đó, để phòng ngừa, cần tăng cường công tác giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở để kịp thời phát hiện, góp ý, chấn chỉnh những mặt chưa được.
Trong trường hợp xảy ra vụ việc đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay, không nên "ngâm" sự việc kéo dài cả chục ngày như vụ xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM vừa qua.
Với trách nhiệm của mình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM sẵn sàng thực hiện các hoạt động bảo vệ các em hoàn toàn miễn phí, từ khi tiếp nhận vụ việc đến quá trình tố tụng.
Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM cho biết, một số em có nguyện vọng muốn về gia đình nhưng người thân không đồng ý bảo lãnh dẫn đến tâm lý các em không ổn định, làm ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng và giáo dục các em nói riêng và tình hình an ninh trật tự của trung tâm nói chung. Hiện nay, công tác can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ hoặc trẻ bị xâm hại của thành phố ngày một nhiều, nhưng việc phối hợp giải quyết vấn đề đôi khi chưa kịp thời, kinh phí ngân sách chưa bố trí đảm bảo cho hoạt động này.
MAI HOA - MẠNH HÒA
Theo sggp
Trường tư muốn hưởng ưu đãi phải hiểu và tuân thủ chính sách Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục, vậy thì tối thiểu chất lượng của trường tư thục phải đạt bằng chuẩn quốc gia. Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề "Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với trường...