Chật vật chống Covid-19 trong ‘nhà quan tài’
Trước đại dịch, Lum Chai thường tụ tập với bạn trong công viên để thoát khỏi căn phòng chật hẹp, nhưng giờ đây ông phải tránh xa tất cả.
Lum gần như không thể cẩn thận thực hiện các quy tắc cách biệt cộng đồng nhằm ngăn nCoV tại nhà của mình. Người đàn ông 45 tuổi sống trong một “nhà quan tài” ở Hong Kong, loại căn hộ thường chỉ đủ không gian cho một chiếc giường và vài đồ cá nhân. Hàng xóm gần nhất sống cách Lum vài bước chân trong cùng căn phòng.
Những “nhà quan tài” thường rộng chưa đầy 10 m2, chỉ lớn hơn một chút so với hầu hết buồng giam tù nhân trong thành phố. Phòng tắm phần lớn đều dùng chung, thường không có nhà bếp mà chỉ sử dụng bếp điện. Các gian phòng ngăn cách bằng vách ngăn di động. Lum, người đang thất nghiệp, cho biết mỗi tháng ông trả 1.800 đôla Hong Kong (232 USD) tiền thuê một căn hộ 10 người chung sống.
Người dân sống trong một “nhà quan tài” ở Hong Kong. Ảnh: CNN.
Hoàn cảnh của Lum không hề xa lạ tại Hong Kong, nơi tình trạng bất bình đẳng kinh tế khá sâu sắc. Cứ 10 người ở đặc khu thì 9 người sống trong không gian dưới 70 m2, nhưng vẫn phải chấp nhận một trong những mức phí thuê phòng và bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Công ty đầu tư bất động sản CBRE cho biết giá trung bình của một ngôi nhà tại Hong Kong hồi năm ngoái là hơn 1,2 triệu USD.
Giá bất động sản “trên trời” là một trong những vấn đề chính thúc đẩy các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong năm ngoái. Tuy nhiên, “cuộc đổ bộ” của nCoV khiến đám đông buộc phải rút về những căn phòng chật hẹp và đẩy họ vào hoàn cảnh tồi tệ hơn.
Cheung Lai Hung và Chan Yuk Kuen, hai phụ nữ về hưu gần 60 tuổi, cho biết từ khi đại dịch bùng phát, họ phải dành thêm 10 giờ mỗi ngày trong căn hộ gần 10 m2, “giết thời gian” bằng cách xem tivi, nghe nhạc hoặc ngủ. “Chúng tôi sợ tình huống hiện nay”, Cheung cho biết.
Một yếu tố khác khiến nhiều người phải ở nhà là vấn đề việc làm. Jeff Rotmeyer, người sáng lập quỹ từ thiện Impact HK hỗ trợ người nghèo ở Hong Kong, cho biết nhiều người gần đây tìm đến sự giúp đỡ của tổ chức do bị cắt giảm giờ làm, hoặc tệ hơn là mất việc.
Rotmeyer cho hay một số người thậm chí bị đuổi khỏi nhà do không thể trả tiền thuê. “Tôi nghĩ mọi người chưa nhận thức được Hong Kong đang đứng gần bờ vực thảm họa toàn diện như thế nào, liên quan đến nhóm nhân khẩu học sống trong những căn hộ chưa tới 10 m2″, ông nói thêm, chỉ trích các chủ nhà “không rộng lượng và kém linh hoạt”.
Video đang HOT
Vào một ngày lạnh lẽo bất thường hồi đầu tháng, Lum hòa vào đám đông gồm hơn 100 người xếp hàng nhận bữa tối miễn phí tại khu Tak Kok Tsui, phía tây Mong Kok và Sham Shui Po, hai trong số những quận nghèo và đông dân nhất thành phố. Dòng người xếp trên vỉa hè hẹp kéo dài hơn bình thường, bao gồm những người trung niên như Lum, người cao tuổi về hưu và những người mới thất nghiệp.
Nhu cầu thực phẩm dường như đánh bại các quy định cách biệt cộng đồng khi tình trạng chen lấn xảy ra. Chu Kin Lik, một tình nguyện viên 61 tuổi của Impact HK, đã cố gắng giữ khoảng cách giữa mọi người. Tuy nhiên, Rotmeyer cho biết nhiệm vụ này rất khó khăn.
“Bạn có thể thấy họ hoảng loạn và sợ hãi hơn một chút, bởi sự thật là nếu không lấy được thức ăn ngay bây giờ, họ có thể sẽ không có gì để ăn”, Rotmeyer cho hay.
Dù ca nhiễm nCoV đầu tiên xuất hiện ngay từ tháng một, Hong Kong tới nay vẫn chỉ ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm và 4 người chết. Vì vậy, hầu như không ai phản đối những biện pháp hạn chế chính quyền yêu cầu. Tuy nhiên, chung sống với loạt quy định đó không phải điều dễ dàng.
Những người xếp hàng lấy đồ ăn mà CNN phỏng vấn đều nhận thức được sự cần thiết của biện pháp cách biệt cộng đồng. Nhiều người cho biết họ đang giữ vệ sinh tốt hơn, rửa tay thường xuyên hơn theo khuyến cáo của chính quyền. Mặc dù vậy, dường như chỉ vài người biết khoảng cách tối thiểu cần duy trì với người khác là 1,5 m.
Khi được hỏi về khó khăn trong việc duy trì khoảng cách phù hợp giữa không gian sống chật hẹp, một số người sống trong “nhà quan tài” nhún vai và nói rằng chỉ còn cách đóng cửa. “Rõ ràng không công bằng khi chúng tôi phải tránh xa người khác. Nhưng nếu đó là điều cần làm, chúng tôi sẽ thực hiện. Hy vọng nó sẽ giúp virus biến mất sớm hơn”, Cheung cho hay.
Giới chức đặc khu công bố gói biện pháp trị giá 37 tỷ USD nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, bao gồm giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê cho người thu nhập thấp sống trong những khu nhà công cộng, cho phép những doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lãi suất thấp, hỗ trợ 10.000 đôla Hong Kong (1.290 USD) tiền mặt cho tất cả cư dân thường trú trên 18 tuổi.
Tuy nhiên, không nhiều người đề cập đến tác động về mặt tâm lý với những người phải tự cách ly trong không gian chật hẹp, hầu như không tiếp xúc xã hội. Các khu vực công cộng như thư viện, hay khu tập thể dục trong công viên, đều đã đóng cửa. Nhà hàng hạn chế số lượng thực khách. Quán bar buộc phải ngừng hoạt động, trừ khi có phục vụ đồ ăn. Người dân không được tụ tập trên 4 người nơi công cộng.
Chính quyền Hong Kong gần đây quyết định dành khoảng 50 triệu đôla Hong Kong (6,5 triệu USD) mỗi năm cho “những sáng kiến giáo dục cộng đồng và thúc đẩy sức khỏe tinh thần”, đồng thời thành lập một trang web hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này. Họ cũng đề nghị các tổ chức phi chính phủ cung cấp một số dịch vụ miễn phí.
“Việc thực hiện cách biệt cộng đồng trong một thành phố đông đúc và sôi động như Hong Kong thực sự là một thách thức”, một phát ngôn viên của chính quyền cho hay, nói thêm rằng họ không cấm người dân ra ngoài và nhiều người vẫn tới các công viên.
Tuy nhiên, Lum Chai giờ đây phải đi một mình trên những con đường vắng lặng khác thường của thành phố. Ông cũng không còn nói chuyện với gia đình, khiến việc đối mặt với nỗi cô đơn và sợ hãi khó khăn hơn.
“Tôi vô cùng cô đơn, chỉ ra ngoài để uống bia rồi về nhà ngủ. Tôi hy vọng virus có thể sớm biến mất và Hong Kong trở lại là thành phố tấp nập như trước đây. Một thành phố đầy náo nhiệt”, Lum nói.
Ánh Ngọc
CSIS ca ngợi bí quyết giúp Việt Nam khống chế nguồn lây nhiễm Covid-19
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Việt Nam đã khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhờ vào việc huy động nguồn lực nhân dân trong việc giám sát thực hiện cách ly và nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân.
Tranh cổ động về phòng, chống Covid-19 được dán, treo ở các trụ sở cơ quan, trường học. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Nằm trong số những nước có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp nhất thế giới và theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Trong bài bình luận đăng tải trên trang web của CSIS mới đây, bà Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS, cho biết Việt Nam cùng với Singapore là hai nước đã sớm hành động để ứng phó ngay từ khi dịch mới bùng phát.
Tuy nhiên, hiện Singapore đang phải chống đỡ với làn sóng các ca lây nhiễm mới, trong khi Việt Nam với hơn 96 triệu dân, đã không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào trong gần 1 tuần qua.
Tính đến ngày 21/4, Việt Nam có 268 mắc COVID-19 mà không có ca tử vong.
Theo bà Searight, Việt Nam đã dựa vào việc huy động nguồn lực nhân dân, cách ly xã hội và "giám sát công dân" trên diện rộng để khống chế dịch bệnh lây lan.
Ngay từ những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, Việt Nam đã đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu, các trường học và thực hiện cách ly trên diện rộng.
Một làng ở tỉnh Vĩnh Phúc là khu vực đầu tiên bị cách ly toàn bộ trong 21 ngày và hàng chục nghìn người đã được đưa đi cách ly tập trung.
Theo bà Searight, một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam khống chế dịch tốt là nhờ một mạng lưới rộng lớn những người cung cấp tin tức, giúp xác định danh tính cũng như cách ly những người bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và những người đã tiếp xúc với họ.
Bà Searight cho rằng hoạt động này đã phát huy hiệu quả rất cao, ngoài ra hệ thống này nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả người dân và người nước ngoài ở Việt Nam, khi nhập cảnh cũng như khi đi đến bệnh viện, tới nhà hàng, thậm chí đến các cơ sở làm đẹp hoặc massage.
Để việc giám sát đạt hiệu quả hơn, một ứng dụng di động nhằm truy dấu các trường hợp F1, F2 khi xuất hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng định vị Bluetooth đã được Bộ Thông tin & Truyền thông công bố ngày 18/4.
Thông qua ứng dụng, được đánh giá là "bảo mật, ẩn danh và minh bạch" này, cơ quan y tế sẽ biết được những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Takeshi Kasai ngày 21/4 cho rằng người dân Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ và có ý thức kỷ luật trong việc "tuân thủ các quy tắc xã hội để giảm lây nhiễm".
Thành công bước đầu chống Covid-19, Áo nới lỏng biện pháp phong tỏa Từ hôm nay (14/4), Áo sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa nhằm đối phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 sau khi có những thành công bước đầu. Ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh hồi giữa tháng 3 vừa qua, Áo đã là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Âu sớm áp dụng...