[Chế biến] – Canh bún
Bát canh bún nóng hổi, nước dùng ngọt, đậm đà và phần riêu được làm từ tôm khô xay và thịt lợn xay, ăn rất lạ và ngon.
Nguyên liệu:
- 500g xương ống
- 250g thịt nạc heo
- 150g tôm khô
- 2 trái cà chua, 4 quả trứnggà, 2 miếng đậu hũ chiên, 2 miếng huyết heo, 1thìa súp dầu điều, 2 thìa cà phê hành tím băm; Rau muống, chả cây
- Gia vị: Mắm tôm, đường cát, muối, hạt nêm, tiêu xay, hành tím khô, dầu ăn.
Các bước thực hiện:
Món canh bún
Bước 1: Xương heo rửa sạch, trụng sơ, cho vào 2 lít nước, hầm lửa vừa khoảng 30-40 phút cho ra chất ngọt, lọc lấy nước dùng.
Bước 2: Thịt heo băm nhuyễn. Tôm khô ngâm nở, để ráo nước, xay nhuyễn. Đậu hũ cắt miếng vừa ăn. Huyết trụng nước sôi cho chín, cắt miếng vừa ăn. Rau muống lặt lấy cọng non, rửa sạch, luộc chín
Bước 3: Hòa 1 thìa súp mắm tôm với một ít nước lạnh, lọc bỏ cát, chế từ từ ào nồi nước dùng, bắc lên bếp đun sôi, nêm muối, đường vừa ăn.
Bước 4: Trứng gà đánh tan, cho tôm khô, thịt băm, hành tím băm, 1 thìa cà phê mắm tôm, một ít hạt tiêu, muối, đường vào trộn đều.
Bước 5: Để nước dùng sôi trở lại, múc hỗn hợp tôm thịt vào nồi nước dùng, để lửa nhỏ để riêu tôm nổi lên trên mặt. Cho thêm huyết và đậu hũ vào, nêm nếm gia vị lại cho vừa miệng. Cà chua rửa sạch, thái múi cau, cho vào nồi.
Bước 6: Đun nóng dầu điều, phi hành khô thơm, châm vào một ít nước từ nồi nước dùng để tạo màu.
Bước 7: Bún sợi to trụng mềm cho ra tô, gắp rau muống luộc, cho chả, riêu tôm, cà chua, múc nước dùng vào, ăn kèm mắm tôm.
Video đang HOT
Mách nhỏ: Sau khi trụng xương heo, nên vớt ra lấy hết tủy bên trong xương rồi mới cho vào hầm để nước dùng trong.
Theo MNMN
Món ngon Sài Gòn mê hoặc khách phương xa
Cơm tấm, canh bún, hủ tiếu, bánh xèo... là những món ăn nổi tiếng ở đất Sài Gòn mà bạn không nên bỏ qua khi đến đây.
Sài Gòn từ lâu được biết đến là nơi tập trung rất nhiều món ăn ngon từ khắp mọi miền đất nước. Từ những đặc sản vùng miền cho đến những món ăn phổ biến bạn đều có thể tìm thấy và thưởng thức ở thành phố mang tên Bác. Nếu có dịp đến Sài Gòn, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những món ăn được cho là đặc sắc nhất nhé.
Cơm tấm
Được nấu từ những hạt gạo vỡ, cơm tấm là món ăn chống đói của người dân nghèo. Tuy nhiên, không biết từ khi nào, cơm tấm trở nên phổ biến, trở thành món ăn đặc sản của Sài Gòn. Những hàng bán cơm tấm với chiếc tủ kính trên vỉa hè, một lò nướng sườn đang tỏa khói nghi ngút đã trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc qua các con phố ở Sài Gòn.
Cơm tấm nổi tiếng đến mức mà người ta thường rỉ tai nhau, ai chưa ăn cơm tấm coi như chưa đến Sài Gòn. Cơm tấm được ăn kèm với miếng sườn nướng, ngoài ra bạn có thể ăn kèm với phá lấu, chả, trứng ốp la, mắm chưng, bì... Tuy là món ăn nổi tiếng nhưng cơm tấm cũng là món ăn rất bình dân. Với khoảng từ 17.000 đồng, bạn đã có một đĩa cơm tấm sườn nóng hổi, ngon miệng.
Hủ tiếu
Nếu người Hà Nội tự hào với món phở thì hủ tiếu chính là niềm tự hào của người Sài Gòn. Xuất phát điểm của món ăn là từ người Hoa, nhưng món ăn này đã được biến tấu một cách khéo léo, hài hòa để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Được nấu từ bánh hủ tiếu, tôm, thịt nạc băm... cùng với nước lèo trong vắt nhưng có vị thanh ngọt tự nhiên của nước hầm xương, đây chính là điểm làm nên sự hấp dẫn cho món ăn này.
Ngoài hủ tiếu nước, bạn có thể ăn hủ tiếu khô với sự đậm đà của nước tương cùng bát nước lèo nóng hổi bên cạnh. Rau sống ăn kèm món này khác hoàn toàn với bún bò hay phở, gồm giá, xà lách, ngoài ra còn có hương thơm của lá hẹ, cần tây và sự thanh mát của cải cúc... Món ăn này có mức chênh lệch khá cao giữa lề đường với những quán có thương hiệu. Một bát hủ tiếu có thể có giá từ 20.000 đến 100.000 đồng.
Hủ tiếu gõ cũng là món ăn phố nổi tiếng ở Sài Gòn. Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của những người bán. Nếu mới vào Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên trước âm thanh lóc cóc vang lên từ hai thanh tre. Đó đích thị là tiếng rao mời của hủ tiếu gõ. Nếu hủ tiếu Nam Vang là món ăn mắc tiền thì hủ tiếu gõ chính là món ăn lót dạ của giới công nhân, sinh viên khi tan tầm hay đêm muộn.
Chủ nhân của những chiếc xe hủ tiếu gõ không bao giờ là người miền Nam, mà thường từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Bát hủ tiếu có đầy đủ các thành phần như bánh hủ tiếu, giá chần, thịt heo, bò viên, nước lèo... Nghệ thuật của món ăn này được thể hiện qua việc thái thịt, từng lát thịt được thái mỏng như tờ giấy. Nhưng, ăn hủ tiếu không phải vì mê ăn thịt, người ta thích vì sự thuận tiện, luôn được phục vụ tận nơi với bát hủ tiếu đầy ắp còn bốc khói nghi ngút. Đơn giản là thế, nhưng với những người dân Sài Gòn, mỗi khi đi xa lại nhớ quay quắt tiếng lóc cóc quen thuộc của món ăn bình dân này.
Bánh canh
Đây là món ăn phong phú nhờ sự biến tấu với nhiều nguyên liệu như: giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm sườn hay tôm nước cốt dừa... Chính nhờ sự phong phú đó mà món ăn này trở nên quen thuộc trong thực đơn ăn vặt của người Sài Gòn. Nước dùng bánh canh sánh, hơi sền sệt được nấu chung với sợi bánh làm từ bột gạo hoặc bột lọc cùng nguyên liệu ăn kèm..
Nếu muốn ăn bánh canh giò heo, bạn có thể ghé đến đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), bánh canh ghẹ thì ghé cầu Bông (quận Bình Thạnh), bánh canh cá lóc đến đường Nguyên Hồng (quận Gò Vấp), bánh canh tôm nước cốt dừa ở gần cầu Kiệu (quận 3)...
Các món cuốn
Có thể nói, Sài Gòn là nơi hội tụ của các món cuốn với rất nhiều loại cho bạn lựa chọn, từ cá lóc nướng trui, cá lóc hấp bầu cuốn bánh tráng nổi tiếng của người miền Tây, món cá nục hấp cuốn bánh tráng của người Trung, hay các món thịt luộc, nem nướng, bò lá lốt.... Đó còn chưa kể đến món bánh khọt, bánh xèo ăn kèm với bánh tráng, rau sống đặc trưng của người dân nơi đây.
Tuy về hình thức giống nhau, nhưng nếu để ý, bạn có thể nhận ra được sự khác nhau trong món cuốn của người Trung hoặc người Nam. Đó là người miền Nam thường cuốn kèm với bún tươi, riêng người miền Trung thì không có hoặc rất ít. Một điểm nữa là người miền Trung thường chấm với nước lèo, mắm nêm, riêng người miền Nam thì ăn với nước mắm pha chua ngọt.
Canh bún
Không ai biết canh bún xuất phát từ địa phương nào nhưng từ lâu, món ăn dân dã với nhiều nguyên liệu quen thuộc của miền Bắc trở nên phổ biến ở Sài Gòn. Nước canh bún hơi giống bún riêu trong Nam, được nấu từ xương lợn và cũng lấy màu từ hột điều xào dầu. Canh bún không có thịt, món chính trong canh bún là tiết lợn cắt miếng chừng hai ngón tay, thả trong nồi bún và cà chua xắt thành miếng, đậu phụ rán, một lát chả, gạch cua.
Đặc điểm chung của các quán canh bún là nồi nước lớn, chứa canh bún sôi bốc khói, thau chứa rau muống luộc, những lọ ớt băm, mắm tôm, chanh, dấm (hoặc me). Bún dùng trong món này có sợi to và dai. Người bán thả luôn bún vào nồi canh để nấu, do đó cọng bún thấm đẫm màu gạch tôm đậm. Khi bán cho khách, chủ quán dùng vá múc một bát bún, cho vài miếng tiết, đậu phụ và chả, kế đó bỏ lên trên một nhúm rau muống luộc, rau nhút. Khách tùy ý cho thêm vào mắm tôm, chanh, chút ớt băm rồi thưởng thức.
Những quán canh bún vang danh ở Sài Gòn như: Canh bún đường Lê Chân, bên hông chợ Tân Định (quận 3); Canh bún Mẹ Tôi: 115/62 Lê Văn Sĩ, quận Phú Nhuận; Canh bún chợ Lê Hồng Phong, quận 10; Canh bún Bích - Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh...
Các loại ốc
Sài Gòn là thiên đường của các loại ốc. Ở thành phố này về đêm, đi một vòng qua các con đường như Thành Thái (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4), Hoàng Sa (Phú Nhuận)... bạn cảm giác như mình đang lạc vào mê trận với cơ man nào là ốc và hải sản với hàng chục loại khác nhau.
Các quán ốc thường mở cửa từ buổi trưa cho đến tối khuya, cá biệt có nhiều quán mở cửa đến rạng sáng hôm sau. Sở dĩ món ốc được nhiều người ưa thích vì có cách chế biến phong phú với nhiều hương vị khác nhau. Bạn có thể nướng, xào, hấp, luộc, nấu cháo, sốt me... với nhiều gia vị khác nhau như: nướng nước mắm, nướng mỡ hành, xào bơ cay, xào tỏi...
Gỏi khô bò
Gỏi khô bò là một món ăn đơn giản, dễ chế biến. Đi ăn gỏi khô bò cũng chẳng phải đợi lâu. Vừa gọi món đã có ngay một đĩa gỏi khô bò đầy màu sắc mà ngon miệng. Khô bò thường là loại thịt bò qua chế biến và ướp gia vị kỹ càng, không giống như loại khô làm từ thịt bò được đóng gói bán sẵn trong các siêu thị.
Gỏi khô bò phải ăn với đu đủ bào. Đu đủ được bào sợi, ngâm nước muối để khử mủ và tăng độ giòn. Phía trên được trang trí bởi mấy cọng rau răm thái nhỏ, tăng mùi vị và tạo màu sắc bắt mắt thanh nhã, thêm mấy hạt lạc rang vàng giòn rụm.
Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn, thường được pha giữa giấm, nước tương và nước ớt. Tùy theo liều lượng pha mà ra hương vị ngon hay dở. Ăn gỏi khô bò không thấy no, rất nhẹ bụng mà lại kích thích vị giác. Địa chỉ được nhiều người biết đến nhất là công viên Lê Văn Tám (quận 1).
Phá lấu
Phá lấu bò là một món ăn bình dân nhưng có sức quyến rũ khó cưỡng. Món ăn vỉa hè này hấp dẫn đủ thế hệ, từ cô cậu học trò, đến dân văn phòng và cả người già. Phá lấu phổ biến đến mức bạn có thể bắt gặp hàng phá lấu ở bất cứ khu dân cư đông đúc hay trường học nào.
Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa. Phá lấu được làm bằng bao tử và ruột non, phổi, gan, tim... với cách chế biến rất giản dị là tẩm ướp gia vị mà trong đó ngũ vị hương là chính, sau đó được chiên vàng và luộc lại cho mềm. Nước cốt dừa là nguyên liệu chính của nước phá lấu, làm nên vị ngọt và béo cho nồi nước hầm. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và đổ thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Khi nào thấy nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được.
Ăn phá lấu thì không dùng đũa hay dĩa, chỉ là một chiếc que bằng tre. Xiên miếng tổ ong (bao tử) đang ngập trong nước phá lấu bốc khói, chấm vào nước me chua chua, ngọt ngọt, cay cay, hòa quyện vào nhau thật đậm đà.
Bánh xèo
Ở Sài Gòn có hai loại là bánh xèo miền Trung và miền Nam. Cả hai loại bánh khác nhau về hình dáng, kích cỡ và cả cách thưởng thức. Bánh xèo miền Trung nhỏ, thường được tráng hơi dầy, nhân bánh phong phú với tôm, thịt hay mực. Ngược lại bánh xèo miền Nam thường tráng lớn, mỏng dính, nhân chủ yếu là tôm, nấm rơm.
Bánh xèo miền Trung nhỏ và hơi dày.
Người miền Trung nổi tiếng về nước chấm nên khi ăn bánh xèo cũng có nhiều loại nước chấm, như nước chua ngọt, nước lèo đậu phụng hay nước mắm nêm. Người Nam thì thường chỉ có một loại nước chấm chua ngọt để ăn kèm. Cách ăn của hai miền cũng khác nhau. Người miền Trung thường cho bánh vào chén với các loại rau, chan nước chấm vào thưởng thức, ngược lại bánh xèo Nam được cuốn với bánh tráng, cải cay cùng với các loại rau và dùng với nước chấm.
Bánh xèo miền Nam to và mỏng.
Mặc dù khác nhau nhưng bánh xèo hai miền vẫn tồn tại giữa Sài Gòn, vẫn là món ăn được ưu ái, nhất là trong những ngày trời se se lạnh.
Theo Ngoisao