Chàng trai 9x ‘giải cứu’ hơn trăm tấn khóm cho nông dân
Xót xa nhìn từng đợt khóm của bà con hái xong rồi bỏ hỏng, Huỳnh No cùng nhóm bạn quyết tâm “giải cứu”, sau 3 tháng có hơn 100 tấn được tiêu thụ.
Khóm là cây trồng chủ lực của bà con huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trước dịch, giá khóm loại 1 tại vườn dao động 4.000-6.000 đồng một trái. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát khiến giá giảm mạnh, có lúc giảm một nửa vẫn không có người mua.
Như trường hợp của chú Út Thơ (Gò Quao) có vườn khóm cận ngày thu hoạch vẫn không thấy bóng dáng thương lái. “Tôi đã gọi điện cho các thương lái hay mua khóm trước đây hỏi tình hình. Họ bảo do dịch bệnh nên các chợ đầu mối, cũng như Chợ nổi Cái Răng không hoạt động nữa nên không có nơi tiêu thụ”, chú Thơ nói.
Chung tình cảnh, nhiều vườn kế bên nhà chú Thơ cũng có khóm chín rục mà không bán được. Nhiều người trồng khóm khác đứng ngồi không yên vì lo mùa vụ này mất trắng.
Chứng kiến tình cảnh trên, chàng trai trẻ Huỳnh No sinh năm 1993 không khỏi xót xa . No hiện làm việc bên sản xuất và phân phối ống hút cỏ sậy ở Kiên Giang, có cơ sở kinh doanh ống hút tại quận 8 TP HCM. Bản thân No được sinh ra từ gia đình nông dân tại Gò Quao nên khi nhìn từng đợt khóm của bà con hái lên rồi bỏ đống đến chín rục, anh cảm thấy không cầm lòng.
Vào những ngày cuối tháng 7, No quyết tâm “giải cứu” khóm cho bà con và cung cấp nông sản giá bình ổn, hợp lý cho người dân vùng dịch TP HCM.
Khóm Gò Quao, Kiên Giang được No đưa đến tay người dân TP HCM. Ảnh: Huỳnh No
Khi thực hiện ý tưởng, No và một bạn đồng hương tên Phong gom lại được khoảng 50 triệu đồng làm vốn. Với số tiền ít ỏi này, mục tiêu của No và Phong là làm sao hỗ trợ tiêu thụ nhiều khóm nhất cho bà con Gò Quao và không bị lỗ sau mỗi chuyến hàng.
Sau 3 ngày đầu triển khai, 8 tấn khóm đã được No vận chuyển từ huyện Gò Quao, Kiên Giang lên TP HCM. Chỉ sau 2 ngày, khóm đã bán sạch. Thấy nhu cầu của thị trường khá cao và nông sản tại quê nhà còn nhiều, No tiếp tục tăng cường lượng phân phối nông sản đến tay người tiêu thụ.
Tuy nhiên, lúc này những rắc rối mới bắt đầu bộc lộ. Vì chưa có kinh nghiệm vận chuyển, No sắp khóm trong thùng xe tải quá cao, khóm bị dập vì sốc nhiệt độ và đi đường dài. Chưa kể, mỗi lần tìm xe vận chuyển là một quá trình gian nan. Có ngày, No không gọi được nhà xe nào, cứ loay hoay mãi trong khi khóm không thể để quá lâu vì sẽ bị hỏng hết. Ngoài ra, do chưa có đội ngũ hỗ trợ, khiến nhiều chi phí bị đội lên.
Thêm nữa, các đơn lẻ đặt hàng 5-10 trái rải rác ở khắp các quận của TP HCM cũng là bài toán nan giải với chàng trai trẻ. No và nhóm cho biết, những ngày đầu do quá tải nên phải đi giao hàng vào ban đêm. Khi nhóm gọi điện cho khách hàng, họ vẫn vui vẻ chờ đến tận 3h sáng để nhận khóm. “Thấy họ trân trọng từng trái khóm, lúc đó bao mệt mỏi đều tan biến và cả hai động viên nhau cùng cố gắng”, Phong – cộng sự của No bộc bạch.
Tuy nhiên, vì có quá nhiều đơn nhỏ lẻ, nên đôi lúc, nhóm của No đành phải huỷ đơn và xin lỗi khách vì giao không xuể dù thấy rất ấy nấy….
Video đang HOT
Sau nhiều chuyến hàng “sóng gió”, cả hai bắt đầu rút kinh nghiệm dần trong vận chuyển, xây dựng cách giao hàng lẻ, cách bán hàng, phân loại đơn, nhân viên bán hàng…. Đến nay, nhóm của No có gần 10 thành viên gồm giao hàng và chốt đơn.
Trong tháng 8, khoảng 70 tấn khóm của nông dân Gò Quao – Kiên Giang đã được nhóm No mang đến tay người dân thành phố. No chia sẻ: “người dân tại TP HCM đang rất khó khăn trong đại dịch, vì thế, đây không phải là thời điểm kinh doanh kiếm tiền. Chúng tôi bán nông sản với giá hợp lý nhất để bà con có thể mua được”.
Trong tháng 9, việc vận chuyển đường dài có phần ổn định hơn, thế nhưng việc giao hàng trong nội thành vẫn rất khó vì shipper xe máy không thể hoạt động. Theo đó, việc vận chuyển khóm đến tay người dân phụ thuộc 100 % vào xe tải. No và Phong chỉ nhận giao hàng cho các chuỗi rau củ quả được phép hoạt động trong giai đoạn “ai ở đâu yên đó”.
Kho khóm của nhóm No tại quận 8, TP HCM. Ảnh: Huỳnh No
Với các đơn hàng lẻ, khách hàng sẽ hỗ trợ thanh toán phí ship và được chia sẻ rõ ràng ngay từ đầu. Phí giao hàng từ 10-20 trái khóm có khung giá khoảng 25.000-40.000 đồng tuỳ theo quận và cung đường.
Hiện tại, kho hàng của nhóm No đặt ở quận 8 để thuận tiện giao các đơn hàng nhỏ lẻ cho khách ở các quận xung quanh. Giá bán khóm trung bình tại TP HCM khoảng 12.000 đồng một trái từ một kg trở lên. Đến nay, gần 100 tấn khóm Gò Quao đã được nhóm No vận chuyển đến tay người dân thành phố.
Từ chỗ bán hàng phi lợi nhuận, hiện nhóm của No hoạt động theo mục tiêu hỗ trợ bán nông sản, chia sẻ lợi nhuận cho bếp ăn 0 đồng và rau củ quả cho bà con khu xóm trọ và khu phong toả. Ngoài ra, nhóm cũng hỗ trợ các chuyến xe miễn phí vận chuyển rau củ quả, các nhu yếu phẩm cho các bếp ăn, hội từ thiện.
Nông dân gặt lúa sau bão Côn Sơn
Hàng chục ha lúa ở Huế và Hội An ngã đổ sau bão, được người dân gặt về làm thức chăn nuôi gà, vịt, lợn.
Ngày 15/9, hàng chục nông dân ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, TP Huế cùng nhau ra đồng thu hoạch lúa đang bị ngập úng.
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Côn Sơn, hàng chục ha lúa hè thu của người dân xã Hương Phong chưa kịp thu hoạch đã bị gãy đổ, ngập úng. Nhiều diện tích lúa chìm trong dòng nước, hạt lúa nảy mầm.
Nước ngập sâu, ông Trần Tấn Kiệt, 50 tuổi, xã Hương Phong phải dùng thuyền nhôm vượt lũ để vận chuyển lúa mới gặt đưa vào bờ. Vụ hè thu năm nay, gia đình ông Kiệt gieo sạ 4 mẫu lúa nếp từ đầu tháng 4 âm lịch.
"Năm nay do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, lúa nếp trổ đồng chậm nên thu hoạch chậm hơn so với mọi năm", ông Kiệt nói và cho biết, hơn nửa diện tích lúa nếp của gia đình đã mọc mầm non, thu hoạch về cũng chỉ cho gà vịt ăn.
Máy gặt không sử dụng được khi ruộng lúa ngập sâu, người dân phải bì bõm lội trong dòng nước dùng liềm gặt lúa.
Nhiều gia đình huy động thêm người thân, hàng xóm ra đồng phụ giúp thu hoạch lúa bị gãy đổ. Người dân phải dùng liềm có móc để kéo lúa bị chìm dưới nước lên.
"Lúa ngập úng nên khi gặt xong gia đình phải tuốt ngay trên đồng không để lâu được", ông Nguyễn Ngọc Anh, 50 tuổi ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, cho biết. Gia đình ông có 6 sào lúa nếp thì phân nửa đã nảy mầm.
Tận dụng trời nắng ráo, người dân thôn Thuận Hòa B dùng xe máy cày chở lúa vừa thu hoạch đi phơi ở bên Quốc lộ 49B.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có hơn 100 hecta lúa vụ hè thu bị gãy đổ, ngập úng do mưa lớn của hoàn lưu bão Côn Sơn.
Cùng ngày, trên cánh đồng mẫu lớn, xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) , nhiều người dân tranh thủ thu hoạch lúa sau 2 ngày bão tan. Đây là cánh đồng có diện tích lớn thứ hai ở thành phố di sản, mỗi hộ nông dân trồng từ 500 đến 1.000 m2.
Thửa ruộng 500 m2 của nhà bà Lê Thị Quý bị ngã đổ ngâm nước hơn 6 ngày đang được thu hoạch. "Lúa lên mộng gần hết nên không thể dùng để ăn, không thu hoạch thì tiếc. Tôi gặt để làm thức ăn chăn nuôi", bà Quý nói và cho biết hai năm dịch Covid-19, Cẩm Thanh ít du khách tham quan, người dân không nguồn thu từ du lịch, chỉ trông chờ vào hạt lúa.
Lúa ngã sạp xuống ruộng đều ra mộng. Có nhiều bông lúa, hạt nẩy mầm phát triển thành cây mạ non cao từ 1 đến 3 cm.
Lúa ngã đổ không thể gặt bằng máy, nông dân lội nước, bùn sâu từ 10 đến 30 cm dùng liềm cắt lúa thủ công. 500 m2 ruộng, ba người gặt một ngày mới xong, trong khi lúa không ngã đổ gặt máy khoảng 25 phút.
Bà Lương Thị Vương trồng 1.000 m2 lúa đều bị ngâm nước nẩy mầm. "Trồng lúa lấy gạo ăn nhưng nay mất trắng", bà nói.
Bão Côn Sơn trước khi đổ bộ vào đất liền suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, riêng tại Quảng Nam từ ngày 10 đến 12/9 ghi nhận tổng lượng mưa phổ biến từ 60 đến 160 mm, vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 200 đến 400 mm, có nơi gần 500 mm. Cơn bão khiến hơn 3.000 ha lúa vụ hè thu ở địa phương thiệt hại do ngập nước, trong đó TP Hội An hơn 200 ha.
Để thu hoạch lúa ngã đổ, chính quyền xã Cẩm Thanh huy động 15 dân quân giúp nông dân. Họ cho lúa vào một tấm bạt rồi kéo dọc mương nước để đưa lên bờ.
Ông Huỳnh Xuân Thắng, thu hoạch xong 1000 m2 lúa đã tuốt và phơi khô cho biết, không thể dùng để nấu cơm. "Loại này xay ra hạt gạo vỡ nát, nấu cơm ăn có vị đắng nên không thể dùng để làm thức ăn cho người. Tôi thu hoạch cho gà vịt, lợn... ăn", ông cầm trên tay một nhúm lúa mọc mần nói.
Sau khi lúa gặt xong đưa lên đường, ông Nguyễn Minh Dũng phơi cho ráo nước chờ máy đến tuốt. "Loại này mà chất đống sẽ ủ hơi khiến mộng phát triển rất nhanh", ông nói.
Các địa phương miền Trung hối hả "chạy bão" số 5 Dự báo cơn bão số 5 sẽ ảnh hưởng nên người dân ở các tỉnh miền Trung đang hối hả đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời gia cố nhà cửa, thu hoạch lúa đề phòng bão đổ bộ. Ngư dân Thanh Hóa đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão. Thanh Hóa: Kéo thuyền lên đường nhựa Để...