Chị gái có điều kiện nhưng dửng dưng khi tôi chạy ăn từng bữa
Sống sát vách nên vợ chồng tôi luôn phải chịu đựng sự vô tâm của các chị, phải sống sao cho các chị hài lòng.
Hình ảnh minh họa
Tôi là con út trong gia đình có 4 anh chị em ở vùng quê, 34 tuổi và lấy vợ được gần 8 năm, có 2 con. Tôi quyết đoán, sống không thích phụ thuộc và luôn tự lập. Tôi phụ trách bán hàng cho công ty sản xuất ván nhân tạo và là lao động chính của nhà. Mọi người nhận xét tôi sống tình cảm, hòa đồng và họ yêu mến, tôn trọng tôi. Vợ tôi làm giáo viên, dạy hợp đồng trường xã với thu nhập chỉ hơn 2 triệu một tháng.
Năm 2012, tôi cưới vợ, xây nhà và sinh con. Tôi xây nhà trên nền đất bố mẹ cho bên cạnh. Đến năm 2015, tôi tích góp mua được lô đất 200 triệu ở rìa thị trấn để dành. Tôi không giàu nhưng hay cho anh chị và các cháu quà: đồng hồ Nhật, mỹ phẩm Hàn, điện thoại, laptop… khi có dịp đi công tác xa. Đầu năm 2017, ngoài tiền đã có, tôi vay thêm 350 triệu làm ăn và sau một năm rưỡi thì giải thể. Hè 2018, sau khi thu hồi vốn, tôi vẫn âm hơn 100 triệu. Đây cũng là thời gian khó khăn nhất của cuộc đời tôi. Lúc đó, tôi chưa có việc làm thay thế, vợ nghỉ hè nên không có thu nhập. Để giải quyết tình hình khó khăn, vợ chồng tôi quyết định vào TP HCM sinh sống, vì trong đó nhiều việc làm.
Chị tư của tôi là người có kinh tế, tiếng nói nhất trong gia đình. Ngoài căn nhà đang ở, chị có 3 căn nhà cho thuê và một dãy trọ ở thành phố. Còn có nhiều bất động sản, xe hơi, mỗi tháng thu nhập tầm 30-40 triệu. Nhân dịp gia đình chị về thăm quê, tôi hỏi chị cho gia đình tôi thuê lại căn nhà cấp 4 trong hẻm cụt. Nhà này chị đang cho người ta thuê 3 triệu một tháng để làm kho chứa giấy. Chị bảo lấy tôi mỗi tháng 1,7 triệu vì phòng trọ tốt cũng tầm 1,4-2 triệu, khi nào vợ chồng có việc làm ổn định, chị thu lên 3 triệu cho bằng giá hiện tại, dù chị biết hoàn cảnh tôi làm ăn bể nợ, phải vay mượn để duy trì cuộc sống hàng tháng và cầm cố ngân hàng. Tôi đành thuê phòng trọ rẻ giá một triệu để sinh hoạt và vợ tiện đi dạy ở trường mầm non gần đó. Tôi gửi con trai lớn ở nhà chị tư (cháu nghỉ hè), thì chị thường trách mắng vì cháu hay nghịch với trai út nhà chị, khiến cháu lần sau không dám đến nữa.
Sau một tháng ở thành phố, các con không quen khí hậu, sống nhà trọ chật chội, con gái nhỏ ốm liên tục, gia đình tôi lại khăn gói về quê dù hai vợ chồng đều đã đi làm 2 tuần, không lương. Sau nửa năm kiệt quệ tiền bạc, vật lộn với bao quyết định sai lầm, cũng nhờ bố mẹ hai bên và gia đình anh hai giúp đỡ (gia đình anh sống ở miền Bắc, ít về quê), chúng tôi dần vực dậy. Tôi đã xin được việc làm.
Mẹ tôi rất nghe lời các chị. Với ông bà, các chị nói gì cũng đúng. Dù tôi và anh hai sống tình cảm, hiếu thảo thế nào thì bà đi tới nhà ai cũng nói con gái rất quan trọng, vì sau này ốm đau sẽ chăm sóc, giặt giũ. Vợ tôi nghe vậy rất buồn, chính bà cũng nói với tôi như vậy.
Video đang HOT
Năm đó tôi cưới vợ, bố mẹ chia ngôi nhà và đất vườn thành 4 phần, cho 4 người con. Chị ba được bố mẹ chiều, mua đất xây nhà cho (cách ông bà 500 m). Ngày tôi xây nhà, chị ba bán nửa gia sản đó để xây nhà cạnh nhà tôi trên đất vườn bố mẹ cho. Chị tư bán cho chị ba mảnh đất bố mẹ cho giá 50 triệu mang tính tượng trưng để xây một kiốt nhỏ sửa quần áo. Vợ chồng chị ba cùng các con gần như được bố mẹ tôi lo cho từng miếng ăn, nước uống suốt 25 năm.
Sống sát vách nên vợ chồng tôi luôn phải chịu đựng sự vô tâm của các chị, phải sống sao cho các chị hài lòng. Mẹ ốm, vợ tôi nấu cháo, bố ốm nằm viện, các chị cũng bảo vợ chồng tôi không phụ giúp làm đồng cùng. Các chị còn không cho bố đưa đón con tôi đi học dù nhà cách trường một km, với lý do sức khỏe bố mẹ yếu (65 tuổi), dù có ngày chúng tôi bận, phải gửi hàng xóm đưa đi.
Sau 8 năm âm ỉ, 2 tháng trước mâu thuẫn nhà tôi và chị ba lên đỉnh điểm, chị em mạt sát nhau. Bố không hiểu chuyện gì, nghe mẹ và các chị mà 2 lần chạy sang nhà chửi vợ chồng tôi như người ngoài. Tôi thấy khó sống nên bảo với mẹ là sẽ bán nhà và đi nơi khác, bà bảo: “Nhà chúng mày thì chúng mày bán”. Mẹ tôi suy sụp dần vì không nghĩ có ngày các con mình đấu xé nhau. Tôi cũng xa cách với các chị vì trong lúc hoạn nạn, gian khó nhất, họ đã thờ ơ với chúng tôi cùng 2 con nhỏ, chỉ vì ích kỷ, tham lam, chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
Ngãi
Theo vnexpress.net
Nỗi lòng "có chồng cũng như không"
Thư nhìn sang chồng của bạn và đồng nghiệp mà thèm, nghĩ đến chồng mình lại thấy chạnh lòng. Giá mà chồng Thư không vô tâm thì cuộc sống cũng đâu đến nỗi bế tắc.
Nhiều người bề ngoài tươi cười, hạnh phúc nhưng bên trong hoàn toàn trái ngược. Thư cũng trong hoàn cảnh tương tự, bên ngoài thì lúc nào cũng vui vẻ, nhưng bên trong cô luôn khóc thầm bởi có người chồng quá vô tâm.
Thư vốn mạnh mẽ. Cô quan niệm rằng, phụ nữ không nên ở nhà ngửa tay xin tiền chồng, đòi hỏi ở chồng mình, mà bản thân phải biết kiếm tiền thì hạnh phúc gia đình mới tồn tại.
Vũ - chồng Thư chỉ biết đến công việc, về nhà lúc nào cũng ôm khư khư cái máy tính hoặc điện thoại chơi game mà hiếm khi chia sẻ việc nhà với vợ con.
Thư biết lương chồng gấp ba lần của cô, tức là phải 25 triệu nhưng hàng tháng anh chỉ đưa cho cô 7 triệu. Và khi Thư bảo là chồng cần phải đưa thêm tiền để cô chi trả tiền điện nước, đón tiền học cho con học mẫu giáo thì Vũ chỉ ậm ừ rồi làm ngơ. Đến khi bí quá, tiền học cho con lại đến hạn đóng, Thư đành giục chồng lần nữa, ai ngờ Vũ quát ầm lên: "Em tiêu cái quái gì mà lắm thế" khiến cô buộc phải ghi chi tiêu hàng ngày cụ thể, từ các khoản điện nước, ma chay hiếu hỉ tới tiền gửi xe....
Cuối tháng, Thư đưa sổ chi tiêu cho chồng coi thì Vũ gạt đi không thèm liếc nửa con mắt, mặc cho Thư xoay thế nào thì xoay.
Ảnh minh họa.
Thời gian đầu làm vợ, Thư cũng than phiền, trách móc chồng không cùng vợ chia sẻ việc nhà. Những lúc như vậy Vũ hét toáng lên rằng Thư tham lam, ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân vì cái gì cũng muốn thuộc về mình. Trong khi thực tế, Thư cũng lo kiếm tiền như chồng, ngoài đi làm cô còn phải lo mọi mặt từ đối nội đến đối ngoại trong gia đình.
Thật sự Thư cảm thấy áp lực và rất mệt mỏi vì có người chồng không tâm lý, lúc nào cũng nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến cảm xúc vợ.
Đến khi mang bầu bé thứ hai, Thư hy vọng chồng sẽ biết lo lắng, chú tâm vợ. Nhưng Vũ "vẫn chứng nào tật nấy", vợ đến ngày dự sinh phải nhập viện, buổi tối anh vẫn nằm chơi cho đã rồi ngủ, chỉ buông được điện thoại ra khi tới giờ ăn hay đi tiểu tiện.
Thấy con rể đi chăm vợ đẻ mà vậy, mẹ Thư góp ý thì Vũ lầm lì, leo lên giường cầm điện thoại chơi game. Vì phòng phụ sản chật, buổi tối, mẹ Thư phải trải chiếu dưới gạch nằm. Mấy người đi chăm con và vợ đẻ thấy thế lạ nên hỏi, mẹ Thư đành cười trừ bảo: "Nằm trên giường nóng quá" ...
Chứng kiến cảnh đó, Thư muốn làm um lên cho đã miệng nhưng nghĩ ở bệnh viện mà cự cãi thì sợ người ta cười cho. Nhìn chị em nằm xung quanh đi 1 bước chồng cũng dìu, 2 bước chồng cũng dắt mà Thư thấy tủi thân vô cùng.
Vậy nhưng, có điều mâu thuẫn là, lúc nào Vũ cũng tỏ ra quảng giao, có nhiều bạn bạn, được nhiều kẻ quý mến nhưng anh không hề biết quan tâm đến người khác, không cần hỏi xem vợ có mệt không, con cái ăn uống, ốm đau như thế nào. Nhiều lần Thư bận mà nhờ chồng đi mua bỉm, sữa hay đồ gì đó cho con thì Vũ lại xẵng giọng kêu hết tiền rồi mắng mỏ: "Là mẹ em phải biết lo trước cái việc cỏn con ấy chứ!".
Rất buồn và không hài lòng về chồng song Thư vẫn phải tự động viên mình, vẫn phải dặn mình hướng đến những suy nghĩ tích cực. Rằng thì là, Vũ trọng bạn bè, hay tụ tập vì anh sống tình cảm có trước có sau. Còn việc Vũ vô tâm với vợ con là vì hạn chế trong nhận thức, do sống với bố mẹ từ xưa đến nay vẫn thế nên quen rồi, khó sửa và vợ chồng cần thông cảm cho nhau...
Tuy nhiên, trong sâu thẳm lòng mình, Thư vẫn luôn buồn đau. Sự vô tâm, vô tính của chồng đủ lớn để hại chết một hạnh phúc. Nhiều lúc cô tự nhủ: Sao có chồng mà cũng như không!
Vũ Vân
Theo dantri.com.vn
Con gái ơi, độc thân thì đã làm sao nào? Không có người yêu không có nghĩa là ế, con gái hãy tận hưởng những tháng năm độc thân huy hoàng của mình thật trọn vẹn bởi lẽ... Người ta chỉ chăm chăm kể về những lợi ích của việc có người yêu, có cho mình một người đàn ông để tựa nương mà chẳng ai đề cập đến những cái được của...