Chế độ “Nhà sản xuất phim” trên TV là gì? Tại sao chúng ta nên chọn những dòng TV có tính năng này?
Để có thể thưởng thức một bộ phim theo đúng nghĩa, bạn thực sự nên tới các rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm cảm giác này ngay tại nhà trên chính chiếc ghế sofa của bạn (và không cần phải phí tiền mua bỏng ngô), bạn sẽ sớm có thể làm được điều đó với Chế độ “Nhà sản xuất phim” ( Filmmaker Mode) trên các TV đời mới.
Chỉ với một nút bấm, bạn có thể thưởng thức bộ phim (hoặc chương trình truyền hình) đúng như nguồn phát nguyên bản của nhà sản xuất, không có bất kỳ hiệu ứng xử lý nào của TV (chẳng hạn như tính năng làm mượt chuyển động), chỉnh lại chính xác profile màu của màn hình, và hiển thị bộ phim theo đúng tỷ lệ khung hình gốc.
Không giống với các tính năng khác, vốn có các tên gọi khác nhau trên các mẫu TV của các nhà sản xuất khác nhau, chế độ Filmmaker Mode được thống nhất với một tên gọi duy nhất trên tất cả các mẫu TV hỗ trợ – do đó bạn không cần lo lắng về việc không biết chế độ này trên TV nhà mình được gọi là gì.
Chế độ Nhà sản xuất phim (Filmmaker Mode) là gì?
Các nhà sản xuất TV đã trình diễn chế độ này tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2020 vừa qua. Tính năng cho phép bạn thưởng thức các nội dung TV theo đúng những ý đồ mà các đạo diễn, nhà sản xuất và hãng phim áp dụng cho tác phẩm của mình. Nó tự động vô hiệu hoá các tính năng bổ trợ trên các dòng TV đời mới, vốn làm “biến dạng” cách thức nội dung được hiển thị trên màn hình, nhằm bảo toàn tính nghệ thuật nguyên bản của tác phẩm điện ảnh gốc.
Chỉ với một nút bấm (thậm chí trong một số trường hợp còn được áp dụng tự động), bạn có thể vô hiệu hoá tất cả các tính năng xử lý hậu kỳ của TV. Tỷ lệ khung hình gốc, profile màu và tốc độ khung hình gốc được bảo toàn. Trước đó, bạn sẽ phải chỉnh sửa thủ công các thiết lập chất lượng hình ảnh “trải dài” trên nhiều trang menu khác nhau của TV để đạt được điều đó. Trong tương lai gần, tính năng này chắc chắn sẽ có mặt trên mọi dòng TV của tất cả các hãng.
Cách hiển thị nội dung mới này sẽ có mặt trên các TV đời 2020 của các hãng Vizio, Panasonic, LG, Samsung, và Philips trong năm nay. Ngoài ra, có khả năng nhiều hãng khác cũng sẽ tham gia trào lưu này ngay trong năm 2020.
Chế độ Filmmaker đã được nhiều nhà sản xuất phim yêu cầu phải có trên các dòng TV mới. Họ không hài lòng với việc các nhà sản xuất TV mặc định kích hoạt các chế độ xử lý hình ảnh của sản phẩm. Năm 2017, James Gunn là một trong những nhà làm phim đầu tiên công khai chỉ trích điều này, đồng thời gắn thẻ (tag) tên của một số nhà làm phim khác cũng đồng quan điểm với ông.
Mặc dù tiêu chuẩn mới này được khởi xướng bởi Liên minh UHD (The UHD Alliance), nhưng nhiều tổ chức khác cũng tham gia bảo trợ cho Filmmaker Mode, bao gồm Hiệp hội đạo diễn Hoa Kỳ (Directors Guild of America), Quỹ điện ảnh (The Film Foundation), Hiệp hội các nhà quay phim quốc tế (International Cinematographers Guild) và Hiệp hội các nhà quay phim Hoa Kỳ (American Society of Cinematographers).
Vì sao chúng ta cần có chế độ này?
Các mẫu TV hiện đại áp dụng nhiều hiệu ứng hậu kỳ khi hiển thị hình ảnh, như tính năng làm mượt chuyển động (motion smoothing). Tính năng này giúp làm mượt hình ảnh hiển thị trên màn hình TV một cách “nhân tạo” thông qua phương pháp nội suy khung hình, có nghĩa là TV sẽ dự đoán và chèn các khung hình bổ sung vào phim hoặc chương trình truyền hình để đạt được tốc độ khung hình cao hơn (và đồng nghĩa với khả năng hiển thị hình ảnh mượt hơn). Tính năng làm mượt chuyển động thường được gọi là “hiệu ứng phim truyền hình”, hoặc đôi khi cũng được gọi với các tên thương hiệu cụ thể tuỳ thuộc vào từng nhà sản xuất, như “TruMotion”, (LG), “MotionFlow” (Sony), hoặc “Auto Motion Plus” (Samsung).
Các nhà làm phim Hollywood và phần lớn giới làm phim thường sử dụng tốc độ khung hình 24fps theo tiêu chuẩn cho các tác phẩm của mình. Điều này có nghĩa là chỉ có 24 khung hình được hiển thị mỗi giây của bộ phim (trên thực tế về mặt kỹ thuật, con số chuẩn xác là 23,976). Tốc độ khung hình tiêu chuẩn này chính là một trong những yếu tố làm nên “chất điện ảnh” cho các bộ phim từ trước tới nay.
Trong khi đó, tính năng làm mượt chuyển động lại cố gắng chèn thêm khung hình mà nó tự nội suy ra để làm cho bộ phim có thể hiển thị với tốc độ làm tươi (refresh rate) tiêu chuẩn của TV (thông thường là 60 đến 100Hz, tương ứng với 60fps đến 100fps).
Điều này không chỉ làm cho các tác phẩm điện ảnh hiển thị trông quá “mượt”, mà nó còn có nguy cơ tạo ra các chi tiieets hình ảnh không mong muốn. Các mẫu TV có sử dụng làm mượt chuyển động sẽ phải tìm cách nội suy các khung hình bị thiếu (mà trong nhiều trường hợp, nó không thể đoán chính xác được), dẫn đến việc hình ảnh bị mờ (đặc biệt là trong các phân cảnh có nhiều chuyển động, chẳng hạn như những cảnh hành động).
Chế độ Filmmaker Mode còn có thể khắc phục các vấn đề với tỷ lệ khung hình và profile màu chính xác của hình ảnh. Mặc dù các vấn đề này không liên quan đến tính năng làm mượt chuyển động, song mỗi nhà sản xuất màn hình lại có một cách thức thiết lập khác nhau trên các sản phẩm của mình. Bạn có thể phải “vượt qua” một loạt các menu thiết lập phức tạp nếu muốn điều chỉnh nhiệt độ màu hoặc áp dụng một tỷ lệ khung hình cụ thể cho hình ảnh hiển thị trên TV.
Một số nhà sản xuất TV thiết lập các thiết lập hiển thị và thiết lập tỉ lệ khung hình dựa theo từng “nguồn vào” cụ thể. Điều đó có nghĩa rằng các thiết lập hiển thị với nguồn phát là máy PS4 thông qua cổng HDMI 1 có sự khác biệt so với nguồn từ đầu thu truyền hình cáp qua cổng HDMI 2. Chế độ Filmmaker sẽ giúp khắc phục vấn đề này (dù chỉ là tạm thời) thông qua 1 nút bấm.
Tại sao chế độ “nhà sản xuất phim” lại quan trọng tới vậy?
Chế độ Filmmaker Mode không phải là một công nghệ độc quyền. Nó được giới thiệu bởi Liên minh UHD, một nhóm các công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh và công nghệ. Các nhà sản xuất màn hình như Samsung, LG, Sony, Toshiba, Vizio, và Panasonic đều là thành viên của Liên minh này, cùng với các công ty công nghệ như Amazon, Nvidia, Dell, Google, Dolby, Intel, và Asus.
Điều này có nghĩa là, không giống như các công nghệ độc quyền, chế độ Filmmaker Mode sẽ được triển khai giống hệt nhau trên tất cả các thiết bị của các nhà sản xuất tham gia Liên minh. Điều này giúp người dùng không còn phải bận tâm với tình trạng “một công nghệ, nhiều tên gọi” giữa các nhà sản xuất, và cũng không cần phải “mày mò” trong nhóm những menu phức tạp để kích hoạt tính năng này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải công ty nào thuộc Liên minh UHD cũng đều triển khai tính năng này. Chẳng hạn, Sony chưa có kế hoạch tích hợp Chế độ Filmmaker vào các dòng sản phẩm của mình.
Việc triển khai một cách có chuẩn hóa đồng nghĩa với việc tất cả các TV hỗ trợ Chế độ “Nhà sản xuất phim” sẽ đều có một nút giống nhau trên điều khiển từ xa để kích hoạt chức năng này, hoặc có khả năng tự động chuyển đổi sang tính năng này nhờ vào các siêu dữ liệu đi kèm với phim hoặc chương trình truyền hình tương ứng.. Hiện tại, đã có hãng LG sử dụng cách chuyển đổi tự động, trong khi hãng Vizio cho biết sẽ cung cấp cả hai tính năng chuyển đổi tự động và thông qua một nút chuyên dụng trên điều khiển từ xa.
Liên minh UHD đã phát triển các tiêu chuẩn này trên cơ sở hợp tác với các công ty thành viên, bao gồm Warner Brothers, Paramount, Universal, và Technicolor. Các Liên minh dạng này khá phổ biến trong ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng họ chủ yếu quan tâm đến các khía cạnh công nghệ, chẳng hạn như độ phân giải và độ sâu màu, thay vì các tính năng hay dòng thiết bị cụ thể.
Chế độ Nhà sản xuất phim (Filmmaker Mode) khác với Chế độ chơi game (Game Mode) như thế nào?
Nếu bạn đã từng mua một chiếc TV trong thập niên vừa qua, có lẽ nó sẽ có khá nhiều tính năng được tích hợp sẵn, trong đó có chế độ xem phim hoặc chế độ chơi game. Tuy nhiên, công dụng cụ thể của từng tính năng này lại phụ thuộc vào từng nhà sản xuất. Chế độ chơi game thông thường sẽ loại bỏ càng nhiều hiệu ứng xử lý của TV càng tốt để giúp làm giảm độ trễ (lag) trong quá trình chơi game.
Một số màn hình không hỗ trợ chế độ chơi game, nhưng cũng được thiết kế nhằm giảm độ trễ một cách tối đa. Ví dụ, nếu TV của bạn có cổng HDMI với nhãn “PC Input” (nguồn cho máy tính), nhiều khả năng cổng này đã được thiết kế để giảm độ trễ. Bạn sẽ chỉ cần cắm jack kết nối vào cổng này thay vì phải lần mò qua hàng loạt menu là đã có thể thưởng thức hình ảnh với độ trễ tối thiểu rồi.
Mặc dù Chế độ “Nhà sản xuất phim” cũng được thiết kế như một “đối trọng” của tính năng làm mượt chuyển động, song mục tiêu cuối cùng của nó không hoàn toàn giống như chế độ chơi game. Chức năng chính của Chế độ “Nhà sản xuất phim” là cố gắng bảo tồn hình ảnh nguyên bản từ nguồn phát, chứ không phải là để loại bỏ độ trễ. Vì vậy, mặc dù Chế độ “Nhà sản xuất phim” có thể giúp cải thiện trải nghiệm chơi game, nhưng nó không phải sự thay thế hoàn hảo cho chế độ chơi game thực sự.
Làm thế nào để mua được TV có tích hợp Chế độ “Nhà sản xuất phim”?
Ở thời điểm bài này được viết, vẫn chưa có TV nào trên thị trường hỗ trợ Chế độ “Nhà sản xuất phim”. Tuy nhiên, bạn có thể kỳ vọng một loạt các dòng TV hỗ trợ tính năng này xuất hiện trong thời gian tới. Điều bạn cần làm là hãy tìm logo của Chế độ “Nhà sản xuất phim” trên hộp đựng TV hoặc các tài liệu quảng bá của sản phẩm (như hình dưới).
Một đại diện của hãng LG trả lời trang tin Variety rằng Chế độ “Nhà sản xuất phim” sẽ xuất hiện trên “mọi sản phẩm TV 4K và 8K của hãng giới thiệu trong năm 2020″.
Tương tự, hãng Panasonic cũng cho biết dòng TV OLED HD 2000 của năm 2020 của hãng sẽ hỗ trợ tính năng này. Đồng thời, các nhà bán lẻ chắc chắn cũng sẽ quảng bá cho công nghệ mới này tại các cửa hàng của họ, do đó bạn sẽ sớm có thể trải nghiệm công nghệ này trong vài tháng tới.
Liệu TV cũ của tôi có được cập nhật phần mềm để hỗ trợ Chế độ “Nhà sản xuất phim” hay không?
Hiện tại, khả năng cao là các màn hình đời cũ sẽ không được cập nhật phần mềm để hỗ trợ Chế độ “Nhà sản xuất phim”. Chưa có nhà sản xuất nào xác nhận liệu tính năng này có được hỗ trợ thông qua một bản cập nhật firmware hay không.
Một đại diện của hãng Vizio đã phủ nhận hoàn toàn điều này tại CES và khẳng định công nghệ này sẽ chỉ có trên các TV mới ra mắt trong năm 2020 trở về sau.
Lý do có thể đến từ các yêu cầu về phần cứng, hoặc các nhà sản xuất muốn sử dụng tính năng này để hối thúc người dùng nâng cấp lên sản phẩm mới nhất
Theo vnreview
Loạt mẫu ti vi gây ấn tượng độc đáo nhất CES 2020
Một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất thế giới đầu tiên trong năm - CES 2020 - ghi dấu một loạt các sản phẩm công nghệ độc đáo, ấn tượng.
LG gây chú ý tại CES 2020 với loạt hình ảnh TV OLED màn hình cong ấn tượng ở lối vào với tên gọi The Wave.
The Wall, chiếc tivi khổng lồ 292 inch, là chiếc tivi lớn nhất đã từng xuất hiện tại CES (Triển lãm điện tử tiêu dùng). Màn hình khổng lồ này sử dụng MicroLED, cung cấp độ sáng cao và độ tương phản ấn tượng.
Phiên bản 75 inch, thu nhỏ của The Wall, sản phẩm ti vi 4K được Samsung ra mắt hàng loạt trong năm 2019.
TV 4K Z8H 85 inch, model lớn nhất của Sony đã từng được giới thiệu.
Flagship năm 2020 của Samsung Q950TS 8K QLED, với viền màn hình siêu mỏng, được hãng tuyên bố đạt 99% thể hiện hình ảnh.
Một tính năng khác lạ của ti vi xuất hiện trong CES năm nay là chế độ hiển thị dọc. Về cơ bản, đây là một phụ kiện điện thoại lớn, được thiết kế để phản chiếu màn hình chiếc smartphone của người dùng.
Một động cơ được tích hợp vào chân đế có thể quay ti vi theo hướng đồng bộ hóa với hướng của điện thoại.
Năm 2019, LG đã giới thiệu ti vi OLED có thể cuộn, gây "cú sốc" cho thị trường tiêu dùng và năm 2020 được chọn là thời điểm để biến sản phẩm thành hiện thực trong nhà bạn, với giá 60.000 USD cho 65-inch 4K TV.
TV OLED 55 inch màn hình cong này dường như phù hợp với mục đích trang trí hơn nhưng vẫn phải thừa nhận sự ấn tượng về màu sắc cũng như hình ảnh sản phẩm mang lại.
Ti vi OLED đầu tiên của Vizio và nó sẽ được mở bán chính thức trong năm 2020. Nếu giá của sản phẩm có thể giá thấp hơn ti vi LG cùng loại, đây sẽ là một sản phẩm cạnh tranh đáng gờm.
Vượt lên cả sản phẩm gia dụng thông thường, LG giới thiệu kính chắn gió OLED trong suốt sử dụng trong xe ô tô.
LG đã phát triển thêm nhiều sản phẩm kể từ khi ra mắt công nghệ màn hình có thể cuộn. Đây là một trong những sản phẩm đó, màn hình có thể cuộn được sau ghế.
Theo Kiến Thức
LG đang mất thị phần TV OLED vào tay Sony và Panasonic Các công ty Nhật Bản đang cạnh tranh quyết liệt với LG tại thị trường TV OLED. Do nguồn cung được mở rộng vào năm 2020, dự kiến cuộc chiến giành khách hàng sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Theo số liệu hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit vừa công bố, thị phần của LG đang 'rơi rụng' dần qua mỗi quý....