Chàng trai Việt sang châu Phi mở quán… PES
Thích đi du lịch, muốn tìm cơ hội lập nghiệp, Hoàng một mình sang châu Phi chỉ với ít tiền tích cóp và 200 USD bố cho. Hơn một năm ‘bám’ lục địa đen, giờ Hoàng là chủ của hai quán game ở Lobito thuộc Benguala, thành phố lớn thứ hai của Angola.
Hoàng La Mã (áo trắng) chia sẻ, cậu có nhiều bạn thân là người bản xứ.
Đẹp trai, hài hước, Nguyễn Lương Huy Hoàng vừa chia sẻ cuộc sống hiện tại vừa quản lý khách hàng vào ra chơi game. Thỉnh thoảng, chàng sinh viên tốt nghiệp khoa CNTT, ĐH Hồng Bàng, đành tạm dừng nói chuyện để ra “điều phối” máy chơi game cho bọn trẻ.
Tan học, nhóm học sinh ở thị trấn ùa vào cửa hàng game của Hoàng đông “như kiến” khiến ông chủ người Việt bận luôn tay. Ngoài một số em có tiền chơi riêng, phần lớn góp tiền với bạn chơi trò đá bóng. Thấy đám học sinh ồn ào vì tranh máy chơi game, Hoàng “chỉnh đốn” ngay.
Đến giờ cơm trưa, chàng trai 24 tuổi này lại tất bật nấu những món ăn Việt cho mình và nhân viên người bản địa. Ban ngày, cửa hàng của Hoàng chỉ cần một người nhưng ban đêm phức tạp và đông khách hơn nên phải có hai nhân viên quản lý.
Sang châu Phi hơn một năm nay, cuộc sống của Hoàng La Mã (nickname của Hoàng) đã dần ổn định. Lý giải việc chọn lục địa đen chứ không phải một nước nói tiếng Anh để lập nghiệp, chàng trai Sài Gòn bảo nước giàu thường sang nước nghèo để đầu tư. Hơn nữa nước nói tiếng Anh phần lớn là phát triển, việc lập nghiệp ở đó khó thành công.
Lúc mới đặt chân tới Lobito, tháng 10/2011, không người thân quen, không biết một tiếng Bồ Đào Nha, lại mất một số tiền lớn nộp cho cảnh sát, Hoàng xin ở nhờ nhà một người Việt. Để học tiếng, cậu đi rửa bát, nấu nướng và phụ bán hàng.
Hoàng cho biết, khách hàng đến quán chủ yếu là trẻ em. Một số em có tiền chơi riêng, còn lại góp tiền để chơi chung.
5 tháng đầu, Hoàng học tiếng bằng cách, người bản địa nói gì cậu nói theo, không hiểu thì đoán hoặc dùng hành động. Đi đâu cậu cũng gắng tiếp xúc để nghe họ nói rồi mình học. Tới giờ, Hoàng khoe đã có thể giao tiếp khá ổn và đang lập một trang web tiếng Bồ Đào Nha cơ bản giúp những người Việt mới sang đây. Ngoài khó khăn duy nhất về ngôn ngữ, chàng trai này thích nghi nhanh với cuộc sống, khí hậu và đồ ăn ở Lobito. Sang được 4 tháng, cậu tăng 15 kg.
Sống một mình, Hoàng tự đi chợ cách nhà tầm 50 m mua thịt, cá, rau, củ về chế biến các món ăn Việt. Thích ăn canh cá nấu chua nhưng không đủ gia vị nên Hoàng nấu canh chua theo phong cách… Lobito. Cuối tuần, Hoàng cùng nhập hội những người Việt bên đó đi dã ngoại rồi thả lưới kiếm chút hải sản cải thiện. Vùng Lobito là vựa tôm hùm lớn của Angola, Hoàng cho hay, muốn ăn tôm, cá, hàu, sò, chỉ cần thả lưới là có.
Hoàng chia sẻ, Lobito là vùng đất được xem yên ổn nhất ở Angola. Buổi tối thường hay lộn xộn nên Hoàng đóng cửa, ở trong cửa hàng “cho lành”. Mỗi khi có việc cần ra ngoài, cậu thường đi với một nhóm đông. Ở đây đã hơn một năm nhưng Hoàng mới đi chơi được vài nơi quanh vùng.
Video đang HOT
Ông chủ quán game nhớ mãi kỷ niệm lúc mới sang Lobito. Một lần đi dạo bờ biển, cậu gặp một cô gái bản xứ. Cô đề nghị chụp ảnh chung và hai người trao đổi số điện thoại. Đến bây giờ, Hoàng và cô bạn vẫn giữ liên lạc qua facebook và điện thoại chứ chưa biết nhà nhau. Với Hoàng, cô bạn ấy giúp mình nhiều trong việc học tiếng Bồ Đào Nha.
Chợ gần nhà nên Hoàng thoải mái mua đồ về chế biến các món Việt.
Trước khi sang châu Phi, Hoàng đã có một công việc ổn định ở TP HCM. Tốt nghiệp ngành CNTT, chàng trai này mở cửa hàng game ở Lobito sau 5 tháng đi làm thuê học tiếng. Để tiết kiệm, Hoàng thuê mảnh đất rộng 50 m2 rồi tự tay thiết kế, xây căn nhà hai phòng, một làm cửa hàng còn một để ở. Hoàng còn có hẳn “phòng tập gym” tự hàn bàn và làm tạ. Những lúc rảnh, cậu tập để rèn luyện sức khỏe.
Hoàng bảo, nếu thuê nhà để ở phải mất tầm 150 USD/tháng còn thuê cửa hàng giá sẽ đắt hơn. Bởi vậy, cậu chọn cách tự xây nhà để có được chỗ chui ra chui vào theo ý mình.
Để có tiền mua máy, Hoàng vay mượn bạn bè và gia đình được khoảng 5.000 USD. Lúc đầu cậu sắm vài máy chơi game mới (giá khoảng 250 USD), sau thu mua máy cũ và thỉnh thoảng bán lại máy. Hiện tại, Hoàng có 16 máy ở hai cửa hàng. Mỗi giờ chơi, khách hàng phải trả khoảng 40.000 đồng. Theo Hoàng, giá đó là bình thường bởi “mệnh giá tiền bên này cao hơn ở Việt Nam”.
Ông chủ trẻ tâm sự, tiền kiếm được hàng tháng đủ để cậu có cuộc sống thoải mái và tích cóp để đầu tư thêm nhiều dịch vụ khác. Sắp tới cậu sẽ đầu tư vào dịch vụ sửa chữa máy tính, mảng có nhiều tiềm năng phát triển ở đây. “Công việc đã suôn sẻ nên bố mẹ em ở nhà phấn khởi và yên tâm phần nào. Lúc mới sang, bố ủng hộ còn mẹ thì không muốn em đi vì ở nhà không thiếu việc”, Hoàng kể.
Hình ảnh thường ngày của ông chủ 24 tuổi quán game ở Lobito.
Trong gia đình, cậu và bố gần gũi, thân thiết hơn cả. Bởi vậy, mỗi lần Hoàng liên lạc về, bố luôn nhắc nhở từ việc đi lại, công việc tiếp xúc lẫn ăn uống. “Bố em nhắc nhiều và dặn đủ thứ như không đi chơi khuya, đi đứng cẩn thận vì bên này đi đêm nguy hiểm. Ở đây em có nhiều bạn thân là người bản địa”, Hoàng hồ hởi khoe.
Từ ngày xa gia đình, Hoàng thấy mình trưởng thành hơn cả về ngoại hình lẫn suy nghĩ. Trước đây gặp khó khăn, Hoàng có gia đình giúp đỡ còn giờ cậu tự mình xoay sở. Vài tháng sau khi Hoàng sang châu Phi, cô bạn ở Việt Nam mới chấp nhận yêu Hoàng. “Cô ấy yêu em cũng một phần vì em dám đương đầu khó khăn, đi xa lập nghiệp. Hàng ngày, bọn em liên lạc với nhau qua mạng để thêm gắn bó”, Hoàng nói.
Hè tới, Hoàng dự định về Việt Nam 3 tháng làm thủ tục đưa người nhà sang để mở rộng kinh doanh và mua thêm máy móc.
Theo GameK
Điểm mặt những tựa game sát... tay cầm nhất
Bên cạnh chuột và bàn phím, tay cầm từ lâu đã là một trợ thủ đắc lực cho các gamer và đặc biệt có một số tựa game mà bạn sẽ chẳng thể nào phát huy được hết khả năng của nhân vật nếu như thiếu chúng. Đa số các loại controller hiện nay, ngay cả những loại hàng "tàu" rẻ tiền đi nữa thì chúng đều có độ bền tương đối cao và không dễ gì phá hỏng bởi tuổi thọ của các miếng cao su lót dưới có thể lên tới hàng trăm ngàn lần bấm trước khi nát. Tuy nhiên có một số tựa game với đặc thù gameplay có thể làm quá trình này diễn ra nhanh hơn bình thường và khiến cho chiếc tay cầm của bạn chẳng mấy chốc mà dở chứng.
Devil May Cry series
"Hành động chặt chém" - chỉ nghe tới cái tên thôi là cũng đủ để hình dung thể loại này yêu cầu một chút thể lực trong việc sử dụng tay cầm, và chắc hẳn không đại diện nào xứng đáng hơn so với Devil May Cry - series nổi tiếng của Capcom.
Luân chuyển giữa ít nhất 4 loại vũ khí bao gồm cả súng và kiếm, 4 phong cách chiến đấu có thể thay đổi bất cứ lúc nào, mỗi thứ lại bao gồm hàng tá chiêu thức khác nhau của người hùng Dante đòi hỏi người chơi phải sử dụng gần như tất cả các nút bấm có trên tay cầm (ngoại trừ select/back và tạm dừng), chưa kể tới những kĩ thuật "cancel" rất khó khác. Không chỉ vậy, số lượng kẻ thù trong game luôn áp đảo cùng với đòn tấn công đa dạng luôn khiến người chơi phải thao tác thật nhanh nếu không muốn mất mạng, đặc biệt ở các độ khó cao khi chỉ cần vài hit là đã đủ để tiễn bạn lên đường.
Dù vậy vẫn có nhiều game thủ cực kì kiên nhẫn đã bỏ công khổ luyện để thực hiện những chuỗi combo nhuần nhuyễn tới mức nhân vật còn chẳng buồn chạm đất mà chỉ xem thôi cũng phải thấy hoa mắt chứ đừng nói là bắt chước. Nhưng ai biết được để có thể đạt đến đẳng cấp xứng danh "quỷ cũng phải khóc" giống như tựa đề của trò chơi ấy, họ đã phải hy sinh biết bao chiếc tay cầm?
DMC 4 Combo.
PES (thời kì PS2)
Chuyển sang cái tên tiếp theo, Pro Evolution Soccer hay thường gọi tắt là PES - một game thể thao cũng nổi tiếng và lâu đời của Konami, nghe có vẻ tương đối nhẹ nhàng nhưng đây lại là thủ phạm phá hỏng rất nhiều chiếc tay cầm trên hệ máy Playstation.
Nếu đã từng đi chơi PES ngoài quán chắc chắn bạn đã không dưới một lần phải đổi tay cầm vì không thể sử dụng được mà đa số trường hợp là do vấn đề về D-pad hoặc phím R1. Nguyên nhân là do trong thời kì của những phiên bản PES trên PS2, lối đá bóng thể lực vẫn còn đang rất thịnh hành với nhiều siêu sao chạy nhanh như ngựa như Adriano, Ronaldinho, Henry... kết quả của trận đấu phụ thuộc khá nhiều vào kĩ năng rê dắt của người điều khiển (mặt bằng người chơi nói chung), và miếng cao su dưới D-pad bị nghiền nát hay nút R1 bung ra khỏi tay cầm là hậu quả khó tránh khỏi của lối chơi mắm môi mắm lợi chạy này.
Ngoài ra tính ăn thua của game khá cao nên chiếc tay cầm cũng rất dễ trở thành nạn nhân cho "võ công" của các gamer nóng tính thay vì mặt của đối thủ ngồi cạnh.
Rất may là gameplay của PES sau này đã hạn chế các siêu nhân đi rất nhiều trong việc rê dắt nên game cũng không còn quá "sát tay cầm" nữa.
Dragon Ball Z Budokai Tenkaichi 3
Dragon Ball Z: Budokai Tenkaichi - series game đối kháng dựa theo bộ truyện tranh "7 viên ngọc rồng" đã chẳng còn gì xa lạ và được đánh giá là trò chơi ăn theo Son Goku thành công nhất trong lịch sử. Nhưng bên cạnh đó có lẽ nó cũng là một tựa game fighting hại tay cầm nhất từ trước cho đến nay.
Dragon Ball Z Budokai Tenkaichi 3 Trailer.
Không rõ 2 phiên bản Tenkaichi trước ra sao, nhưng với Tenkaichi 3 thì game có một cơ chế rất thú vị đó là tuyệt chiêu của các nhân vật. Khi đối thủ bắt đầu "xuất chưởng" như Kamehameha chẳng hạn, bạn sẽ có một khoảng thời gian ngắn nhưng đủ để đáp lễ bằng cách thi triển chiêu tương tự của mình, và khi chúng chạm nhau game sẽ buộc người chơi phải thực hiện một QTE để phân định thắng thua, đó là thi... xoay analog. Nếu đã từng nhìn 2 đấu thủ so kè nhau trong màn đấu chưởng này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tội nghiệp cho 2 chiếc cần analog trước cảnh liên tục bị quay với đủ các tư thế sao cho nhanh nhất có thể, chưa kể đến tính năng giảm sát thương khi bị dính đòn cũng dựa trên QTE đầy "dã man" vừa đề cập.
Mỗi lần tung chưởng là lại "hành" tay cầm.
Một số quán game PS2 cũng vì lý do này mà đã phải ngưng phục vụ DBZ: Budokai Tenkaichi 3, đủ để thấy mức độ thiếu thân thiện của nó đối với những chiếc tay cầm như thế nào.
Kinniku Banzuke: Road to Sasuke
Khác với những cái tên nổi tiếng đã giới thiệu ở trên, Road to Sasuke là một tựa game có lẽ rất ít người biết đến và người viết cũng tình cờ mới có được trò chơi này bởi nó hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật. Về nội dung đại khái bạn sẽ điều khiển nhân vật luyện tập, quản lý chế độ ăn uống để giành chiến thằng trong các cuộc thi vượt chướng ngại vật.
Một tựa game khá hiếm gặp từ thời PS1.
Và Kinniku Banzuke: Road to Sasuke quả thật đúng như cái tên của nó đòi hỏi cơ bắp không chỉ của nhân vật ảo trong game mà còn cả của người điều khiển nữa. Gameplay của trò chơi chủ yếu là các QTE thử thách cả sự khéo léo lẫn trâu bò, nhưng phần trâu bò có vẻ chiếm ưu thế hơn và mỗi khi chúng xuất hiện thì thật sự khiến bàn tay bạn phải khóc thét. Mức độ thì giống như những trường đoạn "giãy giụa" trong Metal Gear Solid, chỉ có điều cứ vài phút lại xuất hiện một lần buộc bạn phải đè tay cầm ra mà bấm.
Kinniku Banzuke: Road to Sasuke Gameplay.
Còn tựa game nào mà bạn cảm thấy xứng đáng nằm trong danh sách này? Hãy chia sẻ qua phần bình luận bên dưới.
Theo GameK
Vừa sang Angola, nam lao động đã tử vong Mới sang Angola làm thuê được vài tháng, một lao động Việt Nam quê ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã bất ngờ tử vong. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Bình, SN 1977, trú tại thôn Đồng Vân, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, anh Bình vừa qua Angola...