[Chế biến]-Cá cơm kho cay
Món mặn ăn cùng cơm thích hợp cho ngày gió, se lạnh, có thể để được cả tuần để ăn dần.
Nguyên liệu:
- 300g cá cơm tươi
- Gia vị : 3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng nhỏ đường, 2 muỗng nhỏ tiêu, 3 trái ớt chỉ thiên (ớt hiểm) cắt nhỏ, 1 muỗng canh nước màu (nước hàng), 80 ml nước sôi.
Cách làm:
- Cá cơm rửa qua nước muối và cho vào rổ để ráo nước.
- Cho cá vào nồi đất và đổ hỗn hợp gia vị, nước hàng ngang mặt cá, để từ 20 đến 30 phút cho cá thấm gia vị.
- Cho nồi cá lên bếp kho lửa nhỏ, hớt bọt và múc nhẹ nhàng ít nước cá rưới đều lên trên mặt cá cho cá thấm đếu gia vị (để cá không bị nát).
Video đang HOT
- Kho chừng 15 – 20 phút, sau đó nêm lại vừa ăn và kho cho cá sệt lại (nếu bạn thích ăn nước cá) hoặc kho khô keo lại.
- Tắt bếp và rắc thêm tiêu lên trên mặt cá. Dùng chung với cơm nóng và rau luộc hoặc dưa leo cắt lát đều rất ngon.
Cá cơm tươi rửa sạch qua nước muối.
Mẹ Taiki
Theo ngôi sao
Thơm nồng mắm cái cá cơm
Cá cơm được chế biến thành nhiều món ngon như cá cơm kho tiêu, cá cơm kho sả ớt, cá cơm tẩm bột chiên giòn... và cả món mắm cái cá cơm thơm đượm hương vị xứ Quảng.
Vào mùa rộ cá cơm (tháng tám âm lịch), giá cá cơm chỉ khoảng bảy đến mười ngàn đồng một ký, các bà nội trợ quê tôi tranh thủ mua cả chục ký cá cơm mang về muối cho gia đình mình một thùng mắm cái cá cơm để dành ăn quanh năm.
Làm mắm cái cá cơm khá đơn giản nhưng người không quen hay không biết bí quyết sẽ không thể nào ủ được thùng mắm thơm ngon, đậm đà hương vị.
Trước hết, cần chọn mua loại cá cơm than lớn bằng đầu đũa. Cá mua về không cần rửa qua nước lã vì trước khi đem cá đi bán, người miền biển đã rửa sạch cá bằng nước biển. Hơn nữa, nước lã sẽ làm mất vị ngọt đậm của cá cơm, món mắm vì thế sẽ không đậm đà và không thơm quyến rũ được.
Cá được trộn đều với muối biển theo tỉ lệ 3:1 (ba ký cá, một ký muối) rồi cho vào hũ sành, đậy kín nắp lại, bảo quản nơi khô ráo, tránh ruồi nhặng. Ủ cá như vậy trong vòng một tháng là cá "chín" thành mắm cái. Mắm cái đạt yêu cầu khi hũ mắm có cả cái lẫn nước hòa quyện vào nhau, con cá cơm không bị nát, có màu hồng, tỏa hương thơm quyến rũ. Khi mở hũ mắm ra, cách xa mười hai mươi mét vẫn cảm nhận được hương thơm nồng nàn thoát ra từ hũ mắm, lan tỏa trong không khí.
Khi ăn chỉ cần gắp mắm ra chén, dằm trái ớt hiểm, thêm một ít tiêu bột là có ngay một chén mắm cái thơm ngon ăn kèm cơm nóng. Cũng có thể chưng hoặc hấp chén mắm cho nóng trước khi ăn. Người nào thích béo thì thêm một ít dầu phộng phi hành vào chén mắm, trộn đều lên là được.
Chén mắm cá cơm thơm hương vị biển.
Mắm cái cá cơm còn được dùng để làm nước chấm cho món bánh tráng cuốn thịt heo, món bê thui Cầu Mống hay món bánh tráng đập Hội An, góp phần làm cho những món ăn này trở thành đặc sản của xứ Quảng, được nhiều người và nhiều du khách phương xa biết đến và ưa thích.
Mắm cái cá cơm trộn với dưa leo, dưa gang hay khóm tạo nên những món mắm dưa dân dã mà thơm ngon hay dùng để chấm rau lang luộc ăn kèm cơm nóng rất ngon.
Đặc biệt món canh rau lang nấu mắm cái cá cơm tưởng mộc mạc và bình dị thế mà lại lạ miệng đến không ngờ. Chỉ cần một ít rau lang tươi non rửa sạch, xắt nhỏ, cho vào nồi nước sôi, thêm muối, dầu phộng, tiêu bột, mì chính và một ít mắm cái cá cơm, nấu sôi bùng lên là thành món canh ấm nóng, ngon miệng và khá "đưa" cơm trong những ngày trời lạnh.
Sáu tháng sau khi muối, cá cơm nát ra, phần xác lắng xuống phía đáy hũ, bên trên là phần nước mắm màu hổ phách thơm nồng nàn. Lúc này, các mẹ các chị quê tôi dùng túi vải lọc lấy phần nước mắm này, gọi là nước mắm nhĩ. Nước mắm nhĩ khá thơm, đậm đà. Nhiều người quê tôi vẫn gọi vui là nước mắm "siêu sạch" vì có thể để dành ăn trong nhiều tháng mà hương vị vẫn thơm ngon, không hề bị hư dù không dùng chất bảo quản.
Theo LĐO
Cá chốt kho sả - món ngon dân dã Cá chốt không thể sánh bằng cá bống mú, cá bống thệ hay cá cơm, nhưng đa số chúng tôi lại nhớ hoài mùi sả ớt, vị béo săn của thịt cá chốt, vị bùi vừa ngọt vừa sừn sựt của trứng cá. Những con cá chốt mập ú, to gần bằng ngón chân cái, bụng căng tròn, con nào con nấy đầy...