Châu Âu hứng cú sốc kinh tế vì lệnh cấm của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố lệnh cấm nhập c ảnh người từ châu Âu để phòng ngừa dịch Covid-19, gây ra cú sốc kinh tế, nhất là ngành hàng không.
Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay ở thủ đô Rome, Ý ngày 12.3. Ảnh Reuters
Lệnh cấm nhập cảnh mới áp dụng đối với tất cả công dân đến từ các quốc gia châu Âu thuộc khu vực Schengen, không bao gồm Anh, Ireland, Croatia, Romania, Bulgaria hay CH Síp. “Đây là biện pháp toàn diện và mạnh mẽ nhất để đối phó vi rút từ nước ngoài trong lịch sử hiện đại”, Tổng thống Trump tuyên bố, theo AFP.
EU kịch liệt phản đối
Theo thông báo của Nhà Trắng, lệnh cấm do Tổng thống Trump ban hành bắt đầu có hiệu lực vào ngày 13.3 và kéo dài 30 ngày. Ông Trump lưu ý riêng công dân Mỹ vẫn được phép trở về nước từ châu Âu.
Tổng thống Trump hạn chế nhập cảnh từ châu Âu trong 1 tháng để chống dịch Covid-19
Các quan chức Nhà Trắng đã phải đính chính là lệnh cấm không áp dụng đối với hàng hóa sau khi ông Trump tuyên bố “một số lượng lớn hàng hóa từ châu Âu sẽ bị cấm”. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân nên xem xét lại kế hoạch đi ra nước ngoài.
Tổng thống Trump cũng đổ lỗi cho Liên minh Châu Âu (EU) không có biện pháp hạn chế đi lại từ Trung Quốc, nguồn gốc của dịch Covid-19, dẫn đến những cụm lây nhiễm bùng phát ở Mỹ là do “những người trở về từ châu Âu”.
Ngay sau đó, EU tiến hành cuộc họp để đánh giá tác động kinh tế từ lệnh cấm của Mỹ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo nguy cơ lệnh cấm gây gián đoạn kinh tế. “EU không tán thành việc Mỹ đơn phương ra quyết định áp dụng lệnh cấm đi lại mà không tham vấn. Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu, không giới hạn ở bất kỳ lục địa nào và đòi hỏi sự hợp tác hơn là hành động đơn phương”, theo tuyên bố chung của ông Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Đáp lại, Tổng thống Trump nói không tham vấn, thông báo trước với lãnh đạo EU về lệnh cấm vì “sẽ mất thời gian”, đồng thời cảnh báo động thái này sẽ “ảnh hưởng lớn” đến nền kinh tế.
Dù được miễn trừ và không còn là thành viên EU, chính phủ Anh cũng bày tỏ sự thất vọng, đồng thời cảnh báo động thái của Mỹ sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nước này. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhấn mạnh không có chứng cứ chứng minh cấm đi lại có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Gây biến động thị trường
“Động thái bất ngờ của Mỹ đã làm biến động các thị trường chứng khoán và tác động lớn đến du lịch, khách sạn, nhà hàng và nhất là ngành hàng không, vốn đã chịu tổn thất nghiêm trọng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát”, ông William Reinsch, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ), nhận định.
Các hãng hàng không châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo ông Reinsch. Chẳng hạn, cổ phiếu của Hãng Air France-KLM (Pháp – Hà Lan) đã giảm 15% và Lufthansa (Đức), British Airways (Anh) giảm gần 11% trong phiên giao dịch ngày 12.3. Còn Hãng Norwegian Air thì giảm 18%, theo Reuters.
Các nhà quan sát dự đoán tình trạng hỗn loạn tại hàng chục sân bay khắp châu Âu do hành khách cố gắng đến Mỹ trước khi lệnh cấm có hiệu lực. “Lệnh cấm khiến nhiều người hoảng loạn”, Anna Grace, sinh viên người Mỹ (20 tuổi), nói với Reuters. Cô Grace đã vội vã đến sân bay Barajas tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để lên chuyến bay trở về nhà ngày 12.3.
Bên cạnh đó, ông Harry Broadman, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Berkeley, cho biết quyết định của Tổng thống Trump có thể bóp nghẹt thương mại dịch vụ giữa Mỹ – EU, đe dọa dòng chảy thương mại quốc tế và gây hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế trong ngắn hạn.
Thương mại hàng hóa và dịch vụ Mỹ – EU đạt tổng cộng gần 1,3 nghìn tỉ USD vào năm 2018. Cũng trong năm đó, Mỹ có thặng dư thương mại với EU là 60 tỉ USD. Năm 2019 chứng kiến mối quan hệ thương mại giữa hai bên trở nên căng thẳng. Trong vụ tranh chấp thương mại mới nhất liên quan đến việc chính phủ các nước châu Âu trợ cấp cho Hãng Airbus, Mỹ đã đánh thuế 25% lên một loạt hàng hóa, bao gồm rượu whisky Scotch, rượu của Pháp, Tây Ban Nha và pho mát Anh.
Theo thanhnien.vn
COVID-19: Italy đóng cửa hai sân bay tại Rome, Đức hoãn hội nghị CDU
Người phát ngôn của công ty ADR điều hành 2 sân bay nói trên cho biết sân bay Ciampino sẽ đóng cửa vào nửa đêm 13/3, còn nhà ga số 1 tại sân bay Fiumicino sẽ đóng cửa vào ngày 17/3 tới.
Sân bay Ciampino sẽ đóng cửa vào đêm 13/3. (Nguồn: AFP)
Ngày 12/3, nhà chức trách Italy thông báo sân bay Ciampino ở thủ đô Rome sẽ đóng cửa, trong khi một nhà ga tại sân bay Fiumicino bắt đầu ngừng hoạt động kể từ tuần tới.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của công ty ADR điều hành 2 sân bay nói trên cho biết sân bay Ciampino sẽ đóng cửa vào nửa đêm 13/3, còn nhà ga số 1 tại sân bay Fiumicino sẽ đóng cửa vào ngày 17/3 tới.
Tuy nhiên, các chuyến bay chở hàng vẫn có thể sử dụng sân bay Ciampino.
Cũng theo ADR, 2 sân bay này sẽ nối lại hoạt động sau khi vượt qua "giai đoạn nguy cấp hiện tại."
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều hãng hàng không trên thế giới bắt đầu hủy chuyến hoặc cắt giảm tần suất bay đến và đi từ Italy do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định nước này chưa thấy cần làm theo Mỹ trong việc cấm các chuyến bay từ châu Âu như một biện pháp đối phó với dịch COVID.
Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Sunak cho rằng "các bằng chứng khoa học hiện tại không ủng hộ" Anh làm theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc ngừng các chuyến bay từ 26 nước châu Âu vào Mỹ trong vòng 30 ngày tới.
Các chuyến bay từ Anh và Cộng hòa Ireland vào Mỹ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.
Dự kiến, cũng trong ngày 12/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp Cobra để cân nhắc chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch phòng chống dịch bệnh với các biện pháp mạnh mẽ hơn, có thể bao gồm việc đóng cửa một số trường học và hạn chế các hoạt động tụ tập đông người.
Trong khi đó, kể từ ngày 12/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ tổ chức tất cả các cuộc họp dưới hình thức họp trực tuyến qua video.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Irene Montero có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Còn tại Đức, Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định hoãn tổ chức hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 25/4 tới ở Berlin để chọn lãnh đạo mới cho đảng này vì lo ngại lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người phát ngôn của CDU đã xác nhận thông tin do hãng thông tấn DPA công bố.
Vị trí Chủ tịch CDU thay thế cho bà Annegret Kramp-Karrenbauer - người đã tuyên bố từ chức hôm 10/2, sẽ là cuộc đua giữa ít nhất 3 ứng cử viên gồm các ông Friedrich Merz, Norbert Rttgen và Armin Laschet.
Một cuộc thăm dò do YouGov thực hiện cho hãng DPA chỉ ra rằng ông Merz là ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí Chủ tịch CDU.
hi nhận đến chiều 12/3, toàn thế giới có 2,673 ca nhiễm mới, 113 ca tử vong.
Con số ca nhiễm trên toàn cầu kể từ khi COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc là 128.872 ca, 4.729 ca tử vong, 68.654 ca đã bình phục.
Tại Việt Nam ngày 12/3 ghi nhận thêm 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng số ca bệnh COVID-19 lên con số 44, không có ca tử vong, trong đó có 16 ca đã chữa khỏi và ra viện./.
Theo Phan An-Tuấn Anh (TTXVN/vietnamplus.vn)
Phản ứng náo loạn thái quá của dân Italia khi biết sắp có lệnh phong tỏa Ngày 8.3, Italia đã ra lệnh phong tỏa gần 16 triệu dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước đó, từ thành phố Milan đến Venice (Italia), người dân đã sớm rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi thông tin lệnh phong tỏa bị rò rỉ ra ngoài. Người dân và khách du lịch tại...