Cháu bé bị nhiễm độc thủy ngân khi đo thân nhiệt
Hiện Khoa Nhi và Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một cháu bé bị nhiễm độc thủy ngân qua da khi người nhà vẩy nhiệt kế thủy ngân và không may chọc vào tay trẻ.
Ngày 5/2, khi đang chuẩn bị cặp nhiệt độ cho cháu N.N.Y (11 tuổi, nữ, ở Thái Bình) và vẩy nhiệt kế thủy ngân (để vạch thủy ngân trở về mức ban đầu), do sơ ý, chiếc nhiệt kế chọc mạnh vào tay trái của cháu. Chiếc nhiệt kế bị vỡ và tạo ra vết thương ở ngón trỏ tay trái. Do sợ bị nhiễm độc thủy ngân, ngày 11/2 (30 Tết), gia đình đã đưa cháu tới Bệnh viện Bạch Mai.
Khi vào viện, vết thương của cháu đã bị nhiễm trùng và áp xe. Các bác sỹ chụp X.quang ngón tay của cháu thấy có nhiều hạt thủy ngân ở bên trong phần mềm sát khớp bàn ngón trỏ tay trái. Do tình trạng nhiễm trùng phức tạp, cháu đã được điều trị nhiễm trùng trước, đồng thời xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu và đánh giá các tổn thương.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một trường hợp đầu tiên nhiễm độc thủy ngân xảy ra do tai nạn khi sử dụng. Thủy ngân có trong nhiệt kế là loại thủy ngân nguyên tố (tức là dạng nguyên thể, chưa biến đổi thành các hợp chất).
Trong y văn thế giới chỉ có một vài trường hợp nhiễm độc thủy ngân do tiêm thủy ngân dạng này qua da. Khi các hạt thủy ngân này được tiêm qua da hoặc xâm nhập vào vết thương với lực cơ học mạnh thì rất dễ hấp thu vào máu và gây nhiễm độc cho cơ thể, đặc biệt ở các vị trí có nhiều mạch máu, vị trí gần các khớp.
Hiện vết thương của cháu đã ổn định. Các bác sỹ đã chụp cắt lớp, siêu âm để đánh giá kỹ số lượng hạt thủy ngân và vị trí chính xác ở ngón tay để chuẩn bị cho cuộc mổ loại bỏ các hạt thủy ngân.
Dự tính mặc dù vị trí phẫu thuật nhỏ nhưng cuộc mổ đặc biệt do cần phải lấy hết các hạt thủy ngân một cách an toàn. Phải lấy hết nhưng không được để thủy ngân rơi ra ngoài. Khi thu gom thì không được dùng máy hút vì tạo hơi nóng và thủy ngân bay hơi gây nhiễm độc cho những người trong phòng mổ.
Nhiều hạt thủy ngân nhỏ ở sát khớp đồng nghĩa việc lấy hết đã khó, đồng thời đảm bảo ít ảnh hưởng đến khớp nhất. Cuộc mổ cũng phải cố gắng thành công hoàn toàn, rất hạn chế mổ lần sau. Hiện cuộc mổ đang được chuẩn bị để có thể được thực hiện tốt nhất.
Video đang HOT
Bác sỹ Nguyên cũng cho biết, thủy ngân là kim loại nặng rất độc. Đặc biệt não là cơ quan nhạy cảm nhất, bệnh nhân có có thể bị mù, run, kích thích, mất trí nhớ, các rối loạn tâm thần khác,… Thủy ngân nguyên tố trong nhiệt kế khi bị rơi ra ngoài (do nhiệt kế bị vỡ) thì người dân tuyệt đối không được dùng máy hút do thủy ngân dễ bay hơi ở nhiệt độ nóng và dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Các hạt thủy ngân cần được gạt hoặc quét sạch càng sớm càng tốt và thu gom loại bỏ như khi loại bỏ các chất độc hại với môi trường. BS Nguyên cũng khuyến cáo nhiệt kế thủy ngân rất dễ vỡ, do đó người dân cần chú ý sử dụng./.
Nguy cơ tổn thương não vì sai lầm thường gặp trong bữa nhậu
Thói quen sai lầm này khiến chúng ta dễ bị tụt đường huyết sau khi uống rượu bia. Tình trạng nặng có thể gây tổn thương não và thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Quá chén trong những cuộc vui khiến dân nhậu đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe. Phổ biến nhất là tình trạng ngộ độc rượu do lượng cồn được hấp thu vào quá nhiều, vượt quá khả năng chuyển hóa của cơ thể.
Tuy nhiên, một tình trạng khác do uống quá nhiều bia rượu là hạ đường huyết, cũng rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng lại ít được nhận thức đúng.
Vì sao dễ bị hạ đường huyết sau khi nhậu?
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đường trong máu (glucose) là chất dinh dưỡng chủ lực để cung cấp năng lượng cho mọi vận động. Nguồn đường trong cơ thể được cung cấp từ thức ăn sau đó tổng hợp và dự trữ ở gan.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Tuy nhiên, khi uống rượu bia, chất cồn (ethanol) lại có tác động trực tiếp gây hạ đường huyết.
Một yếu tố khác khiến tình trạng hạ đường huyết ở dân nhậu càng trầm trọng hơn, chính là vì sai lầm "uống không ăn".
"Ethanol trong đồ uống có cồn cung cấp một ít năng lượng, khiến người uống rượu bia có cảm giác no giả không muốn ăn. Bên cạnh đó, trên bàn nhậu mọi người thường mải vui "chén chú, chén anh", nên ăn rất ít hoặc thậm chí không ăn. Sau khi đi nhậu về lại thường đi ngủ luôn", BS Nguyên phân tích.
Ethanol trong đồ uống có cồn cung cấp một ít năng lượng, khiến người uống rượu bia có cảm giác no giả không muốn ăn
Không được cung cấp đủ đường từ bữa ăn, thêm vào đó là tác động của ethanol khiến nhiều người sau khi nhậu, đường huyết bị hạ xuống mức rất thấp.
"Đặc biệt càng trẻ thì lại càng dễ bị hạ đường huyết. Độ tuổi phổ biến là từ 30 trở xuống. Bên cạnh đó, những người gầy yếu, suy kiệt cũng là đối tượng có nguy cơ cao với tình trạng này", BS Nguyên nhấn mạnh.
Hạ đường huyết: "Sát thủ" thầm lặng sau mỗi cuộc vui
Theo BS Nguyên việc đường huyết xuống quá thấp sẽ gây tổn thương ở cả 2 bên não. Đáng chú ý, chuyên gia này nhấn mạnh, tổn thương não do hạ đường huyết nguy hiểm không khác gì so với suy hô hấp hay tai biến mạch máu não.
BS Nguyên cho hay: "Thời gian bệnh nhân được điều trị càng muộn, tổn thương não càng lan rộng. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể bị co giật, lơ mơ, nặng có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí là tử vong. Nếu bệnh nhân được điều trị khỏi thì khả năng cao vẫn để lại di chứng như co giật, động kinh...".
Một bệnh nhân bị hạ đường huyết sau khi nhậu rơi vào tình trạng nguy kịch, đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc
Khó nhận biết, dễ bị bỏ sót cũng là một yếu tố khiến tình trạng này càng trở nên nguy hiểm.
Thực tế lâm sàng các trường hợp nặng, nguy kịch do hạ đường huyết sau khi uống rượu, được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, đa phần đều có chung một kịch bản: Bệnh nhân bị hạ đường huyết ngay trong lúc ngủ sau chầu nhậu. Tuy nhiên, vì người nhà tưởng lầm bệnh nhân nằm li bì do say rượu nên bỏ qua. Thường phải sau một buổi hoặc đến ngày hôm sau tình trạng hôn mê của bệnh nhân mới được phát hiện.
Nhiều bệnh nhân do nhập viện quá muộn rơi vào tình trạng nguy kịch, phải hồi sức tích cực, thở máy nhưng nguy cơ tử vong vẫn rất cao.
Phòng tránh hạ đường huyết khi uống rượu bia
Để phòng tránh nguy cơ hạ đường huyết gây nguy hiểm do uống bia rượu, BS Nguyên khuyến cáo:
- Khi uống rượu bia cần đảm bảo ăn đủ như một bữa bình thường, ăn nhiều thức ăn có tinh bột, ví dụ như: cơm, cháo, bún, miến... Nếu trong quá trình uống rượu bia chưa ăn đủ thì phải ăn bổ sung sau khi uống. Trong trường hợp ngại ăn có thể uống các loại nước, sữa có đường.
- Trong gia đình cũng cần theo dõi sát nếu người thân uống bia rượu về ngủ li bì, không tỉnh táo. Trong trường hợp bệnh nhân lâu tỉnh một cách bất thường hoặc mê man quá sâu, gọi, vỗ không có có phản ứng cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
- Đặc biệt trong mùa đông này, cần chú ý đến việc giữ ấm sau khi đã sử dụng bia rượu. "Rượu bia khiến cho mạch máu ngoài da giãn ra, khiến người uống cảm thấy ấm lên nhưng thực ra đang mất nhiệt. Bên cạnh nguy cơ nhiễm lạnh, tình trạng mất nhiệt cũng dễ dẫn đến hạ đường huyết", BS Nguyên cho hay.
Uống rượu hơn 1 tuần liền, người đàn ông Hà Nội nguy kịch, phải thở máy Trong hơn 1 tuần kể từ Tết dương lịch, bệnh nhân ngày nào cũng uống rượu. Đến ngày 10/1, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê do hạ đường huyết. Hiện tiên lượng tử vong lên đến hơn 50%. Nguy kịch vì uống quá nhiều rượu Bệnh nhân nam sinh năm 1981, sống ở Hà Nội, được đưa vào Trung tâm Chống...