Châu Âu cấp tập ứng phó những “vị khách không mời”
Hàng ngàn người từ các nước châu Phi bất chấp nguy hiểm vượt Địa Trung Hải trên những con thuyền thô sơ với hi vọng tìm thấy tương lai tươi sáng ở châu Âu, dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng di cư mới trong bối cảnh “lục địa già” vất vả ứng phó với tác động của xung đột Ukraine.
Cuộc khủng hoảng kinh tế cùng làn sóng bất ổn chính trị lan rộng ở châu Phi khiến số lượng người dân tìm cách di cư sang các nước Liên minh châu Âu (EU) gia tăng đáng kể thời gian vừa qua. Reuters ngày 18/9 dẫn số liệu của nhà chức trách Italia xác nhận, hơn 126.000 người di cư đã tiến vào biên giới nước này tính từ đầu năm 2023, gấp đôi con số được ghi nhận cùng kỳ năm 2022.
Hòn đảo nhỏ Lampedusa của Italia trên Địa Trung Hải gần đây trở thành “điểm nóng” khi phải tiếp nhận hàng trăm con thuyền chật ních người di cư châu Phi, bao gồm 7.000 người trên 122 thuyền chỉ trong tuần vừa qua, nhiều hơn dân số thường trú trên đảo. Hầu hết họ xuất phát từ Tunisia, quốc gia đang thế chân Libya trở thành điểm khởi hành chính của người di cư châu Phi, bất chấp thỏa thuận mà quốc gia Bắc Phi này đạt được với EU.
Hàng trăm người di cư châu Phi chờ trung chuyển từ Lampedusa đến trại tị nạn ở đảo Sicily của Italia. Ảnh: CNN
Là nước tuyến đầu tiếp nhận người di cư của EU, Italia chịu nhiều áp lực nhất và trông đợi một giải pháp tập thể để xử lý vấn đề. Hòn đảo Lampedusa chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 400 người di cư, thì nay đang phải chật vật giải quyết nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho hàng ngàn “vị khách không mời” trước khi họ được chuyển đến các trại tị nạn khác ở Italia.
Trong chuyến thăm cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đến đảo Lampedusa hôm 17/9, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni kêu gọi EU phối hợp để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát và tìm cách trục xuất những người không đủ tiêu chuẩn cấp quy chế tị nạn. “Đây là biên giới của Italia, nhưng cũng là biên giới của toàn thể châu Âu”, bà Meloni cảnh báo. “Nếu chúng ta không hợp tác nghiêm túc chống lại tình trạng di cư trái phép, số người di cư sẽ không chỉ áp đảo tại các nước tuyến đầu mà sẽ tràn ngập cả các quốc gia khác”.
Chủ tịch EC von der Layen thừa nhận: “Di cư bất thường là một thách thức của châu Âu và nó cần một câu trả lời chung của châu Âu”. Bà kêu gọi các thành viên EU “tự nguyện” tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy. Tuy nhiên, đã có những bất đồng nổ ra khi Đức hồi tuần trước dừng thỏa thuận tự nguyện tiếp nhận người di cư từ Italy với lí do “áp lực cao”.
Hôm 16/9, giới chức Đức xác nhận họ vừa đảo ngược quyết định, hứa sẽ tiếp tục tiếp nhận người di cư từ Italia, nhưng chưa rõ hạn mức, động thái cho thấy có thể còn nhiều quốc gia EU khác đang lưỡng lự. Ngay lúc này, một loạt nước EU, nhất là nhóm ở Đông Âu, đang cố gắng xoay xở để giải quyết hàng triệu người di cư tới từ Ukraine sau khi xung đột nổ ra năm ngoái.
Vẫn trong tuyên bố mới nhất, bà von der Layen khẳng định sẽ đấu tranh với những kẻ đưa người di cư trái phép từ châu Phi. “Chúng tôi mới là người quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, không phải những kẻ buôn người”, bà nêu rõ. Vị quan chức hàng đầu của EU công bố gói giải pháp 10 điểm, bao gồm các biện pháp trợ giúp Italia xử lý những người di cư mới đến; tìm cách cải thiện hợp tác với nhà chức trách các nước châu Phi như Guinea, Bờ Biển Ngà, Senegal hay Burkina Faso với hi vọng họ có thể tiếp nhận trở lại người di cư; và thảo luận về “phương án mở rộng các sứ mệnh hải quân trên Địa Trung Hải” nhằm ngăn chặn những con thuyền đưa người vượt biên. Lãnh đạo EC nhấn mạnh thêm, EU cần hợp tác chặt chẽ hơn với Tunisia, quốc gia sẽ nhận được nguồn tài trợ của khối nhằm ngăn người di cư từ khi họ chuẩn bị khởi hành.
Hồi tháng 7/2023, EU và Tunisia đã đạt thỏa thuận nhằm kiềm chế dòng người di cư xuất phát từ Bắc Phi, nhưng đến nay chưa mang lại hiệu quả khi số lượng người di cư có dấu hiệu tăng lên. Theo Euronews, tại một phiên họp hồi tuần trước, các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) đã tranh cãi khá gay gắt về thỏa thuận EU-Tunisia, dấy lên lo ngại về nguy cơ EU khó đạt các thỏa thuận tương tự với các nước châu Phi nhằm hạn chế dòng người di cư.
Trong khi EU còn loay hoay, hàng ngàn người từ các nước châu Phi bất ổn được cho là đang chuẩn bị hoặc bất chấp nguy hiểm lênh đênh trên những con thuyền thô sơ tìm vận may đến các nước châu Âu phát triển. Số liệu của nhà chức trách châu Âu cho thấy, từ đầu năm 2023, hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong các vụ lật thuyền trên Địa Trung Hải, trong khi hàng chục ngàn người khác mắc kẹt trong các trại tị nạn với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Mới tuần trước, một con thuyền chở 45 người di cư đã chìm ngoài khơi Lampedusa, khiến 41 người chết.
Video đang HOT
Các nhà quan sát nhận định, bên cạnh các giải pháp ngăn chặn nạn buôn người và triển khai lực lượng trên biển ngăn di cư trái phép, giải pháp dài hơi để giải quyết vấn nạn người di cư là châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn nữa trong nỗ lực trợ giúp các nước châu Phi phát triển kinh tế- xã hội ổn định hơn, khôi phục niềm tin vào tương lai tươi sáng ở quê nhà.
Xung đột Ukraine sẽ đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng tái tạo ở châu Âu?
Sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Âu đã đạt mức kỷ lục sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Điều này khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng châu Âu đã sẵn sàng tăng tốc trong quá trình tạo ra năng lượng sạch.
Trạm nén khí của đường ống Yamal nối Nga với Tây Âu, thuộc sở hữu của Tập đoàn Gazprom. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại dự báo lượng khí thải của châu Âu sẽ giảm "nhờ" suy thoái kinh tế, chính sách "thắt lưng buộc bụng" năng lượng và phi công nghiệp hóa trong năm tới.
Theo báo cáo của các tổ chức nghiên cứu năng lượng E3G và Ember, từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, lượng điện năng được tạo ra từ gió và quang điện Mặt Trời ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỷ lục 13% so với cùng kỳ năm ngoái - từ 311TWh lên 350TWh.
Vào thời điểm Nga đang cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu điện, sự phát triển của năng lượng tái tạo dường như mang ý nghĩa to lớn. Đây được cho là nguồn cung năng lượng đảm bảo với mức giá ổn định. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Nga, đã kiếm được 2 nghìn tỷ USD trong xung đột tại Ukraine.
E3G và Ember cho biết việc sản xuất điện Mặt Trời và điện gió của EU đã giúp lục địa này không phải nhập khẩu khoảng 70 tỷ m3 khí đốt, trị giá 99 tỷ USD.
Chuyên gia Artur Patuleia, một trong những tác giả của báo cáo, bình luận: "Cuộc xung đột này có hai tác động. Thứ nhất là giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã và đang trong quá trình thực hiện. Thứ hai là thúc đẩy tham vọng của các quốc gia thành viên EU trong những năm tới",
Giáo sư Jonathan Stern, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, lại ít lạc quan hơn. Ông cho rằng: "Chúng tôi đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế lớn ở châu Âu. Tôi nghĩ nó có thể còn tồi tệ hơn suy thoái do đại dịch COVID-19 trong năm 2020, dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa, buộc các ngành công nghiệp phải chuyển hướng sang thị trường Trung Đông và Mỹ. Không điều gì trong số đó là tín hiệu tốt và chúng cho thấy sự bất ổn chính trị".
Bên cạnh đó, các công ty công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như kim loại, nói rằng giá năng lượng cao có thể khiến họ phải rời khỏi châu Âu.
Trong khi đó, ông Stern nhận định rằng năng lượng tái tạo vẫn sẽ hấp dẫn, nhưng nhiều quốc gia châu Âu sẽ không có đủ kinh phí để mở rộng quy mô, vì các chính phủ đã cam kết chi 500 tỷ USD để hỗ trợ ngành các công nghiệp và người tiêu dùng khi giá nhiên liệu tăng cao. Con số này cao gấp đôi so với việc EU đang cung cấp các khoản bảo lãnh cho vay đối với năng lượng tái tạo thông qua Quỹ phục hồi trong giai đoạn 2020-2027.
"Về khoản ngân sách 500 tỷ, khi lo sợ người dân sẽ bị cắt nguồn cung năng lượng, các chính phủ sẵn sàng cam kết gần như bất kỳ khoản tiền nào để ngăn chặn điều này. Tuy nhiên, một trong những vấn đề là có vẻ như đầu tư vào năng lượng tái tạo đang chậm lại, ít nhất là ở nhiều nước châu Âu. Cách để khắc phục điều này là các chính phủ phải vào cuộc và chi tiền để đảm bảo tiến trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, các chính phủ đang thiếu tiền".
Tác động lâu dài của xung đột
IEA tin rằng rạn nứt năng lượng giữa EU và Nga là vĩnh viễn.
Theo một phần của lệnh trừng phạt của EU, khu vực này đã ngừng nhập khẩu than của Nga từ tháng 8, dầu thô sẽ ngừng chảy trong tháng 12 và các sản phẩm dầu tinh luyện sẽ bị cấm vào tháng 2/2023,
Để trả đũa, Nga đã cắt giảm 80% lượng khí đốt cấp cho châu Âu so với năm ngoái. IEA cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm, việc mất nguồn cung khí đốt của Nga đã dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào than.
"Nhưng trong tất cả các kịch bản, EU đã bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng nhập khẩu từ Nga bằng quá trình chuyển đổi nhanh chóng khỏi khí đốt tự nhiên thông qua việc tăng cường bổ sung năng lượng tái tạo, thúc đẩy xây dựng thêm các tòa nhà và lắp đặt máy bơm nhiệt", báo cáo của IEA cho biết.
Điều này dẫn tới một số hiệu ứng mang tính toàn cầu. Nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ đã đáp ứng khoảng 80% tổng nhu cầu năng lượng. Lần đầu tiên, IEA nhận thấy con số này sẽ giảm xuống 75% vào năm 2030 và 60% vào năm 2050. Nếu những cam kết được thực hiện, tỷ lệ đó có lẽ sẽ giảm hơn nữa.
IEA cũng dự báo đầu tư hàng năm trên toàn cầu vào năng lượng tái tạo sẽ tăng gần gấp đôi, lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Song cơ quan này cho rằng điều đó không đủ để đáp ứng mục tiêu về không phát thải ròng vào năm 2050 của Liên hợp quốc. Dẫy vậy, đây vẫn là sự cải thiện lớn.
"Đây có thể là bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn nhờ phản ứng chưa từng có từ các chính phủ trên thế giới", Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cho biết.
"Hành trình xanh" của châu Âu chao đảo
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP
IEA cho biết 5 năm sau Hiệp định Paris - nơi các thành viên Liên hợp quốc cam kết hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo ở mức 1 nghìn tỷ USD/năm.
Vào năm 2020, trong thời kỳ suy thoái do đại dịch COVID-19, châu Âu đã tung ra gói kích thích trị giá 730 tỷ USD, thông qua Quỹ Phục hồi. Trong đó, 37% ngân sách đầu tư vào việc sản xuất điện tái tạo. Điều này nhằm giúp thực hiện mục tiêu tạo ra 32% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Vào năm 2021, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có tác động nghiêm trọng hơn, EU đã quyết định đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030.
Ba tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, EU đã nâng mục tiêu đó lên 45%.
Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng bao gồm sản xuất điện, vận chuyển, sưởi ấm và làm mát. Để đáp ứng yêu cầu này, EU cần sản xuất ít nhất 69% điện năng từ năng lượng tái tạo.
E3G và Ember tin rằng tham vọng của một số quốc gia thành viên đã vượt xa mục tiêu đó. Bồ Đào Nha, Áo, Đan Mạch và Hà Lan có kế hoạch sản xuất tất cả điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Đức và Tây Ban Nha có kế hoạch sản xuất khoảng 80% vào thời điểm đó.
Vào tháng 7, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các quốc gia tự nguyện cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Các nhà phân tích nói rằng hầu hết các quốc gia đã đạt được mục tiêu đó.
"Suy thoái sẽ giúp giảm lượng khí thải toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Thế giới đã nhận thấy rõ điều này trong đại dịch COVID-19, khi lệnh phong tỏa giúp giảm 4% mức sử dụng năng lượng và giảm 5,8% lượng khí thải - mức lớn nhất từ trước đến nay. Giờ đây, mọi người cho rằng khủng hoảng năng lượng là một điều tốt, bởi vì dù sao chúng ta cũng phải cắt giảm lượng khí thải".
Làn sóng biểu tình phản đối chi phí sinh hoạt ở châu Âu có thể gây bất ổn chính trị Trên khắp châu Âu, lạm phát tăng cao là nguyên nhân dẫn đến làn sóng bất bình đối với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và có nguy cơ gây ra bất ổn chính trị. Người biểu tình bên ngoài các cơ quan chính phủ ở Bucharest, Romania, ngày 20/10. Ảnh: AP Tại Romania, người biểu tình đã thổi kèn và đánh...