Chạy ngược lầu tư
Trong phim Hà Nội – Điện Biên Phủ có cảnh B.52 bổ nhào xuống làng hoa Ngọc Hà đêm 27.12, sáng rực một góc trời đêm Hà Nội. Đây là cảnh quay “đắt” nhất trong hàng loạt những thước phim quay B.52 rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội.
Người thực hiện cảnh quay đó là đạo diễn – NSƯT Phạm Việt Tùng. Ông đã phải ngược lầu tư của một khách sạn cao nhất Hà Nội bấy giờ, mỗi đêm 5-7 bận chỉ để bấm máy cho một khuôn hình ấy.
Đó là khách sạn Hòa Bình, nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Hiện giờ, khách sạn này đã được tân trang nhưng vẫn giữ nguyên 4 tầng chứ không xây thêm. Khách sạn Hòa Bình thuộc diện “xịn” nhất Hà Nội thời ấy, bốn phía đều là nhà 1-2 tầng nên đạo diễn Tùng chọn điểm cao này trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm đánh B.52.
Mới đây, ông Tùng dẫn chúng tôi ngang qua khách sạn rồi chỉ vào một bên hông: “Mình và anh Nguyễn Đắc Lương – phụ quay – nấp chỗ này này. Ở đó có cái hầm trú ẩn nông choèn nhưng dẫu sao thì vẫn cảm thấy “an toàn” hơn là phơi mình trên mặt đất. Nhưng nấp như thế thì làm sao mà ghi hình máy bay rơi và tên lửa ta xé toạc màn đêm cho được. Vì vậy, chỉ “tạm trú” một đêm là phải thay đổi kế hoạch ngay. Hễ mỗi lần còi báo động hú vang, loa phóng thanh phát thông báo “Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội…” là mình vác máy ngược lên lầu tư. Trong khi đó, có ông nghị sĩ Mỹ Tayor và cô ca sĩ cũng người Mỹ Joan Bayer thì từ lầu ba chạy xuống tầng trệt để nấp. Hai người này đến Hà Nội để trấn an tinh thần cho số phi công Mỹ bị ta bắt, đang bị giam ở Hỏa Lò. Họ thấy chúng tôi “ngược lầu tư” trong lúc báo động như thế thì lấy làm ngạc nhiên lắm!”.
Hai nhà quay phim Việt Tùng – Đắc Lương hồi ấy là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng công việc của họ là ghi hình làm tư liệu. Ở trụ sở của đài, độ cao cũng thích hợp nhưng ông Trần Lâm – bấy giờ là giám đốc – lệnh miệng rằng tất cả cán bộ công nhân viên của cơ quan đều phải nấp hầm khi máy bay Mỹ ném bom, vì nếu có chuyện chẳng may thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm nên hai ông nhà báo “lén” thủ trưởng sang khách sạn Hòa Bình. Hồi đó, máy quay phim ông Tùng sử dụng thuộc diện xịn, máy của Thụy Sĩ, nhưng độ nhạy của phim thì quá kém nên trước đó, ông cũng ghi được mấy “đúp” cảnh máy bay cháy nhưng khi tráng phim thì chẳng ra gì. Hỏi ông Tùng sao không ở luôn lầu tư khỏi phải chạy lên chạy xuống?
Video đang HOT
Ông bảo, không phải lầu tư mà lên luôn sân thượng mới có không gian để ghi hình, trên đó rất rét, gần Noel mà, nên ở hẳn sân thượng thì chịu không thấu. Thế nhưng, “rình rập” 10 đêm rồi (từ 18.12) mà hai ông vẫn “trắng tay”, trong khi ông nghĩ rằng phải ghi cho bằng được cảnh B.52 cháy thật ấn tượng để Mỹ hết đường quanh co, bực mình, hai ông quay phim ở hẳn sân thượng ngay trong đêm 27.12. Để khỏi ngã ngửa trong lúc “say” ghi hình, ông Tùng lấy chiếc khăn quàng cổ, nhờ ông Lương buộc chặt người vào chiếc trụ của tháp nước, coi như “quyết tử” phen này, chết cũng được, miễn là ghi được những thước phim thật “ấn tượng”.
Chiều hôm 27.12, hai ông ăn cơm sớm, chuẩn bị máy quay, phim ảnh, pin đèn đầy đủ, họ lại đến khách sạn Hòa Bình và ngược lầu tư, dù loa phóng thanh chưa phát cái câu quen thuộc “máy bay địch cách Hà Nội…”. Ông Tùng phân công cho người phụ quay nhìn về hướng làng hoa Ngọc Hà còn mình thì nhìn về phía phà sông Hồng. Họ ngồi tưởng tượng ra cảnh B.52 cháy rồi hút thuốc vặt. Chợt chiếc loa đầu phố vang lên: “Máy bay địch cách Hà Nội 100km, chúng đang tiến vào từ hướng…”.
Ông Tùng bật máy quay lên đợi, mắt không rời mục tiêu là phía phà sông Hồng, còn ông Lương thì không chớp mắt về hướng Ngọc Hà. Đạn vẫn bay đỏ đời đêm Hà Nội. Thế rồi cái giây phút chờ đợi sau 10 đêm cũng đã đến. Ông Nguyễn Đắc Lương reo lên: “Nó cháy kia kìa, Tùng ơi!”. Ông Tùng thì đang mải ghi hình ở phía phà sông Hồng, nghe thế, ông chả thèm tắt máy, “lia” luôn về hướng Ngọc Hà. Một khối lửa khổng lồ cứ dần trám kín lấy khuôn hình. Ông reo lên như ngư ông vừa lưới được con cá lớn: “Về thôi Lương ơi. Quá ngon rồi!”.
Đó chính là chiếc máy bay bị bắn rơi bên phía Bắc Ninh nhưng “bổ” xuống làng hoa Ngọc Hà – chiếc B.52 duy nhất chưa kịp cắt bom bị ta bắn rơi xuống giữa lòng Hà Nội.
Theo LD
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu hỏi bất ngờ
Cuối năm 1972, cả thế giới lo âu nhìn về Hà Nội, thế nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng Phòng không - Không quân đã dự kiến cho những phương án thua trên bầu trời Hà Nội của không quân Mỹ.
Theo hồi ức của thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, cuối năm 1962, trong một lần ông được gặp, báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác sẵn sàng chiến đấu, Chủ tịch đã chỉ thị: "B52 bay cao hơn 10 cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ có cao xạ thôi... Ngay từ bây giờ, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này".
Giữa năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "bê" gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh; mà đã đánh là nhất định thắng". Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân xác định phương án tác chiến đánh B52 bảo vệ Hà Nội, tháng 11/1972.
Trong cuốn sách "Chiến tranh Việt Nam là thế đó" xuất bản tại Ukraine năm 2005, đã được Nhà xuất bản Chính trị - quốc gia dịch sang tiếng Việt, thượng tướng Khiupênen, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từng nói: "Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng".
Thật vậy! Trước và sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hầu như chưa có một máy bay B52 nào của Mỹ bị bắn hạ trên thế giới (trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, chỉ có một chiếc B52 bị rơi do các hoạt động của đối phương - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Với tầm bay cao, được bảo vệ bởi nhiều máy bay tiêm kích và hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại, có thể nói B52 là một pháo đài bay không thể bị bắn rơi. Đặc biệt, nhiễu điện tử của không quân Mỹ như một bức màn chắn đã gây khó khăn lớn cho bộ đội phòng không không quân.
Trong tháng 4/1972, đã có trận đánh bộ đội tên lửa phóng 30 quả đạn nhưng không hạ được một chiếc B52 nào. Quyết tâm biến sở trường của địch thành sở đoản, Quân chủng Phòng không không quân đã cử những đoàn cán bộ giỏi vào các chiến trường nghiên cứu cách chống nhiễu, đánh máy bay địch. Từ thực tế chiến trường, đoàn cán bộ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, xây dựng thành những cẩm nang "Cách chống nhiễu thông tin", "Quy trình bắt B52 trong nhiễu"... và đặc biệt là cuốn sách "Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa".
Cuốn sách này được in rô-nê-ô có bìa màu đỏ, dày 30 trang đánh máy, là sự đúc kết kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của một tập thể và phải đổi bằng cả xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ; còn được gọi là Sách đỏ diệt B52... Cuốn cẩm nang đánh B52 hoàn chỉnh trong tháng 11/1972 và nhanh chóng được phổ biến, triển khai đến các đơn vị chiến đấu; đã góp phần làm sụp đổ thần tượng "Pháo đài bay B52".
Lực lượng nòng cốt của quân đội Việt Nam chống lại "con bài chiến lược" B52 của Mỹ là các đơn vị tên lửa phòng không với những bệ phóng tên lửa SAM 2. Từ rất sớm, bộ đội radar, tên lửa đã được luyện tập các phương án để có thể phát hiện và ngăn chặn B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Tháng 5/1972, đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng: "Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?".
Một giặc lái B52 bị bắt sống.
Cho đến lúc đó những phương án đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày, nhưng chưa nói đến chỉ tiêu tỷ lệ bắn rơi B52. Đại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó và yêu cầu bổ khuyết kịp thời. Sau mấy tuần vật lộn với những con số, các cán bộ tham mưu phòng không không quân đã đưa ra câu trả lời: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu đựng được) là 1-2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2 (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) là 6-7%; N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) là trên 10%.
Câu hỏi tiếp theo của Tổng tư lệnh là Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.
Đại tướng chỉ thị muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.
Quân chủng Phòng không không quân đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông tháng 12 năm 1972, 34 chiếc B52 bị bắn hạ, đạt tỷ lệ là 17,6% (34/197). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.
Nhiều năm sau khi nhắc lại chuyện đó, những người trong cuộc đều hình dung ra một mối liên hệ đặc biệt giữa câu hỏi của vị tướng với câu trả lời, và cả chiến thắng lẫy lừng trong 12 ngày đêm lịch sử. Dường như âm vang của chiến thắng Điện Biên 1954 đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gắm vào câu hỏi mang đầy tính "khích tướng" đó, để rồi Quân chủng Phòng không không quân đã tiếp thu một cách trọn vẹn và quyết tâm làm nên một Điện Biên Phủ trên không "vô tiền khoáng hậu".
Theo VNE
Cụ Rùa bất ngờ nổi dịp chiến thắng Điện Biên Phủ trên không Rất nhiều người dân đã đứng xung quanh bờ Hồ Gươm để chứng kiến cảnh tượng đặc biệt trên. Cận cảnh Cụ Rùa nổi trên mặt nước Hồ Gươm Khoảng 16h chiều qua (9/12), người dân Hà Nội lại được chứng kiến khoảnh khắc Cụ Rùa nổi trên mặt nước tại Hồ Gươm ở cự li rất gần. Thật trùng hợp, khi việc...