Châu Đốc có gì lạ?
TP Châu Đốc, tỉnh An Giang có nhiều điều lạ. Từ cảnh vật, con người, tính cách, món ăn cho đến những lời mời chào ‘anh Tư, anh Năm ơi, bồ ơi…’.
Sông Châu Đốc trong ánh hoàng hôn
Nghèo nhưng không buồn
Châu Đốc, tỉnh An Giang đã lên phố. Nhưng nơi đây vẫn phảng phất không khí của một miền quê sông nước êm đềm. Trung tâm phố thị đặt một bức tượng con cá đã từng giúp nông dân đổi đời. Khu phố này sau đó gắn với tên gọi dân giã là phố Cá Ba Sa. Từ đường Trần Hưng Đạo xuôi về hướng cửa khẩu Tịnh Biên, thỉnh thoảng bắt gặp một bình nước khoáng đặt trên thanh ri lề đường được xích bằng một chiếc khóa cũ. Những bình nước uống từ thiện nằm ngay giữa cánh đồng đã nói lên tính cách chia sẻ cộng đồng, không cần đến những lời nói màu mè.
Buổi sáng, trên tuyến đường Trần Hưng Đạo dẫn từ chợ Châu Đốc qua cổng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang thấp thoáng bóng xe lôi. Chị em phụ nữ đi chợ thường bắt cặp để 2 -3 người có thể cùng ngồi trên một xe. Người đạp xe lôi có khi mặc đủ bộ quần áo tươm tất, có lúc chỉ mặc mỗi chiếc quần dài và không mặc áo, gò lưng trần đạp xe trên phố, giống như đang đi trong khoảnh sân nhà mình.
Một gia đình nghèo trên đường Trần Hưng Đạo hàng ngày hương khói cho Bác Hồ
chung với cha mẹ
Đời sống kinh tế của người dân Châu Đốc đời sống ra sao? Cơ bản là nghèo. Website của TP Châu Đốc đưa tin “theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, đến đầu năm 2020, toàn tỉnh An Giang có 14.170 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%/ tổng số hộ dân”. Nhưng nếu so với cuộc sống của người dân nhiều tỉnh, thành khác, tôi tin rằng người dân nơi đây quá nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn thực tế.
Đừng tin vào những ngôi nhà bóng láng ở mặt đường phố. Hãy rảo bộ, đi vào từng ngõ hẻm, muôn vàn ngôi nhà nhỏ, nhỏ đến ngạc nhiên. Đi thử đoạn đường vài trăm mét trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, ngôi nhà đầu tiên bắt gặp thấp ngang đầu người, tổng số tấm tôn lợp ngang là 6 tấm, còn số tôn lợp dọc theo mái là 8 tấm. Một số ngôi nhà khác, chiều ngang chỉ vừa đủ 3 tấm tôn. Vài người già kể với tôi về chuyện nghèo, nhưng vẫn cười, như một sự an phận, “giàu nghèo cũng qua một đời”.
Nhìn sâu vào những ngôi nhà nghèo này sẽ ngạc nhiên. Vị trí trang trọng ở ngôi nhà thường treo ảnh Bác Hồ. Vào dịp lễ Tết thì mọi gia đình vẫn đỏ rực lá cờ Tổ quốc. Nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là người con quê hương tỉnh An Giang. Nói về Bác Hồ, người dân quê dường như gộp cả Bác Hồ và Bác Tôn thành một.
Video đang HOT
Quả và nước thốt nốt được bán ven đường
Món ăn vỉa hè
Văn hóa của vùng đất Châu Đốc, An Giang có sự giao thoa giữa cộng đồng người dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Vì vậy những món ăn ở vùng đất này cũng đa sắc màu. Các trang web du lịch giới thiệu, vùng đất An Giang có 33 loại đặc sản như: khô rắn An Phú, cốm dẹp An Giang, tung lò mò An Giang (lạp xưởng của người Chăm), bò cạp An Giang, bún cá Long Xuyên, cá leo nướng muối ớt, vũ nữ chân dài (nhái khô)…
Kỳ thú nhất là lang thang từ buổi sớm mai bằng xe gắn máy để có thể ghé đến các hàng quán trong những con hẻm. Đi men theo bờ bắc sông Châu Đốc, đến khu vực ấp Hòa Thạnh, thuộc thị xã Tân Châu, chị chủ quán bán bánh ven đường có nét mặt và cách ăn mặc hơi khác biệt. Thì ra đó là một người phụ nữ Chăm. Từ sáng sớm, chị đã nhóm lửa để đúc bánh Chăm có hình giống như chiếc chóp nón xinh xinh. Hương vị bánh giống bánh thuẫn, nhưng có lẽ thơm và mùi vị lạ hơn, nhờ được làm từ đường thốt nốt.
3/Món tung lò mò An Giang bán dọc đường
Xóm làng bên bờ sông Châu Đốc liên thông với nhau. Nhưng dường như có một sư phân chia ước lệ nào đó, vì mỗi đoạn đường xóm là một quán cà phê nhỏ, một xe đẩy bán ẩm thực vỉa hè. Quán nhưng chỉ là một túp lều lợp tôn và những người đàn ông khua cà phê đá lách cách trong ly. Uống cà phê ở đây chỉ là để thưởng thức một chút hương vị buổi sáng theo thói quen. Vì cốc cà phê rất to, được lèn đầy đá và đổ cà phê vào. Lượng cà phê chỉ chiếm dung lượng khoảng 1/10.
Xuôi ngược khắp xóm, cứ mỗi nơi bán một kiểu ăn sáng. Ở ấp Hòa Thạnh có những chiếc xe đẩy bán những món ăn 4 màu – tím, vàng, trắng, xanh. Những người cẩn thận trong việc ăn uống thì sẽ hỏi kỹ về nguồn gốc tạo mạo. Chị Tuyết, một người bán dạo cho biết, màu sắc này đều là thiên nhiên, lấy nước lá dứa nhuộm cho món ăn màu xanh lá cây; lá cẩm sẽ tạo ra màu tím, còn màu trắng là dừa xay, màu vàng là củ mì. Món khoai mì buổi sáng nhưng được chế biến phong phú thành 3 màu như vậy.
Xuôi về vùng Tri Tôn, thỉnh thoảng tấp xe máy vào một quán bán nước thốt nốt ướp đá lạnh. Món ăn lạ và hấp dẫn nhất đối với người miền Trung và miền Bắc là quả thốt nốt, nuốt vào đến đâu, thấy đậm đà và để lại vị hậu đến đó. Chị chủ quán cho biết, có nhiều thực khách một lần ghé đến, do mê ăn thốt nốt nên đặt hàng, nhờ gởi ra tận các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhưng thốt nốt gởi đi thì phải đóng túi, ép chân không, nếu không thì sẽ nhanh lên men và hư hỏng. Nhờ cách đó mà thốt nốt tươi bây giờ có thể chuyển ra tận Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai…
Tới Châu Đốc, hãy thử cảm giác xe lôi trăm năm trước vẫn hiện hữu trên đường phố
Mình sẽ đón… bồ
Tuyến giao thông từ TP Châu Đốc đi các tỉnh khá thuận lợi. Các hãng xe Hùng Cường, Thành Bưởi, Phương Trang, Hoa Mai… liên tục rời bến đúng giờ để đi TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… Lúc 4 giờ sáng, điện thoại của tôi reo lên và tiếng người của nhà xe nói giọng ngọt xớt “bồ ơi, có phải bồ đặt xe số này không, 10 phút nữa xe tới đón nha bồ”. “Bồ” là cách gọi khá thân mật. Đối với những người đã quá quen thân, mối quan hệ vượt trên bạn bè thì mới gọi là… bồ.
Còn ở vùng sông nước này, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp một người nào đó xưng hô theo cách thân mật. Vì vậy chỉ một lần gặp gỡ thì đã tạo ra mối quan hệ thân quen. Chuyện gọi nhau theo cách thân mật như vậy còn có thể gặp ở những người bán hàng rong, người bán vé số. Ở bến phà Châu Giang, thỉnh thoảng người bán vé số nán lại và hỏi “chú Tư ơi, chú mua giúp con cái vé số, ngày mốt là xổ”.
Tôi cười thầm, khi thấy mình đúng là ngôi thứ tư trong gia đình. Nhưng ở các tỉnh miền Trung thì ít gọi chú Tư, chú Năm như người dân ở miệt sông nước. Những người gọi tên thứ như vậy chỉ là người trong một gia đình. Đến Châu Đốc, lang thang với chiếc xe máy, ghé vào hàng quán khắp nơi, bạn sẽ hòa mình vào một gia đình lớn.
Du lịch tâm linh cũng là một điểm nhấn thu hút du khách đến Châu Đốc. Vào dịp Tết, nhiều người dẫn gia đình từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam bay vào Châu Đốc để đi viếng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để thắp hương và gởi lời ước nguyện.
Cánh đồng hoa dừa cạn ở An Giang, điểm 'check-in' mới của giới trẻ
Không xuất hiện trên bản đồ du lịch tỉnh An Giang, nhưng cánh đồng hoa dừa cạn ở H.Phú Tân, tỉnh An Giang, đang trở thành điểm "check-in" mới của giới trẻ.
Một địa điểm du lịch mới của tỉnh An Giang - Ảnh: Diễm Trúc
Để tới được đây, bạn có thể chạy theo quốc lộ 91 giữa Long Xuyên và Châu Đốc rồi hỏi đường qua phà Năng Gù. Phà cập bến, bạn chạy thêm khoảng 500m, nhìn bên phải sẽ thấy cánh đồng hoa dừa thứ nhất. Chạy thêm khoảng 2km, nhìn bên phải sẽ tiếp tục bắt gặp những cánh đồng hoa dừa tiếp theo đang nở hoa khoe sắc cả một vùng.
Hoa dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus. Tại miền Tây, chúng được gọi với một số tên dân dã như là Bông dừa, Hải đăng, Hải đằng. Ở Trung Quốc, người ta còn gọi nó với cái tên Trường Xuân hoa.
Dừa cạn là loại cây thân thảo, mọc đứng, có nhiều cành, cũng giống như các loại cây họ Trúc đào khác, thân cây có nhựa mủ màu trắng. Màu sắc thân thay đổi theo quá trình sinh trưởng của cây, khi non thân cây có màu xanh nhạt sau đó chuyển dần sang màu hồng tím, có lông ngắn.
Dừa cạn thuộc hoa lưỡng tính, có 5 cánh dính với nhau, với nhiều loại màu sắc khác nhau như đỏ, hồng tím, trắng... đậm dần về phía trung tâm. Hoa nở quanh năm, chủ yếu là từ tháng 5 đến tháng 9.
Tại địa bàn H.Phú Tân, hoa dừa cạn được trồng ở các xã Phú Hưng, Phú Thạnh, Bình Thạnh Đông, Tân Hòa... với diện tích khá lớn. Hoa dừa cạn, từ mục đích ban đầu trồng chỉ để làm thuốc, nhưng do trồng số lượng lớn đã vô tình tạo nên một cảnh quan rất đẹp và nơi lý tưởng cho các bạn trẻ đến tham quan chụp ảnh.
Chị Thái Thị Diễm Trúc (40 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi công việc trên địa bàn Phú Tân nhưng chưa ghé lần nào, thấy mấy bạn lên đây chụp ảnh đẹp quá rồi đăng lên mạng. Thử xem đúng vậy không, nên hôm nay tôi cùng gia đình quyết định làm một chuyến thực tế. Thật tuyệt vời, cánh đồng hoa với màu sắc hồng tím, trắng nở bung làm tôi đứng ngẩn ngơ".
"Loài hoa dừa đẹp không thua các loài hoa nào trên thế giới đâu nhé. Vùng đất ở đây là đất trồng nông sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhưng không vì lợi ích kinh tế, người dân xứ này thường chừa phần diện tích đất nhỏ để trồng nông sản, phần còn lại để trồng hoa dừa cạn làm thuốc nam chữa bệnh", một người dân xã Phú Hưng cho biết.
Theo tìm hiểu, vài năm gần đây, người dân ở H.Phú Tân trồng cây dừa cạn để làm thuốc nam cung cấp cho nhà thuốc đông y. Vốn là loại cây dại, dễ tính, dễ trồng, có thể mọc ở nhiều nơi nhưng tùy thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng mà dừa cạn có tính dược liệu khác nhau.
Theo kinh nghiệm dân gian, dừa cạn làm thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường, sốt rét, bệnh máu trắng, thông tiểu, tiêu hóa kém... Nhưng bất ngờ, cánh đồng dược liệu trở thành những điểm tham quan của đông đảo bạn trẻ ở An Giang và các tỉnh lân cận.
Tô Văn - Diễm Trúc
Theo motthegioi.vn
Vì sao An Giang khiến du khách phải lòng? An Giang là một trong những điểm du lịch hút khách ở miền Tây với vẻ đẹp bình dị, công trình kiến trúc độc đáo. An Giang bình yên Mảnh đất Tây Nam Bộ luôn được các tín đồ mê xê dịch đánh dấu "pin" ưu tiên trên bản đồ du lịch. Có biết bao địa danh miền Tây khiến người ta nhớ...