Chàng lính cứu hỏa Thanh Hoá nhường bình dưỡng khí cho nạn nhân
Trong lúc mắt nhắm chặt, chân khuỵu xuống vì không thể thở được, Tống Văn Đông đã thoáng nghĩ tới hình ảnh bố mẹ. Anh thầm nghĩ: “Xin lỗi bố mẹ, Tết này con không thể về nhà”.
Đó là tối ngày 22 tháng Chạp (âm lịch) cách đây hơn 1 năm. Một ngày tập luyện và lao động trôi qua yên ả với chàng lính cứu hỏa 21 tuổi cho đến khoảng 6 giờ chiều. Lúc ấy, đơn vị vừa tập luyện xong, người đang nghỉ ngơi, người đang chơi thể thao.
Bỗng tiếng kẻng vang lên, như một phản xạ tự nhiên, tất cả chiến sĩ nhanh chóng mặc trang phục và nhảy lên xe. Chiếc xe phóng vút tới hiện trường đám cháy là một tòa nhà 11 tầng ở phường Điện Biên, TP Thanh Hóa.
Sau khi tiếp cận đám cháy và triển khai đội hình, Đông được phân công làm trinh sát đi lên tìm kiếm và giải cứu người bị nạn. Khi lên đến tầng 4, tầng 5, Đông cùng một đồng đội giải cứu được 4-5 người dân, đưa họ xuống nơi an toàn. Cứ thế, trên đường lên đến tầng 8, đi đến đâu thấy người bị nạn, anh hỗ trợ họ ngay lập tức.
Tưởng chừng giây phút nguy hiểm nhất đã qua thì một người dân báo cho anh biết trên tầng 8 còn 1 người nữa bị mắc kẹt. Trong đầu Đông bắt đầu lo ngại, người này khó cóthể trụ được đến giờ vì thời gian cháy cũng đã lâu. Nhưng còn nước còn tát, anh cùng một đồng đội vẫn nhanh chóng chạy lên. Lên đến tầng 8, khi 2 chiến sĩ gọi to: “Chúng tôi lên cứu hộ, ở đây có ai bị nạn không?”, một phụ nữ cầm đèn led chạy ra.
Thấy người bị nạn vẫn còn tỉnh táo, Đông vui mừng và cùng đồng đội đưa nạn nhân thoát khỏi hiện trường. Nhưng vừa chạy đến cầu thang bộ thì thấy khói tràn lên dữ dội, cả 3 quyết định quay lại tầng 8.
Cũng lúc này, người phụ nữ có dấu hiệu ngất lịm. Trong đầu chỉ kịp nghĩ rằng nạn nhân khó sống sót nếu không được trợ giúp, Đông nhanh chóng gỡ bình dưỡng khí của mình đưa cho người bị nạn.
Nhưng chỉ 2-3 phút sau, anh thấy khó thở, phải lấy áo che mặt để giảm khói độc. Lúc này, khói đã bao trùm toàn bộ không gian. Trong tình trạng mắt nhắm nghiền, Đông bị mất phương hướng và tách khỏi nhóm.
Nhớ lại các kiến thức đã được huấn luyện, anh quờ quạng để tìm nơi có nước. Một lát sau, anh bước vào một không gian thấy có nước tràn trên mặt sàn, đoán định đó là nhà vệ sinh. Lúc này, chân Đông cũng khuỵu xuống, không còn biết gì nữa.
Về sau, khi đã tỉnh táo, Đông nghe đồng đội kể lại rằng lúc tìm thấy, anh đang úp mặt xuống nước, mặt tái mét.
Đông và các đồng đội đang tập dượt cho công tác PCCC.
“Sau 7-8 tiếng, tôi mới tỉnh lại. Lúc mở mắt thấy mẹ đang lau người cho tôi, còn bố đứng bên cạnh” – Đông kể.
Video đang HOT
Nhớ lại tình huống nguy hiểm nhất từng gặp từ ngày đầu quân vào Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa, lính cứu hỏa sinh năm 2000 chia sẻ: “Thời điểm không thể thở được, tôi cũng đã xác định mình không ‘qua’ được.
Lúc ấy tôi đã buông tay, chờ chết. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có cảm giác bất lực. Tối hôm đó là ngày 22 tháng Chạp, hôm sau là ngày ông Táo về Trời. Tôi đã nghĩ: “Thôi, Tết này con không về được với bố mẹ”.
Giải thích về quyết định đưa bình dưỡng khí cho nạn nhân, Đông trả lời đơn giản rằng: “Tôi chỉ nghĩ làm sao cho chị ấy sống được. Nó chỉ trong khoảnh khắc, tôi không nghĩ được gì nhiều. Tôi đã được học nghiệp vụ, tôi nghĩ nếu không có bình, mình vẫn cố tìm được cách cầm cự để chờ đồng đội lên cứu. Còn chị ấy, nếu không có bình, chắc chắn sẽ chết. Nếu cho làm lại, tôi vẫn sẽ làm như thế”.
Chỉ mới có 2 năm vào đơn vị nhưng Đông không nhớ hết được mình và các đồng đội đã tham gia bao nhiêu vụ cứu hỏa, cứu nạn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đông chỉ biết rằng, vụ nào cũng có những mối nguy hiểm nhất định mà nếu không có lòng can đảm, khó có thể trụ lại với nghề.
“Có những đám cháy mà khi chúng tôi đến, trước mắt chúng tôi là một biển lửa, ví dụ như vụ cháy bãi phế liệu tập kết đế giày da ở khu công nghiệp Tây Bắc Ga, TP. Thanh Hóa. Khi xe còn ở cách đó 1-2km, chúng tôi đã nhìn thấy cột khói đen bốc lên. Khi đã tiếp cận đám cháy, trước mắt chúng tôi là một biển lửa rộng khoảng vài trăm mét vuông”.
Khi được hỏi: “Có khi nào cảm thấy sợ?”, Đông bảo: “Tất nhiên, tôi cũng là một con người, cũng có những lúc tôi thấy nhen lên nỗi sợ hãi. Tôi cảm thấy ớn lạnh khi nhìn gương mặt hoảng sợ của người bị nạn trong đám cháy.
Tôi cũng thấy hốt hoảng khi nhìn thấy cột khói đen ngòm trên bầu trời. Nhưng sự sợ hãi đó lại qua đi khi tôi đứng trước mặt đám cháy. Tôi thấy trước mắt mình là những việc cần làm, những con người cần cứu. Tôi cũng không giải thích được tâm lý đó của bản thân”.
Tống Văn Đông (trái) và đồng đội sau khi hoàn thành một nhiệm vụ.
Đông bảo, lính cứu hỏa không phải là mơ ước của anh từ nhỏ. Ngày nhỏ, vì được một bác sĩ đông y cứu mạng nên anh từng ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ đông y. Nhưng khi lớn hơn, nhìn thấy các anh lính cứu hỏa rất “oai” nên cậu nhen nhóm ước mơ mới từ đó.
Sau khi học xong phổ thông, Đông đã có 9 tháng làm công việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy. Đến đợt khám lính nghĩa vụ, Đông đăng ký vào đơn vị PCCC của thành phố. Sinh ra trong một gia đình làm nông, đã quen với lao động vất vả nên anh nhanh chóng thích nghi với cuộc sống của một người lính.
“Ngoài giờ tập luyện, chúng tôi có làm vườn, tập thể thao, ăn ngủ điều độ, đúng giờ. Mỗi tháng, tôi được nghỉ phép về nhà với bố mẹ 1 lần. Tôi không gặp khó khăn gì với cuộc sống trong đơn vị”.
“Thậm chí, càng ngày tôi càng thấy yêu công việc của mình hơn. Những lần đi chữa cháy, chúng tôi được bà con yêu thương, chăm sóc. Những bữa cơm trưa bà con nấu cho chúng tôi những lần phải đi dập cháy rừng khiến tôi thấy ấm lòng vô cùng”.
Đông chia sẻ, nghề nghiệp cũng giúp anh bản lĩnh hơn, trưởng thành hơn và có ý chí mạnh mẽ hơn.
“Mặc dù công việc khiến tôi phải đối mặt với nguy hiểm mỗi ngày, nhưng tôi mới có hơn 20 tuổi, nếu không dám xông pha, không dám cống hiến thì về già còn làm được gì nữa. Tôi muốn làm công việc có ích cho đời. Trước đây tôi đã nghĩ vậy và bây giờ vẫn thế”.
Tống Văn Đông trong một lần hiến máu tình nguyện.
Nhờ những thành tích trong công tác PCCC, Tống Văn Đông được nhận:
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020
- Đang đề nghị Giải thưởng Thanh niên Công an tiêu biểu năm 2020
- Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm năm 2020
- Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020
Tống Văn Đông cũng là 1 trong 20 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.
Tuổi trẻ Đà Nẵng khởi động Tháng Thanh niên, hỗ trợ khởi nghiệp
Năm nay, Thành Đoàn Đà Nẵng phấn đầu trồng 30 ngàn cây xanh trên địa bàn, riêng trong Tháng Thanh niên sẽ trao tặng 20 ngàn cây xanh (cây keo) là sinh kế hỗ trợ thanh niên trên địa bàn huyện Hòa Vang lập nghiệp.
Năm nay, Thành Đoàn Đà Nẵng phấn đầu trồng 50 ngàn cây xanh trên địa bàn, riêng trong Tháng Thanh niên sẽ trao tăng 20 ngàn cây xanh (cây keo) là sinh kế hỗ trợ thanh niên trên địa bàn huyện Hòa Vang lập nghiệp
Sáng 28/2, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Lễ phát động Tháng Thanh niên năm 2021 với chủ đề "Tuổi trẻ Đà Nẵng tự hào truyền thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh" và ra quân Tết trồng cây.
Tại buổi lễ, 5 đội hình tình nguyện Tháng Thanh niên đã được ra mắt, gồm: Đội hình Thanh niên trong công tác phòng, chống dịch COVID - 19; Đội hình Thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện; Đội hình Thanh niên Tình nguyện bảo vệ môi trường; Đội hình Thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính và Đội hình Tình nguyện hỗ trợ tư vấn nhanh thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Đà Nẵng và anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Thành Đoàn trao hoa cho đại diện các đội hình tình nguyện trong Tháng Thanh niên năm 2021
Dịp này, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng trao 20 ngàn cây keo lá tràm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cho một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Tháng Thanh niên năm 2021 sẽ là chuỗi hoạt động thiết thực, sôi nổi chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tập trung vào các hoạt động giáo dục truyền thống vẻ vang của Đoàn, hỗ trợ người dân ứng dụng CNTT trong thủ tục hành chính, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, các hoạt động bảo vệ môi trường...
Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng 20 nghìn cây keo lá tràm hỗ trợ lập cho thanh niên huyện Hòa Vang
"Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tuổi trẻ thành phố sẽ linh hoạt trong việc triển khai các đội hình tình nguyện với quy mô thích hợp; huy động, kết nối các nguồn lực xã hội, tổ chức kịp thời các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch; góp phần tạo nên những "giá trị mới" trong phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố", anh Dũng cho hay.
Lãnh đạo Thành ủy và Thành Đoàn Đà Nẵng trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Đài tưởng niệm 2/9
Trong Tháng Thanh niên 2021, Thành Đoàn sẽ đẩy mạnh các hoạt động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo"; đối thoại, trao đổi giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ Đoàn với đoàn viên, thanh niên; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên xây dựng văn hoá văn minh đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức các hoạt động kết nối thanh niên với doanh nghiệp, hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp...
Trong Tháng Thanh niên năm 2021, Thành Đoàn Đà Nẵng chú trọng các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch COVID - 19, bảo vệ môi trường, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...
Thành Đoàn cũng triển khai Công trình Thanh niên là 7 khu vui chơi cho thiếu nhi tại 7 quận, huyện trên địa bàn trị giá 1,4 tỷ đồng; thực hiện "Bảng tóm tắt tiểu sử danh nhân được đặt tên đường". Cũng trong sáng nay, Thành Đoàn Đà Nẵng ra quân "Tết trồng cây" tại Đài tưởng niệm 2/9. Năm nay, Thành Đoàn dự kiến trồng thêm 30 ngàn cây xanh trên địa bàn.
Lính cứu hỏa trao trả 40 triệu đồng cùng nhẫn vàng cho gia đình bị cháy nhà ngày thần Tài Trong lúc chữa cháy căn nhà trong hẻm ở TPHCM, lính cứu hỏa đã bảo vệ và trao trả số tiền 40 triệu đồng cùng 2 nhẫn vàng và nhiều giấy tờ tùy thân cho gia chủ. Lực lượng chức năng làm thủ tục trao trả tiền, nhẫn vàng chu gia chủ. Theo đó, khoảng 5h ngày 21/2, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công...