“Chẳng có quốc gia nào, diễn viên tối ngày lên facebook bán kem trộn, son phấn như Việt Nam”
“Có những phim đóng xong bao nhiêu năm vẫn không nhận được lương, mà lúc quay thì dí tiến độ thức khuya dậy sớm. Ai cũng sợ nói vì nói ra thì bị cô lập”, diễn viên Trọng Hiếu bức xúc.
Trọng Hiếu và Tiến Luật trên phim trường “Ngôi nhà Teen ám” của đạo diễn Trần Cảnh Đôn.
Chuyện bất cập trong nghề làm phim ở xứ ta, ai cũng thấy nhưng ai cũng ngại nói vì sợ đụng chạm, có khi còn bị ghét rồi mất luôn cả miếng cơm manh áo. Bởi vậy, những chia sẻ của diễn viên Trọng Hiếu về thực trạng này, cả tôi và anh đều cho rằng, đây là một việc làm “liều lĩnh”.
Dù vậy thì đã đến lúc, chúng ta không nên “chạy trốn” cái xấu mà cần đối diện với nó một cách thẳng thắn, mạnh mẽ để “cải tạo” nó cho đẹp đẽ hơn.
“Phụ hồ cũng không làm 20 tiếng 1 ngày nhưng đó là chuyện bình thường ở đoàn phim”
Tôi nhớ có lần diễn viên Đào Vân Anh chia sẻ trên facebook về một tình huống hết sức éo le khi đi làm phim. Đào Vân Anh phải đóng cảnh nóng với một ông xe ôm mà nhà sản xuất chạy ù đi kiếm gấp… Đau đầu hơn, nó lại là cảnh nhất định phải đụng chạm cơ thể. Thế mới thấy, chuyện làm phim ở xứ ta có nhiều điều khôi hài?
Nhà sản xuất muốn tiết kiệm chi phí, không thuê diễn viên chuyên nghiệp nhưng đôi khi lại… tính già hóa non. Tôi ví dụ, thuê một người ở đâu đó vô đóng với mức giá 200.000 đồng. Họ không làm được cũng vẫn phải trả tiền. Chừng 5 người là mất 1 triệu.
Trong khi diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ giá đó, họ làm gọn lẹ, không mất thời gian, không đội chi phí của đoàn. Vì rõ ràng, chỉ cần 1 ngày đoàn xuất quân ra hiện trường là mất mấy chục triệu rồi.
Diễn viên Trọng Hiếu trên phim trường.
Có nhiều nghịch lý lắm. Không có một quốc gia nào trên thế giới, diễn viên đi đóng phim phải tự lo trang phục cho vai diễn như ở Việt Nam. Rất rất ít phim có stylist.
Nhiều người hiểu, làm phục trang nghĩa là ủi đồ, thay đồ cho diễn viên. Không phải vậy. Phục trang cho phim là người phải nhớ rắc-co nhân vật, phải làm sao cho khán giả hiểu được nhân vật đó là chính diện, phản diện, giàu có, nghèo nàn, du côn hay ả giang hồ gái điếm qua bộ trang phục mà họ mặc.
Còn bây giờ, diễn viên cảm thấy cái nào mặc được thì mang đi nên khi nhìn vào một bộ phim, chúng ta thấy phục trang bị… lung tung. Ngoại trừ phim cổ trang, còn phim tâm lý xã hội, tôi chưa từng thấy đoàn phim nào có stylist mà toàn diễn viên tự lo đồ.
Chỉ có ở Việt Nam, lương diễn viên nhận đã bao gồm tiền tự lo phục trang cho vai diễn. Thế nên, nhiều diễn viên than rằng, ký lương vai diễn không được bao nhiêu mà tiền sắm đồ đã hết 50, 60% cát xê rồi.
Có lần tôi đi nhậu với một diễn viên đóng phim “Hoa trong bão”. Trong phim anh ấy phải mặc toàn đồ vest, sắm đồ hết 50% lương. 50% lương còn lại dành cho di chuyển trong suốt quá trình quay, thì thử hỏi, diễn viên làm mấy tháng trời cầm được bao nhiêu tiền cho vai diễn đó!
Nhưng khổ một điều là không ai phá vỡ được nghịch lý đó. Diễn viên chỉ cần nói, với mức lương đó, không lo được phục trang thì nhà sản xuất nói ngay “tao mời người khác, diễn viên xếp hàng vô khối chờ đi làm”. Vậy là thua.
Người làm nghề diễn viên rất cần được bảo vệ như mọi người lao động ở các ngành nghề khác.
Vấn đề là, diễn viên ở Việt Nam đang bị… quá tải nên mới dẫn tới sự cạnh tranh rồi phá giá như thế. Giá nào họ cũng làm và làm một cách dễ dãi nên nhà sản xuất mới được nước lấn tới?
Tôi nói thật, bởi vì ở Việt Nam không có Hiệp hội bảo về người làm nghề, trong khi trên thế giới, ngành nghề nào cũng có. Diễn viên có quyền đòi hỏi quyền lợi cho công sức lao động của mình như bất cứ ngành nghề nào. Nhưng ở Việt Nam thì không.
Diễn viên, anh em hiện trường, ánh sáng… làm từ 8h sáng hôm nay tới gần sáng hôm sau là bình thường. Người làm phụ hồ cũng không làm thời gian như thế. Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện “cơm bữa” ở đoàn phim. Nhà sản xuất ép tiến độ, cắt ngắn thời gian sản xuất để giảm chi phí.
Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cũng không có. Đã từng có nhiều anh em đi làm phim, bị chết, bị tai nạn thương tật vĩnh viễn… thế nên nhiều lúc diễn viên sợ đóng cảnh nguy hiểm. Bởi cát xê không bao nhiêu, lỡ mà bị ngã, bị thương tật… thì ai lo cho mình. Bởi vậy anh diễn viên bị nhát.
Đó là điều bất cập vô cùng. Không có hiệp hội nào bảo vệ cho người làm nghề diễn viên. Còn rất nhiều chuyện khác, ăn uống trên phim trường cũng thế. Mọi người thấy hào nhoáng thế nhưng đâu có hiểu, anh em làm phim thức đêm thức hôm, cầm cốc mì gói ăn là chuyện bình thường.
Thật sự là diễn viên sống và làm nghề rất khó khăn, chật vật. Chẳng ai giàu vì đóng một bộ phim cả.
Video đang HOT
Chuyện nhà sản xuất quỵt tiền lương diễn viên xảy ra như cơm bữa nhưng không một cơ quan, đoàn thể nào đứng ra bảo vệ họ.
Chỉ diễn viên Việt Nam mới tối ngày lên facebook bán hàng online, kem trộn, son phấn…
Nhưng ở nước ngoài, lương đóng một phim có khi đủ cho diễn viên ăn tiêu thoải mái cả chục năm?
Ở nước ngoài, diễn viên được coi trọng. Họ được trả xứng đáng cho công sức lao động mà họ bỏ ra. Tôi từng qua Thái làm cho một hãng phim, nhìn ê-kíp làm phim của họ mà chạnh lòng cho ê-kíp làm phim xứ mình. Ê-kíp làm phim của họ lớp lang đầy đủ.
Diễn viên rất sướng, đi làm chỉ việc mang người không tới quay. Ở đoàn phim, có stylist. Trong thời gian chờ đọc kịch bản, có ghế ngồi đàng hoàng, được ăn uống, chăm sóc đầy đủ. Họ tạo điều kiện cho diễn viên thư giãn, thoải mái hết sức có thể để làm nghề tốt nhất, không căng thẳng bất cứ điều gì.
Còn ê-kíp làm phim của Việt Nam, một người ôm công việc của 2, 3 người vì cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí. Đã vậy còn đòi nhanh thì làm sao bộ máy trơn tru được.
Tôi vẫn hay nói vui là “cơ chế nó phải thế” nhưng thật sự rất buồn. Và theo tôi, thực trạng này sẽ còn kéo dài rất lâu. Vì thực chất, diễn viên không có tiếng nói. Nói ra còn bị nhà sản xuất ghét, không làm nghề được. Chưa kể, nói ra liệu có thay đổi được gì không. Vì ai cũng nghĩ thế, sợ thế nên im cho xong, im cho yên mà làm nghề.
Bởi vậy mà các nhà sản xuất được thế, o ép anh em ê-kíp, diễn viên. Họ bảo “làm thì làm, không làm thì thôi, tôi kêu người khác”. Lương thấp, mình không chịu thì họ bảo “tôi còn đống người đi giá đấy”. Không có hiệp hội bảo vệ cho người diễn viên thì anh em làm nghề còn khổ.
Mọi người chỉ biết đến vẻ hào nhoáng của nghề diễn viên mà ít ai hay sự cực khổ, vất vả… thậm chí thiệt thòi mà họ phải chịu.
Vậy vai trò của Hội điện ảnh để đâu?
Hội điện ảnh chẳng giúp ích gì cho diễn viên. Hàng năm, mọi người đóng tiền vào, gặp mặt 1,2 lần ăn nhậu rồi thôi, không bảo vệ quyền lợi gì cho anh em làm nghề.
Nhà sản xuất quỵt tiền diễn viên vẫn xảy ra hàng ngày. Trên facebook nhà sản xuất và diễn viên vẫn đấu đá nhau, thậm chí livestream chửi bới vì giật tiền nhưng những vụ đó đều chìm xuồng hết. Hội Điện ảnh đâu có đứng ra giải quyết. Diễn viên cũng ngậm bồ hòn, không lấy được tiền thì chịu.
Có những phim đóng xong bao nhiêu năm vẫn không nhận được lương, mà lúc quay thì dí tiến độ thức khuya dậy sớm, đổ công đổ sức vào làm, phim chiếu xong cũng chẳng trả tiền. Ai cũng sợ nói vì nói ra thì bị cô lập. Dẫu có ca thán cũng chẳng ai để ý đến.
Chẳng có quốc gia nào mà diễn viên tối ngày lên facebook bán hàng online, kem trộn, son phấn… như ở Việt Nam cả. Họ là diễn viên hạng A luôn. Có người làm vì không có thu nhập nhưng cũng có người làm vì bán hàng online nhiều tiền hơn đóng phim.
Nhìn họ, tôi thấy buồn chứ không đả kích. Họ có quyền kiếm tiền. Họ không sống được bằng nghề nên phải đi làm công việc khác. Đau hơn là những công việc khác đẻ ra tiền để họ lấy tiền đó nuôi nghề. Rất bất hợp lý.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Diễn viên Trọng Hiếu: Hơn 20 năm ở nhà thuê, nuôi con một mình và chưa từng kết hôn
Trong khi các bạn cùng lớp: Việt Hương, Thúy Nga, Hạnh Thúy, Tiết Cương, Cao Minh Đạt... nổi đình nổi đám thì Trọng Hiếu vẫn lặng lẽ làm nghề bằng sự tin tưởng, nể trọng của đồng nghiệp
Trọng Hiếu tên thật là Trần Trọng Hiếu, anh sinh năm 1977 là học trò thế hệ đầu tiên trong sự nghiệp giảng dạy của danh hài Minh Nhí. Trọng Hiếu cùng lớp với Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Hạnh Thúy, Trần Bùm, Lê Chẩn... khóa 18 trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM.
Khi các bạn nổi đình nổi đám, được khán giả biết mặt, nhớ tên thì Trọng Hiếu vẫn lặng lẽ làm nghề hơn 20 năm qua... trong sự tin tưởng, nể trọng của đồng nghiệp. Phía sau sự lặng lẽ ấy là rất nhiều câu chuyện mà tới hôm nay, học trò danh hài Minh Nhí mới có dịp trải lòng...
Diễn viên Trọng Hiếu (ảnh trong bài do NVCC)
Không muốn "dựa hơi" chú, hơn 20 năm làm nghề vẫn ở nhà thuê
Chú ruột của Trọng Hiếu là đạo diễn Trần Cảnh Đôn - một cái tên mà khi nhắc tới, cả giới làm phim không ai không biết. Những tưởng, gia thế đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho Trọng Hiếu khi bước chân vào nghề này, nhưng với anh điều này là một áp lực rất lớn.
Lý do khiến anh cương quyết đi bằng đôi chân của mình, "từ chối" dựa vào tên tuổi của chú ruột, một phần vì "sĩ diện" một phần vì Trọng Hiếu có suy nghĩ "bụt chùa nhà không thiêng".
Trọng Hiếu bảo: " Có người nhà làm nghệ thuật mà nổi tiếng nữa là áp lực lắm. Đi ra ngoài, mình làm không được thì chú bị mang tiếng, "cháu Trần Cảnh Đôn mà chẳng làm được việc gì". Làm được thì họ cũng sẽ nói "ôi giời, cháu Trần Cảnh Đôn mà", khổ lắm, nên hơn 20 năm nay, tôi tự đứng, không nhờ vả ai.
Tôi gần như chưa bao giờ xin vai chú Đôn, dù người ngoài thì có rồi. Chỉ có phim nào hợp vai, chú bảo "mày làm cho chú" thì tôi làm. Chú cũng bảo tôi đi làm phó đạo diễn cho chú nhưng tôi từ chối trong khi người ngoài thì tôi nhận. Vì càng người nhà lại càng khó làm việc, nhạy cảm lắm, nhất là trên hiện trường".
Bởi "tự bơi" mà con đường nghề của Trọng Hiếu không ít gian nan, gập ghềnh. Trong khi các bạn đồng trang lứa, ai ai cũng có danh tiếng, tiền của để dành thì Trọng Hiếu vẫn... bình bình. Đã thế, anh cũng chật vật lo cơm áo gạo tiền, chứ không dư dả về tài chính.
Giống như đàn anh Phương Bình hơn 25 năm ở nhà thuê thì tới giờ, hàng tháng Trọng Hiếu vẫn phải lo tiền nhà. Thậm chí, đã có lúc vì nản chí, anh quyết định bỏ nghề diễn nhưng giống như Tổ đã chọn Trọng Hiếu phải làm nghề này nên anh quay lại và bám trụ tới ngày hôm nay.
Thuở mới ra trường, Trọng Hiếu bén duyên nghề lồng tiếng trước rồi diễn sân khấu, tấu hài, đóng phim điện ảnh truyền hình. Hơn 20 năm qua, anh vẫn làm song song cả nghề diễn viên phim và diễn viên lồng tiếng.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng từ lúc học trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tôi xin bố mẹ cho ra ở riêng để tránh sự bất tiện về giờ giấc. Từ đó tới nay, tôi vẫn ở nhà thuê. Đối với tôi, mua nhà là một vấn đề lớn", Trọng Hiếu tâm sự.
Nhìn bạn bè cùng trang lứa có nhà có xe, Trọng Hiếu cũng có lúc chạnh lòng nhưng điều đó không làm anh quá buồn. Trọng Hiếu chưa bao giờ ghen tị với người khác. Anh hiểu rằng, Tổ chỉ ai người đó được.
Trong nghề này, Trọng Hiếu chứng kiến nhiều đàn anh đàn chị chuyên môn giỏi nhưng không bật lên thành ngôi sao và họ cũng sống rất chật vật về kinh tế. Cố nghệ sĩ Lê Bình, nghệ sĩ Mai Trần là những ví dụ điển hình mà ai cũng thấy.
Dẫu vậy thì điều khiến anh tự hào là, hơn 20 năm qua, anh chưa từng phải làm nghề tay trái để kiếm cơm. Trọng Hiếu hoàn toàn sống bằng nghề, dù không giàu có nhưng được ăn 3 bữa cơm Tổ một ngày.
Và đâu đó, ngoài kia, nhiều nghệ sĩ tên tuổi lớn hơn anh... vẫn còn ở nhà thuê. Anh tự an ủi và động viên mình thế để giữ lửa nghề trong những lúc hoang mang, mất phương hướng hay chông chênh nhất.
Trọng Hiếu chia sẻ thêm: " Nghề chưa làm cho anh em diễn viên giàu được, trừ một số anh em tên tuổi lớn. Nhưng thực chất, những người đó giàu nhờ làm game chứ không phải làm nghề. Họ có nhà, có xe từ game. Điều đó bình thường, giống như họ bán tên cho game vậy, nhưng để nói làm nghề đúng nghĩa thì không phải".
Trọng Hiếu đảm nhận được nhiều dạng vai: từ đại gia, giám đốc tới nhà nghèo, giang hồ...
"Tiếng không có, miếng cũng không" nhưng đồng nghiệp ai cũng nể trọng
Trọng Hiếu không giàu. Trọng Hiếu cũng không phải cái tên được nhiều khán giả nhớ nhưng chắc chắn, nhắc tới anh, từ ngôi sao hạng A đến B,C, D trong giới showbiz đều biết rất rõ.
Và quan trọng hơn, như cách nói của nam diễn viên, anh chỉ là một nghệ sĩ " tiếng không có mà miếng cũng không" nhưng đồng nghiệp luôn dành cho anh hai từ "nể trọng".
Bởi xét về chuyên môn, Trọng Hiếu chưa từng bị bất cứ ai chê. Anh là một lựa chọn "an toàn" với các nhà sản xuất cũng như đạo diễn. Xét về sự chuyên nghiệp và đạo đức làm nghề, anh là một người "đáng tin". Nhiêu đó, đủ để anh có show đều đều, dù tên tuổi không lớn.
Trọng Hiếu chia sẻ: " Nói tên tôi ra, trong giới showbiz, không ai không biết, từ sao hạng A tới C,D gì đi nữa nhưng khán giả thì lờ mờ, chẳng ai hay. Tôi không biết nên vui hay nên buồn với điều đó. Nhưng anh em đồng nghiệp biết tôi làm nghề thế nào, biết khả năng chuyên môn của tôi đến đâu, điều đó khiến tôi hạnh phúc".
Trọng Hiếu có thể đóng rất nhiều dạng vai và chưa bao giờ bị anh em trong nghề chê chuyên môn yếu kém. Khi họ chọn anh cho vai A, B thì họ biết, ít nhất anh sẽ làm tròn nhân vật đó.
Bởi vậy mà Trọng Hiếu vẫn hay đùa anh em trong nghề rằng, kêu Trọng Hiếu là an toàn, ngon bổ rẻ. Cần tiến độ có tiến độ. Cần chất lượng có chất lượng. Bởi anh thuộc thoại nhanh, có chuyên môn tốt nên tiết kiệm được thời gian, chi phí cho đoàn phim.
Anh không ngán bất cứ dạng nhân vật nào.
Sự lăn xả, chuyên nghiệp và chuyên môn "cứng" của anh khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp nể trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà Trọng Hiếu có thể làm nghề hơn 20 năm qua. Nếu không có chuyên môn hoặc không có đạo đức thì với một diễn viên không được khán giả nhớ mặt nhớ tên như anh... thì thật khó để có thể đi được quãng đường dài như thế.
Minh chứng là hai mẩu chuyện sau. Cách đây chưa lâu, đạo diễn Trần Cảnh Đôn sản xuất phim "Ngôi nhà teen ám". Phim đã có lịch hết rồi nhưng còn một vai chỉ 4 phân đoạn chưa mời được diễn viên. Đạo diễn không dám mời Trọng Hiếu vì sợ anh... tự ái. Trợ lý đoàn phim mạnh dạn chia sẻ thẳng thật với anh. Anh nhận lời ngay và chỉ quay trong buổi sáng là xong vai.
Thậm chí, Trọng Hiếu từng đóng phim chỉ... 1 phân đoạn trong khi phim dài 30 tập. Với những diễn viên chuyên nghiệp khác, chắc chắn họ từ chối vì sợ... "mất giá". Trọng Hiếu thì không. Anh sẵn sàng lăn xả với nghề.
Phân đoạn đó là cảnh mở đầu phim. Một người đàn ông đang ngồi nói một mình với tâm lý định tự sát. Trên kịch bản, phân đoạn đó dài 2 trang giấy. Nhà sản xuất mặc định đó là vai quần chúng. Quá trình hơn 50 ngày làm phim, đoàn cứ nợ phân đoạn đó suốt vì kêu ai cũng không làm được, đành phải để đấy từ ngày này sang ngày khác.
Tới ngày đóng máy, đoàn mới nhớ ra là còn 1 phân đoạn chưa quay được. Diễn viên quần chúng thì không làm nổi vì tâm lý quá khó. Kêu diễn viên chuyên nghiệp thì sợ người ta tự ái, không nhận.
Phó đạo diễn chợt nhớ ra Trọng Hiếu và gọi anh lên... cứu đoàn. Lúc đó đã hơn 6h tối. Đoàn quay ở quận 7, Trọng Hiếu ở Gò Vấp. Anh lấy xe chạy qua đoàn, chỉ trong vòng 1 tiếng, anh làm xong gọn gàng phân đoạn này. Nhà sản xuất và đoàn phim mừng húm, cám ơn rối rít.
Với tinh thần làm nghề như thế nên Trọng Hiếu lúc nào cũng có show và sống hoàn toàn bằng nghệ thuật hơn 20 năm qua.
"Gà trống nuôi con" dù chưa kết hôn...
Thế nhưng, cũng giống như bao bạn bè cùng lớp khóa 18 trường Nghệ thuật Sân khấu 2 năm nào, tình duyên của nam diễn viên khá lận đận.
Cách đây khoảng gần chục năm, Trọng Hiếu quen một cô gái làm nghề make-up trong đoàn phim. Cả hai nảy sinh tình cảm và có với nhau một cậu con trai. Cậu bé được sinh ra ở Quy Nhơn, quê mẹ.
Trọng Hiếu chỉ biết mặt con khi cậu bé đầy tháng và hôm đó cũng là ngày giáp Tết. Khó khăn lắm, Trọng Hiếu mới bắt được xe ra Quy Nhơn để nhìn mặt con trai. Thời điểm này, anh vẫn giấu gia đình, không cho ai biết.
2 tháng sau, khi con tròn 3 tháng tuổi, Trọng Hiếu bất ngờ đưa vợ con về nhà ra mắt bố mẹ. Mẹ anh lén đưa cháu đi thử ADN. Làm xong, bà thở phào nhưng vẫn giấu Trọng Hiếu. Mãi sau này, anh mới biết.
" Con cái là trời cho. Tới giờ, tôi vẫn chưa biết tờ giấy kết hôn tròn méo hay vuông. Cho nên lúc làm khai sinh cho con, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Nếu chưa kết hôn mà có con thì theo pháp luật, trên giấy khai sinh chỉ được để tên mẹ hoặc bố. Muốn để tên cả cha mẹ, buộc phải có giấy kết hôn.
Tôi phải chạy vạy khắp nơi, nhờ vả, tốn tiền mới có được tờ giấy khai sinh đủ tên cha mẹ. Tôi không muốn con sau này lớn, nhìn vào tờ giấy khai sinh, nó tủi thân", Trọng Hiếu tâm sự.
Dù vậy, Trọng Hiếu còn ham vui. Anh không mảy may nghĩ đến chuyện lập gia đình. Cậu con trai là niềm hạnh phúc mà anh đã rất hài lòng ở hiện tại này.
Điều kỳ lạ là, ngay cả thời điểm đó, dù đang sống với nhau nhưng cả Trọng Hiếu và mẹ của con trai anh, không ai nghĩ tới chuyện đăng ký kết hôn.
Khi cậu bé được 1 tuổi, họ chia tay. Trọng Hiếu nuôi con. Tuy nhiên, cậu bé ở với bà nội nhiều hơn ở với bố. Vì đặc thù công việc, anh đi làm suốt, giờ giấc cũng thất thường, khó để chăm con tới nơi tới chốn.
Hỏi về lý do chia tay, Trọng Hiếu cười bảo, cả hai đến với nhau không phải từ sự yêu thương quá khăng khít. Nói đúng hơn, sự xuất hiện của cậu bé trên đời này là một "tai nạn". Thế nhưng, từ khi có con, Trọng Hiếu nhận ra rằng, đó là một món quà tuyệt vời nhất mà ông trời mang đến cho anh.
" Có con là một điều hạnh phúc, nó khiến cuộc sống của tôi và con người tôi thay đổi rất nhiều. Cái thay đổi lớn nhất là, có những lúc mình nghĩ tiêu cực hay chán chường thì con là động lực để tôi bám víu.
Mình không ăn một ngày không sao nhưng không thể để con như vậy. Mình một ngày thất nghiệp không sao nhưng con không thể một ngày không đi học. Cứ nghĩ thế mà mình cố gắng", Trọng Hiếu bộc bạch.
Chia sẻ về mối quan hệ hiện tại với mẹ của con trai, Trọng Hiếu nói: " Chúng tôi đi làm phim vẫn gặp nhau, những người biết chuyện vẫn trêu ghẹo. Hai đứa rất thoải mái, chẳng có gì bất tiện cả. Lâu lâu cô ấy qua nhà đón con đi ăn, rủ tôi đi chung, tôi vẫn đi bình thường".
Trọng Hiếu tâm sự, dù quan hệ của cả hai vẫn ổn nhưng anh chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ nối lại tình cảm với mẹ của con trai. Anh thích và hài lòng với cuộc sống tự do như hiện tại.
Hoài Lâm lần đầu xuất hiện sau 2 tháng về quê chữa bệnh Sau một thời gian vắng bóng, Hoài Lâm đã có động thái trên trang cá nhân khiến khán giả chú ý. Sao Việt 12/6: Hoài Lâm xuất hiện với thần sắc đáng lo sau 2 tháng im hơi khi phải về quê chữa bệnh do sức khoẻ không ổn. " Cứ vui thôi việc gì đâu phải sợ. Để cho nụ cười đó...