[Chế biến] – Đậm đà bún cá lá Khánh Hòa
Bún cá lá có nguồn gốc từ TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa). Theo nhiều chủ quán lâu năm, trước ngày đất nước thống nhất, món ăn này đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương và là một trong những món ăn ưa thích của nhiều du khách khi đến Nha Trang.
Bún cá lá đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm. Một tô bún cá lá chủ yếu gồm: bún lá, chả cá, nước dùng và rau sống. Bún lá được làm công phu hơn bún bình thường. Người ta vắt bún thành từng khoanh hình chiếc lá, rồi đặt lên những miếng lá chuối để khi xếp chồng lên bún không bị dính vào nhau. Có thể dùng nhiều loại gạo để làm bún lá, nhưng làm từ gạo ở làng Thanh Mỹ (xã Ninh Quang, TX.Ninh Hòa) được xem là ngon nhất, vì bột gạo dai, trắng và thơm.
Nước dùng của món bún này được nấu từ các loại cá thu, cá cờ… thêm vài lát cà chua mỏng. Người đầu bếp chọn cá tươi về làm sạch, lóc thịt, dầm nhỏ và nấu sao cho nước luộc cá không bị đục thì mới đạt. Đặc biệt, nước dùng bún cá lá không có dầu, mỡ và bột ngọt. Nước dùng khi ăn không còn mùi tanh mà thơm nồng, lại đủ cả vị ngọt lừ của cá tươi, vị chua dìu dịu của cà chua chín.
Để làm chả cá, người đầu bếp có thể chọn các loại cá thu, cá mối, cá cờ còn tươi, làm sạch nạo lấy thịt rồi nêm nếm hành, tỏi, tiêu, gia vị bỏ vào cối xay nhuyễn cho thịt cá quyện vào nhau, sau đó quết thành từng bánh tròn. Chả cá chiên có màu nâu, chả cá hấp có màu trắng. Dù chiên hay hấp, chả cá luôn có vị ngọt, dai, thơm phức. Nhai miếng chả cá, thực khách sẽ cảm nhận được vị mặn mòi, đậm đà của biển cả. Rau sống ăn cùng bún cá lá gồm các loại rau thơm, giá, xà lách, hoa chuối thái mỏng…
Khi thưởng thức, người ăn chỉ cần cho rau ngập trong tô bún cá lá, thêm vài giọt chanh tươi, một chút nước mắm nhĩ, vài lát ớt sim cay nồng là có thể tận hưởng hương vị ngon tuyệt của món ăn này.
Theo VNN
Các món trộn đậm đà hương vị Hà Nội
Đến từ nhiều vùng miền nhưng các món trộn ở Hà Thành khiến bao người mê mệt.
Video đang HOT
Phở chua
Bắt đầu từ một đặc sản tiếng tăm của đất Cao Bằng, món phở chua cũng đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội. Cũng như nhiều món trộn khác, bát phở chua hấp dẫn thực khách bởi vẻ ngoài khá hoành tráng với nào khoai tây chiên, gan rán, dạ dày, vài lát thịt ba chỉ, lạp xưởng Cao Bằng, thịt vịt quay vàng rộm, dưa chuột, xà lách, lạc rang và tất nhiên không thể thiếu phở.
Phở chua Cao Bằng hấp dẫn lòng người.
Bánh phở phải chọn loại bánh phở được làm từ gạo Cao Bằng vừa thơm, dẻo và dai. Các loại thức ăn chế biến cùng đều được thái sợi để tiện trộn lẫn với nhau và hòa chung với một thứ nước sốt sền sệt, chua chua. Nước sốt này được chế từ nước lấy trong bụng vịt quay, pha với chút dấm, tỏi, đường và bột báng.
Phở chua mát và khá dễ ăn, vị chua nhẹ của món phở khi kết hợp cùng với những nguyên liệu trộn với nó tạo nên một hương vị khá lạ. Thưởng thức phở chua không thể thiếu món măng rừng mắc mật có vị chua, cay và thơm nồng đặc trưng lại càng làm cho món ăn thêm hấp dẫn.
Phở gà trộn
Nhắc tới các món trộn từ phở không thể quên món phở gà trộn. Chỉ với chút bánh phở được chần qua, cùng với thịt gà, hành phi, lạc rang và đu đủ dầm thái sợi, sau đó trộn đều với thứ nước chua chua ngọt ngọt chế cùng mỡ gà béo ngậy đã tạo nên một bát phở trộn ngon tuyệt.
Món này ra đời cũng rất ngẫu nhiên. Nó chỉ mới xuất hiện trong những năm gần cuối của thập kỉ 90. Người ta đoán rằng, phở trộn là để chiều lòng người mê phở trong cái tiết trời nóng bức vào mùa hè của Hà Nội.
Bánh đa trộn
Một món trộn ngon khác đến từ thành phố hoa phượng đỏ từ lâu đã thu hút người dân Hà thành, đó chính là bánh đa trộn. Món bánh đa của trộn của người Hải Phòng đến Hà Nội đã giản đơn đi nhiều, chỉ với bánh đa chần qua nước canh riêu, cho đậu rán, gạch cua, rau muống hoặc rau rút, hành phi, chút lạc rang, tất cả trộn chung với xì dầu đã làm nên một bát bánh đa trộn ngon lành. Thanh đạm là vậy thôi, nhưng bánh đa cua trộn hấp dẫn thực khách bởi chính sự giản dị của nó, vào những ngày nóng một bát bánh đa cua trộn lại là sự lựa chọn nhanh gọn nhất.
Ở nhiều nơi, hương vị bánh đa cua Hải phòng được biến tấu một chút, thêm chút giá đỗ, mộc nhĩ, và đặc biệt là những con tôm to, béo ngậy lại càng làm bát bánh đa trộn thêm hấp dẫn.
Miến trộn
Món trộn kế tiếp được điểm danh trong danh sách này là món miến trộn quen thuộc. Ở Hà Nội, có thể điểm tên vài món miến trộn được yêu thích như miến trộn cua, miến trộn lươn, miến trộn cá, miến trộn thập cẩm...
Thanh đạm cùng miến trộn cua.
Một bát miến trộn cua cũng được chế biến giống với bánh đa trộn cua, miến được chần chính rồi trộn cùng với gạch cua, đậu rán, rau muống, hành phi, chút lạc rang và xì dầu. Nếu như bát bánh đa trộn cua thường được điểm tô thêm vài con tôm béo ngậy, thì một bát miến trộn lại được thêm chút vị thịt bò mới thật hấp dẫn. Cùng với miến trộn cua, bạn có thể dễ dàng thưởng thức một bát miến trộn thập cẩm với những thành phần tương tự, nhưng thêm vào đó là chút giò tai giòn sần sật thơm ngon.
Một bát miến trộn thập cẩm đầy ắp.
Miến trộn lươn giòn tan.
Bên cạnh miến trộn cua, miến trộn thập cẩm, miến trộn lươn cũng là một sự lựa chọn cho thực khách mỗi khi đói lòng. Miến cùng được chần chín rồi đem trộn cùng lươn đã được rán giòn, hành phi, lạc rang, rau dăm với xì dầu. Ở nhiều cửa hàng, họ còn bỏ thêm chút dầu hào cho bát miến trộn thêm ngậy.
Miến trộn cá lại đem lại cho ta một hương vị đầy đủ hơn cả với những miếng cá được rán giòn thơm ngon, trộn cùng rau cải và giá được chần chín, thêm chút hành phi, lạc rang với xì dầu. Nhấm nháp thêm chút nước dùng được chế từ đầu cá lại càng hấp dẫn hơn bao giờ hết. Cùng với miến trộn cá, nếu thay bằng bánh đa, hay bún cũng tạo nên những món trộn ngon tuyệt.
Bún bò Nam Bộ
Một món ăn được cho là đến từ Nam Bộ cũng được yêu thích tại Hà Nội, chính là món bún trộn, hay còn gọi là bún bò Nam Bộ. Ngoài Bắc, bát bún trộn ấy đã khác nhiều so với Nam Bộ. Bởi sợi bún thường bé hơn và nước trộn cũng đã được gia giảm để bớt ngọt và nhiều chua sao cho hợp với khẩu vị người Hà Nội.
Rau sống được trộn kèm cũng là những loại rau đặc trưng của đất Bắc như rau xà lách, rau kinh giới, rau mùi, và giá chần. Tất nhiên không thể quên đi thành phần chính là thịt bò, để món trộn thật ngon, thịt bò thường được xào trên bếp lửa to, chín tới để vẫn còn cảm nhận thấy vị ngọt thịt mà không quá dai.
Nộm
Nhắc đến các món trộn, không thể quên những món nộm đa dạng của ẩm thực Hà Thành như nộm bò, nộm sứa ...
Từ những sợi đu đủ xanh bào sợi nhỏ, thịt bò khô thái lát mỏng bản to, nước mắm chua ngọt, một chút lạc rang bùi bùi kèm với chút rau thơm (thường có rau húng láng, mùi ta và rau kinh giới), tất cả hòa trộn với nhau tạo nên một đĩa nộm đu đủ bò khô thơm ngon.
Nói về nguồn gốc của các món nộm thì lại rất khó. Ví như: nộm thịt bò khô - nhiều người cho rằng nó được du nhập từ Trung Quốc, nộm sứa là ở vùng biển... Nhưng tất cả các món nộm đó, khi ở Hà Nội lại mang những nét và mùi vị mà chỉ ở Hà Nội mới có.
Các món trộn đến từ khắp mọi nơi lại càng góp phần làm phong phú thêm kho ẩm thực "khổng lồ" phong phú của đất Hà Thành. Đi đến đâu, người dân Việt cũng sáng tạo các món ăn sao cho phù hợp với vùng miền đó, càng đi lại càng nhiều món mới được tạo ra, thật tự hào biết bao những người đầu bếp Việt...
Theo VNE
Bún cá thơm ngon Nha Trang Không nổi tiếng như phở, không lạ miệng như hoành thánh, không hấp dẫn như cao lầu, nhưng bún cá Nha Trang thấm đẫm mùi vị mặn mòi của xứ biển. Đặc biệt, ngay tại miền sông nước như Cần Thơ, món bún cá Nha Trang như càng thu hút thực khách, vốn quen ăn cá nước ngọt. Vợ chồng chị Nguyễn Thị...