Chấm dứt sự vô cảm của công chức “cắp ô”
“Lấy tiêu chí hài lòng của người dân, doanh nghiệp để chấm dứt sự vô cảm của công chức”.
Chiều 14/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về sự vô cảm, tiêu cực của một bộ phận cán bộ; công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”…
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội nêu năng lực phẩm chất của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thái độ ứng xử, cửa quyền, vô cảm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, Phó Thủ tướng đã nhận xét: Trong bộ máy công chức hiện nay vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào.
Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, người dân rất bất bình vì phải lao động cật lực để nuôi sống một bộ phận cán bộ, công chức không đáng tồn tại trong bộ máy Nhà nước.
Đề nghị Phó thủ tướng cho biết, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị có số cán bộ, công chức này được xác định như thế nào? Chính phủ sẽ chỉ đạo để chấn chỉnh ra sao?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mặc dù có cố gắng trong lĩnh vực cải cách hành chính, nhưng còn nhiều bất cập, tồn tại khuyết điểm, kết quả chưa được như mong muốn.
Video đang HOT
“Người dân vẫn phàn nàn tức là chưa thành công nhiều về thủ tục hành chính, cải cách hành chính. Hệ thống thể chế, bộ máy còn nhiều vấn đề bất cập”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng công nhận với Quốc hội thói cửa quyền, vô cảm của cán bộ công chức. Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu, đùn đẩy, né tránh công việc dẫn đến năng lực thực thi công việc yếu kém, làm suy giảm hệ thống quản lý Nhà nước.
Đưa ra giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng, triển khai tốt Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức sẽ giảm được việc cửa quyền, vô cảm. Cải cách thủ tục hành chính, chú ý công khai các thủ tục hành chính; Quy định rõ về trách nhiệm bồi thường của cán bộ công chức, viên chức.
Theo Phó Thủ tướng, cán bộ công chức làm hư, làm chậm gây thiệt hại, phải bồi thường.
Đặc biệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu quản lý cán bộ công chức. Trước đây cán bộ hư thủ trưởng không chịu trách nhiệm, bây giờ trưởng phòng, thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm. Kiên quyết đưa ra khỏi công vụ những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đủ phẩm chất đạo dức, thiếu trách nhiệm.
“Tôi nghĩ cần phải quan tâm đặc biệt vấn để xử lý cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ có phẩm chất đạo đức yếu kém, gây phiền hà với nhân dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Phó Thủ tướng đề nghị ban hành các văn bản như: Cụ thể hóa Luật cán bộ công chức, quy định rõ trách nhiệm của người công chức quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, có chế tài xử lý vi phạm nơi phát hiện….
“Đặc biệt, lấy tiêu chí hài lòng của người dân, doanh nghiệp để chấm dứt sự vô cảm của công chức với dân và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thủ tướng vừa ký ban hành đề án tổng thể đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân bằng việc áp dụng số định danh cá nhân.
Nếu thực hiện đề án này thành công, chỉ cần mở một cái thẻ, chúng ta có thể thay 20 loại giấy tờ công dân. Cứ có thẻ đó là ra tất cả các thông tin cá nhân mà không phải kê khai. Kỹ thuật rất nhanh!
Theo 24h
Công chức tự đánh giá kết quả làm việc: 30 phút là xong!
Sau thời gian thử nghiệm, sáng 30/5, phần mềm đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức Đà Nẵng đã được chính thức triển khai tại các Sở, ban ngành và quận huyện. Đây là chương trình do Sở Nội vụ Đà Nẵng tổ chức.
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng việc đánh giá kết quả làm việc của công chức nhằm mục tiêu quản trị nguồn nhân lực, giúp lãnh đạo đơn vị đánh giá tương đối khách quan hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.
Sở Nội vụ triển khai mô hình đánh giá cán bộ, công chức bằng phần mềm
Từ đó làm cơ sở cho việc bình xét thi đua, khen thưởng; cơ sở phân phối thu nhập và khoán chi phí hành chính trong cơ quan, đơn vị; đồng thời làm cơ sở để sử dụng, quản lý, phát triển nghề nghiệp của công chức như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn của công chức và xem xét thực hiện các chính sách đãi ngộ...
Ông Đặng Công Ngữ cho rằng khâu yếu nhất trong công tác cán bộ vẫn là khâu đánh giá. Lâu nay chúng ta đánh giá cán bộ, công chức theo Quyết định 11 của BTC cán bộ Chính phủ trước đây, tới nay đã hơn mười năm nên đã quá cũ. Sau có có Luật cán bộ công chức đòi hỏi phương pháp đánh giá phải tiến bộ hơn. Đây là nỗi trăn trở của nhiều người làm lãnh đạo trong việc quản trị nhân sự ở cơ quan và đơn vị mình.
Gần đây, lãnh đạo một số địa phương đã sử dụng một số "công cụ" để đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức như ghi hình những người vi phạm "ăn cắp giờ công" để phát lên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy "vi hành" quán cà phê để bắt quả tang cán bộ, công chức không thực hiện nghiêm giờ làm việc... Tuy nhiên, những cách thức này chỉ kiểm tra được công chức có chấp hành thời gian làm việc hay không, còn hiệu quả công việc thì không thể "cân đo" được. Hay như cán bộ, công chức "miệt mài" chơi game, uống trà, tán gẫu thì cách thức đánh giá cũ cũng không thể giải quyết được gì.
Cách thức mới triển khai đánh kết quả làm việc của công chức được thực hiện như sau: Thông qua cuộc họp toàn thể công chức trong cơ quan, đơn vị hoặc giữa lãnh đạo và các trưởng phòng để triển khai nội dung, quy trình, tiêu chí đánh giá và đăng tải tài liệu phục vụ triển khai đánh giá kết quả làm việc của công chức trên trang web nội bộ, sau đó đánh giá kết quả công việc hàng tháng trên phần mềm.
Phương pháp đánh giá được kết hợp theo 3 hướng: đánh giá theo mục tiêu, nhiệm vụ mà công chức được giao; đánh giá theo kết quả đầu ra cũng như đánh giá 360 độ (công chức tự đánh giá, đánh giá của đồng nghiệp, đánh giá của lãnh đạo trực tiếp, lãnh đạo cấp trên trực tiếp đánh giá).
Với cách đánh giá bằng phần mềm, chỉ 30 phút là cán bộ công chức tự đánh giá xong
Theo đánh giá này, kết quả công việc của công chức được theo dõi từng tháng, quý làm cơ sở đánh giá công chức hàng năm. Cá nhân công chức và cấp trên trực tiếp sẽ đóng vai trò chính trong việc thảo luận về mục tiêu, đánh giá kết quả công việc. Cấp dưới trực tiếp đánh giá cấp trên trực tiếp. Kết hợp hoặc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò của người đứng đầu trong đánh giá để có được kết quả cuối cùng là kết quả đánh giá của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Ưu điểm của mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức là đề cao tính công khai, dân chủ; lấy kết quả công việc làm thước đo chính; kết quả thực thi công vụ của công chức được nhìn nhận toàn diện từ nhiều phía; tạo cơ hội cho mỗi người được lắng nghe những nhận xét, góp ý của đồng nghiệp, từ đó rút kinh nghiệm cho việc thực thi công vụ theo tháng.
Hàng tháng, từng công chức phải chủ động xây dựng kế hoạch công tác tháng và hoàn thành nhiệm vụ được giao, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ công vụ; quy trình đánh giá và tiêu chí và thang điểm đánh giá cụ thể, khoa học. Mô hình này sẽ giúp việc đánh giá công chức cuối năm được thuận lợi hơn.
Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, từ tháng 7 đến tháng 9/2012, Đà Nẵng đã triển khai thử nghiệm mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức Đà Nẵng bằng phần mềm tại 7 Sở và 3 quận với sự tham gia của 250 công chức và lãnh đạo đã cho kết quả tương đối tốt.
Ông Đặng Công Ngữ cho biết, dùng phương pháp đánh giá này, cán bộ công chức chỉ tự mình đánh giá trong... 30 phút là xong. Còn kiểu đánh giá trước đây rất phức tạp mà có khi cả ngày cán bộ công chức cũng chưa thể đánh giá xong phần mình.
Kết quả triển khai thí điểm tại 10 đơn vị bước đầu cho thấy những tác động tích cực, đổi mới chất lượng đánh giá cán bộ, công chức. Sau thời gian thử nghiệm, phần mềm đánh giá kết quả làm việc của công chức Đà Nẵng, Sở Nội vụ sẽ đề xuất UBND TP Đà Nẵng ban hành quy định chính thức áp dụng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn.
Theo Dantri
Hà Nội kiểm tra các đường dây nóng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện rà soát việc công khai các số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Các địa chỉ này được xem là nơi để tiếp nhận góp ý về quy trình, thủ tục...