Chất thải của con người gây ô nhiễm đỉnh Everest
Chất thải của các nhà leo núi trên ngọn Everest đang gây ô nhiễm môi trường, theo người đứng đầu hiệp hội leo núi Nepal.
Người thu gom rác trên đỉnh Everest – Ảnh: AFP
Vào mỗi mùa leo núi dài khoảng 2 tháng, có hơn 700 người kéo đến ngọn núi Everest để chinh phục. Tuy nhiên, những người này cũng để lại một lượng lớn phân và nước tiểu, và vấn đề này chưa từng được nhắc đến, The Guardian ngày 3.3 dẫn lời ông Ang Tshering, Chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal.
Ông Tshering cho biết chính phủ Nepal cần phải tuyên truyền cho các nhà leo núi về ý thức vứt bỏ rác thải đúng cách để ngọn núi vẫn giữ được vẻ nguyên sơ.
Có hàng trăm nhà leo núi nước ngoài đến Nepal để chinh phục Everest vào mỗi mùa leo núi, bắt đầu vào đầu tháng 3, kéo dài đến tháng 5. Mùa leo núi năm ngoái đã bị hủy sau vụ 16 hướng dẫn viên địa phương thiệt mạng trong một trận lở tuyết vào tháng 4.
Các nhà leo núi thường dành nhiều tuần để làm quen với khí hậu bằng việc dựng trại. Các trại được dựng ở độ cao 5.300 mét (đỉnh núi cao 8.850 mét) với một số trang thiết bị cần thiết và đồ dự trữ nhưng lại không có nhà vệ sinh.
“Các tay leo núi thường đào những cái hố trong tuyết để sử dụng như nhà vệ sinh và chất thải được &’chồng chất’ sau nhiều năm xung quanh trại”, ông Tshering nói.
Tại các trại có nhiều người nấu ăn và nhân viên hỗ trợ hơn trong mùa leo núi. Ngoài ra còn có những người làm vệ sinh với những chiếc thùng dùng để đựng chất thải. Khi các thùng đã đầy, người ta đem đi đổ tại một khu vực thấp hơn theo đúng cách.
Video đang HOT
Ông Dawa Steven Sherpa là người dẫn đầu đoàn quét dọn đỉnh Everest kể từ năm 2008 cho hay một số người leo núi còn mang theo túi vệ sinh để sử dụng tại các trại trên cao. “Đây là một mối nguy đối với sức khỏe và vấn đề cần phải được nhắc đến”, ông Sherpa nói.
Chính phủ Nepal vẫn chưa có kế hoạch để xử lý vấn đề chất thải con người. Tuy nhiên vào đầu mùa này, các nhân viên sẽ có mặt tại trại để giám sát chặt chẽ việc thải rác trên núi.
Vào năm ngoái, chính phủ đã đặt ra những quy định mới yêu cầu mỗi nhà leo núi khi leo xuống phải mang theo 8 kg rác thải. Đội leo núi cần phải đặt cọc 4.000 USD, họ sẽ mất số tiền này nếu không tuân thủ đúng các quy định.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Những cảnh đẹp nguy hiểm chết người trên thế giới
Dù được cảnh báo là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nhiều du khách không thể cưỡng nổi sức hấp dẫn của những cảnh đẹp ngoạn mục dưới đây.
Đỉnh Washington, New Hampshire: Một đỉnh nhỏ của núi Washington ở hạt Coos dù không nổi tiếng nguy hiểm như các ngọn núi khác trên thế giới, song đây là nơi thời tiết luôn thay đổi bất thình lình, với những cơn bão kèm mưa đá vào mùa hè, những trận cuồng phong từng lấy đi 138 mạng người năm 1849. Nhiệt độ trung bình trong năm là -2,7 độ C, có lúc xuống tới -45,5 độ C. Sức gió mạnh nhất lên tới 371 km/h.
Banff, British Columbia: Với mặt hồ xanh thẳm, những ngọn núi cao hùng vĩ, những dòng sông băng ngoạn mục, Banff là nơi có địa hình đẹp nhất vùng Bắc Mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn đến đây du lịch thì phải thực sự cẩn trọng. Nhiệt độ ở đây thay đổi bất ngờ, đặc biệt cần cảnh giác động vật hoang dã. Những chú gấu ngủ đông thường thức dậy từ đầu hè, do thời tiết ấm lên và tuyết tan trên các sườn núi. Tháng 3 năm ngoái đã có 3 người chết vì lở tuyết.
Núi lửa Bardarbunga, Iceland: Vào tháng 10, núi lửa Bardarbunga trên cánh đồng nham thạch Holuhraun phun trào và bao trùm lên cảnh vật xung quanh, thậm chí mạnh hơn vụ núi lửa Eyjafjallajokull năm 2010 khiến hàng ngàn chuyến bay bị hoãn, gây thiệt hại hơn 7 triệu USD doanh thu du lịch. Núi lửa Bardarbunga hiện vẫn chưa ngừng phun, đồng thời gây động đất hầu như mỗi ngày. Tuy nhiên, các đặc điểm địa chất như hoạt động núi lửa, mạch nước phun, suối nước nóng làm cho Iceland vừa là nơi nguy hiểm, nhưng lại tuyệt đẹp và hấp dẫn du khách.
Đỉnh Everest, Nepal: Năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt đến nỗi đã cướp đi sinh mạng của 19 người gồm cả người leo núi và công nhân làm việc. Thời tiết bất thường cùng băng tan là những hiểm họa gây chết người nhiều nhất. Thêm vào đó, hồ Imja được tạo thành do sông băng tan cũng là nguyên nhân của lũ lụt. Những cột băng tuyết treo lơ lửng ở West Shoulder làm cho đoạn đường này trở nên khó khăn hơn những năm trước. Các công ty của Nepal như Asian Trekking và High Altitude Dreams hiện chào giá leo núi trong mùa xuân lên tới 25.000 - 35.000 USD, trong khi một công ty khác là International Mountain Guides báo giá từ 45.000 - 65.000 USD.
Vùng đất lún Danakil Depression, Ethiopia: Đây là một trong những nơi khắc nghiệt nhất trái đất, nhưng lại vô cùng đẹp. Nhiệt độ ở Danakil cao ở mức nhiệt độ sôi của thủy ngân với những trận động đất thường xuyên xảy ra. Cảnh tượng với màu vàng rực rỡ của sulfur, những cánh đồng muối trắng xóa, cùng những ao nước thủy nhiệt xanh biếc tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngoạn mục.
Đường mòn Kalalau và bãi biển Hanakapiai, Hawaii: Đường mòn Kalalau trên hòn đảo Kauai cho du khách mọi thứ, từ khu rừng nhiệt đới cách biệt, núi lửa, các vách đá cheo leo đến các bãi biển hoang sơ. Tuy nhiên, con đường mòn này hứa hẹn rất nhiều nguy hiểm bởi nó cắt 3 dòng suối nên rất dễ ngập lụt, và đá lăn gần những con thác. Nếu du khách bị tai nạn thì hầu như không có cộng đồng dân cư nào gần đó để hỗ trợ. Bãi biển Hanakapai cách đường mòn 2 dặm là cảnh tượng tuyệt vời của làn nước Thái Bình Dương trong xanh như pha lê. Hơn 100 người từng bỏ mạng tại đây do bị sóng cuốn khi thủy triều đột ngột biến đổi. Và ở đây hoàn toàn không có cứu hộ biển.
Cape Cod, Massachusetts: 10 năm trở lại đây, số lượng hải cẩu ở vùng biển này bỗng dưng tăng vọt. Ở đâu có hải cẩu, ở đó có cá mập trắng khổng lồ. Greg Skomal, một nhà nghiên cứu đã phân loại 56 cá thể cá mập trắng, trong đó 15 loài ở vùng biển Massachusetts vào mùa hè năm ngoái. Nhiều người chèo thuyền và ngư dân từng bắt gặp cá mập trắng thời gian gần đây.
Venezuela: Đây là quê hương của ngọn thác Angel Falls cao nhất thế giới. Với dãy Andes ở phía tây bắc, rừng Amazon ở phía nam, những hòn đảo Caribbe ở bờ biển phía bắc và thảo nguyên bao la ở miền trung, Venezuela là nơi lý tưởng cho các cuộc hành trình. Tuy nhiên, vào tháng 6/2014, Mỹ đã cảnh báo du khách đến đất nước này vì tình trạng tội phạm, đặc biệt tỷ lệ bắt cóc, giết người rất cao ở các khu đô thị lớn. Dòng sông Catatumbo còn giữ kỷ lục là nơi bị sét đánh nhiều nhất trên thế giới.
Machu Picchu và Huayna Picchu, Peru: Được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1983, Machu Picchu tiếp tục trở thành điểm hấp dẫn du khách trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ 400 du khách được phép leo Huayna Picchu trong một ngày. Nơi đây có độ cao 304 m và có thể nhìn toàn cảnh thành phố. Đường lên Huayna Picchu dốc đứng và trơn trượt, đôi khi tầm nhìn bị cản trở vì sương mù. Mỗi năm có vài du khách bỏ mạng tại đây.
Maroon Bells, Colorado: Tháng 10/2014, hai người đàn ông ngã xuống một con mương ở phía bắc Maroon, một người bị chết và một người bị thương nặng. Cũng trong tháng đó, một bà mẹ và cô con gái phải gọi trực thăng cứu hộ từ thác băng vì bị lạc đường. Tháng 11, 3 sinh viên cũng phải gọi cứu hộ vì không tìm được đường về. Nơi đây nổi tiếng với bão tuyết và mưa lớn, với những sườn núi dựng đứng và dễ lở.
Theo Zing
Dân kêu trời vì lò đốt rác thải bệnh viện Lò đốt rác thải nằm quá gần khu dân cư, thời gian đốt không cố định khiến hàng trăm hộ dân sống xung quanh khu vực Bệnh viện TP Vinh và khu vực Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu khốn khổ mỗi ngày. Tuyến tỉnh "kêu" Nghệ An hiện có gần 40 bệnh viện, trong đó có 12...