Chàng trai quyết tiêm vắc xin khi đủ tuổi 18 dù cha mẹ phản đối
Ethan Lindenberger từng lớn lên với suy nghĩ rằng việc không tiêm phòng vắc xin là điều bình thường.
Vừa tròn 18 tuổi, Ethan, ở Ohio, chưa bao giờ tiêm phòng cúm hoặc vắc xin sởi, quai bị và rubella từ khi còn bé. Mẹ cậu, Jill Wheeler, luôn cho rằng tiêm phòng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ cũng như ảnh hưởng đến não bộ. Ngoài ra, bà Jill cũng cho rằng chính phủ đang cố gắng kiểm soát suy nghĩ của họ thông qua tiêm phòng.
Ngay khi trở thành người lớn hợp pháp, Ethan quyết định tiêm một loạt vắc xin bất chấp sự phản đối của cha mẹ. Cậu đã quyết tâm bảo vệ bản thân và người khác khi một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được tuyên bố sau dịch sởi tại tiểu bang Washington.
Ethan Lindenberger (đứng ngoài cùng bên phải) cùng mẹ và các anh chị em của mình. Ảnh: Qz.
Quyết định tiêm vắc xin của Ethan được đưa ra khi tỷ lệ trẻ nhỏ ở Mỹ không được tiêm phòng tiếp tục tăng. Chàng trai cũng chia sẻ rằng đang lo lắng cho sức khỏe của 4 người em của mình, từ 2 tới 16 tuổi. Cậu sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục cha mẹ cho các em đi tiêm phòng.
Video đang HOT
Một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố vào tháng 10/2018 cho thấy trẻ em dưới 2 tuổi chưa được tiêm chủng đã tăng từ 0,9% vào năm 2011 lên 1,3% đối với trẻ sinh năm 2015. Năm 2001, chỉ có 0,3% trẻ em từ 19 đến 35 tháng tuổi không được tiêm vắc xin.
Mỹ vẫn còn 17 bang, trong đó có Washington, Oregon, Ohio, Pennsylvania và Texas, không áp dụng luật tiêm vắc xin bắt buộc, cho phép phụ huynh bỏ tiêm chủng cho con mình theo ý muốn.
Allison Winnike, Giám đốc điều hành nhóm vận động vắc xin thuộc Hiệp hội tiêm chủng Mỹ, khẳng định tiêm phòng là để cứu sống, an toàn và hiệu quả. Vắc xin là một trong 10 thành tựu y tế công cộng hàng đầu của thế kỷ trước với rất nhiều người được cứu sống.
“Rất nhiều bệnh bị loại bỏ hoặc diệt trừ bằng vắc xin. Và chúng ta không còn thấy nỗi đau hàng ngày của người thân chết vì căn bệnh thông thường như bại liệt, đậu mùa và sởi. Khi không còn thấy sự tàn phá của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, nhiều người giảm nhu cầu thiết yếu để giữ an toàn cho gia đình họ và không muốn tiêm phòng nữa”, bà Allison chia sẻ.
Theo Zing
Ông bố Canada không tiêm vắcxin sởi cho con vì sợ bị tự kỷ
Lo sợ vắcxin sởi gây tự kỷ, ông Emmanuel Bilodeau không tiêm phòng cho con, cuối cùng cậu bé mắc bệnh và lây cho nhiều bạn khác.
Tháng 2, nhà chức trách thành phố Vancouver ghi nhận 9 ca sởi. Bệnh nhân chủ yếu tập trung ở những trường dạy tiếng Pháp trong khu vực.
Emmanuel Bilodeau nghĩ rằng con trai mình có thể là nguyên nhân của đợt bùng phát sởi này. Chia sẻ với CBC News, ông bố thừa nhận đã không tiêm vắcxin sởi cho con. Trong chuyến du lịch đầu năm 2019, bé nhiễm sởi. Về nước bé lây cho các bạn từ hai trường khác do đi chung xe buýt.
Cơ thể một bệnh nhi bị sởi. Ảnh: Shutterstock.
Ngoài bệnh nhi trên, Bilodeau cũng không tiêm vắcxin cho hai đứa con còn lại vì sợ vắcxin gây tự kỷ, trong khi quan điểm này đã được các chuyên gia y tế chứng minh là không đúng. Cả hai bé này đều phải nhập viện vì nghi lây sởi từ anh trai.
"10-12 năm trước, chúng tôi rất lo lắng vì có nhiều tranh cãi xung quanh vắcxin phối hợp sởi, quai bị và rubella (MMR)", Bilodeau nói. Ông bố khẳng định mình không phải người chống vắcxin nhưng muốn tìm "loại vắcxin tiêm một lần và không gây ảnh hưởng tới con cái".
Giờ đây, Bilodeau đã hiểu rằng vắcxin không gây tự kỷ.
Nghiên cứu sai lệch về mối liên hệ giữa vắcxin MMR và tự kỷ trên tờ Lancet năm 1998 được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều cha mẹ, đặc biệt ở các nước phát triển không cho con em tiêm phòng. Bị các nhà khoa học chỉ trích mạnh mẽ và tờ Lancet rút lại thông tin, công trình do Andrew Wakefield tiến hành vẫn gây ra tổn thất lớn cho con người. Nhiều người lo sợ không cho con tiêm vắcxin, tạo điều kiện cho dịch sởi quay lại.
Tiêm vắcxin MMR không dẫn đến tự kỷ. Ngược lại, việc không tiêm phòng gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân sởi có thể bị tổn thương não, thậm chí tử vong. Quai bị kéo theo viêm não, viêm tủy sống. Đối với phụ nữ mang thai, rubella có thể làm sảy thai hoặc trẻ sinh ra mang dị tật bẩm sinh.
Mai Hương
Theo VNE
Cẩn trọng với bệnh trẻ em Cuối tháng 2, đầu tháng 3, một số bệnh trẻ em bắt đầu vào mùa. Nhiều bệnh trẻ em đến hẹn lại lên, bắt đầu vào giai đoạn cao điểm theo chu kỳ hằng năm trong thời điểm cuối tháng 2 và tháng 3 sắp tới: thủy đậu, quai bị, tay chân miệng..., trong khi dịch sởi vẫn chưa hết hẳn và sốt...