Chăm sóc người bị xơ gan
Người bị xơ gan không nên kiêng ăn quá mức, bổ sung đầy đủ đạm để làm chậm tốc độ xơ hóa, ngăn biến chứng.
Một nam bệnh nhân 65 tuổi ở TP HCM sau một tuần uống thảo dược khô từ các thầy lang miền núi đã lâm vào hôn mê. Bác sĩ xác định ông bị viêm gan siêu vi B gây xơ gan. 10 năm trước bệnh nhân đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, da sạm đen, men gan cao gấp 30 lần người bình thường. Từ đó, ông kiêng ăn tất cả chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa.
Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM điều trị viêm gan B cho bệnh nhân này. Sau khi được bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ phác đồ điều trị, tình trạng của ông đã ổn định.
“Bệnh nhân nếu hiểu biết đầy đủ và chăm sóc đúng cách có thể làm chậm tốc độ xơ hóa, ngăn ngừa biến chứng, bảo tồn chức năng gan trong thời gian dài”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh Bệnh viện cung cấp
Chế độ dinh dưỡng của người xơ gan là một yếu tố quan trọng để giữ sức khỏe. Người bệnh không nên kiêng ăn quá mức, cần bổ sung đầy đủ chất đạm tránh tình trạng suy dinh dưỡng, sưng phù, nhiễm trùng, hôn mê. Không được tự ý dùng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng được quảng cáo “mát gan, giải độc, bổ gan” không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng cần có sự tư vấn của thầy thuốc để tránh làm bệnh nặng hơn.
Video đang HOT
Theo bác sĩ, xơ gan ở giai đoạn đầu thường khó phát hiện vì không có triệu chứng rõ rệt. Người bệnh chỉ phát hiện khi đi khám sức khỏe và làm các xét nghiệm. Khi gan bị xơ, những chức năng quan trọng của gan suy giảm, dẫn đến những biến chứng nặng nề như cổ chướng, ói ra máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, nhiễm trùng, hôn mê gan, suy thận và nguy hiểm nhất là ung thư gan. Chức năng gan suy yếu làm giảm sức đề kháng nên người bệnh dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, tình trạng gan càng suy sụp nhanh hơn.
Bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa bệnh lý về gan bằng cách tiêm ngừa viêm gan do siêu vi, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát. Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và hạn chế rượu bia.
Tại Việt Nam, nguyên nhân phổ biến gây xơ gan là viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. Thường xuyên sử dụng rượu bia và tình trạng gan nhiễm mỡ là nguyên nhân đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba. Một số nguyên nhân khác như bệnh gan tự miễn, tình trạng ứ đọng sắt, đồng trong gan hoặc do tắc mật lâu ngày…
Cẩm Anh
Theo Vnexpress
Mổ u ung thư vẫn bảo tồn dạ dày
Bác sĩ sẽ cắt bán phần trên hoặc cắt gần toàn bộ phần dạ dày để bảo đảm bệnh nhân ung thư dạ dày vẫn hấp thụ dinh dưỡng.
Bác sĩ Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, trước đây để điều trị ung thư ở vị trí 1/3 giữa hoặc trên của dạ dày, bệnh nhân phải cắt toàn bộ dạ dày. Khi ấy khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất như canxi, vitamin D, vitamin B12... của người bệnh không còn như trước. Bệnh nhân trở nên thiếu dinh dưỡng và nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đang áp dụng hai phương pháp điều trị là cắt bán phần trên dạ dày đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên và cắt gần toàn bộ dạ dày đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa.
Đây là hai phương pháp không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày, áp dụng điều trị cho cả người bệnh ung thư giai đoạn tiến triển nhưng chưa di căn. "Vẫn giữ lại một phần dạ dày nên người bệnh có thể bảo tồn chức năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất, tránh trào ngược, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật", bác sĩ Long nói.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã ứng dụng phẫu thuật nội soi vào điều trị bệnh với nhiều lợi ích như sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, ít mất máu, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh chóng.
Các bác sĩ đang phẫu thuật nội soi dạ dày cho bệnh nhân. Ảnh Bệnh viện cung cấp
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam. Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ cảm thấy đầy bụng, ăn khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị.
Khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng như ói ra máu, đau bụng kéo dài, đi tiêu phân đen, sờ thấy khối u trong ổ bụng thì bệnh đã bước vào giai đoạn tiến triển. Nhiều trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng như chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày, tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương...
Ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị căn bệnh này.
- Tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày, đa polyp dạ dày.
- Hay ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày.
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm khuẩn Helicobater pylori.
Theo bác sĩ, 75% bệnh nhân ung thư dạ dày sống sau 5 năm điều trị. Nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm thì chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị. Người dân từ 40 tuổi trở lên hoặc có các triệu chứng như đau thượng vị, ăn khó tiêu, đầy bụng, nên đến các cơ sở y tế nội soi dạ dày để phát hiện sớm bệnh, tăng tỷ lệ thành công trong điều trị.
Cẩm Anh
Theo Vnexpress
Bác sĩ làm việc từ 3h sáng, bệnh nhân 10h vẫn ngồi đợi khám Mặc dù bệnh viện cử nhân sự đến viện từ 3h sáng để tiếp nhận đăng ký khám bệnh... nhưng người bệnh vẫn phải ngồi chờ đợi nhiều giờ liền mới đến lượt. Thực trạng trên được ghi nhận trong buổi làm việc giữa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Chợ Rẫy với Bộ trưởng Y tế. Ngày 13/8, Bộ trưởng...