Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Cần lắng nghe ý kiến của chuyên gia và người dân
Trên nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội đang ngổn ngang những cây xanh bị đốn hạ. Dự kiến Hà Nội sẽ loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Dẫu biết đây là kế hoạch của thành phố nhưng nhiều người cảm thấy xót ruột, tiếc nuối và lo lắng cho không gian xanh đô thị đang bị phá vỡ.
Qua khảo sát cây xanh ở 10 quận nội thành Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất chặt hạ 6.700 cây xanh, trong đó có những cây xanh hơn 100 tuổi. Trong số những cây xanh đó có một phần là cây bị sâu, mục, rễ nông, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông. Có một phần không nhỏ phải chặt bỏ để phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao (số này đã bị chặt) là những cây xà cừ cổ thụ dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, ven hồ Thủ Lệ, đường Láng…
Sau khi chặt hạ cây xanh, theo dự kiến cơ quan chức năng sẽ trồng lại tại các tuyến phố những cây được coi là phù hợp với cây xanh đô thị, có tán rộng và đảm bảo an toàn… , thực hiện và quản lý theo hướng xã hội hóa.
Nhiều cây muồng lớn trên phố Lê Duẩn bị chặt hạ. (Ảnh chụp chiều 17/3/2015).
Đi trên các tuyến phố Hà Nội những ngày này, ai yêu Hà Nội cũng đều cảm thấy xót xa trước những thân cây muồng, cây xà cừ với đường kính thân cây cỡ lớn. Chiều 17/3, các công nhân đang đào nốt phần gốc của những cây muồng trên tuyến phố Lê Duẩn, đoạn tiếp giáp Công viên Lê Nin. Nhìn bằng mắt thường, những thân cây muồng đoạn gần mặt đất không thấy dấu vết của sâu mục. Chỉ có cây bàng cổ thụ thì vết sâu khoét gần như hết cả phần thân. Các phần việc dọn cành, bứng gốc… vẫn đang ngổn ngang.
Dọc tuyến Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm cũng là một đại công trường với những cây phượng đang bị đốn hạ, để lại khoảng trống trên những con phố đã quen thuộc với hàng cây xanh. Mùa hè này Hà Nội sẽ trở nên nóng nực hơn rất nhiều khi một lượng cây xanh khổng lồ biến mất, trơ lại những khối bê tông vô tri hứng nắng.
Xót xa trước việc thay thế hàng loạt cây xanh ở Hà Nội, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, kiến nghị: “Tạm dừng việc chặt hạ cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể, đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt kiểm nghiệm và thấy việc này thỏa đáng không. Nếu thỏa đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thỏa đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại…”.
Video đang HOT
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, việc thay đổi cây xanh trong đô thị vì lý do mục ruỗng, nguy hiểm… thì nên thay đổi. Thay đổi cho phù hợp là việc bình thường của nhà quản lý đô thị (trừ cây di sản thì phải tìm mọi cách giữ). Nhưng, việc thay đổi không phù hợp, vì một lý do nào đó thì không nên. Vừa rồi Hà Nội chặt một loạt cây xanh để xây dựng tuyến đường sắt trên cao, đặc biệt là chặt cây cổ thụ, như cây xà cừ, loại cây rễ ăn sâu, bền chắc, tỏa bóng mát như cây sấu là không nên. Cây xà cừ bị chặt bỏ nhiều nhất, có cây trồng cả trăm năm nay, từ thế kỷ 19 người Pháp quy hoạch Hà Nội. Hà Nội đã có nhiều con phố mà cây xanh tạo nên thương hiệu cho nó, như phố Lò Đúc có cây sao đen, phố Phan Đình Phùng có cây sấu, Hoàng Hoa Thám có cây sưa…
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, nhiều cây xanh có trước tuyến đường khi bổ sung quy hoạch đô thị. Do tư duy làm cho nhanh, chúng ta không trân trọng, không coi cây xanh cũng là một phần tất yếu, là một ký ức của người dân đô thị.
“Phá nhà thì dễ, nhưng cây xanh thì phải trồng trong vòng 50 – 70 năm mới có được một cây to. Về khoa học, cây xanh là nguồn cải tạo môi trường sống đô thị. Chúng ta thử hình dung một đô thị không có cây xanh giống như con người ra đường không đội mũ, con người sẽ ốm. Đô thị không có cây xanh là đô thị hoang lạnh, chỉ là những khối bê tông vô cảm. Đô thị phải là tổ ấm chứ không phải chỉ là những khối kiến trúc. Cũng giống như khi nói đến Hải Phòng là thành phố Hoa phượng đỏ, Sài Gòn là những hàng me… Các nhà quản lý đô thị cần có tư duy văn hóa, nghĩ về cộng đồng chứ không phải tư duy nhiệm kỳ. 5 năm không thể trồng được một cây xanh cổ thụ. Con người là vốn quý của cuộc đời thì cây xanh là vốn quý của đô thị” – KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cây xanh là một trong những tiêu chí mà con người hướng đến xây dựng “đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc” – chủ đề của Ngày Kiến trúc thế giới năm 2014. Chúng ta đang học tập tấm gương Bác Hồ từ việc trồng cây xanh khi mùa xuân về. Chúng ta cũng đã thiệt hại nhiều trong một thời gian dài do quản lý yếu kém, người dân không ý thức đã bức tử cây xanh, thậm chí là cưa trộm cây xanh mang bán.
Vậy thì, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của người dân để đưa ra một giải pháp hợp lý nhất cho cây xanh đô thị, giữ gìn một không gian đô thị lành mạnh phục vụ cho chính sức khỏe, cuộc sống của chúng ta.
Theo Việt Hà
Công an Nhân dân
Cây đổ chết người, hư tài sản ở Hà Nội: Né trách nhiệm?
Cái chết thương tâm của anh Nguyễn Hữu Dần, lái xe taxi do bị cây xanh đổ xảy ra vào tối 4/6 vừa qua, trên đường Hùng Vương (quận Ba Đình, Hà Nội) làm cho nhiều lái xe, người dân tham gia giao thông trên đường phố hoang mang, lo lắng. Vấn đề dư luận quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại tài sản cũng như hiểm nguy về tính mạng của người dân.
Ai phải bồi thường?
Trước đó, ngày 17/8/2012, trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), gió giật mạnh làm một cây xanh đổ xuống đè ngang xe khiến lái xe tử vong tại chỗ. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã bị cây xanh đổ, gãy gây thương vong và thiệt hại nặng nề về tài sản.
"Cái chết của đồng nghiệp xảy ra tối 4/6 khiến chúng tôi đau lòng và lo lắng. Sau vụ tai nạn, các lái xe taxi đều quan tâm là trong trường hợp này ai sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Hằng năm thành phố chi nhiều tỷ đồng cho công tác bảo dưỡng, chăm sóc, cắt tỉa cây song không hiểu sao những vụ tai nạn do cây gãy, cây đổ vẫn cứ xảy ra mỗi khi mưa to gió lớn", anh Hoàng Hữu Dung lái xe taxi hãng Thanh Nga nói.
Không chỉ người dân mà ngay cả đại diện cơ quan chức năng, cũng lo ngại về tình trạng cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão. Theo ông Nguyễn Văn Tòng - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội - hiện trên địa bàn có rất nhiều biển báo, đèn tín hiệu bị cây xanh che khuất tầm nhìn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Đơn vị đã phải liên tục gửi văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan cắt tỉa hay có các biện pháp cảnh báo về nguy cơ cây xanh gãy đổ trên nhiều tuyến phố.
Cây đổ khiến tài xế taxi thiệt mạng vào tối 4/6 trên đường Hùng Vương (đoạn trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng) Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Cty Công viên cây xanh Hà Nội)-đơn vị được giao quản lý hệ thống cây xanh hiện nay - cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp cây xanh lâu năm bị gãy đổ. Riêng trong trận mưa giông ngày 4/6, đã có gần 160 trường hợp cây xanh bị gãy đổ.
Lý giải của ông Mạnh, bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao làm cho rễ cây lâu năm bị nông cạn dẫn đến cây dễ gãy đổ khi mưa bão.
Đề cập về trách nhiệm trước những trường hợp cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người dân, lãnh đạo công ty này cho rằng, đến thời điểm này chưa có một quy định cụ thể nào. "Chúng tôi chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố. Việc tai nạn do cây xanh đổ gãy trong mưa bão là những tai nạn đáng tiếc, bất khả kháng", đại diện Cty Công viên cây xanh nói.
Cây đổ, lộ nhiều bất cập
Hiện, Cty Công viên cây xanh Hà Nội đang được thành phố giao quản lý khoảng trên 46.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên nhiều tuyến phố thuộc 9 quận của Hà Nội. Trong số này đa phần là những cây lâu năm đã bộc lộ nhiều bất cập khi có mưa gió. Điển hình như cây xà cừ, một loại cây xanh lâu năm có bộ rễ chùm tốn đất, tán rộng nhưng rất dễ bị đổ gãy. Những loại cây có rễ chùm không chống chịu được mưa bão lớn kéo dài. Chính vì vậy trong trận mưa giông, những cây xanh bị gãy đổ phần lớn là các cây cổ thụ dễ đổ gãy như xà cừ, muồng.
Mỗi năm, đơn vị này phải cắt sửa trên 4.000 cây nặng tán, nguy hiểm; chặt hạ trên 1.000 cây chết khô, sâu mục, nghiêng, nguy hiểm. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực lẫn phương tiện, nên trong những đợt gãy đổ cây hàng loạt vừa qua, việc dọn dẹp, giải tỏa và trồng mới cây thay thế gặp nhiều khó khăn.
"Thời điểm này những cây xanh đổ rạp gây cản trở giao thông trên các tuyến đường về cơ bản đã được dọn dẹp. Chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng và cũng phải vài ngày nữa mới có thể thu dọn hết tất cả các cây xanh đổ, gãy trong công viên, vườn hoa", ông Nguyễn Xuân Hưng- Phó Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội cho biết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước việc hàng loạt cây xanh bị đổ gãy do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua, các cơ quan chức năng Hà Nội đang lên kế hoạch loại bỏ dần hàng loạt cây xanh dễ bật gốc. Theo đó, sẽ tổng kiểm tra cây xanh trên toàn thành phố và thay thế những cây không đảm bảo an toàn, kể cả cây to lâu năm.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thuật (đoàn luật sư Hà Nội), trong Bộ luật Dân sự đã có điều khoản về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. "Luật pháp đã quy định chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do bất khả kháng. Khi xác định được lỗi là do cơ quan quản lý cây xanh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như cắt tỉa các cành cây khô, có nguy cơ gãy, rơi xuống đường thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và người dân có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo quy định pháp luật", luật sư Thuật phân tích.
Theo Tú Anh (Tiền Phong)
Vụ hàng chục người ngất xỉu tại siêu thị BigC: Đùn đẩy trách nhiệm? Làm việc với PV Tiền Phong, đại diện nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đều lắc đầu "không có hồ sơ thiết kế", "không biết gì" về hoạt động kinh doanh tầng hầm của trung tâm thương mại lớn hàng đầu Thủ đô - The Garden. Hàng trăm xe máy xếp gần cửa vào siêu thị dưới tầng hầm...