Chỉ huy Ukraine nêu điểm yếu chí mạng trong chiến thuật đào tạo của NATO
Một chỉ huy Ukraine thừa nhận nếu ông làm theo chính xác những lời khuyên mà các chuyên gia phương Tây đưa ra trong khi huấn luyện, ông có thể đã thiệt mạng trên chiến trường.
Binh sĩ Ukraine trong một khóa huấn luyện của phương Tây (Ảnh: AFP).
Một chỉ huy Ukraine biệt danh Suleman nói với Financial Times rằng, ông có thể đã thiệt mạng trên chiến trường nếu làm theo chính xác những chỉ dẫn trong chương trình huấn luyện từ phương Tây.
Trước đó, Suleman từng trải qua các khóa đào tạo từ các quân nhân Anh, Mỹ và Ba Lan. Đây là nỗ lực của phương Tây nhằm huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine nhằm đối phó với lực lượng Nga trong cuộc chiến kéo dài gần 19 tháng qua.
Tuy nhiên, một số binh sĩ thừa nhận, những chiến thuật và nguyên tắc họ học được từ phía NATO thường không thích hợp để thực hiện trên chiến trường.
“Nếu tôi chỉ làm theo những gì quân đội phương Tây dạy, tôi sẽ thiệt mạng”, Suleman, một chỉ huy lực lượng đặc biệt ở trung đoàn 78 của Ukraine, thừa nhận với báo Anh.
Trong quá trình huấn luyện, Suleman cho biết đã được đưa ra “một số lời khuyên tốt” nhưng cũng có “những lời khuyên không tốt, ví dụ như cách xử lý các chiến hào của đối phương. Tôi nói với họ (sĩ quan huấn luyện NATO) rằng cách đánh như vậy sẽ khiến chúng tôi thiệt mạng”.
Suleman không phải là binh sĩ Ukraine duy nhất cho rằng chương trình huấn luyện của NATO không phù hợp hoàn toàn với thực tế chiến trường.
Video đang HOT
Một trung sĩ tình báo cấp cao trong Lữ đoàn cơ giới số 41, người có biệt danh là “Dutchman”, tháng trước thừa nhận: “Tôi không muốn nói bất cứ điều gì chống lại các đối tác của chúng tôi, nhưng họ không hiểu rõ hoàn cảnh và cách chiến đấu của chúng tôi”.
Những binh sĩ Ukraine tin rằng những người hướng dẫn họ chưa bao giờ tham gia một cuộc chiến nào giống như xung đột Nga – Ukraine – cuộc đụng độ đầu tiên giữa 2 nền quân đội được trang bị vũ khí hạng nặng trong nhiều thập niên vừa qua.
Hầu hết các lực lượng phương Tây đều trải qua những cuộc xung đột quy mô nhỏ hơn như ở Iraq và Afghanistan, nơi phía của họ có lợi thế to lớn về tài nguyên và công nghệ vượt trội hơn nhiều.
Dutchman thừa nhận: “Chúng tôi cần mọi người hiểu cách xử lý chiến hào, tiến vào chiến hào một cách hiệu quả, cách ném lựu đạn hiệu quả, cách không mắc bẫy, hiểu loại lựu đạn mà người Nga ném – về cơ bản là để hiểu đối phương”.
Trong một số trường hợp, Ukraine đã quyết định thay đổi chiến thuật họ đã được học trong khóa huấn luyện vì nó tỏ ra không hiệu quả trong cuộc phản công, New York Times cho biết.
Một báo cáo do Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại Anh công bố hồi đầu tháng này khuyến nghị các quốc gia phương Tây nên ngừng đào tạo người Ukraine trở thành sĩ quan kiểu NATO.
RUSI cảnh báo, các hoạt động huấn luyện nên bám sát vào các đặc điểm trên chiến trường mà người Ukraine đang chiến đấu, thay vì tuân theo các tiêu chuẩn của NATO. Nếu việc huấn luyện diễn ra một cách lý thuyết, nó có thể làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố khi chiến đấu trực tiếp.
Ví dụ, RUSI chỉ ra rằng NATO đang huấn luyện binh sĩ Ukraine cách áp đảo bằng hỏa lực, tuy nhiên, Kiev khó thực hiện điều này vì tiềm lực của Nga vượt trội hơn hẳn. Chính vì vậy, hoạt động huấn luyện đang không bám sát với thực tế trên chiến trường.
Ukraine nêu yêu cầu mới với phương Tây về vũ khí khi cuộc phản công mùa xuân tới gần
Để đẩy nhanh việc đưa vũ khí hư hại trở lại chiến trường, các quan chức Ukraine đang kêu gọi thành lập các trung tâm sửa chữa ngay gần tiền tuyến, với sự có mặt của chuyên gia phương Tây.
Xe tăng được sửa chữa tại một nhà máy ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: New York Times
Trong 14 tháng qua, các nước phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 65 tỷ USD, phần lớn đến từ Mỹ. Giờ đây, với một cuộc phản công lớn được dự tính, các quan chức ở Kiev bắt đầu kêu gọi các nước phương Tây đảm nhận vai trò tiên phong hơn trong việc duy trì kho vũ khí mới đó, bao gồm cả việc cung cấp nhân viên kỹ thuật ngay gần chiến trường.
"Tôi chắc chắn rằng các đối tác của chúng tôi có thể thuê những chuyên gia như vậy và chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tổ chức cho họ đến Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết khi trả lời câu hỏi của Newsweek trong một cuộc họp báo ở Odesa. "Chúng tôi đã gợi ý từ khá lâu rằng các đối tác của chúng tôi sẽ hỗ trợ cung cấp dịch vụ bảo trì ở khu vực gần chiến trường nhất".
Ông Reznikov giải thích: "Việc gửi một chiếc xe tăng đến tận châu Âu để sửa chữa là rất phức tạp. Nếu các chuyên gia có thể truy cập vào các tài liệu cần thiết tới đây, điều đó sẽ thực sự hữu ích".
Hiện tại, tất cả các kỹ thuật viên phương Tây được cho là đang hỗ trợ Ukraine bảo trì các hệ thống vũ khí nhập khẩu đều ở bên ngoài biên giới nước này. Các chuyên gia bảo trì, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm, đều yêu cầu quyền truy cập vào các sổ tay kỹ thuật đóng dấu mật để thực hiện nhiệm vụ của họ theo tiêu chuẩn cần thiết.
Các tân binh Ukraine và các huấn luyện viên người Anh hoàn thành một buổi huấn luyện vận hành xe tăng Challenger II tại một cơ sở quân sự ở miền Nam Anh vào ngày 23/2/2023.
Mặc dù các giải pháp bao gồm "bảo trì từ xa" đã giúp Ukraine thực hiện những sửa chữa cơ bản với vũ khí nhập khẩu, việc hoàn thành bất kỳ cuộc đại tu lớn nào đều yêu cầu phải vận chuyển thiết bị đến châu Âu, nơi có các chuyên gia phương Tây sở hữu các giấy phép an ninh cần thiết để tiếp cận các hướng dẫn kỹ thuật.
Vì thế để đẩy nhanh việc đưa các thiết bị cần thiết trở lại chiến trường, các quan chức Ukraine đang kêu gọi thành lập các trung tâm sửa chữa ngay gần các tiền tuyến.
Nhưng việc công khai cung cấp nhân lực trên thực địa trong cuộc chiến chống lại Nga, ngay cả với nhân lực không có khả năng chiến đấu, là một bước đi mà các quan chức Mỹ đã phản đối. Trong những tuần trước khi bắt đầu cuộc xung đột, Mỹ đã rút một phái bộ huấn luyện gồm khoảng 150 Vệ binh Quốc gia Florida khỏi Ukraine, trong khi gửi thêm có 3.000 quân tới Ba Lan.
"Các lực lượng của chúng tôi không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột", Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào ngày xe tăng Nga vượt qua biên giới Ukraine. "Các lực lượng của chúng tôi tới châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine mà để bảo vệ các đồng minh NATO và trấn an các đồng minh ở phía Đông."
"Hãy để tôi nói rõ", Tổng thống Biden nói thêm, "Đây hoàn toàn là những động thái tự vệ của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định chống lại Nga".
Bất chấp các tài liệu bị rò rỉ gần đây cho thấy 14 nhân viên lực lượng đặc biệt của Mỹ, cùng với 84 binh sĩ tinh nhuệ từ các quốc gia NATO khác, đã có mặt thực tế tại Ukraine vào đầu tháng 3/2023, Nhà Trắng không cho thấy dấu hiệu nào rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi chính sách của mình về triển khai các chuyên gia kỹ thuật quân sự.
Các phương tiện thiết giáp được sửa chữa tại một nhà máy ở Charne, Ba Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột bước sang mùa xuân thứ hai và Ukraine tích lũy kho vũ khí phương Tây nhanh chóng cho cuộc phản công tiềm tàng, việc cung cấp phụ tùng thay thế, hướng dẫn sử dụng và các chuyên gia kỹ thuật lành nghề có thể rất quan trọng đối với thành công cuối cùng của chiến dịch, không khác việc tiếp tục cung cấp đạn pháo và tên lửa.
Các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc sử dụng cuộc gọi video đường dài giữa các thợ máy Ukraine trên thực địa và các kỹ sư phương Tây ở Ba Lan - được gọi là "bảo trì từ xa" - ít nhất đã giúp cải thiện hiệu quả sửa chữa các thiết bị do phương Tây sản xuất. Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng các đồng minh có thể tiến xa hơn nữa để đảm bảo rằng một số lượng vũ khí tối đa được đưa trở lại tiền tuyến trong tình trạng hoạt động tốt và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Alexander Vindman nói với Newsweek rằng "bất cứ ai nói rằng họ đang làm đủ tốt với công việc bảo trì từ xa đều đang tự lừa dối mình". Theo ông Vindman, họ có thể làm tốt hơn đáng kể nếu những hạn chế chính sách được gỡ bỏ.
Ông Vindman, với tư cách là một công dân đã dành phần lớn thời gian trong năm qua tìm cách cải thiện năng lực bảo trì trong nước của Ukraine, lập luận rằng các nhà thầu phương Tây có thể hoạt động trên lãnh thổ Ukraine một cách an toàn và hiệu quả.
Ông giải thích: "Hầu như tất cả các rủi ro đều có thể được giảm thiểu. Bạn có thể phân bổ các hoạt động sao cho không có bất kỳ sự tập trung lớn nào của nhân viên phương Tây trở thành mục tiêu của người Nga. Sau đó, ở những nơi có sự hiện diện của các nhà thầu, việc duy trì kỷ luật quân đội và tận dụng các hệ thống cảnh báo sớm cực kỳ tinh vi của Ukraine có thể cho phép họ ẩn nấp bất cứ lúc nào có những mối đe dọa tiềm ẩn đến".
Ông Anton Gerashchenko, một cố vấn cho Bộ Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek rằng: "Bước cần thiết tiếp theo là thành lập các trung tâm sửa chữa trên lãnh thổ Ukraine dành cho các loại pháo, lựu pháo tự hành và xe tăng do phương Tây sản xuất. Các chuyên gia kỹ thuật của chúng tôi có kinh nghiệm thích nghi rất nhanh từ các hệ thống cũ của Liên Xô sang các hệ thống phương Tây, nếu họ được đào tạo thích hợp và tiếp cận các tài liệu kỹ thuật cần thiết".
Chuyên gia Nga: MiG-29 của Ba Lan và Slovakia không lật ngược tình thế ở Ukraine Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng những máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan và Slovakia cung cấp cho Kiev khó có thể làm đảo lộn cân bằng chiến trường ở Ukraine vì một số lý do sau: Máy bay MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: Theaviationist.com Đức mới đây Đức đã đồng ý việc tái xuất khẩu 5 máy bay...