Châu Âu bước vào thời kỳ ’sống chung với Covid-19′
Những ngày đầu đại dịch, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi người Pháp tổng lực chiến đấu chống Covid-19. Nay, thông điệp của ông là “học cách sống chung”.
Pháp và phần lớn các nước châu Âu đang lựa chọn cách sống chung với nCoV khi tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng, nguy cơ về sóng lây nhiễm thứ hai không ngừng ám ảnh toàn châu lục.
Từ bỏ hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus hay phát triển vaccine trong vòng vài tuần, người châu Âu bắt đầu quay trở lại làm việc và học tập, sống bình thường nhất có thể trong bối c ảnh đại dịch dai dẳng đã giết chết hơn 215.000 ở châu Âu và gần 940.000 người trên toàn cầu.
Kiểm tra nhiệt độ bên ngoài một rạp chiếu phim ở Málaga, Tây Ban Nha, tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với Mỹ, nơi những biện pháp hạn chế để bảo vệ người dân trước virus đang gây chia rẽ chính trị và nhiều khu vực đã thúc đẩy mở cửa trở lại trường học, cửa hàng, nhà hàng mà không có bất kỳ giao thức cơ bản nào. Kết quả là số người chết vì Covid-19 tại Mỹ đã gần bằng cả châu Âu dù dân số ít hơn đáng kể.
Người châu Âu hiện tại chủ động áp dụng những bài học mà họ khó có được ở giai đoạn đầu của đại dịch như đeo khẩu trang, thực hành giãn cách xã hội, tích cực xét nghiệm và truy vết nguồn lây, đồng thời đối phó các cụm dịch nhanh chóng và cục bộ.
Tất cả những biện pháp trên, đều được thắt chặt và nới lỏng khi cần, nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng phong tỏa quốc gia đã làm tê liệt cả châu Âu và hủy hoại nền kinh tế như hồi đầu năm.
“Không thể ngăn virus”, Emmanuel André, nhà virus học hàng đầu, cựu phát ngôn viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của chính phủ Bỉ, nhấn mạnh. “Việc chúng ta cần làm là duy trì trạng thái cân bằng và chúng ta chỉ có sẵn một số ít công cụ để thực hiện điều đó”.
“Người dân đều đã mệt mỏi. Họ không muốn chiến đấu thêm nữa”, ông nói.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn sống chung với virus”, Roberto Speranza, Bộ trưởng Y Tế Italy, nước đầu tiên tại châu Âu áp lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn Covid-19, cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo La Stampa, Speranza lưu ý rằng dù “tỷ lệ lây nhiễm bằng 0 là thứ không tồn tại”, Italy giờ đây được trang bị tốt hơn rất nhiều nhằm đối phó với dịch bệnh. “Sẽ không có bất kỳ lệnh phong tỏa nào nữa”, ông tuyên bố.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều mối nguy cơ.
Các ca nhiễm mới đang tăng vọt những tuần gần đây, đặc biệt ở Pháp và Tây Ban Nha. Pháp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới trong một ngày vào tuần trước. Sự tăng vọt này không đáng ngạc nhiên vì tổng số ca xét nghiệm hàng ngày được thực hiện đã tăng đều đặn và nay nhiều gấp 10 lần so với hồi mùa xuân.
Số ca tử vong khoảng 30 người mỗi ngày chỉ bằng một phần nhỏ so với thời kỳ dịch bệnh đạt đỉnh với hàng trăm thậm chí hơn 1.000 người chết mỗi ngày vì Covid-19 tại Pháp.
Nguyên nhân là những trường hợp nhiễm virus giờ đây có xu hướng trẻ hóa và giới chức y tế đã học được cách điều trị Covid-19 hiệu quả hơn, William Dab, nhà dịch tễ học, cựu giám đốc y tế quốc gia Pháp, nhận xét.
“Virus vẫn lưu hành tự do. Chúng ta đang kiểm soát rất kém chuỗi lây nhiễm và chắc chắn những người có nguy cơ cao như người già, béo phì và bệnh nhân tiểu đường sẽ bị ảnh hưởng”, ông nói.
Video đang HOT
Đường phố Birmingham, Anh, hôm 14/9. Ảnh: AFP.
Tại Đức, giới trẻ cũng chiếm tỷ lệ cao trong số các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng. Giới chức y tế Đức có năng lực xét nghiệm khoảng hơn một triệu ca mỗi tuần. Tuy nhiên, một cuộc tranh luận đang nổ ra xung quanh câu hỏi về mức độ liên quan giữa tỷ lệ lây nhiễm với bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh.
Vào đầu tháng 9, chỉ 5% số ca nhiễm phải nhập viện điều trị, theo dữ liệu từ cơ quan y tế Đức. Thời điểm dịch đạt đỉnh hồi tháng 4, có tới 22% số người nhiễm phải nhập viện.
Hendrik Streeck, trưởng khoa virus học tại một viện nghiên cứu ở thành phố Bonn, Đức, lưu ý rằng không nên đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 chỉ dựa trên số ca nhiễm mà nên thay bằng số ca tử vong và nhập viên.
“Chúng ta đã đạt đến giai đoạn mà số ca nhiễm không còn ý nghĩa nữa”, ông cho hay.
Phần lớn châu Âu đều không được chuẩn bị khi Covid-19 ập đến. Họ thiếu khẩu trang, bộ xét nghiệm và các trang bị cơ bản khác. Số ca tử vong tại châu Âu vượt xa các nước châu Á, nơi gần hơn với nguồn bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng phản ứng nhanh chóng hơn.
Phong tỏa toàn quốc giúp đại dịch được kiểm soát trên toàn châu Âu. Nhưng tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng lại vào mùa hè sau khi nhiều nước mở cửa và người dân, đặc biệt là người trẻ, quay trở lại các hoạt động xã hội và thường không tuân thủ những biện pháp cách biệt cộng đồng.
Ngay cả khi tình trạng lây nhiễm đang gia tăng, người châu Âu vẫn trở lại làm việc và học tập trong tháng này, tạo thêm cơ hội cho virus lây lan.
“Thách thức hiện nay đối với chính phủ là tìm ra điểm cân bằng giữa nhiệm vụ phục hồi kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân”, chuyên gia dịch tễ Dab cho biết. “Đây thực sự không phải nhiệm vụ dễ dàng. Chúng ta cần trấn an người dân vừa đủ để họ quay trở lại làm việc nhưng cùng lúc, ta phải khiến họ lo lắng để vẫn tiếp tục tôn trọng các biện pháp phòng ngừa”.
Trong số những biện pháp này, đeo khẩu trang đang được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu và chính phủ các nước đều đồng tình rằng sử dụng chúng là điều cần thiết.
Hồi đầu năm, vì cung không đủ cầu nên chính phủ Pháp không khuyến khích người dân đeo khẩu trang, nói rằng chúng không thể bảo vệ người đeo, thậm chí còn gây hại.
Thay vì áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc mà không tính đến sự khác biệt giữa từng khu vực như trước đây, nhà chức trách các nước đã bắt đầu phản ứng nhanh hơn với từng cụm dịch ở địa phương bằng những biện pháp cụ thể.
Ví dụ hôm 14/9, giới chức thành phố Bordeaux, Pháp, thông báo họ đang đối mặt tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh, vì thế chính quyền sẽ giới hạn những cuộc tụ tập cá nhân xuống còn 10 người, hạn chế tới thăm các trại dưỡng lão và cấm đứng tại các quán bar.
Tại Đức, trong khi năm học mới đã bắt đầu, nhà chức trách cảnh báo những sự kiện truyền thống như lễ hội hóa trang hay hội chợ Giáng sinh có thể phải giảm quy mô hoặc hủy bỏ. Các trận bóng trong khuôn khổ giải Bundesliga sẽ tiếp tục diễn ra mà không có khán giả tới cuối tháng 10.
Tại Anh, nơi việc đeo khẩu trang chưa được thực thi nghiêm ngặt, nhà chức trách đã thắt chặt các quy định về họp mặt gia đình ở Birmingham, thành phố đang ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại. Ở Bỉ, các hoạt động tụ tập bị giới hạn trong nhóm 6 người.
Một điểm xét nghiệm nCoV tại Vénissieux, Pháp, hồi tuần trước. Ảnh: AFP.
Tại Italy, chính phủ tiến hành phong tỏa các ngôi làng, bệnh viện hay thậm chí cả trại tạm trú của người di cư nhằm chặn đứng những cụm dịch mới.
Theo chuyên gia dịch tễ học Antonio Miglietta, nhiều tháng chiến đấu với Covid-19 đã giúp nhà chức trách biết cách dập tắt dịch bệnh trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Chúng tôi đang làm tốt hơn từng ngày”, ông nói.
Thời điểm dịch mới bùng phát, hầu hết người dân Pháp đều chỉ trích cách chính phủ ứng phó với dịch bệnh. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người dân đều tin rằng chính phủ sẽ xử lý sóng lây nhiễm thứ hai tốt hơn lần đầu.
Jérôme Carrière, 55 tuổi, một sĩ quan cảnh sát từ quê nhà ở Metz, phía bắc Pháp, đang tới thăm thủ đô Paris, cho biết việc hầu hết người dân đều đeo khẩu trang là một dấu hiệu tốt.
“Ban đầu, như tất cả những người dân Pháp khác, chúng tôi đều sốc và lo lắng”, Carrière chia sẻ. “Sau đó, chúng tôi thích nghi và trở lại cuộc sống bình thường”.
Bốn năm Trump 'thay máu' gương mặt ngoại giao Mỹ
Đội quân ngoại giao đa chủng tộc của Mỹ từng được xem là tấm gương phản chiếu sức mạnh và "miền đất hứa" dành cho người nhập cư.
Madeleine K. Albright, sinh ra ở Cộng hòa Czech và là phụ nữ đầu tiên trở thành ngoại trưởng Mỹ, đã tới đảo Ellis ở New York năm 1948. Colin L. Powell, người đàn ông da màu đầu tiên đảm nhận vai trò ngoại trưởng Mỹ, là con của người nhập cư Jamaica. Condoleezza Rice, ngoại trưởng thứ hai của tổng thống George W. Bush, lớn lên ở Birmingham, Alabama, dưới bóng đen chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Khi Hillary Clinton kế nhiệm Rice, nhiều quan chức bộ ngoại giao Mỹ nói đùa rằng vị trí này chỉ dành cho đàn ông da trắng, những người nắm "độc quyền" công việc này trong hơn 200 năm. Nhưng ngay cả John Kerry, người thuộc dòng dõi quý tộc ở Mỹ, người kế nhiệm của Clinton và là ngoại trưởng thứ hai của tổng thống Barack Obama, vẫn được nhìn nhận với vai trò phụ tá cho người được xem là hiện thân của giấc mơ Mỹ đối với người dân trên toàn thế giới.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell (phải) tại cuộc gặp với cựu ngoại trưởng Canada Pierre Pettigrew ở thủ đô Washington hồi tháng 8/2004. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhưng chưa đầy 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đưa mọi thứ trở lại quá khứ. Những gương mặt đại diện cấp cao nhất của Mỹ ở nước ngoài hầu hết là đàn ông da trắng, như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper, Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr và Robert C. O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Trump.
Tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa tháng trước, một loạt diễn giả đã cố gắng phác họa nhiệm kỳ tổng thống của Trump có sự đa dạng về sắc tộc trong nhóm lãnh đạo cấp cao. Nhưng thực tế là điều ngược lại, theo Helene Cooper, nhà phân tích của NYTimes.
Kelly Craft, phụ nữ da trắng, hồi năm 2019 đã tiếp quản vị trí của Nikki Haley, người Mỹ gốc Ấn và là người da màu duy nhất giữ vị trí cấp cao trong hàng ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Trump.
Nghiên cứu của Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ công bố hồi tháng 1 chỉ ra tỷ lệ phụ nữ và người da màu trong Bộ Ngoại giao trong năm 2018 đã giảm so với thập kỷ trước đó. Nghiên cứu cũng cho thấy người thiểu số hoặc da màu trong cơ quan này cũng ít có cơ hội được thăng chức so với đồng nghiệp da trắng tương đương về học vấn, cấp bậc và năm công tác.
Dữ liệu của Bộ Ngoại giao cho thấy 80 nhân viên ngoại giao da màu được thăng chức trong năm tài khóa 2019, chiếm 1% so với tổng hơn 8.000 người. Trong số 1.496 nhà ngoại giao được thăng chức còn lại, 108 là người Mỹ gốc Tây Ban Nha, 106 là người gốc Á và 90 người thuộc các nhóm thiểu số khác. Phần lớn các đề xuất thăng chức đều dành cho đàn ông da trắng.
Vấp chỉ trích vì có chưa tới 25% nhân viên ngoại giao là người da màu, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/9 thông báo tăng 50% cơ hội nghề nghiệp cho ứng viên thuộc các cộng đồng thiểu số nhằm thu hút nhân tài. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng được báo cáo tập trung phần lớn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của cơ quan này.
Trong số 189 đại sứ Mỹ tại nước ngoài, hiện chỉ có 3 người da màu và 4 người gốc Tây Ban Nha, theo Học viện Ngoại giao Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Bush, Mỹ có 19 đại sứ da màu, còn con số trong nhiệm kỳ đầu của Obama là 18.
Nhiều quan chức chính sách ngoại giao thừa nhận ngay cả khi Rice và Powell nắm quyền, phần lớn nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ là người da trắng, nhưng thêm rằng ít nhất họ đã góp phần tạo nên hình ảnh quốc gia nỗ lực đảm bảo sự bình đẳng.
"Obama và Bush ít nhất đã cố gắng tuyển dụng và làm tăng tính đa dạng của đội ngũ nhân viên", Chris Richardson, nhân viên ngoại giao Mỹ gốc Phi dưới thời tổng thống Obama và Trump. "Nhưng Trump có vẻ như 'sao cũng được'".
Sau khi nhậm chức, Trump đã nhanh chóng loại bỏ các quan chức người Mỹ gốc Phi cấp cao trong Bộ Ngoại giao. Nhà Trắng đã gửi thư cho đại sứ Gentry O. Smith, giám đốc Văn phòng Các nhiệm vụ ở nước ngoài, và Joyce Anne Barr, trợ lý ngoại trưởng, để nói rằng công việc của họ không còn cần thiết nữa. Quan chức Nhà Trắng cũng thông báo với Linda Thomas-Greenfield, trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi, rằng họ hy vọng bà rời đi. Ba trong 5 quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao mà Trump sa thải sau khi nhậm chức là người da màu.
Sau khi bỏ trống vị trí của Thomas-Greenfield hơn một năm, Trump đã bổ nhiệm Tibor P. Nagy Jr. phụ trách vấn đề ngoại giao Mỹ ở châu Phi. Quyết định bổ nhiệm ông Nagy đã nối dài thêm danh sách quan chức ngoại giao là đàn ông da trắng của Trump.
Bà Thomas-Greenfield từng kể về lần gặp phái đoàn Trung Quốc tại cuộc họp của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa, Ethiopia hồi năm 2015. Ngồi cạnh bà là nhân viên ngoại giao người Mỹ gốc Hoa, thành viên của phái đoàn Mỹ.
"Tôi có cảm giác chúng tôi đang phô diễn sức mạnh khi phái đoàn Trung Quốc nhìn thấy một phụ nữ Mỹ gốc Phi ngồi cạnh một người đàn ông Mỹ gốc Hoa và cả hai đều đang đại diện cho Mỹ", bà nói. "Đó là sức mạnh của tấm gương Mỹ, phản chiếu nhiều điều về những gì chúng tôi có thể đạt được khi là một xã hội cởi mở, hòa nhập. Điều đó bây giờ đã không còn. Khi bạn nhìn vào phái đoàn của Trump, chỉ có toàn đàn ông da trắng".
Richardson, nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi, nói ông thích nói với khán giả nước ngoài về câu chuyện "nhiều mặt" của nước Mỹ, với lịch sử nô lệ, phân biệt chủng tộc được thể chế hóa, phong trào dân quyền và Martin Luther King Jr., đỉnh điểm là Obama đắc cử tổng thống.
"Tôi đã muốn trở thành người đại diện cho Mỹ ngay từ khi còn là đứa trẻ. Đi tới nhiều nơi khác nhau và cho mọi người thấy lời hứa của Mỹ là gì, đó là điều rất đáng tôn kính với tôi", Richardson nói.
Nhưng sau khi Trump đắc cử, Richardson cho biết tâm trạng của ông luôn nặng trĩu mỗi khi đứng trước khán giả ở Madrid với vai trò là đại diện đại sứ quán Mỹ ở Tây Ban Nha. Richardson không ngạc nhiên khi câu hỏi đầu tiên mà mọi người đặt ra là "Bạn làm sao có thể nói Mỹ là miền đất hứa khi người đàn ông này trong Nhà Trắng?"
Không lâu sau đó, Richardson từ chức và trở về Mỹ làm luật sư về vấn đề nhập cư. "Tôi không thể là đại diện cho chính quyền này", ông nói.
Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark A. Milley,, từ trái qua phải, phát biểu tại Mar-a-Lago, bang Florida hồi tháng 12/2019. Ảnh: NYTimes.
Monde Muyangwa, giám đốc chương trình châu Phi tại Trung tâm Wilson, nhớ lại ngày tháng làm việc ở Bộ Quốc phòng dưới thời chính quyền Bush và Obama.
"Tôi có gần 14 năm làm việc tại Bộ Quốc phòng, nơi tôi phụ trách các vấn đề an ninh châu Phi và thực hiện nhiều chương trình ở các quốc gia châu Phi. Ở một số quốc gia, chúng tôi thậm chí không cần nói gì bởi chỉ cần nhìn vào thành phần của phái đoàn Mỹ, với sự đa dạng về giới tính và chủng tộc, đã đủ gây ấn tượng mạnh với họ", Muyangwa nói.
Muyangwa, sinh ra ở Zambia, đã chuyển tới Mỹ năm 1995 và trở thành công dân Mỹ năm 2004. Bà có bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế và hiện điều hành một bộ phận quan trọng của Viện Nghiên cứu Washington. Bà là ví dụ cho câu chuyện thành công ở đất nước mà mọi điều đều có thể.
Bà kể nhiều phái đoàn châu Phi thường nhìn bà và tự hỏi "làm thế nào một phụ nữ da màu như tôi lại vươn tới vị trí cấp cao đó".
Peter Wittig, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, từng nói câu chuyện của Mỹ về người nhập cư và thành công của họ như "kim chỉ nam" cho Đức khi quốc gia này phải vật lộn với làn sóng nhập cư và tị nạn.
"20 năm trước, Bộ Ngoại giao của chúng tôi chỉ có đàn ông da trắng và chúng tôi xem Mỹ như một điều khác biệt, một điều gì đó để phấn đấu", ông nói. "25% dân số Đức hiện có ít nhất bố hoặc mẹ là người nhập cư. Với chúng tôi, Mỹ đã góp phần tạo nên câu chuyện thành công đó".
Wittig hy vọng Mỹ có thể đảm nhận lại vai trò đáng ngưỡng mộ đó trên vũ đài quốc tế. "Một tổng thống không thể xóa đi điều này", ông nói.
Đâm dao liên hoàn ở Anh, nhiều người thương vong Hôm 6-9, Reuters đưa tin cảnh sát đang truy tìm một người đàn ông bị tình nghi có liên quan đến vụ tấn công bằng cách đâm dao kéo dài 2 giờ ở thành phố Birmingham, miền trung nước Anh. Vụ tấn công đã khiến 1 người đàn ông thiệt mạng, 7 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nghiêm...