Chân dung Jonathan Ive – Người kế nhiệm Steve Jobs trong tương lai? (Phần cuối)
Trước khi có lần chạm mặt với Steve Jobs vào năm 1997, tài năng của Jonathan Ive vẫn còn là một viên ngọc chưa có cơ hội tỏa sáng.
Khi trở lại nắm quyền điều hành Apple vào năm 1997, Steve Jobs đã thẳng tay loại bỏ tất cả những đội ngũ nhân sự thiếu sức sống lúc bấy giờ của công ty này. Ông còn định mời nhà thiết kế ô tô lừng danh của Ý – Giogretto Giugiaro – về để thổi một luồng sinh khí mới vào các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, Steve Jobs lại dừng lại trước nơi làm việc của Jonathan Ive.
Jony Ive – khi đó vẫn đang còn là một nhân viên thiết kế của Apple và phong cách tối giản, thiết thực và độc đáo của con người này vẫn giống như một viên ngọc chưa có cơ hội tỏa sáng. Lần chạm mặt này với CEO Steve Jobs đã thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Ive. Chính xác thì nó đã hoàn toàn thay đổi khi Steve Jobs nhìn vào những mô hình sản phẩm của Ive và phải thốt lên rằng: “Trời ơi, cái gì thế này!?”
…
Jonathan Ive được sinh ra tại Chingford, Essex. Ông là con trai của một người thợ bạc. Niềm đam mê với máy móc và cơ khí của cậu bé này bắt đầu từ khi cậu bé này luôn giấu nhà việc tháo tung các thiết bị như đài phát thanh hay máy ghi băng cassette rồi… lắp lại từ đầu.
Khi đó, cha ông vẫn chưa thể ngờ rằng cậu con trai hiếu kỳ của mình lại một ngày có thể nhận được giải thưởng RSA – giải thưởng danh giá nhất dành cho những thành tựu về thiết kế của Anh Quốc. Trên thế giới chỉ có khoảng 20 người may mắn được nhận giải thưởng này, trong đó bao gồm những nhân vật như nhà thiết kế thời trang John Galliano hay kiến trúc sư Lord Norman Foster.
Lớn lên, Ive mong muốn trở thành một nhà thiết kế ôtô. Chàng trai trẻ này quyết định theo học một khóa tại trường nghệ thuật Central St Martins tại London. Tuy nhiên, quãng thời gian này lại trôi qua khá nhanh bởi Ive cho rằng những sinh viên tại đây… có vẻ quái dị. “Họ giả giọng mình thành tiếng động cơ ôtô trong lúc vẽ” – Jony Ive trả lời trong một bài phỏng vấn.
Chính vì thế mà chàng trai trẻ này đã chuyển sang theo học thiết kế sản phẩm tại Newcastle. Từ đây, tài năng của Ive bắt đầu khiến mọi người phải chú ý tới. Ông Clive Grinyer, thầy dạy lúc bấy giờ của Ive, giờ là người điều hành của Design Council tại Anh đã nói rằng Ive là một thiên tài mà nếu may mắn thì bạn chỉ có thể gặp duy nhất một lần trong đời.
Jonathan Ive sở hữu một khả năng tập trung đáng kinh ngạc. Trong bài thi cuối kì, các sinh viên chỉ nộp khoảng 3 sản phẩm trong khi Ive nộp tận… 100 sản phẩm. Sau khi tốt nghiệp, cơ hội lớn đầu tiên đến với Jonathan Ive chính là khi anh vào làm trong một công ty tư vấn của Grinyer. Năm 1992, công ty này được Apple thuê để đóng góp ý tưởng mới cho việc thay đổi thế hệ máy tính tiếp theo.
Lúc đó, Ive đang nhận nhiệm vụ thiết kế một số vật dụng trong phòng tắm cho một công ty mang tên Ideal Standard. Vào một ngày… xấu trời, mẫu thiết kế của Ive đã bị từ chối thẳng thừng. Phong cách tối giản mà Ive học tập từ nhà thiết kế Dieter Rams của thập kỷ 60 của Ive không lấy được cảm tình từ phía đối tác. Thế nhưng, khi anh trình bày một mẫu thiết kế laptop của mình thì lại được công ty này ghi nhận và từ đó, Ive bắt đầu sự nghiệp 20 năm của mình tại Quả Táo.
Đáng buồn là công việc của Ive tại Apple khi đó nhàm chán tới mức anh ta suýt bỏ việc. May mắn rằng vào một ngày định mệnh năm 1997, Steve Jobs đã gặp Jonathan Ive. Tuy nhiên, có một lý do khiến con người này tiếp tục bám trụ với công việc thiết kế máy tính cho dù anh ta đã từng mơ ước trở thành một nhà thiết kế xe ôtô.
Video đang HOT
“Không có một thiết bị nào có thể thay đổi chức năng liên tục như một chiếc máy vi tính. iMac có thể được sử dụng để nghe nhạc, edit video, sắp xếp các bức ảnh… Chính xác thì bạn có thể làm được rất nhiều thứ với nó. Sự linh hoạt về chức năng của máy vi tính khiến người thiết kế có thể thử nghiệm rất nhiều kiểu vật liệu, kiểu dáng khác nhau cho cho ra đời một sản phẩm. Tôi thích điều đó” – Jony Ive cho biết.
Jonathan Ive vẫn thường nói rằng thiết kế không phải bí quyết thành công của một sản phẩm. Một thiết kế “hay” mới thực sự là thứ có giá trị. Theo mười nguyên tắc thiết kế của Dieter Rams, một thiết hay phải có đầy đủ những yếu tố: đột phá, hữu dụng, có tính thẩm mỹ, trực quan, không khiến người dùng khó chịu, trung thực, bền vững, logic, thân thiện với môi trường và cuối cùng là càng ít màu mè diêm dúa càng tốt.
Một người bạn thân của Jonathan Ive là DJ John Digweed đã có cơ hội nói chuyện với con người hướng nội này tại San Francisco vào nhiều tháng trước khi Apple tung ra một sản phẩm mới của Ive. Khi đó, Digweed vẫn chưa nhận ra rằng những sáng tác của Ive đã thay đổi thế giới đến thế nào bởi cách diễn tả của Ive không có vẻ gì là khoa trương.
Thế nhưng, sau đó ông ta lại phải tự hỏi bản thân rằng tại sao những sản phẩm của Ive được sử dụng bởi gần như tất cả những nghệ sĩ và những nhà thiết kế trên thế giới mà chính cha đẻ của chúng lại không có một cái tôi thích áp đặt quan điểm lên người khác. “Anh ta đã chạm được vào tâm hồn của hàng triệu người!” – nhà thiết kế thời trang Paul Smith cho biết.
Cựu thiết kế trưởng của Apple – ông Robert Brunner nói rằng: “Tôi vẫn hay đùa mọi người rằng khi chết, bia mộ của tôi sẽ ghi dòng chữ – Người từng thuê Jonathan Ive”. Ông Brunner cho biết Ive là một nhà thiết kế biết quan tâm tới từng phần của một sản phẩm, từ chi tiết cho đến vật liệu, các công đoạn chế tạo và thậm chí là cả công đoạn sản xuất.
Giảng viên trong trường đại học của Ive – ông Neil Smith – cho biết: “Cậu ta chưa từng biết hài lòng về những gì mình làm được. Jony Ive luôn trăn trở để khiến sản phẩm của mình ngày một tốt hơn”. “Ive hiểu rằng chính sự hữu dụng của một sản phẩm mới là điều đáng nói chứ không phải những chỉ số khô khan như tốc độ của bộ vi xử lý” – Mike Martucci – cựu giám đốc marketing của Apple chia sẻ.
Rõ ràng, để đi cùng được với những ý tưởng điên rồ của Steve Jobs, Ive phải sở hữu một bộ óc siêu phàm. iPod là một thiết bị khẳng định rằng mọi người vẫn có thể nghe nhạc trong lúc di chuyển mà chẳng cần đến băng cassette, đĩa CD hay máy vi tính. iMac thì lại khiến mọi người không còn nghĩ đến chữ “điện toán” khi nhìn vào máy vi tính.
Mặc dù vậy, Jonathan Ive là một thiên tài thiết kế chứ không phải một nhà doanh nhân như Steve Jobs. Ive có thể sẽ là biểu tượng tiếp theo của Apple khi ngài Jobs từ bỏ vị trí của mình. Tuy nhiên, liệu Ive có đồng ý đứng dưới ánh đèn của danh vọng và sự nổi tiếng hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Theo Bưu Điện VN
Chân dung Jonathan Ive - Người thay thế Steve Jobs trong tương lai?
Điều gì làm nên tiếng tăm và sự cuốn hút cho các sản phẩm của Apple? Không có câu trả lời nào chính xác hơn 2 chữ: Thiết kế. Nhưng ai làm ra những thiết kế ấy? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong bài viết này.
Khi nói đến Apple, nhân vật đáng chú ý nhất mà ai cũng nghĩ đến ngay là Steve Jobs. Steve Jobs được coi là con mắt, là khối óc của Apple, người đem lại cho công ty những quyết sách và tầm nhiền chiến lược. Nếu Steve Jobs không trở về Apple năm 1997, chắc chắn Apple sẽ không thể "chiễm trệ" ở vị trí là công ty lớn thứ 2 toàn cầu như ngày hôm nay. Thế nhưng ở Apple, còn một "đại nhân vật" khác, cũng quan trọng không kém, nhưng lại ít được nhắc đến hơn dù vị trí của người này cũng trọng yếu không kém gì Steve Jobs. Có thể nói, nếu Steve Jobs là con mắt, là khuôn mặt của Apple, thì thiết kế trưởng Jonathan Ive (Jony Ive) lại là bàn tay của Apple, chịu trách nhiệm thiết kế nên những sản phẩm tuyệt vời của hãng này.
Rất ít người biết mặt Ive, ngay cả trong số những người từng nghe đến tên Ive, lại càng ít người có thể nói rõ ràng Ive đã làm những gì cho Apple. Nhưng hầu hết chúng ta đều sử dụng, ngưỡng mộ và thích thú với những sản phẩm ra đời từ bàn tay thiên tài của Ive. Apple không có Steve Jobs, Apple không thể thành công như hiện tại. Apple không có Jony Ive, Apple sẽ không có iPod, iPhone, iMac, Macbook Pro, Macbook Air...
Trong một trả lời phỏng vấn tuần vừa rồi, Steve Jobs - người lãnh đạo của Apple - đã từ chối trả lời chính thức về thời điểm ông sẽ quay lại vị trí điều hành của mình. Hiện tại, điều mọi người chú ý nhất khi nhìn vào "Táo Khuyết" chính là sức khỏe của Steve Jobs.
Vào thời điểm này, ghế CEO của Apple đang được giữ bởi phó chủ tịch Tim Cook - người chịu trách nhiệm vận hành phần lớn các công việc hàng ngày của Apple, liên quan đến các công đoạn sản xuất, bán hàng... Tuy nhiên, nhiều người nói rằng người thật sự xứng đáng để kế nhiệm Steve Jobs phải là Jonathan Ive.
Ive là người đang được ánh đèn sân khấu chiếu vào bởi người đàn ông 40 tuổi này là người đã mang đến cho Apple thứ "vũ khí" tối hậu: thiết kế. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những nhận định của bản thân, bạn nên đọc đến cuối bài viết này để hiểu vì sao mọi người lại chọn Ive và vì sao trong nhiều năm qua, người ta vẫn nói Steve Jobs là không thể thay thế.
...
Rất ít người phương Tây từng được chứng kiến tận mắt cách mà người Nhật rèn một thanh kiếm cho các samurai. Tại quốc gia xứ Phù Tang này, đó được coi là một trong những nghi lễ linh thiêng. Không những thế, nó còn là một trong rất ít những nghệ thuật truyền thống vượt qua cả sự tiến bộ về khoa học của thời đại này.
Các thợ rèn người Nhật làm việc ban đêm để có thể dễ dàng nhận biết nhiệt độ của sắt bằng mắt thường. Họ nện từng nhát búa bằng tay để tạo ra những thanh kiếm tuyệt nhất của thế giới. Lưỡi thép được cuộn đi cuộn lại hàng nghìn lần để tạo thành một lớp vỏ cứng nhưng phần lõi lại mềm dẻo ngay trong một thanh gươm. Kết quả của quá trình chính là những thanh gươm với độ sắc kinh hoàng nhưng lại khó gãy hơn tất cả các thanh gươm mà người châu Âu làm ra.
Khi phần lưỡi được rèn xong, các thợ rèn lại bỏ công mài nó trong hàng tuần liền để nó bóng như gương. Tất cả những công đoạn dài đằng đẵng, đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết của người thợ đã đẩy kim loại đi tới ngưỡng tuyệt hảo của chúng. Đó là lí do khiến cho Jonathan Ive - thiết kế trưởng của Apple - muốn nhìn thấy tận mắt cách rèn kiếm của người Nhật.
Mọi người có thể hiểu Ive là một con người như thế nào khi nhìn vào những cống hiến của ông ta cho Apple. Sau một quá trình lận đận để bắt đầu sự nghiệp của mình. Con người với quan điểm thiết kế khác biệt này là một trong số ít những người trụ lại trong cuộc thanh trừng của Steve Jobs năm 1997 để tạo nên một Apple mới.
Sau đó, sản phẩm được cả thế giới chú ý đầu tiên của Ive chính là chiếc máy iMac - thứ thay đổi hoàn toàn định kiến của mọi người về việc PC chỉ là những cỗ máy thô kệch dành cho dân điện toán. Sản phẩm của Ive - một chiếc máy tất cả trong một, được kiến tạo bởi những đường cong - là thứ mà các nhà thiết kế đồ họa và những người làm việc trong lĩnh vực in ấn chọn vào thời bấy giờ.
Steve Jobs đã nhờ Ive thiết kế iMac và con người này đã dành hàng giờ liền trong một nhà máy kẹo, nhìn ngắm mọi thứ để tìm kiếm ý tưởng về màu sắc. Đương nhiên đây không phải là một hành động vô nghĩa bởi khiến iMac trở thành một lời tuyên bố trước thế giới rằng máy tính không phải chỉ để dành cho những công việc khô khan.
Sau này, những phát minh của Ive như iPod, thế hệ Macbook vỏ nhôm mới, iMac và gần đây nhất là iPad đã góp phần thay đổi vị thế của Apple trong ngành công nghiệp. Giờ thì Apple đã vượt cả Microsoft để trở thành công ty lớn thứ 2 trên thế giới, sau công ty dầu mỏ Exxon-Mobil. Thế nhưng, mọi người nên nhớ rằng, Apple vẫn còn chưa đạt đến tuổi 40 như công ty đang vượt trước nó.
Thật khó để có thể nói chính xác được rằng trong 324 tỷ USD giá trị của Apple thì Ive đáng giá bao nhiêu. Chỉ riêng trong năm tới, con người này sẽ nhận được 15 triệu Bảng Anh giá trị cổ phiếu trong Apple. Thế nhưng, thứ mà các nhân vật của hãng quả Táo nhìn về Ive không phải là ông ấy kiếm được bao nhiêu tiền.
Jonathan Ive là một người trốn tránh tất cả mọi ánh hào quang của dư luận. Ông ta sống một cuộc đời gần như "ẩn dật" với vợ là một nhà sử học và một nhà văn cùng hai cậu con trai song sinh của mình. Hàng ngày Ive ăn mặc một cách đơn giản giống như Steve Jobs và giấu mình trong phòng thí nghiệm an ninh cấp độ cao của Apple tại San Francisco.
Không phải nhân viên nào của Apple cũng được tiếp xúc với "thánh địa" này của Ive. Ở bên trong, những sản phẩm của Apple trong tương lai đang được ngày đêm phát triển. Ive lãnh đạo một đội ngũ do mình tự tay tuyển lựa và làm việc không biết mệt trong nhiều tháng liền với sự tập trung cao độ của một thiên tài.
Ive thích chế tạo lại chính những sản phẩm mình đã làm ra, tỉ mỉ gọt bỏ từng chi tiết thừa để rồi Macbook hay iPad của Apple ngày càng mỏng. Điều đáng nói hơn nữa ở nhà thiết kế này chính là sự cầu toàn đến cực đoan giống như Steve Jobs và những cảm hứng từ cuộc sống mà ông ta truyền vào trong từng thiết kế của mình.
Ive luôn trăn trở làm sao để khiến mọi sản phẩm của Apple ngày một tốt lên. Tốt theo nghĩa nó sẽ khiến cuộc sống của mọi người tuyệt vời hơn. Mọi người thường nói rằng Jonathan Ive nhìn vào những vấn đề như cơ khí với giác quan của một nhà giả kim. Ông ta quan tâm đến việc làm thế nào để biến những ý tưởng mang tính đột phá thành sự thực và nỗ lực để có được nó.
Người tin tưởng rằng khoa học, công nghệ và những điều kỳ diệu đều có cùng một bản chất cũng chính là Ive và iPad là một thứ được thiết kế ra để thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một người cũng là nhờ Ive. Những chi tiết như chiếc đèn LED chìm, hiển thị vạch pin hay việc sử dụng vỏ nhôm nguyên khối trong thiết kế của Macbook Pro đều là những thứ được khai sinh từ bộ óc của Ive.
Nếu một ngày con người này tuyên bố trước thế giới về những ý tưởng gợi cảm hứng cho ông về những thiết kế của Apple thì có thể mọi người sẽ còn phải sửng sốt hơn. Không phải ai cũng biết chân đế máy iMac của Apple được lấy cảm hứng từ hoa hướng dương mà Ive đã dành cả tháng trời để thiết kế nó.
Trong Apple, Steve Jobs là một nhà lãnh đạo coi trọng giá trị của thiết kế trong những sản phẩm của mình. Jonathan Ive lại là lãnh đạo của những nhà thiết kế và coi trọng tầm nhìn của Steve Jobs. Nếu như Steve Jobs là người mơ thấy tương lai huy hoàng của iPhone thì Ive là người biến ý tưởng đó thành sự thực.
Tuy nhiên, Apple sẽ ra sao khi không Steve Jobs, có thể các sản phẩm của họ sẽ ngày càng hoàn thiện hơn dưới bàn tay của Ive. Thế nhưng, đã rất lâu rồi, Apple chưa có một phát minh nào mới cũng bởi những năm gần đây, sức khỏe của Steve Jobs đang tụt dốc.
(Còn tiếp)
Tổng hợp từ Daily Mail, Guardian và The Sun
Theo PLXH