Châu Âu nhượng bộ vì sợ Nga ra “đòn độc”?
Vladimir Putin e rằng, nếu lãnh vực kinh tế, thương mại trong hiệp ước hội viên liên kết có hiệu lực ngay, thì bao nhiêu hàng hóa của Châu Âu nhập vào Ukraine sẽ tràn ngập thị trường Nga và làm điêu đứng kinh tế Nga.
Ảnh minh họa.
Theo Le Monde, để giúp đỡ Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu phải cư xử một cách khéo léo với Nga. Trong tinh thần này, Brussels vừa dội một gáo nước lạnh lên đầu Kiev. Hiệp định hội viên liên kết với châu Âu mà Tổng thống Ukraine xem là lịch sử và sẽ được quốc hội Ukraine phê chuẩn vào ngày mai 16/9 chỉ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2016.
Tại sao Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu có thái độ thay đổi như vậy?
Theo giải thích của một nhà ngoại giao châu Âu thì một số thành viên lo ngại bị Nga trả đũa cấm vận đưa đến “chiến tranh khí đốt ” và “chiến tranh Ukraine”. Lý do khác là để tránh cho Ukraine cái giá quá cao trong khi đất nước đang khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo chính quyền Kiev, thì đây là một ví dụ cụ thể cho thấy Châu Âu nhượng bộ yêu sách của Nga. Hiện nay, Nga và Ukraine còn bị lệ thuộc nhau qua quan hệ mậu dịch tự do từ thời còn êm ấm. Vladimir Putin e rằng, nếu lãnh vực kinh tế, thương mại trong hiệp ước hội viên liên kết có hiệu lực ngay, thì bao nhiêu hàng hóa của Châu Âu nhập vào Ukraine sẽ tràn ngập thị trường Nga và làm điêu đứng kinh tế Nga.
Theo RFI, đây là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos về thái độ “quanh co” của châu Âu. Trong khi Mỹ tăng cường độ “trừng phạt” ngân hàng tiết kiệm Sberbank của Nga, cấm bán trang thiết bị cho các tập đoàn dầu khí quốc doanh thì Châu Âu dời ngày đi vào hiệu lực thỏa thuận hội viên liên kết của Ukraine đến hết năm 2015.
Đằng sau thái độ do dự của Châu Âu là một cuộc chiến tranh kinh tế. Ukraine tố cáo Moscow muốn tái lập Liên Xô, Nga lên án Tây phương cắt đứt quan hệ Nga-Ukraine. Hậu quả là đồng tiền rúp của Nga trược giá kỷ lục so với đôla Mỹ.
Để tìm hiểu tại sao Moscow sợ Kiev thoát ra khỏi ảnh hưởng Nga, nhà phân tích Pierre Avril trên Le Figaro trích dẫn hai lời tuyên bố của hai nhân vật cao cấp trong chính quyền Nga: Người thứ nhất là tướng Yuri Baluevski, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội, nay là tác giả soạn thảo học thuyết an ninh quốc phòng mới cho rằng” những hành động tìm cách phá hủy đất nước chúng ta (Nga) từ bên trong và bằng cách gián tiếp nguy hiểm hơn là tấn công trực diện”.
Viên tướng này cho biết là Nga sẽ tiết lộ vào cuối năm nay học thuyết quốc phòng mới chống NATO. Tuy nhiên, trợ lý thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Mikhail Popov vừa tuyên bố e ngại “một Mùa xuân Ả Rập” thổi qua nước Nga. Cụ thể là Nga sợ phong trào phản kháng ở quảng trường Maidan sẽ “xuất khẩu” sang Nga nhất là hai nền văn hóa Nga và Ukraine đan trộn vào nhau.
Sự lo ngại này là nguyên nhân thúc đẩy Nga tấn công Ukraine bằng mọi hình thức từ một năm nay, Nhà phân tích Maria Snegovaia, thuộc đại học Columbia Hoa Kỳ, nói thẳng: nỗi sợ của Nga là Ukraine gia nhập thành công vào Liên Hiệp Châu Âu sẽ xây dựng một chế độ dân chủ sát nách nước Nga.
Theo Bizlive