Chạch đồng
Mùa mưa già, cá đồng về chợ không còn khan hiếm. Giữa những trê, tràu, rô, lươn, ếch… nhiều người chợt xuýt xoa khi nhìn thấy một rổ chạch bùn.
Cá chạch tươi chuẩn bị đem kho lá gừng – Ảnh: Vĩnh Khánh
Những con cá chạch tươi ngon trong buổi chợ sớm mai gợi cho người ta nhớ quá đỗi một thời cách đây xa lắm. Thời tiết hồi xưa có khác, mùa mưa Nam bộ kéo dài hơn, suốt mùa hầu như ngày nào cũng có những trận mưa từ lâm râm cho tới “thúi đất”. Nước ngập ruộng đồng, vụ mùa bê trễ, nhưng cá, tôm, lươn, ếch… nhiều vô kể, ăn không hết. Không như sáng sớm nay, bà nhà quê bán cá dài giọng với khách bu quanh: “Tràu lớn nhỏ cân chung bảy chục ngàn một ký, lươn cũng bảy chục, ếch một trăm nhưng chạch là phải trăm hai”. “Trăm hai sao?”, các bà nội trợ già cả “yếu bóng vía” rụng rời. Vài bà sồn sồn đưa mắt ngó nhau, rồi rổ chạch nháy mắt chia tam sẻ tứ. “Chẳng hiểu sao giờ cá chạch hiếm, lội sình suốt đêm có chừng đó mà thôi”, bà bán cá vừa thấm nước miếng đếm tiền vừa vui vẻ kể.
Chạch bùn là loại cá chuyên “lủi” trong đất sình lạnh lẽo ngày mưa. Có lần mua được một mớ toàn con nhỏ độ chừng một ngón tay út mà thôi, bắc chảo chiên giòn cuốn bánh tráng với bún, rau sống, chấm nước mắm tỏi ớt, nhai rau ráu cả xương, ăn no thay bữa trưa cũng được. Chạch to hơn đem kho rau răm, kho lá gừng, món nào cũng bắt cơm đặc biệt trong tiết trời giá lạnh, mưa suốt đêm ngày. Cá đồng ăn tốt ở chỗ, người ta không dùng hóa chất hay nước đá giữ tươi luôn luôn như cá biển. Quê tôi cá đồng về chợ chỉ độ hai giờ đồng hồ, từ năm tới bảy giờ sáng là hết sạch. Cá mua đem về nhà cũng làm liền, ăn sạch. Thành ra chưa nghe ai phàn nàn “hôm qua ăn phải một con chạch không tươi”.
Video đang HOT
Cá chạch ăn ngon, nhưng khi còn sống thì rất nhớt, cầm ghê ghê tay, trơn tuột. Có thể dùng lá chuối khô hay lá ổi, cẩn thận vuốt sạch nhớt từng con, cắt bỏ một chỏm nhỏ phần đầu rồi rửa sạch trước khi chế biến. Ruột chạch khá sạch, béo, đừng lọc bỏ đi mà uổng. Cá đem kho lá gừng là món ăn phổ biến ngày mưa vì nhanh gọn và hạp khẩu vị của cả gia đình. Chỉ cần nấu sẵn lưng nồi nước sôi với vài trái ớt tươi, cho cá vào, nêm nếm gia vị vừa miệng và cho thêm vào nồi nắm lá gừng cắt trong vườn nhà. Tiếng là kho cá, thực ra giống như nồi canh, nhưng đặc trưng món này là nêm vị đậm hơn, nên khi chan cơm thì nhớ chan ít lại để khỏi mặn.
Trời vẫn mưa dầm rả rích, với tay lấy chiếc nón lá đội lên đầu, ra sau vườn gom một rổ rau ghém. Rổ rau tươi non ấy đem rửa sạch, dọn ăn cơm. Múc riêng một chén nước cá kho, ai thích mặn mòi hơn thì nêm thêm chút nước mắm, dằm thêm trái ớt. Rồi ta cứ cuộn từng cuộn rau ghém, chấm nước cá, và cơm. Thỉnh thoảng gắp con chạch béo ngậy cho luôn vào miệng, cắn đôi nhai chung với cơm, rau. Vị ngon trộn lẫn vị cay của ớt, hít hà với bữa cơm quê…
Theo PNO
Đừng quên bụi gừng
Kho tàng gia vị - bài thuốc Việt gần như vô tận. Quan trọng là khả năng ứng dụng và độ thấu cảm của người... giữ lửa! Đừng quên bụi gừng!
Cô Ba "cháo lòng" ngẩn ngơ gần cả buổi, sau khi thưởng thức bữa ăn đạm bạc gồm canh cá lòng tong nấu lá gừng với khô cá tra phồng chiên vừa lửa ở nhà người bạn thân.
Húp chậm vài muỗng canh nóng, cô cảm nhận rõ hương vị thanh nồng đặc trưng của tinh dầu gừng đang lan tỏa trong vòm họng, cùng độ ngọt thơm lẫn beo béo từ lớp thịt săn chắc của đám lòng tong "đẫy đà".
Đọt gừng "mắc nợ" cá đồng lẫn cá sông! - Ảnh: Tạ Tri
Hơi lạnh, do đám mưa bất chợt mà "dai nhách" từ xế chiều cũng "xếp giáo quy hàng" trước mớ lá gừng non xắt nhuyễn. Bằng chứng là cô Ba nghe người ấm dần, cảm giác thèm ăn dâng trào.
Trước hiện trạng rau sạch - bẩn lẫn lộn, cô Ba phải tự cứu mình bằng cách trồng nhiều chậu rau gia vị trên sân thượng và bên hiên nhà. Trong đó hành và gừng, được di thực từ cố hương Tuy Hòa, Phú Yên. Giống hành hương cọng mảnh khảnh nhưng thơm phải biết. Nhờ vậy nồi cháo lòng của cô thêm đắt hàng. Cho nên, số lượng chậu hành nhiều và được cưng hơn so với đám gừng, rau răm, ớt hiểm...
Còn củ gừng miền Trung trông gầy guộc nhưng thơm mạnh, cay nồng ấm hơn gừng Nam bộ. Song chủ gia ít dùng tới.
Cuối tuần, cô dâu tương lai - bạn thằng Út - hồi hộp vào bếp nhà cô Ba làm món cá rô đồng kho lá gừng "coi như quà ra mắt"... đàng trai. Mớ lá gừng non được gói cẩn thận trong 3 lớp lá chuối tươi, từ Cần Giuộc "lặn lội" về Cần Thơ, trên 140km, vẫn còn xanh non!
Cùng lúc, chồng cô Ba vừa chở mấy con chim sáo, hoành hoạch đi tắm nắng và hót giao lưu về.
Khoảng 25 phút sau, miệng chiếc nồi đất ám khói lưu niên, đã phì phò những làn khói mỏng lẫn mùi thơm điếc... mũi. Đang ngọng ngịu nói chuyện với mấy chú chim ngoài sân, chồng cô Ba bỗng... thẩn thờ! Trời sinh mỗi người mỗi... "nết", cứ nghe mùi cá kho thơm "nức nở" ông xã cô Ba lại thèm vài ly rượu thuốc...
Ngỡ ngàng hơn, khi cô Ba cùng một số bạn thân được nội tướng của một thân vương triều Nguyễn ở Gò Vấp, TP.HCM, đãi món ốc bươu hấp cháo bì. Cắn miếng chả ốc dẻo dai, giòn giòn, béo bùi nhấn nhá. Húp thêm muỗng cháo nếp thơm lừng, phớt xanh nhờ ít nước cốt ngồng cải bẹ xanh pha trộn. Nhăn nhẹ đọt gừng the nồng dìu dịu... Chúng hài hòa đến độ, cứ ngỡ như trời sinh ra gừng chỉ để "gả" riêng cho ốc!
Theo Ihay
Khi chạch râu "ấp ôm" rau chùm ngây Điều kỳ diệu gì sẽ xảy ra khi "hoàng tử" chạch râu âu yếm nàng "công chúa" rau chùm ngây? Chỉ có người mai mối mới nhận rõ bao hấp lực từ "đám cưới" lạ lẫm này. Tất nhiên, mọi chuyện đều có căn nguyên, cũng như chưa nổi gió thì không hề thấy bão. Trong một lần viết bài về bánh tét...