Chàng trai Sài Gòn mê Đà Lạt, bỏ phố lên rừng
Sau chuyến đi xuyên Việt, Hùng Đức nhận ra mình yêu cuộc sống với tiếng chim hót mỗi sáng, những buổi hái nấm rừng, trồng rau hơn sự xô bồ.
Tháng 3/2021, chàng trai 21 tuổi từ bỏ công việc văn phòng ở công ty gia đình, dọn đồ đạc lên Đà Lạt sinh sống. Anh ứng tuyển vào làm nhân viên pha chế ở một nông trại, kết hợp quán cà phê, cắm trại giữa rừng. Đây cũng là công việc anh yêu thích từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường. Khoảng thời gian rảnh, anh phụ trách thêm việc chụp ảnh, chuẩn bị cắm trại, hướng dẫn khách tham quan…
Mùa dịch, quán cà phê đang dừng đón khách, Hùng Đức vẫn ở lại đây với những người bạn thân thiết và gia đình chủ nông trại. Hàng ngày, công việc chính của các thành viên là trồng sau sạch, chăm sóc khu vườn, thu hoạch trái cây. Nhiều hôm cả nhóm cùng nhau vào sâu trong rừng hái nấm, hái quả, cắm trại đàn hát giữa thiên nhiên.
Mỗi sáng, Đức bị đánh thức bởi tiếng chim hót thay vì tiếng còi xe inh ỏi của Sài Gòn. Xung quanh anh luôn là những hàng thông cao vi vu trong gió, thay vì những tòa nhà chọc trời và con đường chen chúc người qua. Khi ở thành phố dịch bệnh đang căng thẳng, giữa núi rừng chỉ có nhóm người của Đức sinh sống, không gặp gỡ ai.
Video đang HOT
Quyết định thay đổi từ những chuyến đi
Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, đậm chất thành thị và không có ý niệm về thiên nhiên hoang dã là điều Đức mô tả về mình trước đây. Cuối năm 2018, khi còn là sinh viên ngành quản trị khách sạn, anh bắt đầu có những chuyến tự đi phượt tới Vũng Tàu bằng xe máy để có thêm trải nghiệm về ngành nghề. Sau chuyến đi, anh nhận ra mình “nghiện” du lịch, thích được lái xe đến những vùng đất mới, rời khỏi kẹt xe và khói bụi thành phố.
Thời gian rảnh, Đức lại chạy xe lên Đà Lạt để tìm hiểu về cách trồng cây, chăm sóc cà phê, phục vụ đam mê pha chế và chụp ảnh. Một năm, nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành đang theo học, Đức rời khỏi ghế nhà trường để tập trung vào thực hiện sở thích. Mỗi cuối tuần, điểm đến quen thuộc của anh vẫn là Đà Lạt, cách nơi ở 6 giờ chạy xe.
Mỗi lần tới, Đức lựa chọn ở một homestay khác nhau, tiêu chí là yên tĩnh, cách xa thành phố, có tầm nhìn núi rừng. Những chuyến đi về sau, anh chuyển sang mua lều đề cắm trại trong rừng.
Ngày thu hoạch rau ở nông trại Makakamp
Tháng 6/2020, Đức có chuyến đi xuyên Việt lần đầu tiên, kéo dài một tháng. Từ TP HCM anh men theo quốc lộ 1A tới Đà Lạt, Khánh Hòa, rồi chạy dọc đường biển qua Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Nghệ An… tới Hà Nội và khám phá các tỉnh thành miền Bắc.
Tiếc nuối những địa điểm chưa được ghé thăm, cùng năm Đức chạy xe xuyên Việt lần 2. Lần này anh chọn đường mòn Hồ Chí Minh, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn. Chuyến đi này, Đức cũng dành thời gian ở lại sống cùng người dân tộc HMông ở Mù Cang Chải (Yên Bái), sau đó khám phá Lào Cai, Lai Châu.
Sau chuyến đi, Đức chuyển về công ty của gia đình làm việc văn phòng. Hàng ngày phải thức dậy kịp giờ đi làm, không gian văn phòng là 4 bức tường đã khiến anh nhận ra mình yêu thiên nhiên và phù hợp với những chuyến đi hơn. Anh chạy xe máy xuyên đêm từ TP HCM đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để du lịch, đồng thời tìm hiểu về cà phê.
“Đến đây, mình có chút hẫng hụt vì đại ngàn hùng vĩ trong tưởng tượng đã trở thành đồi trọc, những chú voi bị xiềng xích để làm dịch vụ du lịch. Rất may sau đó mình đã đọc được bài báo nói Đắk Lắk sẽ bỏ dịch vụ này”, Đức nói.
Dọc đất nước Việt Nam, Đức nhận thấy mình yêu mến Đà Lạt nhất vì nơi đây có khí hậu mát mẻ, dễ chịu quanh năm. Thiên nhiên và con người ở đây cũng vô cùng hòa hợp, có thể nhận thấy ở nhà nào cũng có một vài chậu hoa. Ngoài ra nơi đây cũng là vùng đất thích hợp để trồng trọt, nghiên cứu về cà phê và không quá xa Sài Gòn, để anh có thể về thăm gia đình.
Khung cảnh bình yên bên trong nông trại.
Những ngày sống trong rừng
Đức chia sẻ, việc sống giữa rừng không quá khó khăn đối với anh, vì trước đó đã có kinh nghiệm từ những lần đi rừng và quen thuộc với Đà Lạt giống như ngôi nhà thứ 2. Dù vậy mùa mưa cũng rất ảnh hưởng tới cây trồng. Có lần bão đi qua, cả vườn bắp 1.000 cây của nông trại đều bị ngã rạp. Hay có ngày mưa đá, những cây con mới trồng đều bị dập, gió lớn làm bật gốc những cây lớn hơn.
Bù lại, sau mỗi cơn mưa lớn ở Đà Lạt, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho những loại nấm đặc sản rừng thông phát triển như nấm gan bò, nấm xơ mít, nấm sữa, nấm mối… Những ngày trời nắng đẹp sau mưa là lúc cả nhóm khăn gói lên rừng hái nấm.
Nhiếp ảnh và pha chế là niềm đam mê lớn nhất của Đức.
Gần 4 tháng về rừng, điều lớn nhất Đức nhận được là tinh thần thoải mái, không có áp lực. Sức khỏe cũng tốt hơn khi được hít thở không khí trong lành, ăn thực phẩm sạch ở nông trại, ở rừng. Ngoài ra cuộc sống giữa rừng cũng giúp ích cho công việc của anh. Rừng mang đến nhiều ý tưởng để anh sáng tạo và tìm thêm những nguyên liệu tự nhiên trong đồ uống. Đặc biệt mỗi lần lên rừng, anh lại thu được bộ ảnh đẹp, kiến thức về thiên nhiên.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc đi rừng, Đức cho rằng nên đi cùng bạn đồng hành để hỗ trợ khi gặp tình huống nguy hiểm như té ngã, kiệt sức, rắn cắn… Trước khi đi dã ngoại trong rừng thì nên trang bị kiến thức và các kỹ năng sinh tồn như cấu tạo, địa hình khu rừng, ngoài ra là các loài động, thực vật đặc hữu ở đó. Trang phục thích hợp là giày cao cổ, trang phục kín chân tay để tránh côn trùng. Ngoài ra cũng cần mang theo dụng cụ cứu hộ, đèn pin, la bàn.
Cuối cùng, Đức cho rằng khi đi vào rừng thì chỉ nên để lại những dấu chân, đừng để lại một mảnh rác hay những tán cây, ngọn cỏ bị bẻ rạp. “Tốc độ hồi sinh của rừng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tàn phá rừng của con người cho nên hãy tôn trọng rừng, tôn trọng thiên nhiên như tôn trọng chính bản thân mình vậy”, anh nói.
Chuyến phượt Y Tý mùa mưa bão của chàng trai Sài Gòn
Vượt cung đèo hiểm trở trong cơn mưa lạnh, Thanh Tính được chiêm ngưỡng biển mây trôi bềnh bồng, xa xa là ruộng bậc thang trải vàng.
Y Tý là một xã vùng cao cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 80 km, tọa lạc ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Cung đường đến Y Tý hiểm trở nhưng thu hút những du khách yêu thích khám phá, vì "đặc sản" biển mây trắng và những cánh đồng lúa chín rực rỡ. Đó là lý do Nguyễn Thanh Tính (TP HCM) lựa chọn vùng đất này trong hành trình xuyên Việt của mình.
Vào một đêm tháng 9/2020, từ Hà Nội anh cùng bạn đồng hành lên xe đi Lào Cai và có mặt tại thành phố lúc 4h30. Giá xe khách một người là 250.000 đồng. Sau đó, hai người thuê xe máy tại bến Lào Cai với giá 150.000 đồng một ngày. Tại đây, có một số quán ăn để dừng nghỉ chân và cho du khách thuê xe.
Cung đường Tính lựa chọn là Lào Cai - Bát Xát - Trình Tường - Lũng Pô - A Mú Sung - A Lù - Ngải Thầu - Y Tý, dài khoảng 80 km. Đây là cung đường đẹp, dễ dàng di chuyển, nhưng nhiều sương mù vào mùa mưa bão.
Những cánh đồng lúa ở xã Y Tý trong màn sương sau cơn mưa. Ảnh: Nguyễn Thanh Tính
Xã Y Tý có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhưng khắc nghiệt vào mùa đông. Cuối tháng 9, Y Tý đã gặt xong, chỉ còn một vài nương lúa sót lại nhưng bị mưa lớn quật ngã rạp trong đợt bão. Trong hành trình, Tính đã băng qua những cung đường đèo bất tận đầy sương mù và mưa lạnh. Các đoạn đường đèo trở nên trơn trượt, một số nơi sạt lở, làm không ít lần anh phải dừng lại hoặc đi thật chậm và không dám nhìn xuống vực.
Đoạn đường khó đi nhất là vào xã Y Tý chỉ tầm 3 km. Đường gập ghềnh và rất dễ lao xuống vực nếu không tập trung và chắc tay lái. Đi xe trong mưa và cầm theo đèn lồng tặng cho trẻ em ở đây nên hành trình càng khó khăn.
Tuy nhiên khi những cơn mưa dứt, mùi đất ngai ngái cùng không khí trong lành khiến cho Tính quên đi mệt mỏi. Những đoạn đường vãn sương mù, anh tận mắt chứng kiến biển mây trôi bồng bềnh, thơ mộng như trong một bức tranh sơn dầu.
Biển mây nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Thanh Tính
Cách xã Y Tý tầm 6 km, chàng trai Sài Gòn bắt gặp cảnh những đứa trẻ nô đùa trên đống rơm sau vụ gặt. Được du khách tặng đèn lồng ngôi sao, mắt chúng trở nên rạng ngời và cười thật tươi. Tính chia sẻ, có lẽ đây là lần đầu tiên các em nhỏ được nghe về trung thu, nên hào hứng khi được hướng dẫn cách rước đèn và học hát.
Theo anh, ở Y Tý, đồ ăn không phong phú. Tại đây, các món phổ biến như phở bún miến và cơm rang. Trong tiết trời mưa lạnh, món ăn anh chọn là bún nóng, ở một quán bên đường. Ăn xong, anh cùng bạn di chuyển đến homestay Cô Si nằm cách chợ 150 m. Ở Y Tý không quá nhiều dịch vụ lưu trú, đa số đều đơn sơ. Một đêm nghỉ cho hai người có giá 250.000 đồng.
Cách chợ Y Tý tầm 4 km là Ngải Thầu. Tại đây, đường sá là một thử thách cho các tay lái vì vậy Tính giữ tốc độ vừa phải. Theo người dân địa phương, đây cũng là địa điểm lý tưởng nhất để săn mây và ngắm những cánh đồng lúa chín vàng.
Đoạn đường 13 km từ xã Ngải Thầu đến xã A Lù mang một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Khu danh thắng ruộng bậc thang của thung lũng có diện tích khoảng 233 ha, nằm trên địa phận hai xã Y Tý và Ngải Thầu. Hàng ngàn thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài hơn 5 km từ bản Choản Thèn đến cầu Thiên Sinh, thung lũng Thề Pả là một di tích quốc gia đã được công nhận. Những ruộng bậc thang như muôn vàn những con sóng nối tiếp, điểm xuyết những ngôi nhà đơn sơ.
Chiều đến, Tính cùng bạn đồng hành đến công viên Y Tý, một vùng đất rộng nằm ở cuối đường thuộc bản Choản Thèn. Đây là nơi trẻ em vùng cao thường tụ tập vui đùa, người dân bản dừng chân nghỉ ngơi, còn du khách thì tản mạn ngắm phong cảnh. Đến công viên vào những ngày đẹp trời, du khách có dịp ngắm mây bồng bềnh bên dưới, chụp ảnh hai cây cô đơn giữa đại ngàn. Càng về chiều mây mù càng phủ, cái lạnh bắt đầu buông xuống. Những đứa trẻ Hà Nhì vào một cái lán chơi rồi nhai củ sâm đất nhồm nhoàm. Tạm quên phố thị náo nhiệt, Tính hòa cùng mây trời và nụ cười trẻ thơ.
Trời tối dần, hai vị khách trở về homestay dùng bữa và nghỉ ngơi để hôm sau đến Sa Pa. Trong hình dung của chàng trai 22 tuổi, từ Y Tý đến Sa Pa là một cung đường khó khăn nhưng không kém phần thú vị, đặc biệt là trong những ngày mưa bão.
12 cảnh sắc tuyệt đẹp ở Việt Nam không nên bỏ lỡ sau dịch Covid-19 Việt Nam muôn vàn cảnh đẹp, bạn đã sẵn sàng cho chuyến du lịch 12 tháng đi khắp dải đất chữ S khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Việt Nam có 4 mùa, mỗi miền lại mang cảnh sắc đặc trưng riêng. Dưới đây là cẩm nang du lịch 12 tháng đi du lịch khắp Việt Nam sau dịch Covid-19: Tháng 1 -...