Chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot
Tứ chứng fallot là bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất, chiếm 75% các trường hợp tim bẩm sinh tím ở trẻ trên 1 tuổi , gồm 4 tật trong tim (tứ chứng) là: thông liênthất, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất, dày thất phải. Các tật tim này làm giảm máu lên phổi và đưa máu thiếu oxy đi nuôi cơ thể nên trẻ có tình trạng thiếu oxy lâu ngày, dễ bị mệt và bị tím da niêm một số trẻ bệnh nhẹ có thể không thấy triệu chứng tím.
Các biểu hiện chính của bệnh
- Tím da, niêm, môi, đầu ngón tay, ngón chân, đồng đều phần trên và dưới cơ thể.
- Ở trẻ lớn, khi mệt, trẻ thường ngồi xổm để khỏe hơn.
- Trẻ bị bệnh lâu ngày, các đầu ngón chân, ngón tay to bè ra như “dùi trống”. – Khi trẻ gắng sức hoặc gặp các yếu tố kích thích như: viêm phổi, tiêu chảy, ói mửa, mất nước… sẽ trở nên mệt, khó thở, tím nhiều hơn. Nặng nề hơn là trẻ lên cơn tím thiếu oxy, biểu hiện bằng trẻ thở mạnh, thở nhanh, bứt rứt, kích động, có thể dẫn đến hôn mê. Cơn tím cần được nhanh chóng chẩn đoán và cấp cứu. Ba triệu chứng gợi ý chính là: thở mạnh, tím nhiều hơn và đường thở bình thường (loại trừ trường hợp có dị vật đường thở).
Ngoài ra, trẻ bị tứ chứng Fallot còn có thể gặp các biến chứng như: viêm tắc mạch máu não, áp xe não, thiếu máu kéo dài, chậm phát triển thể chất, dễ xuất huyết răng lợi, da, tiêu hóa, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…
Trẻ lên cơn tím thiếu oxy
Video đang HOT
Phương thức điều trị tứ chứng Fallot
Điều trị nội khoa chỉ là tạm thời trong lúc chờ lựa chọn thời điểm thích hợp để phẫu thuật. Khi nằm viện, trẻ được bù sắt và protein truyền dịch để giảm tình trạng cô đặc máu uống thuốc propranolol để giảm triệu chứng cơ năng phòng ngừa và điều trị cơn tím.
Điều trị ngoại khoa bao gồm: phẫu thuật điều trị tạm thời và phẫu thuật triệt để. Phẫu thuật triệt để có thể tiên phát (không qua phẫu thuật tạm thời) hoặc phẫu thuật triệt để 2 giai đoạn (có giai đoạn phẫu thuật tạm thời). Thời điểm và phương thức phẫu thuật sẽ được bác sĩ phẫu thuật quyết định qua việc đánh giá sức khỏe, cân nặng của trẻ, mức độ nặng của bệnh, mức độ nặng các triệu chứng.
Với những trường hợp chưa thể phẫu thuật triệt để ngay nhưng trẻ có triệu chứng nặng, thường lên cơn tím sẽ được phẫu thuật tạm thời với mục đích làm tăng lượng máu lên phổi để máu được oxy hóa nhiều hơn. Hiện nay, phẫu thuật tạm thời được sử dụng là phẫu thuật Blalock cải tiến, dùng ống ghép nhân tạo nối động mạch dưới đòn (trái hoặc phải) với động mạch phổi cùng bên để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu oxy nặng. Sau đó, trẻ được theo dõi để chọn thời điểm phù hợp phẫu thuật sửa chữa triệt để.
Bằng phẫu thuật triệt để, các tật tim của tứ chứng Fallot đều được sửa chữa. Đây là phẫu thuật tim hở có sử dụng máy tim phổi nhân tạo, đạt kết quả tốt với tỉ lệ tử vong dưới 5%: trẻ hết tím, hết mệt khi gắng sức, hầu như trở lại được với cuộc sống bình thường. Phẫu thuật được thực hiện tốt nhất từ 2 – 3 tuổi. Nếu không được phẫu thuật, chỉ 10% trẻ sống đến 20 tuổi, dưới 3% trẻ sống đến 40 tuổi.
Chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot
Nếu phát hiện trẻ tím da niêm hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ bị tim bẩm sinh như: hay viêm đường hô hấp, kém ăn, chậm lớn… cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch để kiểm tra, xác định chẩn đoán bệnh TBS và có hướng điều trị phù hợp.
Cha mẹ có con bị tứ chứng Fallot cần lưu ý:
- Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ khó thở, mệt, yếu, bứt rứt, tím da niêm tăng…
- Nếu trẻ lên cơn tím, lập tức vỗ về, trấn an trẻ, nới rộng quần áo và đặt trẻ nằm theo “tư thế gối ngực”: nằm quay sang một bên với hai đầu gối co lên ngực. Tư thế này giúp tăng lượng máu lên phổi, trẻ sẽ bớt tím và đỡ mệt. Sau đó, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
- Cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn giàu chất sắt (thịt động vật có màu đỏ như heo, bò rau cải, ngũ cốc hạt mè, hạt hướng dương, các loại đậu…).
- Với trẻ nhỏ, cần đút trẻ ăn chậm và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, cần giữ vệ sinh và giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ quấy khóc, tránh để trẻ bị cảm sốt hay tiêu chảy…
- Với trẻ lớn, trẻ cần uống kháng sinh khi làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng.
Tránh cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều. Tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc.
- Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ tim mạch để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Theo SKDS
Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của tim có từ lúc trẻ còn trong bào thai. Các dị tật này có thể ở các vị trí sau: van tim (hẹp van, hở van, không có lỗ van), buồng tim (tim chỉ có một tâm nhĩ, hay một tâm thất, hay 3 buồng tâm nhĩ), vách ngăn tim hay các động mạch lớn gần tim.
Nguyên nhân
Rất khó xác định nguyên nhân gây ra tim bẩm sinh. Một số ít bệnh tim bẩm sinh là do di truyền, phần lớn còn lại do sự tác động của nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài lên bà mẹ lúc mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên như: bị cảm cúm, sốt phát ban, nhiễm trùng, bệnh tiểu đường, lupus ban đỏ, uống rượu, uống thuốc bừa bãi, sống trong môi trường có nhiều tia X, tia phóng xạ, hóa chất độc hại. Ngoài ra, các bà mẹ trên 40 tuổi sinh con có tỷ lệ bị tim bẩm sinh cao hơn.
Tất cả trẻ bị tim bẩm sinh vẫn phải tiêm phòng như mọi trẻ bình thường khác. Đối với những trẻ còn đang bú sữa, để tránh bị sặc sữa, không được cho trẻ bú khi nằm, phải bế trẻ lên và để đầu trẻ cao khi bú. Nếu trẻ không bú được nhiều, mẹ nên cho bú nhiều lần hơn bình thường và mỗi lần bú số lượng sữa có thể giảm đi. Đối với trẻ lớn đã ăn cơm, gia đình nên cho trẻ ăn nhạt nhưng vẫn đầy đủ chất bổ dưỡng. Nên cho trẻ ăn chế độ ăn có nhiều rau, trái cây để tránh táo bón. Ngoài ra những trẻ lớn bị suy tim chỉ nên uống nước khi khát. Ngược lại những trẻ bị tim bẩm sinh tím, máu bị cô đặc nhiều, nên uống nhiều nước. Trẻ đang độ tuổi đi học vẫn có thể tiếp tục đến trường gia đình cần kết hợp với nhà trường để miễn cho trẻ những hoạt động nặng cần phải gắng sức như chơi những môn thể thao đòi hỏi sự gắng sức cao độ, hoặc lao động nặng. Khi trẻ đã bị suy tim nên cho trẻ nằm đầu cao khi ngủ.
Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ trẻ ấm khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, không nên hút thuốc lá ở những chỗ trẻ ở. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa trẻ, không nên tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra trẻ tim bẩm sinh cũng dễ bị nhiễm trùng vùng răng miệng, từ đó sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu và nội mạc tim, rất nguy hiểm. Chính vì thế gia đình nên hướng dẫn trẻ cách đánh răng sau mỗi bữa ăn, khám bác sĩ nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Nếu cần nhổ răng hay làm các thủ thuật, phẫu thuật có gây chảy máu phải báo cho bác sĩ biết trẻ bị tim bẩm sinh để được uống hoặc tiêm kháng sinh dự phòng trước và sau thủ thuật, phẫu thuật.
Có phải tất cả đều phải dùng thuốc?
Về điều trị, không phải tất cả các trẻ bị tim bẩm sinh đều cần dùng thuốc, bác sĩ sẽ cho các loại thuốc khác nhau tùy theo loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Có rất nhiều loại thuốc để điều trị tim bẩm sinh, các loại này đều dùng không đúng chỉ định có thể có hại cho trẻ. Chính vì thế gia đình chỉ cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự động ngưng thuốc khiến bệnh sẽ nặng hơn, không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ nguy hiểm cho trẻ. Trong khi dùng thuốc nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường, gia đình nên báo ngay cho bác sĩ biết.
Trẻ bị tim bẩm sinh nên tái khám định kỳ mỗi tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ. Dù trẻ có bình thường cũng nên đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ. Nên cho trẻ khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như: sốt, ho, tiêu chảy, nôn mửa, phù, tiểu ít, bỏ bú, quấy khóc, thở mệt, rên rỉ, lừ đừ hay bứt rứt lên cơn tím tái, co giật, hôn mê.
Theo SKDS
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim va các mạch máu lớn, xảy ra từ lúc còn ở bào thai. Tần suất bệnh TBS chung trên thế giới là 8 trên 1000 trẻ ra đời còn sống. Phân loại bệnh TBS Môi trường sống tác động rất nhiều lên việc hình thành bệnh TBS....