Chàng trai khuyết tật từng đỗ 2 đại học: “Liệu có ai dám lấy mình?”
Biết và chơi thân với anh Lê Viết Thuận từ gần chục năm nay nhưng tôi vẫn băn khoăn với câu hỏi: Động lực nào khiến một người khuyết tật như Thuận có thể sống kiên cường và lạc quan như vậy?
Nguồn năng lượng nào khiến anh Thuận có thể làm việc, dốc lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn như thế?
1. Tôi không thể quên được cái cảm giác lần đầu tiên gặp Thuận trong căng-tin Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhiều năm về trước. Thuận với cơ thể gầy gò, cái đầu nghênh nghênh, đôi tay yếu ớt, đôi chân chậm chạp bước những bước đi đầy khó nhọc nhưng trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười khiến cậu khác biệt giữa đám đông sinh viên.
Đến hỏi chuyện, tôi đã không tin vào những gì mà đôi tai mình vừa nghe được từ một giọng nói còn hơi ngọng nghịu về một cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm mà Thuận đã trải qua.
Lê Viết Thuận sinh năm 1991 tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình thuần nông. Lúc cất tiếng khóc chào đời, Thuận cũng khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng không may, một tai nạn ập đến khi Thuận làm đổ chiếc đèn dầu chiếu sáng làm ngọn lửa lan ra cháy màn và chiếu nơi Thuận đang nằm. Khi ấy Thuận mới 5 tháng tuổi. Gia đình đã mời thầy lang đến bắt mạch rồi cứu chữa bằng phương pháp dân gian thay vì đưa đến bệnh viện.
Sau một thời gian dài chữa trị, bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà đôi chân của Thuận còn bị nhiễm khuẩn nặng. Lúc đó, gia đình mới đưa Thuận đến bệnh viện nhưng đã quá muộn để cứu chữa đôi chân nhỏ bé của Thuận.
Anh Lê Viết Thuận trong ngày chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp đại học.
Năm 1998, bố mẹ Thuận quyết định một lần nữa đưa con lên Viện Bỏng Quốc gia để phẫu thuật. Khi đó, hai phương án mà bệnh viện đưa ra: một là cưa bỏ phần chân bị bỏng và lắp chân giả, hai là đập những phần xương bị biến dạng đi để lắp ghép lại, gia đình Thuận đã quyết định thực hiện phương án hai. Kết thúc cuộc phẫu thuật, các bác sĩ cho biết, Thuận có 70% khả năng đi lại được, 30% còn lại là nhờ sự tập luyện cũng như tính kiên trì tập luyện của bản thân Thuận.
Phải trải qua nhiều ca phẫu thuật tại Viện Bỏng Quốc gia, Thuận mới có thể cựa quậy được nhưng đôi chân của Thuận quá yếu. Theo lời khuyên của bác sĩ, em cần phải tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe thể trạng cũng như sức lực cho đôi chân của mình. Khi đó, ông nội đã làm cho Thuận một cái giàn tre ngoài sân để ngày ngày Thuận vịn vào đi lại tập luyện.
Đôi chân nhỏ bé của Thuận đã phải khuỵu xuống đất bao nhiêu lần rồi gượng đứng lên, tiếp tục tập luyện. Từ một đôi chân rất yếu ớt, sau một thời gian tập luyện gian khổ đã dần cứng hơn, nhanh nhạy hơn và có thể đi lại mà không cần bám.
2. Có thể đi lại được thì nhất quyết phải đi học vì chỉ có tri thức mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là suy nghĩ của Thuận khi ấy. Đến trường muộn 4 năm so với bạn bè cùng trang lứa, ban đầu Thuận chỉ nghe giảng và không ghi chép được gì. Ngồi trong lớp mà tay Thuận cứ cứng đờ, không thể cầm nổi cây bút.
Dần dần, Thuận cũng luyện tập như với đôi chân của mình, chỉ ít lâu sau Thuận đã có thể cầm bút viết được những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên. Rồi lại kiên trì luyện viết, nét chữ Thuận viết cũng dễ nhìn hơn. Và như thế, thời gian cứ thế trôi đi, lòng ham học cùng với nghị lực vươn lên, Thuận đã tốt nghiệp trung học phổ thông mặc cho đã phải ngã bao lần trên con đường đến trường.
Video đang HOT
Nỗ lực, quyết tâm của Thuận thực sự được đền đáp xứng đáng khi vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, Thuận đã cùng lúc trúng tuyển vào 2 trường đại học ở Thủ đô, đó là Học viện Quản lý giáo dục, Khoa Công nghệ thông tin và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Công tác xã hội trong sự thán phục của bè bạn, thầy cô, hàng xóm láng giềng.
Anh Lê Viết Thuận trong ngày nhận Quyết định là Chủ tịch câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Bắc Giang.
Điều đáng nói, Khoa Công nghệ thông tin thi khối A (Toán, Lý, Hóa), còn Khoa Công tác xã hội thi khối C (Văn, Sử, Địa). Xưa nay, kể ra cũng không nhiều người giỏi cùng lúc cả 2 khối A và C vì nó là những môn học khác hẳn nhau, những tư duy khác nhau, thế mà một người khuyết tật như Thuận lại có thể học đều 2 khối.
Thời điểm ấy, đã có hàng chục tờ báo viết về Thuận như một tấm gương sáng về sự cố gắng, nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống. Thế nhưng, Thuận lại gây “sốt” dư luận khi chọn học ngành công tác xã hội với lời giải thích khiến nhiều người phải ứa nước mắt: “Chọn học ngành này vì tôi mong muốn được giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình vượt lên số phận”. Với thành tích đáng nể ấy, Thuận đã được Tỉnh đoàn Bắc Giang trao Giải thưởng Hoàng Hoa Thám.
Trong quá trình học đại học, Thuận tiếp tục khẳng định tinh thần hiếu học của mình khi liên tiếp nhận được học bổng của trường và các tổ chức xã hội khác. Rồi cũng như bao sinh viên tỉnh lẻ không có điều kiện, Thuận lao vào làm thêm để lấy tiền trang trải cuộc sống giữa đất thị thành đắt đỏ. Do đã có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin được người anh trai dạy trước đó, Thuận đã làm ngoài giờ cho một công ty truyền thông.
3.Thế rồi, lại một tai nạn ập đến với Thuận trong thời gian đợi lấy bằng tốt nghiệp đại học. Vì muốn sau này đi làm sẽ tự lái xe nên Thuận vẫn cố gắng tập luyện, cậu đã bị thoát vị đĩa đệm, phải nhập viện cấp cứu trong một lần tập xe ở sân nhà. Tạm gác lại những ước mơ, hoài bão, ở trong viện Thuận khát khao được khỏe lại và được áp dụng những kiến thức đã học vào công việc, cuộc sống. Cùng lúc ấy, cậu tình cờ nghe được thông tin Khoa Công tác xã hội tại viện nơi cậu điều trị đang cần tuyển nhân viên.
Nhận thấy điều kiện xét tuyển đều rất phù hợp với bằng cấp và năng lực của mình, Thuận đã mạnh dạn nộp đơn với hy vọng có được một công việc ổn định ở Hà Nội. Để cho chắc chắn, Thuận đã nhờ một giáo sư rất có uy tín từng dạy anh viết một lá thư ngỏ gửi tới giám đốc bệnh viện. Thế nhưng, cả hồ sơ xin việc lẫn thư ngỏ đều “bặt vô âm tín”. Thuận buồn bã, thất vọng và sau khi xuất viện anh đã trở về quê nhà tìm việc.
Thuận đặc biệt là người giỏi kết nối, ngoại giao bởi trước đây khi còn là sinh viên cậu đã từng làm trưởng ban tổ chức của câu lạc bộ (CLB) Hoa Đá – một CLB dành cho sinh viên khuyết tật trên địa bàn Thủ đô. Vì thế mà khi trở về quê nhà, Thuận đã kết nối được với những thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 2018, được sự nhất trí của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, Thuận thành lập CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang.
Với uy tín và trách nhiệm của mình, Thuận được bầu giữ chức Chủ tịch CLB. Đây là tổ chức trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bắc Giang. Ban đầu, CLB có gần 60 hội viên sinh hoạt.
“Tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về chuyện việc gì là quan trọng nhất. Tôi có thể làm tới đâu và điều quan trọng nhất tôi có thể làm là hỗ trợ mọi người bằng cách thức mà tôi có thể. Đó là tạo môi trường hòa nhập cho cộng đồng người khuyết tật Bắc Giang, nỗ lực xóa bỏ định kiến xã hội về họ”.
Anh Lê Viết Thuận trong một lần về trường nói chuyện với các em học sinh.
Đó là những điều mà Thuận luôn trăn trở, suy tư và day dứt. Cũng có người gợi ý Thuận nên mở xưởng làm tăm tre hay làm hàng thủ công mỹ nghệ để các hội viên cùng làm, thế nhưng hoàn cảnh mỗi hội viên lại rất khác nhau.
Hiện nay các hội viên ở CLB chia làm 3 nhóm. Nhóm một gồm những người khuyết tật nhẹ, đa số họ vẫn đi làm công ty được. Nhóm hai nặng hơn một chút nhưng lại biết công nghệ thông tin nên một số làm về Photoshop cho hiệu ảnh. Còn nhóm ba là không đi lại được, không làm gì được. Đây cũng là nhóm mà Thuận lo lắng nhất vì họ không có nguồn thu nhập nào ngoài tiền trợ cấp xã hội hằng tháng.
Vì thế, thỉnh thoảng Thuận lại ra Hà Nội dựa vào những mối quan hệ của mình để vận động tài trợ mua xe lăn và ít tiền để hỗ trợ họ sinh hoạt. Ban đầu, Thuận vận động người thân, bạn bè. Sau dần, Thuận vận động những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ngoài xã hội.
4. Thuận là người sống tình cảm, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng với các hội viên. Thế nên, cậu luôn cố gắng giúp đỡ mọi người hết sức có thể. Nhiều hội viên gặp khó khi làm chứng minh nhân dân do thiếu điều kiện hoặc do tay bị khuyết tật, không có vân tay… cậu đã liên hệ cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ.
Hiện Thuận cũng đang kết nối với chương trình “Điều ước thứ 7″ của Đài Truyền hình Việt Nam cho một trường hợp hội viên của anh – một người khuyết tật nặng với ước mơ được một lần đặt chân đến Hà Nội. Không chỉ quan tâm sâu sát tới đời sống thanh niên khuyết tật, Thuận còn đặc biệt chú ý đến đời sống của trẻ em khuyết tật.
Không ít lần, Thuận cất công đi đến nhiều trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ và phục hồi chức năng để xin sự giúp đỡ cho những trường hợp trẻ em khuyết tật nặng trên địa bàn tỉnh. Tất bật với công việc đi lại, ngoại giao trong khi bản thân lại là người khuyết tật nhưng Thuận tỏ ra hạnh phúc với những gì mà mình làm được cho người khuyết tật tỉnh nhà.
Bên cạnh công việc, chàng trai trẻ ấy còn thường xuyên làm thơ, tất nhiên đó chưa phải là những vần thơ trau chuốt, giàu hình ảnh nghệ thuật nhưng ở một khía cạnh nào đó thơ ca là nơi anh trút những tâm sự, thể hiện niềm lạc quan với cuộc đời này. Thuận đã có lần nói với tôi rằng cậu muốn viết một cuốn tự truyện. Và tôi nghĩ rằng cuộc đời Thuận là một cuốn tiểu thuyết dày dặn, đầy ắp những điều bổ ích cho bạn đọc.
Nhiều khi ngồi với nhau một cách thân tình, tôi hỏi Thuận có nghĩ đến chuyện lấy vợ rồi sinh con đẻ cái không? Thuận bỗng chùng xuống, cậu bảo: “Muốn, rất muốn nhưng liệu có ai dám lấy mình không”. Thuận sợ người ấy khổ, Thuận sợ không đem lại hạnh phúc cho người ấy… Chơi với nhau bao nhiêu lâu nhưng chỉ riêng chuyện này là tôi mới thấy Thuận thiếu tự tin. Tôi hiểu Thuận đang cần lắm một tổ ấm như bao bạn bè cùng trang lứa.
Với những gì Thuận đã và đang nỗ lực vượt qua, Thuận là minh chứng hùng hồn cho lẽ sống của người khuyết tật “Tàn chứ không phế”. Trước mắt Thuận đầy rẫy những khó khăn, thử thách trong cả công việc lẫn cuộc sống riêng tư nhưng tôi tin rằng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết, tận tâm và chân thành của mình, Thuận sẽ sớm hái được “quả ngọt”.
* Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Ngô Khiêm (Công An Nhân Dân)
Cô bé nghèo phối đồ đẳng cấp như stylist bất ngờ được mời làm mẫu
Mặc đồ cũ ngồi chơi ngoài vỉa hè, bé Hoàng Anh, 6 tuổi, bất ngờ lọt vào mắt xanh của giới thời trang.
Một tối cuối tháng 3 vừa qua, bé Nguyễn Hoàng Anh (6 tuổi, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) theo mẹ lên phố bán tăm bông, dầu gió... Một nhà thiết kế thời trang ở Hà Nội vô tình nhìn ra bộ trang phục của em được phối rất "sành điệu" nên chụp ảnh lại. Cô bé cho biết quần áo này đều là đồ cũ mẹ nhặt về.
Chỉ trong 3 ngày, bài viết về Hoàng Anh đã được hàng chục nghìn lượt thích, hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng. Nhiều tín đồ thời trang bày tỏ sự ngưỡng mộ khi biết cô bé chưa hề học qua trường lớp nào.
Trang phục ngẫu hứng của Hoàng Anh hôm 25.3 được giới chuyên gia đánh giá cao. Ảnh: H.A.
Chị Nguyễn Thị Thanh (45 tuổi), mẹ của bé Hoàng Anh cho biết, mấy tuần qua có vài người trong lĩnh vực thời trang đến ngỏ ý mời bé làm người mẫu nhí. Chị vừa nhận lời cho con gái đi học tại một công ty thời trang ở quận Hai Bà Trưng trong tháng này. Đại diện công ty cho biết họ sẽ cho bé ăn học, và đào tạo thành người mẫu nhí, do thấy bé "có tố chất về thời trang".
"Bé Hoàng Anh ở nhà thích phối đồ, dù chẳng bao giờ được mua quần áo mới. Tivi thì chẳng mấy khi được xem, sách vở thì chưa đọc được, nên có lẽ khiếu thẩm mỹ của cháu chỉ là từ bản năng", chị Thanh kể.
Đánh giá về bộ đồ của bé, Sang Lê (Top 15 Hoa hậu hoàn vũ 2015) cho biết: "Tôi đã xem rất kỹ từng tấm ảnh. Dù chỉ mặc đồ cũ, không vừa size, nhưng cô bé phối rất hài hòa trên tổng thể. Tôi nghĩ cô bé có tài năng thiên bẩm về thời trang, cần được phát triển hơn".
Sang Lê phân tích thêm, kể cả đồ đắt tiền, nếu không biết phối màu cũng coi như hỏng bộ trang phục. Bé Hoàng Anh không chỉ biết cách cân bằng các gam màu cho thuận mắt mà còn biết chỉnh dáng cho bộ đồ cân xứng với cơ thể. Như kéo ống quần bên cao bên thấp vì quần dài, hay áo đóng vào quần vì áo to rộng...
Nguyễn Phạm Minh Đức, một người mẫu nổi tiếng ở TP HCM cũng có ấn tượng mạnh với phong cách thời trang của Hoàng Anh.
"Việc sử dụng nhiều lớp đồ để tạo nên một tổng thể mới trong thời trang là xu hướng trong những năm gần đây. Đồng thời, xu hướng này chịu sự chi phối bởi màu sắc khá nhiều nên để chúng hòa hợp trên một tổng thể không hề dễ dàng. Vì vậy, không phải bàn cãi nhiều về tài năng thiên bẩm của bé Hoàng Anh", anh Minh Đức nói.
Một mình chị Thanh (bìa phải) lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho 4 người con, dù kinh tế khó khăn và sức khỏe không tốt. Bé Hoàng Anh là con thứ ba của chị (thứ ba từ trái sang). Ảnh: Trọng Nghĩa.
Hàng ngày chị Thanh đi bộ vài chục km để buôn bán, tìm đồ về cho con trong căn phòng trọ 20 m2 trên ngõ Đỗ Thuận (quận Hai Bà Trưng). Nơi ở của 5 mẹ con như một nhà kho chứa quần áo la liệt khắp sàn.
Hoàng Anh cho biết: "Cháu thích mặc đồ công chúa phối với gam màu nóng như đỏ, vàng, hồng... Cháu chỉ muốn được đi học, sau này làm nhà thiết kế thời trang để có tiền ăn pizza hàng ngày và có một căn nhà sạch sẽ".
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Trọng Nghĩa - Vân Anh (VnExpress)
Cô bé ở xóm ngụ cư: "Con muốn đi học, được ăn cơm với thịt cá" Ba đi tù, mẹ bỏ đi nên anh chị của Bắp phải chuyển đến sống cùng ông bà nội. Bắp sống cùng bà cố ngoại, hiện 79 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Từ cầu Xóm Củi (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) rẽ phải khoảng 1km là xóm ngụ cư hình thành từ năm 1999, trên khu đất đang...