Chè Hà Thành thanh mát nhớ mãi không quên
Chè Hà thành thì đã nổi tiếng quá rồi nhỉ… Không giống như phương Nam quanh năm hai mùa mưa nắng, xứ Bắc có 4 mùa rõ rệt. Do tính chất thời tiết như vậy, ngày đông Hà Nội mướt bao nhiêu thì nắng hè gay gắt bấy nhiêu.
Trong cái oi bức của ngày hè, người Hà thành có thú vui thưởng thức những bát chè thanh mát. Tuy không rực rỡ sắc màu, không cầu kì bắt mắt, các món chè Hà Nội giản dị và tinh tế với hương hoa bưởi hoa nhài thoang thoảng, vị ngọt mát của nước đường chưng vẫn là món quà vặt tuyệt vời trong tiết trời nắng nóng.
Chè Hà Nội – món ăn tinh tế của phái nữ
Không ai biết những gánh chè xuất hiện trong lòng thủ đô từ khi nào, chỉ biết trong kí ức của người Hà Nội xưa, vẫn luôn in đậm hình ảnh những nữ sinh Đồng Khánh ưa tụm năm tụm ba bên hàng chè chiều tan học, hay những người nội trợ tỉ mẩn hướng dẫn con gái cách chọn đỗ, chọn sen để nấu chè. Có thể coi chè là sản phẩm từ bàn tay dịu dàng khéo léo của phụ nữ Hà thành, và cũng vì thế mà chè Hà Nội mang những đặc trưng rất nữ tính đáng yêu của phái nữ : Màu sắc thanh nhẽ, vị ngọt nhẹ nhàng, hình thức bình dị không khoa trương mà vẫn hết sức tinh tế. Chè được nấu từ những nguyên liệu giản dị trong bếp như đỗ xanh, đỗ đen, hạt sen, cốm non,…và thường được đặt trong những bát sứ nhỏ nhắn, xinh xắn. Dịu nhẹ và thanh tao trong cả hình thức lẫn nội dung, chè Hà Nội rất thích hợp để dùng giải nhiệt ngày hè, âu cũng cân xứng với mục đích của người phụ nữ là làm ra món ăn mát, bổ cho cả gia đình trong ngày nắng gắt.
Dù hiện nay trên đường phố Hà Nội đã bày bán đủ loại quà bánh, kem chè từ khắp mọi miền, nhưng món chè cổ truyền bình dị vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân nơi đây. Những người bà, người mẹ vẫn cẩn thận chỉ dẫn con gái trong nhà cách nấu chè ngon, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, món chè Hà Nội đã được lưu giữ nhờ bàn tay của người phụ nữ như thế. Để mỗi khi hè về, người ta lại vui sướng cầm trên tay bát chè truyền thống quen thuộc, không chỉ để giải nhiệt ngày nóng mà còn để hiểu thêm vẻ đẹp nữ tính, tinh tế vả tỉ mẩn của phụ nữ Hà thành.
Giữa muôn vàn loại chè được bày bán trên phố, chè Hà Nội vẫn là lựa chọn tuyệt nhất cho mùa hè
Những món chè giải nhiệt không thể bỏ qua
Video đang HOT
Thanh mát và giải nhiệt tốt vốn là đặc trưng chung của chè Hà Nội, nhưng ở đây ta hãy cùng điểm qua những món chè được ưa thích nhất khi hạ về nhé !
Từ lâu hạt sen đã là nguyên liệu ưa thích trong âm thực Hà thành, đặc biệt là trong các món bánh trái, chè cháo. Hạt sen vị ngọt, tính mát, không những giải nhiệt tốt mà còn có tác dụng thải độc, an thần, rất thích hợp để chế biến các món ăn mùa hè. Chè hạt sen nhãn lồng là sự kết hợp giữa vị ngọt thanh của sen và ngọt đằm của nhãn, tạo ra một món ăn hài hòa, không chỉ giữ nguyên những tính chất có lợi cho sức khỏe ở sen mà còn tránh được vị nhàm chán, ngán ngấy thường thấy khi dùng hạt sen một mình.
Hạt sen và nhãn lồng – sự kết hợp tuyệt vời
Không chỉ tinh tế trong sự hòa quyện hương vị, chè hạt sen nhãn lồng còn thể hiện tính chất tỉ mẩn, cẩn thận trong cách ché biến khá cầu kì: nhãn phải chọn quả to, cùi dày, từng quả nhãn bọc lấy hạt sen sao cho kín, cho vừa vặn, cho sắc óng ả của sen vẫn đủ ẩn hiện qua lớp nhãn trắng trong. Đẹp tao nhã trong hình thức, thanh mát trong hương vị, mỗi bát chè sen nhãn lồng đã góp phần không nhỏ trong việc xoa dịu cái nắng hè Hà Nội.
Để có được từng quả nhãn lồng bọc sen thế này đòi hỏi sự công phu rất lớn của người chế biến.
2. Chè bột sắn
Cũng tương tự như hạt sen, bột sắn là món ăn giải nhiệt ưa thích của người Hà Nội. Sắn nghiền thành bột tơi mịn, được đem tẩm ướp với hương hoa bưởi hoặc hoa nhài, làm nên hương thơm đặc trưng khó quên cho bột sắn Tràng An. Người ta thường pha bột sắn rồi nấu lên để tạo độ dẻo, sau đó thêm đường cho hợp khẩu vị rồi thưởng thức.
Chè bột sắn mát ruột, dễ ăn mà cũng dễ làm
Một biến tấu thơm ngon khác của chè bột sắn thường thấy là chè bột sắn hạt sen. Hạt sen được ninh vừa chín tới, xòe nở như nụ hoa và ngấm đều đường, tiếp tục nấu cùng bột sắn cho đến khi dẻo mịn, cuối cùng là rắc thêm một ít cốm dẹt xanh non lên bề mặt. Đây được coi là món ăn mát ruột và bổ dưỡng rất được ưa chuộng vào mùa hè, nhờ sự hòa quyện tinh tế giữa hai nguyên liệu hạt sen và bột sắn.
3. Chè bưởi
Nói đến các món chè mùa hè, không thể không nhắc đến chè bưởi. Cái độc đáo của món chè nằm ở chỗ biến nhũng cùi bưởi đăng đắng chua chua thành món tráng miệng ngọt ngào mát lạnh, thoảng thoảng hương thơm của hoa bưởi hòa cùng đỗ xanh. Chè bưởi phổ biến khắp ba miền, nhưng chè bưởi Hà Nội vẫn có được nét riêng nhờ nước đường chưng ngọt thanh, mùi hoa bưởi nhẹ nhàng, tạo ra một hương sắc hết sức thanh tao.
Người Hà Nội thường không ưa dùng chè kèm với đá, dù đá lạnh có khiến món ăn ngọt mát hấp dẫn hơn nhưng đồng thời làm loãng hương vị vốn rất thanh nhẹ của chè. Riêng với chè bưởi, vào mùa hè dân Hà thành vẫn ăn kèm đá. Một cốc chè bưởi ngày hè sẽ có lớp đầu là đỗ xanh quyện cùng cùi bưởi trắng tinh, sau đó là đá bào mỏng, cuối cùng là chút nước dừa béo ngậy, và chỉ một chút thoảng qua mà thôi.
4. Chè hoa cau
Trong các loại chè giải nhiệt thường thấy ở Hà Nội, có lẽ chè hoa cau là loại chè lãng mạn thi vị nhất, và cũng kì công nhất. Cái tên hoa cau khiến người ta dễ hiểu nhầm về nguyên liệu làm ra món chè, nhưng thực chất chè hoa cau chỉ được nấu từ bột sắn, đỗ xanh, hoa bưởi hoặc hoa nhài. Gọi tên hoa cau là bởi trên bề mặt quánh dẻo của chè, những hạt đỗ vàng ươm đang hững hờ trôi như hoa cau rụng đầy xuống sân nhà.
Để làm được món chè hoa cau đạt chuẩn, người nấu phải tỉ mẩn từ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Đỗ xanh phải là loại đỗ hạt tiêu, thân dẹt ruột vàng, rắc lên bát chè trông mới đẹp mắt. Đến lúc nấu bột sắn, phải canh lửa liu riu cho thật chính xác, để chè không quá đặc cũng không quá loãng. Chè nấu xong cần khéo léo rắc đỗ xanh đã ngâm muối, luộc chín lên trên, đảm bảo cho đỗ không bị chìm xuống đáy bát….Món chè tuy bình dị mà chứa đựng bao sự đảm đang tài tình của bàn tay người nấu. Chính điều này đã biến chè hoa cau thành món tráng miệng số một ngày hè – không chỉ vì chức năng giải nhiệt có từ bột sắn, đỗ xanh – mà còn nhờ vẻ đẹp mát dịu, tinh khiết ngay giữa cái nắng hè chói chang của đất kinh kì.
Phố xá Hà Nội ngày nay đã tràn ngập những của ngon vật lạ từ bốn phương đổ về, món chè truyền thống bình dị chỉ có thể tìm thấy ở các phố cổ như Hàng Da hay Chơ Đồng Xuân…Dù thế, mỗi khi Hà Nội bước vào hè, người ta vẫn mong ước được nâng niu một bát sứ con con, có chứa món chè ngát hương đang sóng sánh. Không cần màu sắc sặc sỡ, không có phụ gia cầu kì, chè Hà thành với những nguyên liệu quen thuộc đơn sơ lại sở hữu cái hương sắc chân chất, nguyên vẹn của đất trời, đủ làm mát lòng lúc hạ sang.
Và cũng như người ta thường hay nói về thiếu nữ Hà thành xưa, món chè Hà nội tuy nhàn nhạt, nhẹ nhàng không lấy gì làm đặc biệt, nhưng dư âm để lại vẫn luôn đậm đà và sâu sắc.
Theo TNO
Đi ăn xôi chè - Một món ăn thanh tao của người Hà Nội
Xôi vò trộn cùng chè hoa cau là sự kết hợp rất ý nhị giữa cái dẻo bùi của xôi và vị ngọt rất dịu nhẹ của chè. Bát chè hoa cau ngày xưa trong các gia đình quyền quý có cầu kỳ hơn một chút: khi nấu người ta thường thả những bông hoa bưởi trắng muốt vào, khuấy đều lên, khiến bát chè dậy lên hương thơm man mác rất dễ chịu.
Xôi chè - sự kết hợp tinh tế giữa xôi vò và chè đường - hay còn gọi là chè hoa cau là món ăn rất thi vị của mảnh đất Hà thành.
Xôi chè từ xưa đến nay vẫn là một món ăn thanh tao của người Hà Nội, thường chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tết hoặc cúng giỗ. Ngày xưa, để đồ được chõ xôi ngon, thường chỉ các cụ lớn tuổi hoặc các mẹ giàu kinh nghiệm mới được giao trọng trách này. Chỉ một sơ sẩy nhỏ như để lửa quá to, quá nhỏ hoặc thời gian chưa đủ cũng dễ làm hỏng chõ xôi quý.
Tôi nhớ thuở nhỏ mỗi khi giỗ ông ngoại, bà thường ngâm gạo nếp, đỗ xanh từ đêm hôm trước cho hạt gạo mềm. Bà chọn gạo nếp rất kỹ, chắc chắn phải là gạo nếp cái hoa vàng, từng hạt gạo béo tròn, có mùi thơm của nếp mới. Bà nói có như vậy chõ xôi vò mới dẻo thơm và từng hạt xôi không vón cục lại với nhau. Còn đỗ xanh thì tốt nhất nên chọn loại đỗ còn nguyên vỏ thì khi chế biến xôi vò mới giữ được mùi thơm nguyên sơ của hạt đỗ.
Chõ xôi chín bao giờ cũng dậy lên một mùi thơm ngào ngạt của đỗ xanh và gạo nếp quyện vào nhau. Bà tôi cẩn trọng đơm từng đĩa xôi, múc từng chén chè trang trọng đặt lên bàn thờ Tổ. Mỗi lần nhà có giỗ, tụi trẻ con như tôi đứa nào cũng háo hức mong đợi để được thưởng thức món ăn xa xỉ nhất thời đó.
Xôi vò trộn cùng chè hoa cau là sự kết hợp rất ý nhị giữa cái dẻo bùi của xôi và vị ngọt rất dịu nhẹ của chè. Bát chè hoa cau ngày xưa trong các gia đình quyền quý có cầu kỳ hơn một chút: khi nấu người ta thường thả những bông hoa bưởi trắng muốt vào, khuấy đều lên, khiến bát chè dậy lên hương thơm man mác rất dễ chịu.
Ngày nay, trên nhiều góc phố, ngõ ngách của Hà thành vẫn còn các bà các cô bày bán món xôi chè. Riêng tôi thích nhất quán xôi chè trên phố Thụy Khuê, nơi tôi đã tìm thấy cái hương vị ngày xưa mà bà ngoại vẫn thường nấu, nhớ lại tuổi thơ ngọt ngào như bát chè của bà. Cô chủ quán thường kể cho tôi nghe chuyện một bác Việt kiều đang định cư ở nước ngoài, mỗi lần trở về Hà Nội ngày nào cũng tới quán ăn một bát xôi chè cho thỏa nỗi nhớ mong.
Theo TNO
[Chế biến] - Đỗ xào tỏi ớt Món đỗ xào tỏi, ớt cay lạ miệng sẽ khiến bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn. Nguyên liệu: - 2 chén đỗ xanh, cắt miếng ngắn - 2 tép tỏi, băm nhỏ - muỗng cà phê bột ớt - muỗng cà phê đường - muỗng canh hạt tiêu - muỗng cà phê hạt cải - Muối Cách làm: Đun sôi nước, cho...