Chạy trốn vaccine
Khi nhân viên y tế tới nhà kêu gọi tiêm vaccine, Manju Kol vội khóa cửa, kéo các con chạy trốn vào khu rừng ở bang Uttar Pradesh.
Gia đình Kol, sống ở Jamsoti, ngôi làng ở bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh, chỉ trở về nhà vào buổi tối khi nhân viên y tế đã rời đi. “Tôi thà chết còn hơn tiêm vaccine”, Kol nói.
Dân làng Jamsoti có chung một niềm tin rằng nCoV chỉ lây lan ở các thành phố, không xuất hiện ở làng quê. Đó là lý do Kol và nhiều người trong làng từ chối tiêm vaccine.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đã càn quét khắp Ấn Độ trong tháng 4 và 5, nhưng đang lui dần với số ca nhiễm mới giảm mạnh. Tuy nhiên, xu hướng này có thể không kéo dài lâu khi phần lớn dân số Ấn Độ vẫn ngần ngại tiêm chủng. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng chần chừ tiêm vaccine có thể thổi bay những thành quả ít ỏi của Ấn Độ trong cuộc chiến với Covid-19.
“Tâm lý ngần ngại tiêm vaccine có thể đe dọa nỗ lực chấm dứt đại dịch ở Ấn Độ”, T. Jacob John, nhà virus học và bác sĩ nhi khoa đã nghỉ hưu, nói. “Virus lây lan càng rộng, khả năng xuất hiện biến chủng nguy hiểm mới có thể làm suy giảm hiệu quả vaccine càng lớn”.
Nhân viên y tế tới nhà tìm Manju Kol (trái) tại làng Jamsoti, bang Uttar Pradesh hôm 8/6. Ảnh: AP.
Tiêm chủng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Chưa tới 5% người dân Ấn Độ hoàn thành chương trình tiêm chủng. Giới chuyên gia cho hay từ giờ tới cuối năm, Ấn Độ phải tìm cách tăng tỷ lệ tiêm chủng để có thể bảo vệ người dân trước Covid-19, đại dịch khiến hơn 389.000 người tử vong ở quốc gia Nam Á này kể từ khi bùng phát.
Bắt đầu từ ngày 21/6, tất cả người trưởng thành Ấn Độ đều đủ điều kiện tiêm vaccine miễn phí. Tuy nhiên, tình trạng ngần ngại tiêm chủng vẫn được ghi nhận rộng rãi ở vùng nông thôn, nơi có 2/3 trong tổng số gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ.
Nhân viên y tế vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ những người tin rằng vaccine không hiệu quả, gây ra nhiều tác dụng phụ và thậm chí có thể gây tử vong. Một số người khác nói rằng họ không cần tiêm vaccine bởi đã có sẵn miễn dịch với virus.
Những tin đồn về việc vaccine có thể gây gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản càng khiến nhiều người thêm lo sợ và cho rằng vaccine chỉ có lợi cho nam giới. Ở hầu hết các bang Ấn Độ, tỷ lệ đàn ông tiêm vaccine đều lớn hơn phụ nữ và khoảng cách đó ngày càng được nới rộng. Dập tắt những tin đồn và thuyết âm mưu như vậy là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều khu vực nông thôn.
Yogesh Kalkonde, bác sĩ cộng đồng ở Gadchiroli, một khu vực sống theo hình thức bộ lạc ở bang Maharashtra, phía tây Ấn Độ, nói rằng phần lớn người dân ở đây tin rằng vaccine nguy hiểm hơn virus. Một số người trong vùng thậm chí tung tin đồn thất thiệt rằng vaccine có thể gây vô sinh. Nhiều người khác hoài nghi về hiệu quả của các mũi tiêm.
“Chúng tôi phải tới gõ cửa từng nhà thuyết phục và tuyên truyền dựa vào những người đã tiêm chủng. Nhưng quá trình này diễn ra rất chậm chạp”, ông nói.
Chính quyền nhiều bang đã phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức thông qua áp phích hay thông báo trên đài phát thanh để giảm bớt những lo lắng và hiểu nhầm của mọi người. Một số chính quyền địa phương thậm chí đưa đón người dân tới điểm tiêm chủng, đặc biệt là các làng xa xôi hẻo lánh. Tình nguyện viên gõ cửa từng nhà xin ý kiến khảo sát và tổ chức vận động tại chỗ để khuyến khích mọi người tiêm chủng.
Nhiều tháng qua, Vibha Singh, một y tá do chính phủ chỉ định, đã tới từng nhà ở các ngôi làng của bang Uttar Pradesh.
Video đang HOT
“Mọi người còn dọa đánh nếu chúng tôi không rời đi. Đôi khi họ còn ném gạch đá vào chúng tôi”, Singh nói.
Thủ tướng Narendra Modi và nhiều lãnh đạo khác thường xuyên kêu gọi mọi người không ngần ngại vaccine, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng chính phủ Ấn Độ cần làm nhiều hơn.
“Chúng ta cần giải thích rõ ràng cho người dân, lý tưởng nhất là thông qua các mạng lưới địa phương được tin cậy”, K. Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y Tế Cộng đồng Ấn Độ, nói.
Ông thêm rằng các chính quyền bang nên tăng cường các nhóm hỗ trợ cộng đồng hay đề nghị các lãnh đạo tôn giáo địa phương vào cuộc. “Nó đòi hỏi những cuộc trao đổi, chứ không dừng lại ở việc đưa ra các chỉ đạo từ trên xuống dưới”, ông nói.
Một điểm tiêm chủng ở quận Chandauli, bang Uttar Pradesh hôm 10/6. Ảnh: AP.
Vinod K. Paul, người đứng đầu nhóm ứng phó Covid-19 Ấn Độ, thừa nhận việc giải quyết vấn đề này là điều cấp thiết, thêm rằng sự tham gia của cộng đồng để xua tan tin đồn và thông tin sai lệch rất quan trọng.
“Đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà là cả xã hội để tạo ra một môi trường không còn những tâm lý do dự vô căn cứ”, Paul nói.
Nhiều nhà virus học và chuyên gia y tế cộng đồng nói việc xóa bỏ những hoài nghi về vaccine ở vùng nông thôn Ấn Độ và tiêm chủng nhanh chóng cho người dân nên được xem là tối quan trọng, bởi phần lớn người dân sống ở các khu vực này.
“Nếu họ được bảo vệ, phần lớn Ấn Độ được bảo vệ. Họ là nhóm có nguy cơ bị đe dọa rất lớn trong đại dịch. Do đó tiêm chủng nhanh cho họ nên được xem là ưu tiên hàng đầu”, Reddy nói về những người sống ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục. Khi một nhóm y tế tuần trước cố gắng tiêm chủng cho Panna Lal, người dân làng Sikanderpur ở bang Uttar Pradesh, họ đã bị cự tuyệt hoàn toàn.
Lal thậm chí ngăn cản những thành viên còn lại của gia đình tiêm vaccine. “Vaccine sẽ không bảo vệ được tôi. Thượng đế đã đưa tôi đến đây an toàn và ngài sẽ tiếp tục bảo vệ tôi”, người đàn ông 56 tuổi nói.
Lý do Trung Quốc trì hoãn tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi
Trong khi người cao tuổi là đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên ở nhiều quốc gia vì đây là nhóm dễ bị tổn thương trước mối đe dọa của bệnh COVID-19, điều này đã không xảy ra ở Trung Quốc cho đến nay.
Một người dân cao tuổi được tiêm chủng ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong tháng 3, một số thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, đã chính thức triển khai tiêm chủng cho người già trên 60 tuổi có sức khỏe thể chất tốt, trong bối cảnh Trung Quốc nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào tháng 6.
Tuy nhiên, các quan chức y tế đang tiến hành tiêm chủng một cách thận trọng do một số nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc dường như đã ít đưa người cao tuổi vào các thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn, so với các đối tác phương Tây.
"Các đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine đang đẩy nhanh tiến độ công việc của họ. Khi có đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, chúng tôi sẽ tiên hành tiêm chủng quy mô lớn cho những người trên 60 tuổi", bà Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), cho biết.
Việc Trung Quốc trì hoãn tiêm vaccine cho người cao tuổi khiến nước này trở nên khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới, như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Những quốc gia này đều đang sử dụng vaccine Sinopharm hoặc Sinovac BioTech của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tại những nước này, các cơ quan quản lý đã xem xét cùng loại dữ liệu, bao gồm các nghiên cứu giai đoạn đầu, cân nhắc những rủi ro với người lớn tuổi và đã quyết định tiêm chủng.
Các chuyên gia cho rằng đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy lựa chọn này là sai lầm. Theo các nhà khoa học tham gia thử nghiệm lâm sàng, Trung Quốc đã không có các ca nhiễm trong cộng đồng liên tiếp, trong khi các bằng chứng ban đầu từ Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Sinovac đã giảm đáng kể.
Không có dấu hiệu nào cho thấy các loại vaccine này không an toàn ở người lớn tuổi. Nhưng một số chuyên gia vẫn hoài nghi về việc thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.
"Không có lý do gì để tin rằng những loại vaccine bất hoạt này không thể được sử dụng ở người cao tuổi. Nhưng điều đáng lo ngại là chúng đã không được thử nghiệm đúng cách", nhà virus học Jin Dong-yan, chuyên gia y khoa tại trường Đại học Hong Kong, cho biết.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt là nếu không có dữ liệu này, các cơ quan y tế sẽ tiêm chủng cho nhóm người dễ bị tổn thương mà không biết liệu vaccine có hoạt động tốt để bảo vệ họ hay không.
John Donnelly của Công ty Tư vấn Tiêm chủng tại Mỹ cho biết nguy cơ tử vong do COVID-19 tăng lên rất cao, gần như gấp 10 lần ở những người trên 75 tuổi. Tuy nhiên, người lớn tuổi thường gặp ít tác dụng phụ hơn so với những người trẻ tuổi.
Hiện các cơ quan y tế của Trung Quốc đang chờ thêm kết quả thử nghiệm lâm sàng trước khi họ mở rộng triển khai tiêm vaccine hàng loạt cho người cao tuổi và những người có bệnh lý tiềm ẩn. NHC và các nhà sản xuất 4 loại vaccine được chấp thuận của Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về người cao tuổi trong các cuộc thử nghiệm.
Yang Xiaoming, Giám đốc của công ty con Sinopharm China National Biotec Group, hồi đầu tháng cho biết giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của công ty này lần đầu tiên được tiến hành trên những người từ 18-59 tuổi, trước khi mở rộng cho những người trên 60 tuổi và dưới 18 tuổi. Các cuộc thử nghiệm được thực hiện với các đối tác của công ty ở UAE, với sự tham gia của 31.000 người từ 18-60 tuổi.
Vào tháng 2, phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin các cơ quan y tế Maroc đã phát hiện vaccine Sinopharm có khả năng dung nạp tốt đối với những người trên 60 tuổi trong thử nghiệm giai đoạn 3.
Theo dữ liệu đăng ký thử nghiệm lâm sàng, các thử nghiệm toàn cầu đối với vaccine Sinovac đã thu hút hơn 29.000 người tham gia. Hai trong số các thử nghiệm này thu hút khoảng 1.000 người tham gia ở mỗi thử nghiệm. Tuy nhiên, thử nghiệm ở Brazil với sự tham gia của 1.260 người cao tuổi, không được thiết kế để đo mức độ hiệu quả theo nhóm tuổi.
Một nhà sản xuất vaccine khác, CanSino Biologics, không chỉ định giới hạn độ tuổi trong các thử nghiệm toàn cầu, theo đăng ký của hãng. Tuy nhiên không rõ những người trên 60 tuổi cuối cùng có đăng ký thử nghiệm hay không.
Chỉ có loại vaccine mới nhất được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc, phát triển bởi công ty dược phẩm Anui Zhifei Longcom, dường như đã được người cao tuổi đăng ký thử nghiệm trên quy mô lớn. Hồ sơ cho thấy cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 được tiến hành từ tháng 12/2020, đã thử nghiệm trên 7.000 người cao tuổi ngoài Trung Quốc.
Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe của người dân trước khi tiêm vaccine tại một điểm tiêm chủng ở Bắc Kinh. Ảnh: Global Times
Trong khi đó, đã có trên 40% người từ 56-85 tuổi trong tổng số 44.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine Pfizer/BioNTech. 7.000 người trên 65 tuổi trong tổng số 30.000 người tham gia thử nghiệm vaccine Moderna. Johnson và Johnson cũng có 14.600 người trên 60 tuổi tham gia thử nghiệm trong tổng số khoảng 44.000 người.
Ông Kwok Kin-on, Giáo sư tại trường Đại học Hong Kong, cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã thận trọng tiêm chủng cho người cao tuổi bằng cách chờ đợi thêm dữ liệu. "Tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc khá tốt. Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh thấp vì các ca lây nhiễm cộng đồng đã sụt giảm", ông nói.
Ông Kin-on cho biết nhóm người cao tuổi chiếm 18% dân số Trung Quốc. Nhóm này cần được tiêm chủng để Trung Quốc đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng và nới lỏng kiểm soát biên giới. Trong khi đó, Trung Quốc đang ở trong một tình huống khác với các quốc gia khác khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn.
Hong Kong là một trong những nơi đã chấp thuận vaccine Sinovac để sử dụng khẩn cấp ở nhóm người cao tuổi, vì đợt dịch thứ 3 trong mùa hè đã khiến các trại dưỡng lão bị ảnh hưởng nặng nề. Hong Kong đã ghi nhận 10 trường hợp tử vong, chủ yếu ở người lớn tuổi bị bệnh mãn tính, sau khi tiêm vaccine. Song các cơ quan y tế cho biết đến nay vẫn chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa các ca tử vong với loại vaccine này.
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần trước, Thượng Hải, cũng đã bắt đầu triển khai tiêm chủng cho người từ 60-75 tuổi không mắc bệnh mãn tính cấp tính. Một số người dân cũng nhận thức được rằng các giới hạn sẽ được dỡ bỏ nếu họ tiêm chủng ngay lúc này.
Một cư dân Thượng Hải 60 tuổi, người đã sống sót sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư, cho biết bà sẽ đợi thêm thông tin trước khi quyết định tiêm chủng vì tiền sử bệnh.
"Vì việc tiêm vaccine là tự nguyện, tốt hơn hết hãy quyết định sau khi đặt ra một số câu hỏi xem tôi có nên tiêm hay không", bà nói.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với vấn đề thiếu dữ liệu vaccine ở nhóm người cao tuổi. Canada và Đức ban đầu cũng đã quyết định không chấp thuận vaccine AstraZeneca do Anh/Thụy Điển phát triển để sử dụng cho người trên 65 tuổi, cho đến khi có thêm dữ liệu. Hiện tại, Anh đã chấp thuận sử dụng loại vaccine này.
Các chuyên gia cho rằng giới chức Trung Quốc có thể đang chờ dữ liệu về hiệu quả của vaccine nội địa từ việc sử dụng ở nước ngoài. Tại Brazil, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Butantan, nơi đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Sinovac, đang tiến hành các nghiên cứu cộng đồng về những người được tiêm chủng, bao gồm cả người cao tuổi.
"Báo cáo sơ bộ từ các cơ quan y tế ở một số khu vực Brazil cho thấy các ca bệnh đang gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng không phải ở nhóm trên 90 tuổi và nhóm 85-89 tuổi, những người đầu tiên được chủng ngừa," Giám đốc Y tế Nghiên cứu lâm sàng Ricardo Palacios của Viện Butantan, nói.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine Sinovac ở người lớn trong độ tuổi từ 18-59, điều phối viên Serhat Unal cho biết không có kế hoạch thử nghiệm bổ sung có đối chứng với giả dược ở người cao tuổi. Tuy nhiên, nhóm người đầu tiên được tiêm vaccine trong đợt triển khai hàng loạt của Thổ Nhĩ Kỳ đang được giám sát.
"Trong nhóm những người trên 65 tuổi đang được giám sát, một số trường hợp đã dương tính với virus sau khi tiêm vaccine. Giờ đây, dữ liệu sẽ đến từ cuộc sống thực", ông Unal nói.
Thái Lan cáo buộc chính trị gia đối lập tội khi quân Thái Lan cáo buộc chính trị gia đối lập Juangroongruangkit phỉ báng chế độ quân chủ vì nói chính phủ phụ thuộc công ty của Vua để sản xuất vaccine. Cảnh sát Thái Lan hôm nay cho biết chính trị gia đối lập Thanathorn Juangroongruangkit phạm tội khi quân trong video phát trực tiếp trên Facebook, khi nói rằng chính phủ đã xử...