Cháy chợ Quảng Ngãi: Nhiều tiểu thương ở TP.HCM “vạ lây”
Vụ cháy chợ Quảng Ngãi không chỉ đẩy các tiểu thương kinh doanh tại đây tiêu tan sản nghiệp, mà còn ảnh hưởng khá lớn đối với các tiểu thương ở những chợ đầu mối TP.HCM.
Sau gần 2 tuần kể từ khi chợ Quảng Ngãi bị cháy rụi, tại một số chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM như: Bến Thành, quận 1; Kim Biên, Soái Kình Lâm, quận 5; chợ Bình Tây, quận 6; chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh và chợ Tân Bình… nhiều tiểu thương chuyên bỏ mối hàng hóa ở các tỉnh vẫn còn bần thần, do vướng thêm nợ khó đòi và gián đoạn lưu thông hàng hóa.
Anh Tiến trầm tư khi kiểm tra sổ giao hàng cho tiểu thương chợ Quảng Ngãi
Trò chuyện với PV Báo điện tử Infonet, anh Tiến, bán giày dép ở chợ An Đông cho biết: “Hôm chợ Quảng Ngãi vừa phát hỏa, tôi đã nhận được tin từ sáng sớm. Chị Thu, mối ruột bán ở chợ Quảng Ngãi gọi điện vừa nói, vừa khóc thông báo đã cháy hết rồi. Nghe xong, tôi bủn rủn chân tay, bởi trước đó ít ngày, tôi đóng riêng cho chợ này lô hàng hơn 80 triệu đồng chưa thu đồng nào. Những lúc như thế này, có ai nghĩ đến chuyện đòi nợ họ nữa!”.
Còn chị Loan, bán vải ở chợ Soái Kình Lâm, nói như mếu: “Dạo này mua bán khó khăn mà gặp phải chuyên cháy chợ, coi như mấy tháng nay hết lời lóm gì. Chẳng lẽ bạn hàng gặp nạn mình làm khó được sao?”. Chị Loan cho biết, chị vừa đóng hàng đi miền Trung, trong đó mối Quảng Ngãi vừa lấy hàng trị giá hơn 40 triệu đồng. Cũng may, số vải họ đặt chưa về đủ, nếu không thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Ra giêng chợ vắng, hàng hóa bán chậm mà còn phải vướng nợ vì chợ cháy ở cách xa hàng trăm km…
So với chị Loan, chị Mỹ Hoa bán thời trang may sẵn ở chợ Tân Bình mới chua chát. Trước đây, chị làm công cho một chủ hàng ở chợ. Do chăm chỉ, thật thà, bà chủ thương tình cho vay vốn mở sạp, đồng thời chia hàng cho bán. Chị đóng hàng bán buôn cho anh em bà con ở chợ Quảng Ngãi bán lẻ và bỏ mối ở các huyện miền núi lân cận. Thế nhưng, bán chưa đầy năm vốn vay chưa trả hết, nay một phần vốn lại vướng ở vụ cháy chợ, chị than có lẽ phải sang sạp trả nợ, trở lại phận làm công.
Khu vực nhựa ở chợ Bình Tây “dính” đợt cháy chợ Quảng Ngãi cũng nhiều, trung bình mỗi cửa hàng vài chục triệu đồng. Anh Tỷ, chuyên phân phối hàng nhựa gia dụng trên đường Hậu Giang, quận 6 tự an ủi: “Cũng may ra giêng tai nạn mới xảy ra, chứ nếu cháy trong Tết có lẽ chúng tôi thiệt hại nặng nề. Dù sao thì họ cũng trả nợ cũ và mới lấy vài đợt hàng với số lượng không nhiều lắm”.
Phần lớn tiểu thương các chợ đầu mối ở TP.HCM đều đồng cảm, chia sẽ với bạn hàng trong việc cháy chợ Quảng Ngãi vừa qua. Họ san sẽ rất thiết thực, bằng cách không tính tiền hàng hóa với những hóa đơn dưới 10 triệu đồng. Còn nếu số tiền lớn, khi nào chợ Quảng Ngãi hoạt động, tiểu thương mua bán trở lại, sẽ thu dần kèm theo từng toa hàng trong nhiều năm…
Đây không phải là lần đầu tiểu thương ở các chợ đầu mối TP.HCM bị “ vạ lây” do cháy chợ, mà những năm gần đây hầu như năm nào cũng vướng phải bởi họ có những bạn hàng khắp các tỉnh thành.
Theo Infonet
Tiểu thương chợ Lớn Gia Lai bất an sau vụ cháy chợ Quãng Ngãi
Sau vụ cháy kinh hoàng ở khu chợ lớn nhất Quãng Ngãi, hàng trăm tiểu thương chợ Gia Lai luôn trong tâm trạng bất an. Họ cho biết sắp tới sẽ tạm ngừng kinh doanh để yêu cầu BTC chợ nâng cao hơn nữa công tác chữa cháy.
Vụ cháy chợ Quãng Ngãi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý buôn bán của bà con tiểu thương khu chợ lớn nhất Gia Lai (Trung tâm thương mại TP Pleiku). Nhiều người lo sợ nếu chợ Lớn này cũng không may phát hỏa thì việc chữa cháy sẽ rất khó bởi việc tiếp cận sát chợ không đơn giản khi có quá nhiều hàng quán tự phát bít lối vào chợ. Mặt khác, thời tiết ở Gia Lai lại đang là mùa khô, nắng to, gió lớn, chỉ một ngọn lửa nhỏ cũng đủ thiêu rụi cả chợ trong tích tắc.
Lối vào cổng Trần Phú bị một số hộ căng bạt, ô dù bày hàng bán kín mít
Theo quan sát của chúng tôi, chợ Lớn của Phố núi có 4 lối vào chính nhưng cả 4 lối đều bị bà con tiểu thương nhỏ lấn chiếm, bày hàng, căng ô dù chật kín đường đi. Đặc biệt, để tiếp cận vào khu vực chính của chợ là khu nhà lồng, nơi có nhiều hàng hóa dễ cháy như giầy dép, quần áo... rất khó khăn, chỉ có cách đi bộ bởi các chân cầu thang đi lên khu buôn bán phía trên cũng bị lấn chiếm chật ních, chỉ còn lối đi nhỏ.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Ban quản lý chợ, UBND phường... nhưng họ đều không nghe. Khi xảy ra sự việc thì có ân hận cũng đã muộn. Từ khi chợ Quãng Ngãi cháy, chúng tôi cũng giật mình đứng ngồi không yên", một tiểu thương tên Tấm - 60 tuổi - trình bày.
Mối lo này không phải từ sau vụ cháy chợ Quãng Ngãi mới xuất hiện mà từ nhiều năm nay, các tiểu thương buôn bán tại lầu 2 của chợ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến các cơ quan ban nghành của tỉnh; thậm chí nhiều tiểu thương đã ngừng buôn bán, kéo nhau ra UBND tỉnh "kêu cứu" về việc các hộ buôn bán bên dưới ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường, bưng bít lối đi vào chợ. "Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị, thậm chí các chị em đã lên tỉnh trình bày nhưng sự việc đâu lại vào đấy. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch, hết tháng này tất cả chị em lại sẽ đóng cửa kéo nhau đi kêu cứu tiếp", tiểu thương Lương Thị Hòa cho biết.
Ngoài ra, các tiểu thương còn phản ánh việc Ban quản lý chợ cả năm không "dòm ngó" tới tủ đựng dụng cụ PCCC, nếu xảy ra cháy không biết có còn hoạt động được không.
Trước những bất an trên của bà con tiểu thương, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thanh Bình - Trưởng phòng Đội Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Gia Lai - thừa nhận việc lấn chiếm lòng đường, bày hàng hóa, căng ô dù của các hộ buôn bán là một trong những nguyên nhân chính cản trở việc chữa cháy nếu có sự cố cháy nổ xảy ra tại chợ. Mặt khác, ý thức chấp hành quy định PCCC vẫn chưa được thực hiện tốt.
Chợ quá tải bày bán tràn lan nên việc tiếp cận nếu có cháy xảy ra là quá muộn
Ông Dương cũng thừa nhận: Chợ Trung tâm thương mại TP Pleiku đang có nguy cơ cháy rất lớn. Nếu cháy nhỏ khả năng chữa cháy được, nhưng cháy lớn thì không dám chắc vì giải quyết giao thông cho xe chữa cháy vào đã cực kỳ khó khăn. Hơn nữa việc vào lấy nước ở các bể trong chợ cũng rất vất vả. 4 họng chứa nước thì may ra có 2 chỗ lấy được nhưng có nước hay không cũng còn phụ thuộc vào lịch cấp nước, 2 họng còn lại đều có các sạp hàng nằm bên trên. Chúng tôi không thể xử lý được vì những người này đều đã được đấu giá, phân lô...
Ông Trần Văn Tư - Trưởng Ban QL TTTM Pleiku - thừa nhận có biết những vấn đề do các tiểu thương phản ánh, cơ quan quản lý thị trường đã nhiều lần ra quyết định xử phạt hành chính song vài bữa lại... đâu vào đấy.
Đơn cử như sáng ngày 16/2, biết có đoàn gồm phóng viên đài truyền hình tỉnh Gia Lai và Cảnh sát PCCC đến ghi hình, sáng sớm BQL TTTM đã cho quét, dọn dẹp những lối vào chợ cho gọn gàng, sạch sẽ; kiểm tra, lau chùi dụng cụ cứu hỏa... Nhưng sau khi đoàn cán bộ đi thì "nhện lại giăng tơ".
Theo Dân Trí
Chợ miền Trung: Chưa bảo đảm an toàn Hầu hết các chợ đều lâm vào tình trạng xuống cấp, bị lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn, phương tiện PCCC chưa đáp ứng yêu cầu Hàng chất kín và bày bán tràn lan, lối đi ở chợ Cồn (Đà Nẵng) còn rất hẹp. Ảnh: Hoàng Dũng Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các chợ lớn ở miền...