Chấm dứt ngay đoán mò
Người từng đứng đầu Viện Vật lý Địa cầu, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, đề nghị tổ chức lắp đặt ngay lập tức các máy đo địa chấn gần nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để sớm chấm dứt cái mà lâu nay ông cho chủ yếu là “đoán mò” tình trạng động đất ở vùng này.
Lần đầu tiên phóng viên báo chí được vào bên trong đường hầm Sông Tranh.
“Không thể viện bất cứ lý do gì để tiếp tục chậm trễ lắp đặt các máy quan trắc động đất ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, khi tình trạng hoảng loạn ở vùng này ngày càng gia tăng”, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, một trong những chuyên gia hàng đầu về địa chất ở VN, nói với PV Tiền Phong hôm qua.
Nghèo nàn số liệu
Tấm bản đồ rung chấn quanh thủy điện Sông Tranh 2 mấy ngày qua được PGS.TS Nguyễn Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC) chuyển cho PV Tiền Phong chiều 7-9.
Các dấu chấm với hình dạng khác nhau trên bản đồ cho thấy vị trí các chấn tâm động đất dưới lòng đất và các rung chấn trên bề mặt đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 cũng như một đứt gãy địa chấn khá nguy hiểm mang tên Hưng Nhượng-Tà Vi.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phượng, từ mùng 3-9 đến 7-9, các thiết bị đo của Viện VLĐC chỉ xác định được tổng cộng bốn tâm chấn dưới lòng đất ứng với bốn trận động đất mạnh từ 3 độ Richter trở lên, ứng với vị trí bốn ngôi sao.
Khoảng 23 dấu hoa thị biểu thị cho vị trí động đất quan sát được bằng máy gia tốc đặt tại mặt đập thủy điện Sông Tranh. Đấy là các thiết bị của Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 (QLDA), không phải của Viện VLĐC.
Nhưng các thiết bị ấy không xác định được chấn tâm của động đất cũng như độ lớn của động đất. Thay vào đó, chúng chỉ xác định được rung chấn trên bề mặt đất căn cứ kết quả đo gia tốc dao động nền.
Nói cách khác, không ai biết các trận động đất ở 23 vị trí ấy mạnh bao nhiêu, độ sâu chấn tiêu (tức khoảng cách từ tâm trận động đất đến bề mặt đất) thế nào.
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nói: “Khó có thể nhận định chính xác nguyên nhân và chiều hướng động đất. Đây lại là thông tin có tính quyết định để các bên xác định các biện pháp ứng phó thích hợp”.
Tóm lại, Viện VLĐC không nắm được diễn biến thực tế động đất tại vùng huyện Bắc Trà My suốt thời gian qua do chỉ dựa vào một trạm quan trắc đặt ở tỉnh Bình Định và một trạm ở Huế thuộc chương trình hợp tác với Đài Loan.
Ngay với trận động đất tối 3-9, trạm quan trắc cũng không truyền được số liệu tức thời về sở chỉ huy trung tâm ở Hà Nội.
Video đang HOT
Ngày 8-9 tại tỉnh Quảng Nam, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện VLĐC, thông báo có 11 trận động đất liên tiếp tại khu vực Bắc Trà My từ tối 3-9 đến nay.
Không thấy TS Minh nói bao nhiêu trong số 11 trận ấy được quan trắc trực tiếp bằng máy của Viện VLĐC và bao nhiêu được ngoại suy bởi các máy gia tốc ghi rung động của Ban QLDA.
Hổng từ đầu
Bản thân số liệu thu thập từ máy của Ban QLDA cũng nghèo nàn và độ tin cậy không cao. Sau chuyến thực tế tại đập thủy điện Sông Tranh 2 từ ngày 7-4 đến 10-4, đoàn công tác của Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam thấy Ban QLDA có cho lắp đặt trên thân đập tới 600 bộ cảm biến để theo dõi các thông số liên quan an toàn đập.
Tuy nhiên, “nhiều thiết bị chưa được kết nối với trung tâm quan sát đặt tại mặt đập”, báo cáo của Viện VLĐC viết.
Bốn máy gia tốc của Ban QLDA ghi rung động đập, bộ dữ liệu chính để các cán bộ Viện VLĐC dựa vào để ngoại suy các trận động đất ở đây, cũng bỏ lọt nhiều số liệu. Hai chiếc đến đầu tháng 12-2011 mới được đặt trên mặt đập.
Như vậy, không có số liệu ghi gia tốc các trận động đất liên tiếp kèm hàng loạt tiếng nổ dưới lòng đất hồi tháng 11-2011.
Mãi đến 20-4-2012, hai máy gia tốc còn lại mới được lắp đặt theo thiết kế. Vẫn theo báo cáo, “Ban QLDA không xử lý được các số liệu” do máy gia tốc ghi. Căn cứ các dữ liệu ghi được từ các máy gia tốc, Viện VLĐC đã phục hồi lịch sử động đất ở thủy điện Sông Tranh từ 24-12-2011 đến 15-4-2012.
Có tổng cộng 37 trận trong đó thiết bị của Viện VLĐC chỉ quan trắc được ba trận. Như vậy, 34 trận còn lại không biết mạnh bao nhiêu, độ sâu chấn tiêu thế nào và, thậm chí, có tồn tại hay không.
Giai đoạn quan trọng trước đó, tháng 11-2012, khi hàng loạt tiếng nổ bùng bục dội ra từ lòng đất, cả bốn máy gia tốc không hoạt động như đã nêu ở trên. Vì thế, các nhà khoa học, không thể phục hồi được diễn biến thực tế của động đất giai đoạn đó ra sao.
Chỉ biết, trong tháng 11-2011 (ngắn hơn nhiều so với giai đoạn từ 24-12-2011 đến 15-4-2012), Viện VLĐC ghi nhận tới năm trận, tức là xác định được độ lớn và độ sâu chấn tiêu của từng trận.
Thiếu số liệu và số liệu không tin cậy, nhưng lãnh đạo Viện VLĐC liên tục khẳng định nguyên nhân “chắc chắn là những trận động đất kích thích”.
GS.TS Xuyên thiên về khả năng động đất do kích thích. Ông cũng quan tâm nhận định mới đây của TS Nguyễn Hồng Phượng về khả năng các trận động đất mới nhất và mạnh nhất là do kiến tạo vỏ trái đất, do các đứt gãy địa chất gần thủy điện Sông Tranh hoạt động. Tuy nhiên, ông cho rằng, tất cả chỉ đều là suy đoán.
“Trong bối cảnh động đất liên tục xảy ra, bà con và chính quyền địa phương ngày càng cảm thấy bất an như thế, tôi không hiểu tại sao đến hôm nay vẫn chưa cấp nào ra quyết định mặc dù kinh phí cho năm máy quan trắc động đất tại chỗ chỉ cỡ hai tỷ đồng”, GS.TS Xuyên thắc mắc.
Chuyên gia trên 40 năm kinh nghiệm cho rằng việc đoàn khoa học dự kiến ngày 12-9 công bố nguyên nhân động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 “vẫn khó thuyết phục vì thiếu các bằng chứng thực tế mà lẽ ra có thể khắc phục được nếu không vì tệ quan liêu”.
Thiết bị quan trắc động đất vẫn kẹt tại Nội Bài
Liên quan lô thiết bị quan trắc động đất của dự án Thủy điện Sông Tranh 2, do Cty TNHH Techcom Life Technology Việt Nam (trụ sở tại KĐT Mỹ Đình, Hà Nội) nhập khẩu bị ách tại cảng hàng không Nội Bài từ tháng 6, chiều qua (9-9), trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nội Bài, cho biết: “Đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa có công văn xin thông quan lô hàng này. Tôi chưa nắm được số liệu nợ thuế của doanh nghiệp này, vì phải tra cứu trên hệ thống”. Nhưng ông Liên cho hay, trong các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho mục đích chống bão lụt, dịch tễ… nếu có ý kiến của cơ quan cấp trên thì hải quan có thể xem xét cho làm thủ tục thông quan trước, nộp thuế sau.
Được biết, lô hàng được nhập khẩu từ Canada, đã về tới cảng Nội Bài từ ngày 4-6. Nhưng đến thời điểm này, cơ quan hải quan vẫn chưa cho thông quan vì doanh nghiệp còn nợ thuế của lô hàng nhập khẩu trước đó gồm 24 xe ôtô của dự án hỗ trợ y tế đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 1 tháng trước, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho thông quan gấp lô thiết bị này.
Theo TPO
Động đất không ảnh hưởng an toàn thủy điện Sông Tranh'
Chiều 6/9, Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) Lê Quang Hùng cho biết, các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng đến các vết trám tại các vị trí thấm của thủy điện sông Tranh. Nếu cần thiết thì thuê chuyên gia nước ngoài đánh giá động đất.
- Ông đánh giá thế nào về sự cố rò rỉ nước đập thủy điện Sông Tranh 2?
Ông Lê Quang Hùng. Ảnh: Đ.L
- Sự cố rò rỉ nước được xác định là do những tấm đồng chắn nước nằm trong khe của thân đập được thiết kế và lắp đặt chưa cẩn thận nên biến dạng, bị tách ra và nước thấm vào. Chi phí xử lý sự cố rò rỉ nước khoảng 40 tỷ đồng, do Chủ đầu tư và các nhà thầu chi trả vì công trình vẫn đang trong quá trình bảo hành.
Quá trình xử lý sự cố tại đập thủy điện này thực hiện theo đúng thiết kế. Trước tiên là thu nước trong hành lang. Sau 3 tuần, lượng nước ngấm đã giảm mạnh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thuê nhà thầu Trung Quốc xử lý dọc theo 10 khe co thấm mạnh nhất từ trên xuống dưới, lặn xuống nước để trám các khe. Còn việc trát rám mặt trên do Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Ngày 24/8, cơ quan nghiệm thu đã xác định nước thấm qua đập còn 3-5 lít/giây, trong khi trước đây có lúc trên 80 lít/giây. Điều này cho thấy cách thức chống thấm có hiệu quả, việc xử lý đã kịp hoàn tất trước mùa lũ.
Động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 khiến người dân sống trong sợ hãi. Ảnh:Trí Tín.
- Sau liên tiếp các trận động đất xảy ra những ngày qua, mức độ an toàn của công trình thủy điện này ra sao?
- Sau các vụ động đất liên tiếp, chúng tôi đã cử 3 chuyên gia đến hiện trường, xem xét trực tiếp và thấy rằng vết trám tại các khe của đập thủy điện không bị ảnh hưởng, không có phát sinh. Sự cố tại đập thủy điện là tình trạng nước thấm qua các khe có sẵn chứ không phải do đập bị nứt, vỡ. Giờ bịt hết các khe thì nước không thấm qua được nữa. Việc thấm qua các khe đã xử lý xong và được các chuyên gia đánh giá an toàn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chất lượng các công trình xây dựng đã chỉ định tư vấn độc lập Colenco (Thụy Sỹ) đánh giá. Họ rà soát lại các thông số thiết kế, kiểm tra lại chất lượng bê tông bằng cách khoan thân đập và kiểm tra tại phòng thí nghiệm, có sự chứng kiến của các bên, tính toán lại độ ổn định của đập với các thông số cập nhật và đưa ra một số giả thiết an toàn đập trong điều kiện xảy ra động đất mạnh hơn hoặc các điều kiện bất lợi khác.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã trưng cầu 10 chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau để phản biện lại đánh giá của Colenco. Ý kiến của các nhà chuyên môn và tư vấn khẳng định đập thủy điện đáp ứng yêu cầu an toàn và đủ điều kiện cho phép tích nước. Tuy nhiên, khi tích nước trở lại, chủ đầu tư vẫn phải theo dõi tiếp lưu lượng nước thấm có tăng lên không. Nếu có rò rỉ điểm nào đó thì lại tiếp tục xử lý hoặc hạ mức nước để xử lý.
Chủ đầu tư sẽ họp báo công khai tại tỉnh Quảng Nam để người dân biết việc xử lý chống thấm và độ ổn định an toàn của đập thủy điện, để người dân địa phương an tâm khi thủy điện tích nước trở lại.
- Nếu tiếp tục động đất, khả năng chịu đựng của thủy điện này ra sao?
- Thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế động đất cực đại là 5,5 độ richter, hoặc thông số gia tốc nền là 0,153 g. Thậm chí, đơn vị tư vấn còn tính toán mức độ động đất cao hơn tới 6 độ richter và thông số gia tốc nền là 0,22 g. Họ đã tính toán theo đặc điểm đứt gẫy của khu vực đó và chu kỳ động đất cực đại xuất hiện một lần trong 5.000 năm.
Với các số liệu ghi nhận được, độ mạnh nhất của động đất trong mấy năm qua là 3,5 độ richter, còn trong ngày 3/9 rung chấn mạnh nhất tại thân đập thủy điện là 4 độ richter và thông số gia tốc nền là 0.09 g. Cường độ động đất thực tế còn thấp so với thiết kế.
Đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.
- Vậy nguyên nhân nào gây động đất tại đây?
- Có 2 luồng ý kiến, thứ nhất cho rằng động đất kích thích là do tích nước gây ra. Song, theo nguyên lý, động đất kích thích có độ rung chấn thường thấp hơn thiết kế của đập thủy điện, do đó, chúng ta có thể yên tâm cho an toàn của công trình. Ý kiến thứ hai là do hoạt động địa chất khác gây ra, không phải do tích nước và cần các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu xác minh.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nếu cần thiết thì thuê chuyên gia nước ngoài để đánh giá động đất ở khu vực này và dự báo được các trận động đất tiếp theo có thể xảy ra. Nguyên nhân nào thì đập cũng được ổn định nếu độ rung chấn thấp hơn thiết kế.
- Đánh giá lại sự cố tại thủy điện Sông Tranh, ông có thể đưa ra bài học gì?
- Đây là bài học về công tác quản lý đầu tư xây dựng, với những công trình mức ảnh hưởng lớn mà người dân không được giám sát thì không thể giao khoán cho chủ đầu tư. Do vậy, nhiều công trình quan trọng sẽ phải có sự giám sát của cơ quan nhà nước, đại diện người dân. Chủ đầu tư cũng phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về sự cố động đất liên tiếp ở thủy điện Sông Tranh 2, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My và kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.Bộ KH&CN cần đưa việc nghiên cứu quá trình diễn biến động đất và lắp đặt hệ thống quan trắc tại khu vực công trình vào danh mục đề tài cấp nhà nước nhằm giúp người dân chủ động ứng phó. Viện KH&CN, Viện Vật lý Địa cầu cập nhật, chia sẻ thông tin quan trắc động đất từ trạm quan trắc ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu mua sắm thiết bị, công nghệ phù hợp để lắp đặt một hệ thống quan sát động đất với 5 trạm địa chấn tại huyện Bắc Trà My để theo dõi, nghiên cứu, cảnh báo.Ngoài ra, Quảng Nam cũng yêu cầu Ban quản lý Dự án thủy điện 3, Công ty Thủy điện Sông Tranh khẩn trương kiểm tra, báo cáo tình hình an toàn vận hành đập cung cấp các số liệu quan trắc động đất cho các cơ quan chức năng.Trong khi đó, phương án phòng chống lụt bão vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 do Ban quản lý dự án thủy điện 3 (chủ đầu tư) lập vẫn chưa được tỉnh Quảng Nam phê duyệt vì thiếu tình huống dự lường đập thủy điện vỡ. Đại diện lãnh đạo tỉnh cho rằng, chủ đầu tư cần phải lập phương án riêng trong công tác phòng chống lụt bão thì mới hợp lý.Theo VNE
Chưa hết bàng hoàng sau dư chấn Kể từ ngày hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước, bà con tui ở đây cứ lo ngay ngáy. Mặt đất thì rung lắc, phát nổ như bom. Còn đập chính thì bị nứt nước phun trào. Nhìn thấy cảnh ni làm răng mà yên tâm sinh sống được..."ông Hồ Văn Toàn nhà ở thôn 4 xã Trà Tân thở dài...