Chi 100 triệu đồng sửa nhà làm homestay giữa Covid-19
Nghĩ về quyết định của mình thời gian qua, Duy Thịnh thấy dịch Covid-19 là bước ngoặt để làm mới cuộc đời.
Tháng 9/2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có chiều hướng xấu đi, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch gặp khó khăn và bắt đầu cắt giảm nhân sự. Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992), quê Bến Tre đang là phó giám đốc cho một khu resort phải tự nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp sau nhiều năm gắn bó.
“Mọi thứ thật chênh vênh và mơ hồ. Mình không bao giờ nghĩ đến cảnh mình không có việc làm vì tình yêu du lịch với mình rất lớn. Thói quen gặp gỡ, chăm sóc những vị khách từ khắp nơi trên thế giới và mọi miền đất nước đột nhiên biến mất, mình rất buồn”, Thịnh nói về những cảm xúc anh trải qua sau khi nghỉ việc.
Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, Thịnh bắt đầu đi xin việc ở trung tâm Anh ngữ, các lớp dạy kỹ năng mềm và được nhận, tuy nhiên trong thâm tâm anh vẫn thấy mình sinh ra là để làm du lịch chứ không thể chuyển sang ngành khác. Nhìn lại ngôi nhà mình đang ở, Thịnh thấy nơi này là điểm tựa cuối cùng của mình và phải dành cả tâm huyết cho nó. Nhớ khách, nhớ nghề, anh quyết định sửa lại căn nhà, chào đón những vị khách đến cùng ăn, cùng nghỉ, trải nghiệm và tham gia vào cuộc sống thường nhật cùng gia đình mình.
Trước sân nhà anh Thịnh bố trí một bàn ăn nhỏ cho 6 người, kế bên là chiếc võng và bộ bàn tre để uống trà, xung quanh nhà rợp bóng cây xanh.
Dịch Covid-19 đến bất ngờ và Thịnh cũng không có quá nhiều vốn liếng, căn nhà cấp 4 đang ở được anh giữ nguyên kết cấu, tân trang mọi thứ bằng gam màu sơn sáng để ngôi nhà thêm hài hòa trong không gian miền quê. Đồng thời, anh vay mượn thêm người thân khoảng hơn 100 triệu đồng để mua trang thiết bị cho phòng nghỉ, dụng cụ ăn uống chất lượng, sửa lại phòng ở cho khách và làm nhà vệ sinh khang trang hơn để khách có trải nghiệm thoải mái nhất.
“Mình lên kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ và làm việc nghiêm túc, người thân bạn bè thấy mình tâm huyết nên cho mượn 5 triệu, 10 triệu, gom lại hơn 100 triệu. Đâu đó, mọi người vẫn e dè vì sợ homestay không có khách”, Thịnh nói và cho biết anh muốn đón đầu xu thế du lịch khi Việt Nam mở cửa trở lại, lúc đó sẽ có khách quốc tế. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn chưa chấm dứt nên homestay phù hợp với khách trong nước.
Với kinh nghiệm 10 năm làm việc trong ngành du lịch từ nhân viên phục vụ đến phó giám đốc một resort, Thịnh tự tay thiết kế không gian homestay, phòng nghỉ, đi khảo sát các điểm tham quan, lên thực đơn bữa ăn, dọn dẹp vệ sinh… “Mình cảm thấy tự tin khi mở ra dịch vụ homestay này”, anh nói. Sau 2 tháng sửa nhà, cuối năm 2020, một homestay giữa đất dừa ở ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm ra đời với tên gọi Maison du Pays de Bến Tre.
Video đang HOT
Khách đến homestay thường có độ tuổi 35-55, họ đi theo nhóm, gia đình hay bạn bè. Thịnh chỉ đón tối đa một đoàn khách và không quá 6 khách/đoàn để đảm bảo phục vụ được chu đáo.
Ngoài thời gian nghỉ dưỡng, đi bộ thong dong dưới những rừng dừa miền quê, khách có thể tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, đi hái bưởi, thưởng thức dừa tươi tại chỗ, dừng chân ở những cánh đồng rau sạch để mua rau tự làm bữa cơm mình yêu thích. Bên cạnh đó, những buổi học nấu ăn luôn sẵn sàng cho khách chọn: làm bánh khọt nước cốt dừa nhân tép đậu xanh, nấu cơm nếp ăn kèm tép rang dừa hay muối mè, làm bánh cúng lá dứa, bánh chuối mì quết bốc.
Sau thời gian vui chơi bên ngoài, khách trở về homestay dùng bữa cơm quê Bến Tre với cà tím nướng mỡ hành ăn kèm nước mắm chua ngọt, tôm càng xanh luộc nước dừa xiêm chấm nước sốt, gà nổ muối hột lá bưởi… mọi món ăn đều được nấu bằng sản vật địa phương và do người thân trong gia đình anh Thịnh đứng bếp.
Duy Thịnh (đội nón lá) dẫn khách đạp xe thăm thú xứ dừa miền Tây. Ảnh: NVCC
Đến hiện tại, anh Thịnh đón khoảng 100 lượt khách đến homestay với thời gian lưu trú trung bình là 3 ngày 2 đêm. Trước đợt Covid-19 thứ 4 bùng phát, chị Thúy Hằng cùng bạn đến homestay và khá hài lòng về nơi này.
“Mình xuất phát từ quận 5, TP HCM và mất hơn 3 giờ để đến nơi. Ấn tượng đầu tiên về nơi này là mọi thứ đều chuyên nghiệp, phải xuýt xoa trước bàn tay khéo léo của anh chủ, từng góc nhà đến món ăn đều được anh chuẩn bị công phu, chỉn chu. Nhóm mình đến sáng thứ 7 và chiều chủ nhật thì về, chi phí khoảng 1 triệu/người”, chị Hằng nói đợi khi hết dịch Covid-19, chị sẽ cùng bạn trở lại homestay lần nữa.
Nghĩ về quyết định của mình trong thời gian qua, Duy Thịnh thấy dịch Covid-19 là bước ngoặt để làm mới cuộc đời. “Dù có khó khăn cách mấy nhưng khi dám đương đầu và bước qua thì mọi gian khó cũng sẽ bị đẩy lùi lại sau lưng. Sau mỗi lần trắc trở, mình sẽ lại vững vàng, trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống. Đó là kinh nghiệm quý báu làm tiền đề cho tương lai”, chủ homestay 29 tuổi tâm niệm.
Cô nàng 9X bỏ đại học, mời du khách về làm nông ở Đà Lạt
Tới Đà Lạt du lịch, nghỉ dưỡng du khách còn có cơ hội trải nghiệm làm nông dân thực thụ tại khu vườn đầy hoa trái của cô nàng 9X Thảo Nguyên ngay trung tâm thành phố.
Đón người lạ về làm vườn
Tại Đà Lạt, bên cạnh mô hình homestay mọc lên như nấm thì trào lưu mở nông trại hay farmstay được nhiều người trẻ thực hiện. Cô nàng 9X Thảo Nguyên là một trong số đó. Hiện cô sở hữu mảnh vườn rộng hơn 7.000 m2 toạ lạc ở An Bình, Phường 3, TP. Đà Lạt.
Năm 2015, lúc đang là sinh viên đại học, Thảo Nguyên quyết định nghỉ giữa chừng và về Đà Lạt làm vườn, dù gia đình cực lực phản đối.
Sau một thời gian, ba mẹ Nguyên dần chấp nhận chuyện con gái nghỉ học. Vốn có ước mơ sở hữu một nông trại từ lâu, nên Thảo Nguyên đã cùng với ba mẹ trồng thêm các loại rau, hoa màu và cây cảnh trên khu vườn nhà rộng thênh thang, còn có con suối ở giữa.
Ban đầu, Nguyên thiết kế lại khu vườn nhà và có ý định mời người lạ về làm vườn chung. "Đất thì rộng mà chỉ có ba và tôi làm là chính, vào mùa thu hoạch làm không xuể, tôi lại muốn kết giao thêm nhiều bạn mới nên mới nảy ra ý định mời "người lạ" về làm cùng", Nguyên chia sẻ. Tuy nhiên, cô đã gặp phải sự phản đối từ ba mình.
"Ba tôi nói, bạn đến chơi thì con đưa bạn đi du lịch Đà Lạt cho biết. Đưa bạn về làm vườn có khác nào... bóc lột sức lao động của người ta". Mãi tới năm 2020, ông Lạc - ba của Thảo Nguyên mới hiểu rõ ý định của con gái và đồng ý cho Nguyên tiếp đón du khách về vườn nhà.
Thảo Nguyên (phải) cùng du khách làm vườn, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cối.
Mỗi ngày các vị khách sẽ cùng cô chủ nhỏ làm vườn trong 4 tiếng, hai tiếng buổi sáng và hai tiếng buổi chiều. Công việc làm vườn sẽ là gieo hạt, trồng hoa, trồng rau, tưới nước...
Thời gian còn lại, chủ và khách sẽ cùng nhau nấu ăn, nghỉ dưỡng hoặc dạo quanh Đà Lạt. Thảo Nguyên sẽ sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, ăn uống trong thời gian khách ở lại tại vườn. Nếu muốn lê la hàng quán, ăn các món đặc sản ở Đà Lạt thì Nguyên sẵn sàng "chiều tới bến". Khách tới làm vườn, thường Nguyên sẽ thu phí là 200.000 đồng/tuần. Tuy nhiên, cô chủ vườn dễ tính, nếu ai "hợp cạ" lưu trú cả tháng, Nguyên sẵn sàng "free" ăn uống và nghỉ ngơi.
Chị Phạm Mỹ Lý (Hà Nội) từng có cơ hội trải nghiệm làm nông tại vườn nhà Thảo Nguyên chia sẻ: "Những ngày làm vườn cùng Thảo Nguyên, tôi thấy rất vui, thoải mái và ý nghĩa. Buổi sáng, tôi ra vườn hái rau, nhổ cỏ. Buổi chiều xong việc sớm, tôi chạy xe đi vòng quanh Đà Lạt".
Kế hoạch còn dang dở vì dịch bệnh
Từ năm 2020 tới nay, khu vườn của Thảo Nguyễn đã đón nhiều lượt du khách. Khách của Nguyên không chỉ là những người trẻ đi du lịch, có khi là những em nhỏ của lớp mẫu giáo gần nhà.
"Các em nhỏ tới đây sẽ đi cùng 2 cô giáo, các bạn sẽ được học và tự tay trồng cây, cắt trái cây, chiên bánh... Tuy nhỏ, nhưng các bé thích nghi rất nhanh, mang lại tiếng cười cho ngôi nhà của tôi", Thảo Nguyên cho biết.
Ý định ban đầu đơn thuần chỉ là mời người lạ, những người yêu cây, yêu hoa về nhà ở lại, cùng làm vườn và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cối. Tuy phải thay đổi khá nhiều thói quen nhưng Thảo Nguyên vẫn tìm thấy niềm vui trong khu vườn rộng lớn của mình.
Vườn hoa trái tươi tốt của Thảo Nguyên
Thời gian gần đây, cô quyết định tu sửa lại ngôi nhà để biến nơi đây thành một farmstay thực sự. Là nơi để du khách mọi miền, những người yêu thiên nhiên cùng nghỉ dưỡng và trải nghiệm cuộc sống nông dân bình dị. Tự trồng, tự thu hoạch và chế biến những món ăn từ các loại rau củ mà mình gieo trồng.
Tuy nhiên, mọi kế hoạch của Thảo Nguyên phải tạm thời dừng lại do dịch Covid-19. Nguyên trải lòng: "Thời gian này tôi dừng mọi hoạt động đón tiếp khách lạ, một phần do dịch bệnh, một phần do quá trình sơn sửa phòng ốc chưa xong. Chờ qua dịch tôi mới tiếp tục đón nhận những ai thật sự yêu cây, yêu thiên nhiên về làm vườn cùng mình".
Độc đáo homestay "kiểu nhà quê" ở xứ nước nổi Cần Thơ Về Cần Thơ, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống miệt vườn dân dã, tắm vòi sen tự chế, ngủ mùng kiểu nhà quê, đêm nghe tiếng ếch ộp, tiếng dê kêu... tại Farmer homestay. Farmer homestay được xây dựng trên nền đất khu vườn trái cây, thuộc huyện Cái Răng, Cần Thơ. Nơi đây được nhiều du khách nước ngoài chọn...